Home Tin Tức Thời Sự Lào lo ngại về đầu tư của Trung Quốc

Lào lo ngại về đầu tư của Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: Conor Woodman /Phóng viên BBC, tường thuật từ Boten, Lào   
Thứ Năm, 02 Tháng 6 Năm 2011 09:42

Đầu tư của Trung Quốc tại nước láng giềng Lào đang khiến người dân địa phương lo ngại

 là các đồn điền cao su và sòng bạc mà Trung Quốc dựng lên đang làm tổn hại tới lối sống của họ.


Các cửa hàng của người Hoa với các biển hiệu tiếng Hoa tràn làn ở các làng người Lào tại Boten

 

Hãy đặt tiền cược của quí vị đi!

Người hồ lì tại sòng bạc đánh tiếng chuông báo hiệu chấm dứt việc những tờ tiền giấy của Trung Quốc được ném lả tả xuống bàn bạc.

Mọi người đều ủng hộ một người đàn ông này, người hiện đã đang thắng liên tục các ván bạc.

Người hồ lì chia 2 con bài và sau đó lật lên cho thấy người đàn ông kia phải thắng là gì: đó là một con chín pích.

Mọi sự chú ý hướng về phía người đàn ông, người lật một quân bài khác và sau đó đập quân bài xuống mặt bàn trải vải bông.

Át cơ.

Mọi người hò reo - ông ta đã thắng và vì thế họ cũng thắng.

Sòng bạc này là một trong vài sòng bạc tại thị trấn Boten, nơi khách được chào đón với một vẻ cung kính "ni hao", "xin chào" bằng tiếng Trung phổ thông.

Điều đáng chú ý là sòng bạc này không phải ở Trung Quốc, nơi đánh bạc bị nghiêm cấm, nhưng ở phía bên kia biên giới, tại nước láng giềng Lào.

Các nhà đầu tư thuê toàn bộ thị trấn và các vùng lân cận từ chính phủ Lào để sử dụng trong 60 năm.

Mở rộng nhanh chóng

Tại Boten, các biển hiệu đường bộ đều bằng tiếng Trung Quốc, nhân viên trong các khách sạn nói tiếng Hoa.

Dọc phố chính của thị trấn là một dãy hàng ăn bán bánh bao và vịt chiên và bên ngoài các quầy hàng là các cô gái bán dâm trẻ người Trung Quốc đi đi lại lại cho tới đêm.


Chính phủ Lào đã cho các công ty Trung Quốc thuê đất trong 60 năm


Tôi gặp Robert, một nhân viên bảo vệ làm việc tại sòng bài đang hút thuốc lá bên ngoài vào giờ giải lao.

"Nơi đây vốn chỉ là một làng khỉ ho cò gáy của Lào", Robert nói với tôi.

"Họ đưa cho mỗi người dân khoảng $800 và bảo họ hãy ra khỏi đây.

"Kể từ đó, nay nó về cơ bản đã thành một thị trấn của Trung Quốc."

Và đầu tư của Trung Quốc ở Bắc Lào còn đi xa hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở các sòng bạc của Boten.

Một số công ty cao su của Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng văn phòng ở gần Luang Namtha.

Chỉ cần vượt qua biên giới, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc là một trung tâm đang rất phát triển ngành công nghiệp chế biến cao su toàn cầu, sản xuất cao su cho tất cả các loại sản phẩm, từ lốp xe đến bao cao su.

Nhưng không còn chỗ để trồng thêm cây tại đây, các công ty của Trung Quốc đã nhìn ra xa hơn.

Chính phủ Lào tin rằng họ đã phát hiện một cơ hội.

Đánh liều với suy nghĩ rằng tiền từ sản xuất cao su của Trung Quốc có thể mở lối "đi tắt đón đầu" cho phát triển tại vùng này, Lào đã đề nghị những khuyến khích rất hào phóng về ưu đãi thuế và giảm giá đất đai.

Ban Chagnee là một làng nằm trong số những ưu đãi về đất đai này.

 
Người dân làng lo ngại trước làn sóng người Hoa do các công ty Trung Quốc đưa tới

 

Tôi tới làng này vào đúng lúc trời mưa lớn, và một người đàn ông trẻ gầy gò với khuôn mặt dài khắc khổ tên là Borsai đã mời tôi vào trú mưa.

Trong khi đàn gà của ông kêu lục cục ngoài sân sau, Borsai ngồi xổm trên sàn và rót ra một chén whisky.

"Cách đây bốn năm," ông nói, đẩy ly rượu về phía tôi, "quân đội tới đây và nói với chúng tôi là chính phủ đã bán đất của chúng tôi. ai muốn lại trồng lúa ở đây sẽ bị bắt."

Quân đội đề nghị bồi thường rất ít.

"Họ trả tôi 15 xu cho công việc tôi làm mỗi ngày," ông nói.

"Chẳng trả xu nào cho thóc gạo, nói gì đến đất đai."

Chính phủ Lào lập luận rằng chiến lược đổi đất của dân làng lấy công ăn việc làm là cần thiết vì lợi ích chung của đất nước.

Nhưng Borsai nói chỉ có các chính trị gia và các tướng lĩnh được lợi nhờ các vụ lại quả và tham nhũng.

"Chúng tôi thích lối sống cũ," Borsai nói.

"Đúng vậy, chúng tôi có thể làm ra tiền nếu làm việc cho người Trung Quốc, nhưng chi tiêu của chúng tôi đắt đỏ hơn.

"Chúng tôi đáng lẽ chi tiền vào lúa gạo nhưng thay vào đó chúng tôi chi tiền vào thẻ điện thoại và rượu."

Xu thế "đáng lo ngại"

Không chỉ các công ty Trung Quốc có thể trồng cao su tại Lào.

Đi thêm hơn 80 cây số nữa, Han Yuang mạnh dạn nói với tôi là trên thực tế ông là người đầu tiên đến Lào trồng cây cao su cách đây 14 năm.

Ông Han nay đã ở độ tuổi trên 60. Ông học được kỹ thuật cần thiết để trồng cao su vào thời gian ông sống lưu vong ở Trung Quốc sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Nay trở lại Lào, ông và các con trai ông trồng cao su trên 50 mẫu đất và có thể đem lại một thu nhập tốt cho năm nay.

Ông chia sẻ những kiến thức của mình rất thoải mái nhờ vậy mọi gia đình trong làng này đều được lợi lợi từ trồng cao su.

"Chúng tôi ở đây không giàu," ông Han nói với nụ cười lộ ra hai chiếc răng duy nhất còn lại.

"Cứ nói là chúng tôi đủ ăn."

Nhưng ông Han không hài lòng với tất cả những gì ông đang chứng kiến.

"Tôi lo ngại về tất cả những gì các công ty của Trung Quốc đang vào Lào," ông nói.

"Làm sao họ tìm đủ người để làm việc với từng đó cây cao su?"

Một nông trại cao su cần 3-4 người trên một mẫu để bảo đảm tận dụng hết sản ượng.

Cộng tất cả đất đai mà các công ty Trung Quốc đã thuê được thì có nghĩa là cần tới một triệu người tại đây.

"Liệu họ có kế hoạch đưa một triệu người Trung Quốc tới Lào hay không?" ông Han đặt câu hỏi.

"Điều đó sẽ ảnh hưởng tới văn hóa của chúng tôi ra sao đây?"