Pháp : Gương thành công của người Việt ở tỉnh lẻ |
Tác Giả: Tuấn Thảo |
Thứ Tư, 01 Tháng 6 Năm 2011 08:41 |
Ngoài việc tảo tần buôn bán, nuôi em ăn học, chị Minh Nguyệt còn tham gia khá nhiều vào các sinh hoạt... Thành phố Lorient ở vùng Bretagne, miền Tây Bắc nước Pháp chỉ có khoảng 58 ngàn dân tính luôn cả các vùng phụ cận. Số người Việt định cư ở trung tâm thành phố này có thể được đếm trên đầu ngón tay, mở rộng ra hơn nữa với các vùng ngoại ô, thì chỉ có gần 30 gia đình Việt Nam. Chị Lý Minh Nguyệt trong khuôn khổ cuộc triển lãm ảnh chụp về cộng đồng Việt Nam ở Lorient (Tuấn Thảo / RFI) Đa số những gia đình này thuộc dạng người tỵ nạn vượt biên đến lập nghiệp tại Lorient từ những năm 1979 - 1980, thời mà nước Pháp mở cửa tiếp đón làn sóng thuyền nhân. Hầu hết những người Việt đến Pháp vào thời này đều chọn ở lại các thành phố lớn để tiện bề làm ăn buôn bán. Những gia đình người Việt nào chọn về sinh sống ở các tỉnh lẻ, tuy rất được chính quyền địa phương ưu đãi, nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn : từ chuyện có đủ gia vị để nấu các món Việt Nam, cho đến việc sinh hoạt với cộng đồng, gần gủi với người đồng hương. Phải chăng vì thế mà ở tỉnh lẻ, người ta cảm thấy các gia đình người Việt thường lui tới và đùm bọc lẫn nhau nhiều hơn. Nhân dịp đến thành phố Lorient để tham dự chương trình Tháng văn hóa Việt Nam, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu thêm về nếp sinh hoạt của những người Việt tại chỗ. Ở đây, chúng tôi có dịp gặp mặt gia đình chị Lý Minh Nguyệt, người đầu tiên cách đây gần 30 năm mở cửa hàng bán thức ăn và thực phẩm Việt Nam tại trung tâm thành phố Lorient. Điều này sau đó mở đường cho các gia đình khác kể cả người Lào và người Miên gốc Việt ở xung quanh thành phố Lorient khai trương các siêu thị bán thực phẩm Á Đông. Khi hỏi người dân Lorient, ở đâu người ta có thể mua nước mắm, gạo nếp, trà xanh, dầu hào và các loại gia vị khác, họ đều chỉ đến cửa hàng của chị Lý. Báo chí địa phương đều nhắc đến gia đình của chị như một trường hợp khá tiêu biểu cho sự hội nhập thành công trên đất Pháp. Ngoài việc tảo tần buôn bán, nuôi em ăn học, chị Minh Nguyệt còn tham gia khá nhiều vào các sinh hoạt để giúp đỡ những người đồng hương, từ các bác sĩ Việt Nam đến Lorient để thực tập, giới sinh viên đi du học hay những gia đình đến từ Việt Nam sang tận vùng Bretagne đi làm theo diện xuất khẩu lao động. Vì cũng như chị nói : người đồng hương không có là bao, thấy người ta gặp khó khăn như mình thuở nào, chẳng lẽ khoanh tay đứng nhìn hay ngoảnh mặt làm ngơ.
|