Nước Pháp đang ở vào thời điểm Anatia Hill. Khi vị nữ giáo sư luật điều trần trước một ủy ban Thượng Viện Hoa Kỳ hồi năm 1991 rằng ông xếp cũ của cô, là Clarence Thomas, đã sách nhiễu tình dục cô, ông này chối bỏ mọi sự và được chuẩn nhận vào chức Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Nhân viên an ninh đứng gác trước ngôi nhà nơi cựu Tổng Giám Ðốc IMF Dominique Strauss-Kahn đang bị quản thúc tại gia tại New York, chờ bị đưa ra tòa xét xử tội mưu toan tấn công tình dục. (Hình: Timothy A. Clary/AFP/Getty Images)
Nhưng những buổi điều trần này trở thành ngả rẽ trong tâm tư và công luận Mỹ. Phụ nữ bổng dưng bảo rằng những hành vi kiểu đàn ông khát tình mà họ phải chịu đựng bấy lâu tại sở làm - đá lông nheo, sờ soạng, buông lời cợt nhã - là không thể nào chấp nhận được. Ðàn ông thì vẫn cứ không hiểu sao chuyện này lại quan trọng đến thế. Nhưng rồi ngành lập pháp cũng đưa ra thêm các luật lệ kềm chế nạn sách nhiễu tình dục, và các cơ sở kinh doanh khởi sự áp dụng các lề lối cư xử nghiêm nhặt hơn để gộp luôn các mối quan hệ tình dục tại sở làm vào đó.
Nước Pháp, nơi những người đàn ông có thế lực vẫn có truyền thống coi chuyện tình dục là quyền của họ và đã sử dụng nó như một vũ khí, hiện nay đang bị lâm vào trận chiến giống phái riêng của họ, có liên hệ tới một nhân vật đầy quyền thế - mà còn có triển vọng sau này là tổng thống nước Cộng Hòa - và một bà mẹ độc thân làm công việc dọn phòng khách sạn.
Dominique Strauss-Kahn đã chối bỏ mọi lời buộc tội ông, dĩ nhiên là thế. Nhưng bỗng dưng một số phụ nữ Pháp lại khởi sự nói về cái bầu không khí dung thứ cho những hành vi tình dục từng vượt quá lằn ranh và có thể trở thành trọng tội. Nicole Bacharan, một chuyên gia khoa học chính trị, nói: “Tại Pháp, nếu một người than phiền về hành vi kia, kẻ đó sẽ bị gán cho tội quấy rối và là một kẻ sống chay tịnh chỉ vì không có nhan sắc hấp dẫn và quyến rũ. Cuối cùng, phụ nữ chỉ nói với nhau những gì xảy ra cho họ và các bạn gái của họ, về chuyện sách nhiễu tình dục là gì, và khi nào thì người ta mới nên đi khiếu nại.”
Câu chuyện sẽ dài dòng và đầy khúc mắc. Người Pháp có khuynh hướng ưa làm lu mờ lằn ranh giữa những sự việc gì chấp nhận được - hoặc đáng thèm muốn - tại sở làm và những gì không. Ðối với họ thì chuyện tán tỉnh, hoặc là những hành vi bị cấm đoán kể từ sau vụ Anita Hill tại Mỹ, là thuộc về lãnh vực ứng xử thông thường.
Các ông chủ người Mỹ bị cảnh cáo rằng hành vi của họ đã đi quá xa khi ho khen các nữ nhân viên về màu áo hoặc kiểu tóc. Tại Pháp, những nhận xét như thế vẫn được coi là bình thường. Thật sự, phụ nữ Pháp vẫn có thói hay thông đồng với người khác phái trong bối cảnh tình dục luôn hiện diện. Họ lại dùng sự cám dỗ “làm vũ khí để tự vệ trước tính dê xồm (machismo) của đàn ông,” nói theo lời của Marie-France de Chabaneix, sáng lập viên của một công-ty ăn kiêng và mỹ phẩm. Hễ khi nào những lời sầm xì về hành vi tình dục của Strauss-Kahn vọng lên thì bà vợ của ông, là Anne Sinclair, một trong những nhà báo truyền hình đáng nể nhất của Pháp, đều công khai bên vực ông - y như lần này vậy. Có lần, khi được hỏi thử bà có đau khổ vì chồng mang tiếng là kẻ ưa dụ dỗ phụ nữ hay không, thì bà đáp: “Không, mà tôi còn hãnh diện nữa là đằng khác! Ðiều quan trọng đối với một nam nhân trên chính trường là phải có khả năng dụ dỗ. Chừng nào mà tôi vẫn có khả năng dụ dỗ anh ấy và anh ấy vẫn dụ dỗ tôi, thì như thế là đủ rồi.”
Mặc dù có nhiều phụ nữ được biết tiếng trên chính trường và thương trường, Pháp quốc vẫn là một xã hội do đàn ông chế ngự. (Lương của phụ nữ ít hơn của đàn ông khoảng 20%; và có chưa tới 20% đại biểu tại Quốc Hội Pháp là phụ nữ.) Và cũng giống như trường hợp của Anita Hill, vẫn có những kẻ ủng hộ Strauss-Kahn quả quyết rằng ông là nạn nhân của những lời buộc tội vô căn cứ. Vào ngày 17 Tháng Năm, triết gia Bernard-Henry Lévi bày tỏ cảm nghĩ của ông trên Ðài Phát Thanh Quốc Tế Pháp: “Có khi nào quý vị nghĩ, cho dù là một giây thôi, chúng ta sẽ còn là bè bạn nếu quý vị đã cho rằng DSK [tên gọi tắt ở Âu Châu của Dominique Strauss-Kahn] là một tay hiếp dâm dữ dằn, một kẻ thô lỗ, loại đàn ông chuyên rình mò và chụp giựt bất cứ phụ nữ nào mà ông ta gặp hay không?”
Nhưng trong lúc câu chuyện còn đang tiếp diễn, người ta bắt đầu chuyển hướng sự chú ý đến chuyện liệu Strauss-Kahn có bị gài bẫy hay không - và đặc tính được coi là tàn nhẫn của hệ thống pháp lý Hoa Kỳ khi để cho công chúng thấy nhân vật này bị còng tay và rồi còn không cho ông được cạo râu hay đeo cà-vạt khi bị lôi ra để cáo tội trước tòa. Theo một mức độ gia tăng, người ta thương cảm hơn cho người nữ công nhân khách sạn khi chính cô mới là nạn nhân thật sự trong vụ này. Bộ Trưởng Môi Trường Pháp Nathalie Kosciusko-Morizet nói với trang mạng của báo Le Figaro: “Khi chúng ta đề cập tới vụ án này, chúng ta phải nói đến sự thể có một nạn nhân.” Lãnh tụ đảng Xã Hội Pháp Martin Aubry kêu gọi dư luận hãy biểu lộ “lòng kính trọng” đối với cô công nhân khách sạn.
Thái độ mới cũng có giới hạn của nó. Không có ai lại đề nghị rằng nước Pháp hãy học theo lối điều tra kiểu Mỹ vào những sự việc diễn ra trong mọi phòng ngủ của giới có thế lực. Nhưng các nhà hoạt động xã hội đang kêu gọi phải gạt bỏ sự cấm kỵ trong việc bàn luận về những vụ hãm hiếp, và các nhà tranh đấu cho nữ quyền đang yêu cầu phải mở các lớp huấn luyện về cách thức đối phó với tệ trạng sách nhiễu tình dục tại sở làm bên Pháp. Nhà xã hội học Bacharan bình luận thêm: “Vụ án này có thể sẽ không làm thay đổi các luật lệ của xã hội, nhưng nó có thể làm thay đổi thái độ con người. Khi nghe giới đàn ông nói câu ‘Trời, ông ấy thật có tài dụ dỗ đàn bà. con gái, và lúc nào cũng yêu mến phụ nữ hết...’’ thì xin quý vị chớ có tán đồng. Ðây không phải là chỗ để nói ‘Trời, người Pháp chúng ta lúc nào cũng yêu thích thức ăn và đàn bà.’ Bởi vì phụ nữ chúng ta đâu có phải là miếng sô-cô-la.”
|