Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28/O5/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28/O5/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 29 Tháng 5 Năm 2011 05:42

Kadhafi sẽ không có tương lai trong một đất nước Libya tự do và dân chủ : ông ta phải ra đi .

Thượng đỉnh G8: Kadhafi phải ra đi

Từ phải sang trái: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống
Nga Dimitri Medvedev và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại
Hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức ở Deauville, Pháp ngày 26/5/11.
Reuters

Hôm qua 27/5 tại Deauville, tám vị nguyên thủ của khối G8 đã thông qua tuyên bố chung kêu gọi ông Kadhafi phải rời bỏ quyền lực. Đây là lần đầu tiên Nga tán đồng quan điểm này. Như vậy, số phận ông Kadhafi dường như đã được khối G8 định đoạt, như nhận định của nhật báo Libération trong bài viết « Kadhafi bị vùi chôn tại Deauville ».

Bên lề hội nghị G8, vào cuối buổi sáng hôm qua, Thứ trưởng ngoại giao Nga, ông Serguei Riabkov tuyên bố : « Kadhafi phải ra đi ». Như vậy, Nga đã mạnh tay hơn trên hồ sơ Kadhafi. Nên nhớ rằng, khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua nghị quyết 1793 về việc can thiệp quân sự vào Libya, Nga và Trung Quốc đã không tham gia bỏ phiếu, và cũng không tán đồng với Anh, Pháp và Mỹ trong việc kêu gọi ông Kadhafi rời bỏ quyền lực.

Để rồi vào giữa trưa hôm qua, Nga đã chính thức ký vào tuyên bố chung của khối G8, theo đó « Kadhafi và chính phủ của ông này đã không hoàn thành trọng trách bảo vệ nhân dân Libya, và như vậy đã mất tính hợp pháp. Kadhafi sẽ không có tương lai trong một đất nước Libya tự do và dân chủ : ông ta phải ra đi ».

Hơn thế nữa, theo lời kêu gọi của Mỹ và Pháp, Tổng thống Nga cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian giải quyết vụ việc, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng : « Thế giới đã không còn xem ông Kadhafi là người lãnh đạo Libya nữa ».

Về phần mình, Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua cũng khẳng định « Chiến dịch tại Libya đang chuyển sang một giai đoạn mới ». Libération cho hay, vừa rồi, Pháp và Anh đã điều đến ngoài khơi Libya hai tàu trực thăng, hai tàu này sẽ nhanh chóng « ra trận ».

Cũng tại hội nghị này, Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, ông Arm Moussa tỏ ra bi quan, khi cho rằng, ông hiểu rõ con người Kadhafi, và ông chắc Kadhafi sẽ không tình nguyện rời bỏ quyền lực.

Trong khi đó, Tổng thống Nigeria, ông Mahamadou Issoufou hôm qua cũng lên tiếng lo ngại cho tình hình hiện tại ở Libya sẽ giống như ở Somalia, và làm cho khu vực này bất ổn.

Theo ông Luis Moreno-Ocampo , Công tố viên trưởng của Tòa án hình sự quốc tế (ICC), khủng hoảng tại Libya đã làm cho hơn 750.000 người phải tản cư ra nước ngoài và làm chết nhiều ngàn người. Ông này cũng yêu cầu ICC tống đạt lệnh bắt giam Kadhafi về tội ác chống lại nhân loại.

Mỹ và Pháp « đồng thanh tương ứng »

Có cùng cách nhìn nhận với Libération, Le Figaro cho rằng : lần đầu tiên Nga đồng ý kêu gọi Kahafi ra đi. Hơn thế nữa, cũng lần đầu tiên Nga chấp nhận làm trung gian trong vụ việc này. Tờ báo cũng cho biết, trước khi hội nghị Deauville diễn ra, Nga đã mạnh mẽ cảnh báo : « G8 không nên biến thành một tổ chức đề ra những biện pháp gây sức ép và trừng phạt ».

Le Figaro cũng quan tâm đến sự « đồng thanh tương ứng» của Mỹ và Pháp tại hội nghị. Tờ báo cho biết, hôm qua, bên cạnh Tổng thống Pháp Sarkozy tại Deauville, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố «Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc không được thực hiện thành công vì ông Kadhafi vẫn còn đó để điều hành quân đội đàn áp thường dân ». Tổng thống Pháp lập tức tiếp lời « Chúng tôi cũng có phân tích tương tự ». Le Figaro đã dùng từ « cặp bài trùng rất đồng thuận » để chỉ hai vị nguyên thủ Pháp và Mỹ.

Cần tiến hành cách mạng kinh tế tại các nước Ả Rập

Thượng đỉnh Deauville cũng đã quyết định sẽ hỗ trợ đến 40 tỷ đô la cho các quốc gia vừa trải qua mùa xuân Ả Rập. Libération phân tích quyết định này trong bài xã luận mang tên «Sức ép».

Tác giả cho rằng, hiện tại không còn là lúc để nghi ngờ, để thận trọng, mà là thời điểm cấp bách. Thế giới Ả Rập đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng. Kinh tế Tunisia và Ai Cập đang vô cùng u ám. Libya đang chìm trong máu lửa. Các chế độ độc tài khác trong khu vực đang chao đảo giữa sự đàn áp đẫm máu và khát vọng dân chủ mong manh.

Tuy nhiên, lời hứa này có nhiều điểm đáng bận tâm.Trước tiên, nó được đưa ra bởi những cường quốc đang nợ nần chồng chất. Kế đến, không có gì rõ ràng về cách thức hỗ trợ trong gói viện trợ này, như phương thức hỗ trợ, tiến trình thực hiện hay điều kiện hỗ trợ. Thêm vào đó là tình trạng tiền viện trợ thường không được sử dụng đúng mục đích, mà lại rơi vào túi riêng của giới lãnh đạo.

Vì thế, theo tác giả, mối bận tâm của G8 và châu Âu là làm sao có thể tái lập những thể chế hoạt động hữu hiệu và minh bạch trong khu vực này. Tức là họ sẽ phải không ngừng gây sức ép, để đảm bảo rằng tiền hỗ trợ được sử dùng đúng mục đích là cải cách dân chủ và những đề án đổi mới.

Cuối cùng, tác giả kết luận : Một cuộc cách mạng kinh tế phải tiếp bước cuộc cách mạng chính trị, nếu không sẽ kéo dài tâm lý chán nản, sự bất ổn, tình trạng vô chính phủ và sự hoảng loạn.

Pháp bán tàu trực thăng cho Nga

Cũng tại Deauville, Nga và Pháp đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hợp đồng cung cấp 4 tàu trực thăng Mistral của Pháp cho hải quân Nga. Le Monde nhận định : thỏa thuận có ý nghĩa biểu trưng cao, vì đây là lần đầu tiên một nước thành viên NATO bán thiết bị quân sự nhạy cảm cho một nước cựu thành viên Liên bang Xô Viết.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hoan hỉ khẳng định: « Chúng tôi đã thỏa thuận về mọi thứ, tất cả đã được giải quyết ». Ông cũng cho biết, hợp đồng chính thức sẽ được ký kết từ nay cho đến ngày 21/6, ngày thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đã xác nhận rằng, trong số 4 tàu giao dịch, hai tàu sẽ được sản xuất tại nhà máy đóng tàu STX ở Saint-Nazaire của Pháp, còn hai chiếc sẽ được chế tạo tại nhà máy đóng tàu của Nga.

Tuy nhiên hai vị nguyên thủ không tiết lộ về giá trị hợp đồng, mà theo Le Monde có thể lên đến 1,5 tỷ đô la. Hai vị cũng không nói về những trang thiết bị, nhất là điện tử, của các tàu này. Được biết, mỗi chiếc tàu Mistral dài 200m, với quy mô chỉ đứng sau hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle.Trước đó, hợp đồng này bị trì hoãn do những bất đồng về chuyển giao công nghệ có liên quan của Pháp cho Nga.
Hợp đồng bắt đầu được thảo luận từ cuối năm 2008, chỉ vài tháng sau khi Nga chiếm một phần nam Georgia. Khi ấy, tư lệnh hải quân Nga khẳng định, chỉ với một chiếc Mistral, Nga sẽ chiến thắng Georgia trong vòng 40 phút, thay vì phải mất đến 26 tiếng đồng hồ.

Các tướng lĩnh Pháp nhấn mạnh là muốn xây dựng quan hệ đối tác với Nga. Ngay cả Tổng thống Sarkozy cũng tuyên bố vào hôm thứ năm rằng: « Pháp tin rằng thời ký chiến tranh lạnh đã qua đi, và hiện tại cần nên xem Nga là một người bạn, và nên cùng Nga suy nghĩ xây dựng một không gian an ninh rộng lớn và thịnh vượng chung ».

Tờ báo nhắc lại, suốt nhiều tháng trời, hợp đồng Pháp-Nga đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp với các nước Đông và Trung Âu, đặc biệt là sự chỉ trích của Mỹ. Để trấn an các đồng minh, Pháp đã khẳng định, tàu bán cho Nga không có trang bị quân sự.

Theo Le Monde, ngoài vai trò chiến lược của Mistral đối với giới quân sự, hợp đồng này còn giúp cho các nhà công nghiệp Nga hiện đại hóa. Các xưởng đóng tàu của họ đã không sản xuất tàu chiến từ 10 năm nay. Về phía Pháp, lợi ích kiếm được cũng chẳng nhỏ : nhiều hợp đồng khác đang được bàn thảo, trong đó có hợp đồng bán cho Nga từ 500 đến 1.000 xe tăng bọc thép hạng nhẹ (VBL) do hãng Panhard của Pháp sản xuất.

Thoả thuận thương mại Trung Quốc-Đài Loan : Đôi bên cùng có lợi

Bài nhận định về quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan đăng trên tờ Le Figaro mang dòng tựa : « Thương mại : Đài Loan và Trung Quốc đang trong tuần trăng mật ».

Được phê chuẩn hồi tháng 6/2010 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2011, thỏa thuận kinh tế Trung-Đài đã tồn tại được gần sáu tháng. Trong sáu tháng này, hai miền eo biển điều kiếm được nhiều lợi ích.

Do có nhiều loại thuế quan bị bãi bỏ, Đài Loan đang có triển vọng tăng đến 5% lượng xuất khẩu sang Trung Quốc với giá trị đến gần 14 tỷ đô la. Ông Mã Anh Cửu cũng đã hứa cho thành lập một cơ quan cấp chính phủ đặc trách phát triển trao đổi thương mại với Trung Quốc.
Về phần mình, từ tháng 12/2010, các doanh nghiệp Trung Quốc đã có hàng trăm dự án đầu tư ở Đài Loan. Đài Bắc cũng đã cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia chế tạo màn hình phẳng và các dụng cụ bán dẫn với tỷ lệ 10% cổ phần.

Hiện tại Trung Quốc và Hồng Kông chiếm đến 40% thị phần xuất khẩu của Đài Loan. Còn Đài Loan thì cũng đã đầu tư đến 200 tỷ đô la ở hai nơi này.

Các doanh nghiệp tỏ ra hoan hỉ. Một doanh nhân Trung Quốc đang ăn nên làm ra tại Đài Loan nhận định, dù có khác biệt về chính trị, nhưng khi làm việc khác biệt này không còn nữa. Người này nhấn mạnh : « Tất cả chúng tôi đều giống nhau, đều là người Hoa cả ».
Tuy nhiên, phía Đài Loan tỏ ra lo ngại do do kinh tế quá lệ thuộc vào việc giao thương với Trung Quốc. Một quan chức ngoại giao cao cấp của Đài Loan cho rằng, Đài Loan không nên « đặt hết trứng vào trong cùng một rổ », mà ngoài Trung Quốc ra, nên tìm cách giao thương với nước khác, và nên bắt đầu bằng cách hướng đến Ấn Độ. Thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc có thể tạo thuận lợi cho ý định này.

Hơn nữa, ở châu Á, ngày càng có nhiều thỏa thuận tự do mậu dịch được ký kết. Trong khi đó, Bắc Kinh không muốn dùng từ « tự do mậu dịch » với Đài Bắc, vì như vậy là ngầm công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Do đó, Đài Loan lo ngại mình bị cô lập trong khu vực.

Hơn nữa, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đó, thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh là hết sức quan trọng đối với Đài Loan.
Đài Bắc đang tranh thủ cơ hội đó để tiến hành đàm phán với Singapore, Philippine và cả với châu Âu.

Dưa chuột đe dọa châu Âu

Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro thông tin về một chứng bệnh đến từ dưa chuột đang lây lan ở châu Âu.
Từ cuối tháng tư, các quả dưa chuột nhiễm vi rút đại tràng E.coli đã gây nhiễm cho hơn 270 người tại Đức với 5 ca tử vong. Những ca nhiễm mới tiếp tục được ghi nhận. Thông thường, mỗi năm nước này có khoảng 50 ca SHU. Loại vi rút E.coli có thể gây tiêu chảy có máu và gây suy thận cấp, tức là gây Hội chứng huyết tán và urê máu (SHU: Syndrome hemolytique et uremique).

Nhà chức trách Đức đã tiến hành điều tra, và phát hiện vi khuẩn có mặt trong dưa chuột nhập từ Tây Ban Nha, nhưng vẫn chưa xác định chính xác liệu có phải dưa đã bị nhiễm từ Tây Ban Nha hay không ? Trong khi đó, chưa có ca nhiễm nào được ghi nhận ở nước này.
Hôm qua, Đan Mạch cũng công bố 7 ca nhiễm SHU, với 7 người trở về từ Tây Ban Nha. Thủ phạm bị tình nghi cũng chính là mấy quả dưa chuột của Tây Ban Nha.

Anh, Hà Lan và Thụy Sĩ có lẽ cũng đã bị lây nhiễm. Trong khi đó, đến hiện tại, Pháp chưa ghi nhận ca SHU nào.

Ai Cập, Serbia, Libya trên trang nhất các báo

Nhật báo Libération dành ưu tiên cho chủ đề Ai Cập. Với bài viết « Ai Cập, cơn phẫn nộ quay trở lại », tờ báo cho biết, trong khi các nước G8 hứa hỗ trợ 40 tỷ đô la cho các nước Ả Rập, thì người dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình lên án sự thay đổi chậm chạp của chính phủ thời hậu Moubarak.

Trang nhất Le Monde chạy tít lớn « Việc bắt giữ ông Ratko Mladic giúp cho Serbia và Châu Âu xích lại gần nhau ». Bài viết cho biết, ông này bị xem là một trong những tên tội phạm tàn ác nhất kể từ sau thế chiến thứ hai, việc bắt giữ ông được hoan nghênh rộng rãi trên thế giới.

Le Figaro quan tâm đến hội nghị G8 tại Deauville, nhất là thỏa thuận « truất phế » ông Kadhafi của khối này. Bài viết chạy tít lớn trên trang nhất « Obama, Sarkozy, Medvedev : tối hậu thư dành cho Kadhafi ».

Nhật báo Công giáo La Croix dành trang nhất đăng kết quả điều tra thực địa về trường Hành chính Quốc gia Pháp. Theo tờ báo này, kể từ khi thành lập, ngôi trường danh giá này lãnh trọng trách đào tạo cán bộ nhà nước. Thế nhưng trên thực tế, trường này đã bị nhiều chỉ trích, và vì thế họ cũng đã có nhiều nỗ lực cải tiến.