Home Tin Tức Thời Sự Hai đường ống dẫn dầu về Trung Quốc giúp chế độ độc tài Miến Điện thêm vững mạnh

Hai đường ống dẫn dầu về Trung Quốc giúp chế độ độc tài Miến Điện thêm vững mạnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Sáu, 27 Tháng 5 Năm 2011 21:34

 Tại Kyaukpyu, việc xây dựng ống dẫn dầu đi kèm với việc cưỡng bức di dời.

Hôm nay, đặc phái viên của nhật báo công giáo La Croix tại Rangun, Nga Shan Taung nhận định : Hai đường ống dẫn dầu về Trung Quốc giúp củng cố thêm chế độ độc tài Miến Điện. Nạn cưỡng bức lao động vẫn diễn ra thường xuyên. Dân chúng làm việc không công trên các công trường xây dựng ống dẫn dầu.

Trung Quốc đầu tư vào việc xây đường ống dẫn dầu và khí đốt (Reuters)

Bài báo tả lại quang cảnh một công trường xây dựng ở Patheingyi, gần Mandalay ở miền trung Miến Điện, mà theo tác giả, trông giống như một doanh trại quân đội.

 Được vây quanh bởi các hàng rào kẽm gai, cổng ra vào được cảnh sát và nhân viên của công ty dầu khí nhà nước Miến Điện và Trung Quốc canh gác, chỉ cho phép các xe tải chở bê-tông vào.

Một người dân cho biết, công ty Trung Quốc đã lấy mẫu đất để nghiên cứu trước khi lắp đặt đường ống. Cánh đồng của người dân này đã bị đào xới, và hoa màu bị phá hủy.

Hai đường ống dẫn dầu khổng lồ chạy suốt chiều dài đất nước Miến Điện với trên 1.100km, trong hai năm nữa sẽ vận chuyển dầu khai thác từ Trung Đông, và khí đốt từ ngoài khơi Miến Điện đến Trung Quốc. Các đường ống này sẽ giúp cho Bắc Kinh đưa được nguồn dầu khí về bằng đường bộ, tránh được eo biển đầy nguy hiểm Malacca ở ngoài khơi Indonesia.

Giám đốc hiệp hội Arakan Oil Watch ước tính: “ Xuất khẩu dầu khí là nguồn thu nhập lớn nhất của chính quyền Miến Điện: trên 1,4 tỉ euro một năm. Khi các đường ống này được đưa vào hoạt động từ năm 2013, mỗi năm chính quyền sẽ bỏ túi thêm được 700 triệu euro nữa ».

 Trong năm nay, chế độ cầm quyền nhìn nhận chỉ dành dưới 6% ngân sách cho giáo dục và y tế, nhưng lại chi gấp bốn lần cho quân đội, hiện có trên nửa triệu quân nhân. Nguồn lợi từ dầu khí được ưu tiên dành cho quốc phòng, và cho việc trấn áp những người đối lập.

Tác giả bài báo nhận định, với nhà nước chuyên chế Miến Điện, tất cả các dự án hạ tầng đều khiến người ta lo ngại cho tình trạng vi phạm nhân quyền.

 Tại Kyaukpyu, việc xây dựng ống dẫn dầu đi kèm với việc cưỡng bức di dời. Một thanh niên người làng cho nhà báo xem đoạn video quay lén : « Đây nhé : ba chiếc xe ủi đất đang đốn ngã cây cối, san bằng các thửa ruộng, tàn phá hết mọi thứ. Ngày càng có nhiều lính tráng trong vùng này, họ cản trở những ai muốn đến gần công trường. Tôi phải giấu máy quay phim dưới lớp áo mưa đấy ! ».

Tại Miến Điện, nạn cưỡng bức lao động vẫn diễn ra thường xuyên. Từ cuối năm ngoái, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế ở Răngun đã đề nghị hỗ trợ chính quyền trong việc phát hiện các vụ cưỡng bách làm việc không công trên các công trường xây dựng ống dẫn dầu, nhưng đến nay chưa hề được trả lời, và nạn nô lệ thời hiện đại vẫn tiếp diễn.

Còn ở làng Nga Shan Taung thuộc miền trung, từ bốn năm qua người dân đã khai thác dầu hỏa nằm trên cạn bằng phương pháp thủ công, với các ống nhựa, dây thừng, máy nổ…Hàng ngàn giếng dầu nhỏ đã mọc lên, nhưng những người khai thác bị buộc phải bán lại dầu thô cho các công ty thân cận với chính quyền, chỉ được giữ lại một ít cho tiêu thụ trong gia đình.

Giá thu mua được ấn định chỉ bằng 40 đến 70% giá thị trường. Một số người lén bán ra ngoài đã bị bắt, giếng dầu bị tịch thu. Những tấm băng-rôn đỏ giăng xung quanh các tháp khoan của khu khai thác cạnh đó, thuộc một công ty thân nhà nước, đã cảnh cáo : « Tất cả những ai trộm dầu sẽ bị phạt mười năm tù ».