Home Tin Tức Thời Sự Nga đồng ý Gadhafi phải ra đi

Nga đồng ý Gadhafi phải ra đi PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 27 Tháng 5 Năm 2011 20:42

Ðồng minh chính của Libya

PARIS, Pháp (The Guardian) - Một tín hiệu rõ rệt từ hội nghị thượng đỉnh G-8 đưa ra là nhà lãnh đạo độc tài Muammar Gadhafi phải ra đi, không có con đường nào khác.

 
Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái) và Tổng Thống Nga Dmitri Medvedev tại hội nghị G-8 họp ở Deauville, Pháp. Nga đã thay đổi lập trường về Libya và lần đầu tiên đồng thuận với các thành viên G-8 là Muammar Gadhafi phải ra đi. (Hình: AP)


Thủ Tướng Anh David Cameron và Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc họp báo chung khi kết thúc hội nghị nói rằng tất cả mọi quốc gia đều đồng ý là Muammar Gadhafi đã mất tính cách hợp pháp và phải rút lui.

Tổng Thống Sarkozy sau đó tiết lộ với các phóng viên là ông và Thủ Tướng Cameron sẽ cùng đến thăm lực lượng nổi dạy ở Benghazi. Tuy nhiên phía Anh từ chối chưa bình luận chi tiết về dự định này.

Trong khi đó Tổng Thống Dmitry Medvedev cũng cho rằng Gadhafi phải rời khỏi vị trí, nhưng Nga muốn đứng ra làm trung gian thương lượng giữa hai phe đối nghịch.

Tuyên bố trong buổi họp báo tại hội nghị G-8, ông cho biết sẽ dàn xếp đi đến một giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc xung đột ở Libya.

 Nga đã cử đặc phái viên Mikhail Margelov đến Benghazi để bắt đầu ngay việc thảo luận và sau đó sẽ thảo luận với chính quyền ở Tripoli. Từ trước đến nay, Moscow vẫn có quan hệ thân thiện với Tripoli nhưng đến nay nhận ra rằng không thể nào cứu vãn chế độ Gadhafi được nữa.

Tuy nhiên dù đã thay đổi lập trường, việc Nga tuyên bố đứng làm trung gian thương lượng được coi như là một rạn nứt - dù nhỏ và chỉ mang tính tượng trưng - trên mặt ngoại giao, với 7 thành viên khác của G-8: Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Nhật.

Những nước sau này không chủ trương thương thuyết gì nữa và chỉ có một con đường là Gadhafi phải ra đi.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên là Nga có dành cho Gadhafi quyền tạm dung hay không, Tổng Thống Medvedev nói rằng vấn đề Gadhafi ở đâu và những chi tiết khác sẽ được thảo luận sau khi ông ta từ chức.

Theo lời ông Abdel-Hafidh Ghoga, phó chủ tịch Hội Ðồng Quốc Gia Lâm Thời và là phát ngôn viên của phe nổi dậy, đề nghị của Nga là quá muộn và quá yếu.

Phe nổi dậy trước đây đã bác bỏ đề nghị đứng làm trung gian thương lượng của Liên Minh Phi Châu (AU). Ngược lại hôm Thứ Năm, thủ tướng Libya trong chế độ Gadhafi tuyên bố sẵn sàng thương lượng với bất kỳ phe phái nào, đồng thời gởi văn thư đến Tây Ban Nha và các nước Âu Châu đề nghị trợ giúp cho việc thương thuyết.

Tổng thống Nam Phi, thay mặt AU sẽ đến Tripoli ngày Thứ Hai, 30 tháng 5, để gặp Gadhafi để thảo luận về sự ra đi của nhà độc tài này.

Tất cả những diễn biến chính trị ngoại giao ấy cùng với việc Pháp và Anh quyết định triển khai trực thăng chiến đấu đến Libya mà theo lời Thủ Tướng Cameron là “một giai đoạn mới gia tăng áp lực” cho thấy cuộc khủng hoảng Libya sắp đi đến một chung cuộc chắc chắn. (HC)