Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26/O5/2011 |
Tác Giả: Thanh Hà | ||
Thứ Sáu, 27 Tháng 5 Năm 2011 06:06 | ||
Thượng đỉnh G8 tại Deauville : mùa xuân Ả Rập và IMF; Fukushima hay vụ Tchernobyl Nhật Bản, Smartphones đồng minh của các thí sinh trong mùa thi tú tài. Cánh đồng chết tại Fukushima
Thượng đỉnh G8 tại Deauville : mùa xuân Ả Rập và IMF ; Fukushima hay vụ Tchernobyl Nhật Bản, Smartphones đồng minh của các thí sinh trong mùa thi tú tài. Đây là các chủ đề chính trong mục điểm báo. Báo chí Pháp hôm nay dành nhiều trang cho hội nghị thượng đỉnh G8 mở ra tại thành phố biển Deauville : « Thượng đỉnh của những ông khổng lồ chân bằng đất sét » tựa trên tờ l'Humanité. Các tờ Le Monde, La Croix và Le Figaro thì nói đến một cuộc họp để bàn về « tác động của các cuộc cách mạng tại các nước Ả Rập », về khả năng yểm trợ phong trào dân chủ vừa chớm nở tại Tunisia và Ai Cập. Theo quan điểm của tờ Libération thiên tả : sự vắng mặt của cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế là ông Dominique Strauss-Kahn vì những lý do đã biết, khiến tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cảm thấy "thoải mái hơn" khi chủ tọa thượng đỉnh G8 lần này. Nhìn từ góc độ của báo Les Echos thì Deauville trong hai ngày họp hôm nay và ngày mai là cơ hội để Paris và Washington đọ sức với nhau trong việc chỉ định người đứng đầu IMF : Pháp chờ đợi Hoa Kỳ yểm trợ cho việc bộ trưởng Kinh Tế, Christine Lagarde lên thay thế ông Dominique Strauss-Kahn. Fukushima, cánh đồng chết Trở lại với tai nạn nguyên tử Fukushima, hơn hai tháng sau tai nạn, đặc phái viên của Le Monde đến Iitate và Namie, cách nhà máy điện Fukushima Daichi 45 cây số, nằm ngoài vành đai 20 km bị phong tỏa (tiếp sau đó được nâng lên 30km). Độ nhiễm xạ tại đây tương đương với các vùng gần kề nhà máy Tchernobyl khi xảy ra thảm họa hồi năm 1986. Iitate là một vùng nông thôn được coi là có phong cảnh hữu tình vào bậc nhất của Nhật Bản. Thị trấn này coi như đã bị « khai tử » trong một thời gian dài khi biết rằng, độ độc hại của chất cesium 137 cần 30 năm để giảm đi phân nửa. Tức là trong ít nhất 30 năm tới Iitate sẽ là một cánh đồng chết, không bóng người qua lại. Ruộng vườn, nông trại, bị nhiễm phóng xạ phải bị bỏ hoang. Chất phóng xạ đã đọng lại từ trong máng nước, trong lớp bùn, hay trên mặt đất. Trong hai tuần lễ đầu sau tai nạn, dân cư ở đây không hề được chỉ thị để đối phó với hiểm họa nguyên tử. Do bị mất điện, Iitate gần như đã bị cô lập với thế giới bên ngoài. Chỉ mãi tới ngày 24 tháng tư, người dân mới được chính thức thông báo về mức độ nghiêm trọng và nguy hại của tai nạn nhà máy Fukushima. Họa vô đơn chí. Sau động đất và sóng thần, một trận mưa tuyết đã đổ xuống thị trấn Iitate và tuyết trắng đã vô tình mang theo muốn iode 131 – chất gây nên ung thư giáp trạng - đến cho dân cư tại đây. Iode 131 lại càng trở nên nguy hiểm hơn đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Không có thông tin, không được chỉ thị, trong những ngày đầu sau tai nạn, vào lúc mức nhiễm xạ lên tới tột đỉnh, 8.000 cư dân ở thị trấn này vẫn sinh hoạt bình thường : họ vẫn hái rau trong vườn, ruộng và vẫn uống nước suối. Fukushima một Tchernobyl Nhật Bản ? Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Tokyo đã trễ nải trong việc cung cấp thông tin quan trọng như vậy, cho dù đã có đầy đủ các số liệu về mức độ nhiễm xạ đối với các vùng lân cận với nhà máy Fukushima Daichi ? Thiệt hại vật chất đối với giới nông gia tại đây không kể siết, nhưng gia đình của một nông dân tại Namie cho Le Monde biết là đến nay họ vẫn chưa nhận được một đồng xu của khoản tiền 10.000 euro mà tập đoàn Tepco đã cam kết bồi thường cho họ. Họ cũng chưa nhận được khoản trợ cấp 600 euro/tháng để đi tim một chỗ ở mới sau thiên tai. L'Humanité đưa ra hai con số : độ nhiễm xạ tại Fukushima dao động từ 300.000 đến 30 triệu becquerel/m2 tương đương với những vùng bị nhiễm nặng nhất của Ukraina sau thảm họa Tchernobyl. Châu Âu trước nỗi công phẫn Tây Ban Nha Về thời sự châu Âu, báo công giáo La Croix lưu ý độc giả trên một vấn đề xã hội và kinh tế : giới trẻ tại châu Âu bất bình trước hiện tượng thất nghiệp gia tăng. Tại Tây Ban Nha 44% thanh niên không có việc làm. Từ ngày 15/5 tới nay giới trẻ liên tục xuống đường đòi chính phủ phải quan tâm đến thành phần hết sức quan trọng này của xã hội. Tại nước láng giềng Bồ Đào Nha, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ cao hơn gấp hai lần so với tỷ lệ trung bình trên toàn quốc. Ý hay Hy Lạp cũng trong tình trạng tương tự. Thách thức đang đặt ra cho chính giới là « làn sóng phẫn nộ » từ phong trào "15-M" (phong trào phản kháng của thanh niên được khởi động từ ngày 15/5/11) của Tây Ban Nha bắt đầu lan rộng sang một số quốc gia khác tại châu Âu, đặc biệt là những nước chung quanh Địa Trung Hải. Tương lai của hàng triệu thanh niên ở độ tuổi từ 20 đến 35 đang hết sức mù mịt và điều đáng lo ngại hơn nữa là những thanh niên ở các nước Nam Âu lên án chính quyền không quan tâm đến giới trẻ, như là so với các nước Bắc Âu. Cụ thể là thanh niên ở các nước vùng Địa Trung Hải muốn giới lãnh đạo phải tạo điều kiện thuận lợi cho họ dễ dàng tự lập và hội nhập vào xã hội nhiều hơn. Thanh niên Bồ Đào Nha rất bất bình vì chính sách hà khắc do chính quyền của thủ tướng Socrates áp đặt. Giới trẻ ở Ý thì phẫn nộ khi thấy 28% dân số trong lứa tuổi 19 đến 35 không có việc làm, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp trung bình của Ý là 8%. Tại Hy Lạp, thanh niên không còn ngần ngại đọ sức với cảnh sát và các cuộc tập hợp thường xuyên diễn ra chung quanh các trường đại học ở Athènes. Smartphone và máy ti tính, phương tiện để ôn thi Trước mùa thi tú tài, báo Le Figaro có một bài viết thú vị về những phương tiện mới để học sinh Pháp ôn thi : với một chiếc Smartphone xinh xắn bạn có thể ôn chương trình toán, sử hay triết học ở bất kỳ nơi nào, trên đường xe điện ngầm hay khi đứng đợi xe buýt. Thế nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm trong số hơn 600 000 thí sinh sắp thi tú tài năm nay, có đủ phương tiện để được luyện thi trong những điều kiện tối ưu như vậy ? Là những chuyên gia thực thụ của thế giới ảo, học sinh cấp 3 ở các trường trung học của Pháp đang có một vũ khí mới để chuẩn bị cho mùa thi tú tài năm nay : đó là các chương trình ôn thi trên máy vi tính hay qua những chiếc điện thoại cầm tay thông minh. Kẻ thì mua chương trình để ôn thi môn Pháp văn, người thì mở máy để tra tự điển Anh Pháp, một người thứ ba thì đã tải về máy những tiểu thuyết phải đọc trong năm của chương trình lớp 11 trước ngày thi. Từ năm 2009 nhà xuất bản Belin đã phát triển 8 chương trình luyện thi, nhà in sách giáo khoa Bordas từ tháng 3 năm ngoái đến nay đã thu hút được 40 000 người sử dụng các chương trình ôn thi miễn phí. Tuy nhiên các chương trình phong phú hơn và đòi hỏi người sử dụng phải trả tiền thì đến nay không mấy hấp dẫn các cô tú, cậu tú tương lai. Song song với các chương trình luyện thi thì các nhà xuất bản đã thi nhau cho ra đời rất nhiều các trang web để giúp cho các thí sinh chạy đua nước rút với thời gian. Triết học và lịch sử là hai bộ môn được chiếu cố nhiều nhất. Le Figaro không quên nhắc lại : các trang web này là một phương tiện quảng cáo khá tốt để các nhà in bán sách giáo khoa hay các chương trình ôn thi được in ra thành sách ! |