Home Tin Tức Thời Sự Ông Strauss-Kahn sẽ trắng án?

Ông Strauss-Kahn sẽ trắng án? PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Phương   
Thứ Ba, 24 Tháng 5 Năm 2011 07:45

Cựu tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đối mặt với những cáo buộc mới xuất hiện không lâu sau khi ông được tại ngoại

Ông Benjamin Brafman, một trong những luật sư biện hộ cho cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, hôm 22-5, khẳng định rằng thân chủ ông sẽ được tha bổng trong nghi án cưỡng hiếp một cô hầu phòng của khách sạn Sofitel ở New York (Mỹ).


 Luật sư Benjamin Brafman (trái) và ông Dominique Strauss-Kahn. Ảnh: Reuters

Luật sư biện hộ tự tin

Trả lời phỏng vấn báo Haaretz (Israel) hôm 22-5, ông Brafman tự tin cho biết: “Ông ta sẽ không nhận tội và cuối cùng sẽ được tha bổng. Không có gì là hoàn toàn chắc chắn. Nhưng theo những gì tôi nắm được trong quá trình điều tra, ông Strauss-Kahn sẽ được tha bổng… Tôi  rất ấn tượng với ông ấy. Bất chấp hoàn cảnh hiện nay, ông vẫn rất ổn”.
 
Ông Brafman là luật sư nổi tiếng tại Mỹ, từng tham gia bào chữa cho vua nhạc pop Michael Jackson trong vụ án lạm dụng tình dục trẻ em.

Ông Strauss-Kahn đang đối mặt với 7 cáo buộc trong nghi án cưỡng hiếp nói trên. Trong phiên tòa vào tuần rồi, các công tố viên khẳng định những bằng chứng tìm được cho đến giờ hậu thuẫn cho lời khai của người bị hại. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông báo nào về việc cảnh sát có tìm thấy bằng chứng ADN nào hay không.
 
Phát biểu với đài TF1 (Pháp), ông Brafman tin rằng những cáo buộc nhằm vào ông Strauss-Kahn sẽ được chứng minh là không đúng sự thật và ông đang làm việc để khôi phục danh tiếng cho thân chủ mình.

Sau khi được bảo lãnh tại ngoại, ông Strauss-Kahn hiện bị giam lỏng tại một căn hộ bên trong tòa nhà Empire Building ở New York.
 
Tuy nhiên, đang có những nỗ lực tìm kiếm cho ông Strauss-Kahn một nơi ở lâu dài để ông chuẩn bị tốt hơn cho các phiên tòa sắp tới, trong đó phiên tòa mới nhất dự kiến diễn ra vào ngày 6-6.
 
Theo hãng tin AFP, cựu tổng giám đốc IMF này đang thuê một nhóm thám tử tư để giúp ông chống lại những cáo buộc nhằm vào mình.
 
Trong khi đó, các luật sư vẫn chưa tiết lộ nhiều về chiến lược bào chữa cho ông Strauss-Kahn. Dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy các luật sư sẽ biện hộ rằng ông Strauss-Kahn và người bị hại đã đồng thuận quan hệ tình dục tại phòng của ông.

Những cáo buộc mới

Trong lúc bận rộn với vụ án ở New York, ông Strauss-Kahn còn phải đối mặt với những cáo buộc mới xuất hiện không lâu sau khi ông tại ngoại.
 
Báo The Sunday Telegraph (Anh) hôm 22-5 dẫn lời một cựu quan chức IMF nói ông Strauss-Kahn từng gây sức ép lên một nữ nhân viên châu Á đã kết hôn để người này ngủ với ông.
 
Tuy nhiên, người phụ nữ không chịu khiếu nại vì lo sợ mất công việc. Sau đó, cô ta rời khỏi IMF khi hợp đồng làm việc hết hạn. Mọi việc chỉ vỡ lỡ sau khi người phụ nữ này thú nhận với chồng về vụ việc.

Tiếp đó, hai nữ nhân viên lễ tân của khách sạn Sofitel ở New York khai với cảnh sát rằng ông Strauss-Kahn từng ve vãn họ trước khi xảy ra vụ bê bối tình dục.
 
 Họ cho biết không lâu sau khi ông Strauss-Kahn nhận phòng, ông đã gọi điện xuống quầy lễ tân để mời họ lên phòng uống rượu cùng ông. Các luật sư của ông Strauss-Kahn không bình luận gì về những cáo buộc nói trên.

Tại Paris (Pháp), khoảng 500 người tham gia cuộc tuần hành do các nhóm bênh vực quyền phụ nữ tổ chức hôm 22-5 để phản đối những bình luận mang tính phân biệt giới tính xuất hiện sau khi ông Strauss-Kahn bị bắt giữ ở Mỹ.
 
Nhiều người ủng hộ ông ở Pháp đã lên tiếng biện hộ cho ông, chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ và trong một số trường hợp hoài nghi phẩm hạnh của người bị hại.
 
 Bà Caroline Hass, Chủ tịch nhóm “Dare Feminism” và là một trong những nhà tổ chức cuộc tuần hành, nhận định: “Vấn đề giờ đây không phải là những gì đã xảy ra ở New York mà là làn sóng phân biệt giới tính xuất hiện sau đó”.

Mexico tham gia cuộc đua

Bộ Tài chính Mexico hôm 22-5 cho biết sẽ đề cử Thống đốc Ngân hàng Trung ương Agustin Carstens vào vị trí tổng giám đốc IMF. Bộ này khẳng định ông Carstens có đủ khả năng và phẩm chất cần thiết để đứng đầu một thiết chế tài chính như IMF.
 
Theo hãng tin Reuters, ông Carstens từng làm phó tổng giám đốc IMF trước khi gia nhập chính phủ của Tổng thống Mexico Felipe Calderon vào năm 2006. Bộ trưởng Tài chính 2 nước Úc và Nam Phi cho rằng truyền thống trao vị trí lãnh đạo IMF cho người châu Âu đã lỗi thời và kêu gọi các nước G20 tuân thủ cam kết tiến hành một cuộc bầu chọn mở cho chức vụ này.
 
Đối thủ chính của ông Carstens nhiều khả năng là nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, người đang nhận được nhiều hậu thuẫn ở châu Âu. Một quan chức cấp cao của Liên hiệp châu Âu hôm 22-5 cho biết 27 thành viên khối này đã đạt được sự đồng thuận về việc ủng hộ bà Lagarde vào vị trí này.