Cựu tổng giám đốc IMF có ba đời vợ, bốn đứa con. Nhưng hiện nay sát cánh bên ông chỉ có “bà ba” Anne Sinclair và Camille, con gái của “bà hai”
|
Bà Anne Sinclair (bên trái) và Camille Strauss-Kahn tại New York. Ảnh: AFP
|
Đêm 20-5, ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) đã hưởng được “50%” tự do đầu tiên ở số 71, đại lộ Broadway, dưới con mắt hiếu kỳ của hàng trăm du khách. Kể từ chiều thứ sáu tuần rồi, địa chỉ này bỗng dưng trở thành điểm hút khách nhất ở New York hiện nay bởi từ điểm tham quan không thể bỏ qua “Ground Zero” - di tích tòa tháp đôi bị Al-Qaeda đánh sập ngày 11-9-2001- đến tòa nhà ông DSK tạm trú chỉ có vài trăm mét. Sự nhộn nhịp bất ngờ nói trên, cộng với sự có mặt thường trực của cả chục phóng viên báo đài giơ ống kính chĩa vào mấy cửa sổ phía bên phải của tòa nhà – nơi ông DSK bị quản thúc – làm cư dân trong tòa nhà bực mình. Tình hình này khiến Ray Ratermann, trưởng ban quản lý tòa nhà, phải viết e-mail xin lỗi toàn thể khách hàng đang ở trong tòa nhà xây năm 1898 và từng giữ kỷ lục cao nhất thành phố trong nhiều năm liền. Ông Ratermann cũng hứa sẽ trả lại sự yên bình vào đầu tuần này sau khi ông DSK đi chỗ khác ở. “Nhà mới” của ông DSK chưa biết ở đâu nhưng chắc chắn cũng nằm trong khu Manhattan vì đó là lệnh của tòa án. Camille trong tâm bão Camille Strauss-Kahn, 26 tuổi - con gái của ông DSK và “bà hai” Brigitte Guillemette (đã ly dị) - hiện nay là tâm điểm của vụ án. Camille vốn là con gái út của ông DSK. Trên cô có ba anh em con của “ bà cả” Hélène Dumas. Camille hiện đang lo hoàn tất bằng tiến sĩ chính trị học của trường đại học danh giá Columbia, New York. Lần nào đi công tác ở New York, ông DSK cũng ghé thăm và ăn uống với Camille. Từ khi xảy ra xì-căng-đan “DSKgate” (từ của báo chí Mỹ), cuộc sống của Camille đã bị xáo trộn ít nhiều. Cô có thể minh oan cho cha với tư cách là nhân chứng then chốt. Cáo trạng của phòng công tố New York cáo buộc ông DSK chạy trốn sau khi mưu toan cưỡng dâm bà hầu phòng người Guinea. Cơ quan điều tra Mỹ nói họ có trong tay những cuộn băng video cho thấy ông DSK vội vã rời khỏi khách sạn trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ ngày 14-5. Trong khi đó, theo luật sư của bị can, ông DSK vội vã ra đi vì sợ trễ giờ hẹn dùng cơm trưa với Camille lúc 12 giờ 45 phút. Vấn đề cần được làm rõ là vụ mưu toan cưỡng dâm (nếu có) xảy ra chính xác lúc mấy giờ. Cô Camille có mấy điều quan trọng để khai: Có dùng cơm trưa với cha hay không? Ông DSK có nói gì với Camille về “sự cố” ở khách sạn Sofitel hay không? Ông ấy có biểu hiện căng thẳng hay thái độ bất thường gì không? Theo nhận định của tờ Le Parisien, một mình Camille không đủ sức minh oan cho cha. Các luật sư của nguyên đơn dễ dàng bác bỏ lời khai của Camille với lý do “không khách quan” (Camille là con của bị cáo). Chung thủy đến cùng Ông DSK có may mắn được ít nhất hai bà vợ bênh vực hết mình. Đó là bà Brigitte Guillemette, vợ cũ thứ hai, hiện giờ là tổng giám đốc Euroscope Consulting, tập đoàn tư vấn phát triển doanh nghiệp Pháp, và bà Anne Sinclair, người vợ hiện nay của ông DSK. Bà Brigitte khẳng định trên tờ Le Parisien: “Những gì mà cảnh sát Mỹ nói không phù hợp với người đàn ông mà tôi biết và từng chung sống 10 năm. Đúng là ông ấy có nhiều tật xấu nhưng không phải tật đó (mưu toan cưỡng hiếp). Chuyện đó là hết sức vô lý”. Bà Anne Sinclair còn quyết liệt hơn bà Brigitte, sẵn sàng hy sinh tất cả vì chồng. Sự chung thủy, lòng can đảm của bà Sinclair - một nhà báo truyền hình thuộc hàng “5 sao” của đài TF1- trong 20 năm chung sống với ông DSK (họ cưới nhau năm 1991), ở Paris ai cũng biết. Năm 1997, để tạo điều kiện cho chồng trở thành bộ trưởng trong nội các thủ tướng Lionel Jospin, bà không ngần ngại từ bỏ nghề báo. Hai năm sau, khi ông DSK từ chức bộ trưởng tài chính vì dính líu đến vụ án tham nhũng Mnef, bà Sinclair đấu tranh cật lực cho đến khi ông DSK trắng án. Năm 2006, khi ông DSK tranh chức ứng viên tổng thống đại diện Đảng Xã hội với ông Laurent Fabius và bà Ségolène Royal, bà Sinclair bỏ tiền túi thanh toán tất cả chi phí vận động tranh cử của chồng. Lần đó, chẳng may ông DSK thất bại dưới tay bà Royal.
|
Du khách châu Á chụp ảnh kỷ niệm trước tòa nhà số 71, đại lộ Broadway. Ảnh: REUTERS
|
Năm 2008, mới lên chức tổng giám đốc IMF, ông DSK dính vào vụ xì-căng-đan tình dục đầu tiên với một nữ nhân viên thuộc cấp. Vụ việc đổ bể, ông bị điều tra nhưng thoát nạn. Ông công khai xin lỗi vợ và đồng nghiệp. Trên trang blog cá nhân, bà Sinclair viết: “Ai cũng biết chuyện đó có thể xảy ra trong đời sống vợ chồng. Đối với tôi, cuộc tình qua đêm đó đã trở thành quá khứ. Chúng tôi đã lật sang trang khác, vẫn yêu nhau như thuở ban đầu”. Vụ xì-căng-đan ở New York nghiêm trọng hơn nhiều bởi ông DSK có thể lãnh tối đa 74 năm 3 tháng tù và tối thiểu 25 năm. Trả lời câu hỏi của tuần báo L’Express “bà có cảm thấy bất an vì chồng bà nổi tiếng sát gái” thì bà trả lời ngay: “Không hề. Trái lại tôi còn tự hào. Làm chính khách quan trọng là phải biết quyến rũ”. Ngày 15-5, bà viết trong một thông cáo báo chí: “Không một giây phút nào tôi tin vào những lời cáo buộc chống lại chồng tôi. Không nghi ngờ gì cả, chồng tôi sẽ được trắng án”.
Và chính bà là người ký tấm ngân phiếu 1 triệu USD và giấy thế chấp căn nhà trị giá 5 triệu USD ở Washington để ký quỹ bảo hiểm mua sự tự do tạm cho chồng. |