Home Tin Tức Thời Sự Hàng triệu thai nhi nữ bị hủy bỏ ở Ấn Độ

Hàng triệu thai nhi nữ bị hủy bỏ ở Ấn Độ PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 23 Tháng 5 Năm 2011 08:58

Vẫn là vấn đề trọng nam khinh nữ.

Khảo sát dân số 2011 ở Ấn Độ cho thấy số trẻ em gái dưới 7 tuổi giảm nghiêm trọng và 8 triệu bào thai nữ bị phá trong 10 năm qua.

 Phóng viên BBC ở Delhi, Geeta Pandey, tìm hiểu thêm về những gì đã dẫn đến cuộc khủng hoảng này.

Kulwant có ba cô con gái, tuổi từ 24, 23, 20 và một người con trai 16 tuổi.

Trong thời gian sau khi sinh người con gái thứ ba và cậu con trai thứ tư, Kulwant đã mang thai ba lần.

Mỗi lần, bà nói, gia đình bà buộc bà phải phá thai sau khi siêu âm cho thấy nếu mang thai là con gái.

"Mẹ chồng tôi chế giễu tôi vì toàn sinh con gái. Bà nói con trai bà sẽ ly dị tôi nếu tôi không sinh con trai."

Kulwant vẫn có nhớ như in những ký ức sống động về lần phá thai đầu tiên. "Thai nhi đã được gần năm tháng tuổi. Cháu xinh lắm. Tôi nhớ đứa con đó của tôi và cả những đứa khác mà tôi phả bỏ đi," bà bật khóc, vừa nói vừa lau những giọt nước mắt.

Cho tới khi sinh được người con trai, cuộc sống hàng ngày của Kulwant trước đó chỉ toàn là những vụ đánh đập và bạo hành từ mẹ chồng, và em chồng. Có lần, bà kể, họ thậm chí còn tìm cách định thiêu sống bà.

"Họ rất tức giận. Họ không muốn có con gái trong gia đình. Họ muốn có con trai để họ có thể được nhận những món của hồi môn kếch xù," bà nói.

Ấn Độ cấm lệ đòi của hồi môn từ năm 1961, nhưng trên thực tế tục lệ này vẫn tràn lan và giá trị của hồi môn gia tăng không ngừng, và nó ảnh hưởng đến cả người giàu lẫn người nghèo.

Chồng của Kulwant qua đời ba năm sau khi con trai họ ra đời. "Đó là lời nguyền của những bé gái con chúng tôi mà chúng tôi đã giết bỏ. Đó là lý do tại sao ông qua đời rất trẻ như vậy," bà nói.

Thái độ chung

Người hàng xóm của bà, Rekha, là mẹ của một bé gái mũm mĩm lên ba.

Tháng Chín năm ngoái, khi cô lại mang thai lần nữa, mẹ chồng cô buộc cô phải phá thai sau khi siêu âm cho thấy cô đã mang thai song sinh, và là 2 bé gái.

"Tôi nói là không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nhưng ở đây họ nghĩ khác. Không có hạnh phúc khi sinh con gái. Họ nói rằng con trai sẽ nối dõi tông đường cho chúng tôi, còn con gái sẽ kết hôn và ra khỏi nhà đến ở với gia đình người khác."

Kulwant và Rekha sống tại Sagarpur, một khu vực thuộc tầng lớp trung lưu cấp thấp ở phía tây-nam Delhi.

Tại đây, những con người với suy nghĩ hạn hẹp sống trong những căn nhà được phân cách bởi những con phố chật hẹp.

Câu chuyện của những phụ nữ này là rất phổ biến và lặp đi lặp lại trong hàng triệu gia đình trên khắp Ấn Độ, và nó đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Năm 1961, cứ 1.000 bé trai dưới bảy tuổi ra đời, thì có 976 bé gái ra đời. Ngày nay, con số giảm xuống tới mức đáng ngại, chỉ còn 914 bé gái.

Mặc dù tổng số phụ nữ có cải thiện (do các yếu tố như tuổi thọ), tỉ lệ trẻ em gái Ấn Độ so với trẻ em trai là một trong những tỉ lệ tồi tệ nhất trên thế giới, đứng sau Trung Quốc.

Nhiều yếu tố đóng vai trò dẫn tới điều này: như tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, lạm dụng và bỏ mặc trẻ em gái.

Các nhà vận động nói tình trạng giảm trẻ em gái này chủ yếu là do việc có thể xét nghiệm giới tính khi mang thai gia tăng, và họ nói tới mức thành nạn diệt chủng.

Chính phủ đã buộc phải thừa nhận rằng chiến lược của họ đã thất bại trong việc chấm dứt tình trạng phá thai nữ.

'Nỗi xấu hổ của quốc gia'


Các nhà vận động cho biết chiến lược của Ấn Độ bảo vệ bé gái không hiệu quả

"Bất cứ biện pháp nào đã được áp dụng trong vòng 40 năm qua đều đã không có chút tác dụng nào đối với tỷ lệ giới tính ở trẻ em," Bộ trưởng Nội vụ GK Pillai cho biết khi báo cáo điều tra dân số được phát hành.

Thủ tướng Manmohan Singh mô tả việc phá các bào thai nữ và tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh gái là một "nỗi xấu hổ quốc gia" và kêu gọi một "cuộc thập tự chinh" để cứu các bé gái.

Nhưng Sabu George, nhà vận động nổi tiếng nhất của Ấn Độ về vấn đề này, nói rằng chính phủ cho đến nay đã thể hiện rất ít quyết tâm trong việc ngăn chặn các hành vi đó.

Cho đến cách đây 30 năm, ông nói, tỷ lệ nam nữ ở Ấn Độ vẫn là "hợp lý". Sau đó vào năm 1974, Viện Y khoa danh tiếng của Ấn Độ đã đưa ra một nghiên cứu nói rằng xét nghiệm xác định giới tính là một lợi ích cho phụ nữ Ấn Độ.

Nghiên cứu này nói rằng họ không cần phải đẻ vô khối trẻ em để có được số con trai mà họ mong muốn, và khuyến khích việc xác định và loại bỏ các bào thai nữ như một công cụ hiệu quả để kiểm soát dân số.

"Vào cuối thập niên 80, mọi tờ báo ở Delhi đều có quảng cáo siêu âm xác định giới tính," ông George nói.

"Các phòng khám từ Punjab đã khoe rằng họ có kinh nghiệm 10 năm trong việc loại bỏ bào thai nữ và mời phụ huynh đến với họ."

Năm 1994, Luật Xét nghiệm xác định giới tính khi mang thai (PNDT) đã cấm phá thai chọn lọc giới tính. Năm 2004, nó đã được sửa đổi để bao gồm cả các lựa chọn giới tính, ngay ở giai đoạn tiền thụ thai.

Phá thai thường vẫn được coi là hợp pháp khi bào thai được 12 tuần tuổi. Giới tính có thể được xác định qua một xét nghiệm soi (scan) từ khoảng 14 tuần trở lên.

"Điều cần thiết phải làm là thực hiện nghiêm chỉnh luật này," ông Varsha Joshi, giám đốc hoạt động điều tra dân số cho Delhi, nói. "Tôi thấy hoàn toàn không có quyết tâm từ phía chính phủ trong việc ngăn chặn tình trạng này."

Ngày nay, có 40.000 trạm y tế có đăng ký siêu âm tại Ấn Độ, và ngoài ra rất nhiều trạm khác tồn tại mà không có đăng ký ghi nhận.

‘Thực sự buồn'

Bà Joshi, một cựu quận ủy viên ở phía tây nam thủ đô Delhi, nói rằng có hàng chục phòng khám siêu âm trong khu vực này. Đây là nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính trẻ em tồi tệ nhất ở thủ đô - cứ mỗi 1.000 bé trai dưới bảy tuổi chỉ có 836 bé gái.

Tỷ lệ chung của Delhi cũng không khá hơn với tỉ lệ 866 bé gái dưới 7 tuổi so với số 1.000 bé trai.

"Đó là một điều thực sự đáng buồn. Đây là thủ đô của cả nước và chúng tôi có một tỷ lệ thật đáng buồn", bà Joshi nói.

Các quận phía tây nam giáp ranh với bang Punjab và Haryana, hai bang của Ấn Độ có tỷ số giới tính tồi tệ nhất.

Kể từ cuộc điều tra dân số mới nhất, Punjab và Haryana đã cho thấy có cải thiện đáng kể. Nhưng Delhi thì lại tồi đi.

"Một cái gì đó thực sự sai lầm ở đây và phải làm một việc gì đó để sửa sai", bà Joshi nói.

Hầu như tất cả các phòng khám siêu âm trong khu vực đều bắt buộc có biển dán ở bên ngoài nói về trách nhiệm của họ, tuyên bố rằng họ không thực hiện xét nghiệm xác định giới tính bất hợp pháp.

Nhưng phụ nữ ở khu Sagarpur nói hầu hết mọi người ở đây đều biết đi tới đâu khi họ cần siêu âm hoặc phá thai.

Họ nói rằng bất cứ ai muốn được siêu âm thai nhi đều sẽ được làm. Trong bệnh viện năm sao ở phía nam Delhi chi phí là 10.000 rupee (tương đương 222 đô). Tại các khu vực ngoại vi giáp ranh với Delhi, chi phí chỉ vài trăm rupee.

Tương tự, các chi phí cũng khác nhau với những người muốn phá thai bất hợp pháp.

Delhi không phải là nơi duy nhất thiên vị trẻ em trai. Tỷ lệ giới tính nữ đã giảm tại 17 tiểu bang trong thập kỷ qua, lớn nhất là tại bang Jammu và Kashmir.

Bà Joshi cho biết phần lớn người vi phạm luật là thuộc tầng lớp trung lưu và những người giàu có ở Ấn Độ mà con số này đang ngày càng phát triển - họ nhận thức được là có công nghệ này và cũng có phương tiện để chi trả cho việc xác định giới tính của bào thai và hủy bỏ nó nếu họ chọn làm như vậy.

"Chúng tôi đã có những bước đi hiệu quả để kiểm soát việc quảng bá cho xác định giới tính từ cộng đồng y tế. Và sẽ nộp hồ sơ kiện các bác sĩ nào làm điều đó", ông George nói.

"Nếu không, tới năm 2021, chúng tôi rất sợ phải nghĩ tới những gì sẽ xảy ra."