Home Tin Tức Thời Sự California dẫn đầu nước Mỹ về mọi mặt - Giàu cũng như nghèo

California dẫn đầu nước Mỹ về mọi mặt - Giàu cũng như nghèo PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Bảy, 21 Tháng 5 Năm 2011 10:33

California vẫn tự coi mình là nơi tốt đẹp nhất, và đối với một số người điều này vẫn còn đúng

SAN FRANCISCO (Reuters) - Tiểu bang California tiếp tục duy trì truyền thống dẫn đầu nước Mỹ về mọi mặt, từ sự thịnh vượng cho đến các cơ hội mới, và cả tình trạng nghèo khổ trong vùng thung lũng Central Valley, khu vực nông nghiệp quan trọng của quốc gia.


 
Hoàng hôn tại một nông trại ở Central Valley, California. (Hình minh họa: David McNew/Getty Images)

California vẫn tự coi mình là nơi tốt đẹp nhất, và đối với một số người điều này vẫn còn đúng, tuy nhiên, một bản nghiên cứu về các con số thu nhận được trong kỳ kiểm tra dân số mới đây và các dữ kiện của tiểu bang cho thấy California cũng là nơi có những điều tệ hại nhất trong cả nước Mỹ.

Sự đa dạng của tiểu bang, tiếp tục là điều thu hút người di dân, và nền kinh tế thay đổi nhanh chóng vẫn đứng hàng thứ tám trên thế giới, khiến California vẫn là sự biểu hiện tương lai cho nước Mỹ và cả thế giới, theo kết quả cuộc nghiên cứu công bố tuần này.

“Một số dân California thật sự đang sống cuộc sống tốt đẹp nhất trên thế giới, ở mức mà cả phần còn lại của thế giới sẽ không đạt đến cho tới khoảng nửa thế kỷ nữa,” theo lời bà Kristen Lewis, một trong các tác giả cuộc nghiên cứu mang tên “Bức Chân Dung California.”

Nhưng bản báo cáo của American Human Development Project, vốn dùng các chỉ số về sức khỏe, tài chánh và giáo dục của Liên Hiệp Quốc trong việc ấn định Chỉ Số Phát Triển Con Người (Human Development Index), cũng cho thấy có những nơi không được may mắn như vậy trong cùng tiểu bang.

Khu vực Watts ở thành phố Los Angeles, nơi bùng ra các cuộc bạo loạn năm 1965, chỉ bây giờ mới đạt được chỉ số ở mức mà cả nước Mỹ có được vào năm đó. Trong khi một cuộc nghiên cứu khác cho thấy nơi có đời sống nghèo khổ nhất nước Mỹ là ở vùng Fresno, chứ không phải ở vùng châu thổ sông Mississippi hay ở vùng đồi núi Appalachia như nhiều người vẫn nghĩ.

Tên tuổi của tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, được coi là nơi có đời sống tốt đẹp, bị lu mờ vì cuộc khủng hoảng địa ốc khiến nhiều gia đình mất nhà, trong khi tình hình tài chánh suy thoái của tiểu bang khiến hệ thống giáo dục cũng xuống dốc và làm mất đi hình ảnh là nơi của cơ hội vẫn có từ trước tới nay.

Giáo dục và mức thu nhập thường vẫn là hai điều đi cùng với nhau, nhưng một trong số những người dân California sống lâu đời nhất ở tiểu bang này - thành phần di dân Latino - vẫn ở mức thấp nhất trong lãnh vực giáo dục và lợi tức, và con cái của họ sinh ra ở Mỹ này vẫn chết trẻ hơn.

“Người Latino càng sống lâu hơn ở Mỹ, lại càng chết trẻ hơn,” theo bà Lewis.

Bản báo cáo chia California ra làm năm phần khác nhau, gọi là “Five Californias.” Những nơi này gồm từ thành phố giàu có ở thung lũng Silicon Valley như Cupertino và Mountain View, sang đến những nơi mà tuổi thọ ít hơn những nơi có mức sống cao nhất đến 9 năm. Ðó là khu vực nghèo khổ ở Los Angeles và vùng Central Valley.

Ở thành phố San Ramon, cạnh vịnh San Francisco, chỉ có 2.6% người dân không hoàn tất bậc trung học, so sánh với 63.3% ở khu Vernon Central tại Los Angeles.

Cả hai nhóm trên cao nhất và ở dưới thấp nhất có cùng một điểm giống nhau là một phần ba trong số họ sinh ra ở ngoài nước Mỹ. Nhưng trong khi một phần ba của thành phần cao nhất là các kỹ sư đến từ Á Châu, số phần ba của thành phần có đời sống thấp nhất là những người Latino chỉ có bằng trung học hoặc thấp hơn.