Lần đầu tiên một cuộc tọa đàm do tạp chí Cộng sản tổ chức với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chiến lược và học viện lớn.
Pano tuyên truyền Đại hội ĐCSVN lần 11 tại Hà Nội hôm 17 Tháng 1, 2011.
Cuộc tọa đàm xoay quanh vấn đề sau hơn 20 năm đổi mới, thể chế kinh tế phát triển chưa tương thích với thể chế chính trị. Trong cuộc tọa đàm này, nhiều ý kiến thẳng thắn đã nêu lên vấn đề tụt hậu của chính trị so với kinh tế đang làm cho chính cỗ xe kinh tế bị ngáng chân và nhất là những đóng góp vẫn bị cho là nhạy cảm cũng được đem ra mổ xẻ.
Mặc Lâm phỏng vấn luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hồ Chí Minh để biết thêm ý kiến một đảng viên cao cấp trước vấn đề này.
Phải đổi mới chính trị
Mặc Lâm: Thưa ông qua buổi tọa đàm do tạp chí Cộng sản tổ chức mà ông đã biết, ý kiến của ông về sự đổi mới chính trị mà cuộc tọa đàm nêu ra có thiết thực trong hoàn cảnh hiện nay hay không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Theo tôi chính cái đổi mới chính trị mới là quan trọng bởi vì nó sẽ là động lực thúc đẩy cho kinh tế phát triển và nhất là vấn đề dân chủ. Nó sẽ thực hiện cái quyền dân chủ của người dân. Bởi vì nếu chúng ta đổi mới kinh tế nhưng thành quả kinh tế lọt vào tay các tập đoàn, cá nhân và nó nuôi dưỡng tham nhũng tiêu cực. Ví dụ như các nguồn vốn ODA hay các viện trợ quốc tế khác nếu sử dụng không đúng, gây thất thoát nhiều thì nay mai con cháu của chúng ta sẽ nợ nần rất dữ. Do đó phải đổi mới về mặt chính trị và có một cơ chế giám sát thật sự, tức là một chế độ dân chủ thật sự để người dân có thể giám sát được hoạt động kinh tế.
Bây giờ rõ ràng là người dân không thể nào giám sát những hoạt động kinh tế mà kinh nghiệm Vinashin và các tập đoàn khác mà nay đang đổ bể là một kinh nghiệm rất rõ. Những đơn vị kinh tế nhà nước, vốn nhà nước thật ra đó là tiền của nhân dân, chứ nhà nước làm gì mà có tiền? Qua thuế, qua những nhiệm vụ đóng góp khác thì dân đã đóng góp và tiền của đó bây giờ nó mất rất là lớn.
Về đầu tư công nếu chúng ta không có một thay đổi thể chế chính trị, có nghĩa là đổi mới về mặt chính trị, trong đó có việc xây dựng một nhà nước pháp quyền thật sự đi đôi với một xã hội công dân thì lúc đó tình trạng thất thoát tham nhũng sẽ ngày một trầm trọng hơn.
Mặc Lâm: Tại sao phải đổi mới chính trị khi mà cuộc đổi mới kinh tế đã chứng minh rằng Việt Nam đang đi đúng hướng từ nhiều năm qua. Liệu khi đổi mới chính trị có thể làm thay đổi những gì mà kinh tế đang đem lại hay không?
Phải đổi mới về mặt chính trị và có một cơ chế giám sát thật sự, tức là một chế độ dân chủ thật sự để người dân có thể giám sát được hoạt động kinh tế.
Ông Lê Hiếu Đằng Ông Lê Hiếu Đằng: Trên thực tế trong thời gian qua rõ ràng đổi mới kinh tế thì có, mà sự đổi mới kinh tế này tôi cho không phải là do tự giác mà do tình thế nó buộc phải đổi mới chứ nếu không thì nền kinh tế sẽ sụp đổ. Nếu tự giác thay đổi thì đôi lúc nó lại khác nữa, trong khi đó đổi mới chính trị thì gần như là không thay đổi gì, thậm chí tôi thấy nó có nhiều cái thụt lùi. Lĩnh vực dân chủ thụt lùi. Tôi nói ví dụ về báo chí chẳng hạn, báo chí trước đây còn nêu vấn đề tham nhũng thế này thế kia còn bây giờ thì không dám nói gì cả. Cái quyền được thông tin và công luận giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội vì vậy sự thụt lùi về dân chủ sẽ làm cho tình hình ngày càng nghiêm trọng thêm.
Mặc Lâm: Ông từng ở vị trí lãnh đạo của Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố HCM rất lâu, ông nhận xét vai trò của tổ chức này ra sao trong nhiệm vụ làm gạch nối giữa người dân và chính quyền?
Ông Lê Hiếu Đằng: Vai trò Quốc hội, vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể một cách thẳng thắn mà nói bây giờ cũng chỉ là hình thức mà thôi. Tức là công cụ để công khai một vấn đề gì đã được quyết định. Quyết định của lãnh đạo đảng cộng sản. Tôi nói ví dụ như vấn đề Vinashin chẳng hạn, ông Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đứng trước Quốc hội lại tuyên bố rằng Bộ chính trị cho rằng không có cá nhân nào trong hội đồng chính phủ sai phạm. Tôi cho cái đó là không đúng. Không đúng ở chỗ là có thể ý kiến đó là ý kiến của Bộ chính trị nhưng phải thông qua một thể thức nào đó chứ nói như ông Phó thủ tướng thì các cơ quan điều tra làm sao làm việc?
Dư luận người ta phê phán việc này rất dữ. Theo tôi muốn thay đổi hay đổi mới về chính trị thì tôi nghĩ quan điểm của nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tôi cho là đúng đắn. Phải trở lại Hiến pháp năm 1946. Phải trở lại tôn trọng quyền công dân mà hiến pháp công nhận, nhất là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thì mới có thể gọi là đổi mới chính trị một cách thật sự.
Trách nhiệm của giới trí thức
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng lãnh đạo trong Bộ chính trị cũng muốn thay đổi diện mạo chính trị của đảng, nhưng vì một nguyên nhân tế nhị nào đó khiến họ không thể vượt qua được hay không?
Hai phụ nữ đi qua một tấm áp phích tuyên truyền đấu tranh chống lại "tệ nạn xã hội" hôm 11/4/2011. AFP photo
Ông Lê Hiếu Đằng: Theo tôi việc thay đổi trong chính trị là rất khó vì thực chất một số vị trong lãnh đạo không muốn. Họ sợ. Sợ đổi mới chính trị thì nó cái gì đó phức tạp thành ra chúng ta không thể chờ đợi cái sự thay đổi này mà tôi nghĩ bằng cái đấu tranh, bằng xây dựng xã hội công dân để tạo ra áp lực xã hội. Về mặt kinh tế cũng vậy, không phải tự giác thay đổi mà do sự sụp đổ của Liên xô, rồi tình hình kinh tế quá khó khăn như khi miền Nam giải phóng thì buộc các vị lãnh đạo phải đổi mới.
Tôi nhớ là trong cuộc hội thảo giáo sư Đào Công Út ông ấy nói là không phải Đảng đổi mới mà là nhân dân đổi mới. Bởi vì đã có nhiều người người ta đổi mới một cách âm thầm và bí mật và thậm chí là bị kỷ luật như là ông bí thư Kim Ngọc.
Tôi đã phát biểu nhiều lần rằng các vị lãnh đạo muốn hay không muốn thì các vị cứ làm, nhưng trách nhiệm của người công dân Việt Nam nhất là giới trí thức phải tạo một xã hội dân sự, ở đó thể hiện được các quyền công dân.
Mà muốn như vậy thì vấn đề hiện nay như tôi vừa đọc bài viết của bà TS Nguyễn Thị Từ Huy trên trang Bauxit.vn thì phải đánh tan nỗi sợ. Phải thấy trách nhiệm của công dân nhất là của trí thức trong tình hình hiện nay. Không nên sợ quá mà mất đi trách nhiệm của mình. Cái mà Phan Chu Trinh gọi là phải chấn dân khí. Chúng ta không thể để sự hy sinh trong chiến tranh của chúng ta đổ sông đổ biển được.
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng từ việc đề nghị và thực sự bắt tay vào làm là một quá trình gian nan có khi phải một hay hai thế hệ nữa mới đi vào thực tiễn hay không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Khi đặt vấn đề đổi mới kinh tế phải đi đôi với đổi mới chính trị thì rất là đúng nhưng mà có đổi mới thật sự hay không về mặt chính trị thì đó còn là một vấn đề nữa. Đây là vai trò của xã hội công dân của những người trí thức. Của những người vẫn còn có cái ưu tư, có tâm nguyện muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ như di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Bởi vì chủ tịch Hồ Chí minh đâu nói gì đến Chủ nghĩa xã hội?
Mặc Lâm: Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học Bộ Công an đã nêu lên ý kiến rằng sự trì trệ, yếu kém và tha hóa của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị đã cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Ông có đồng tình với ý kiến này không?
Vai trò của người dân nhất là trí thức phải có tiếng nói đấu tranh quyết liệt với hiện tượng này chứ không thể ngồi thụ động chờ cho có sự thay đổi được!
Ông Lê Hiếu Đằng: Đúng! đây là điểm mấu chốt hiện nay. Bởi vì trong hệ thống chính trị hiện nay có một bộ phận cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cao đã bị các tập đoàn kinh tế chi phối do đó đôi lúc không đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên mà vì lợi ích cá nhân hay của tập đoàn của mình mà hành xử.
Việc này hết sức nguy hiểm mà muốn thay đổi những người này thì trước hết phải nói là trách nhiệm của Đảng cộng sản. Tôi với tư cách đảng viên tôi cũng có trách nhiệm trong việc đó bởi vì toàn bộ những vị đó toàn là đảng viên Đảng cộng sản cả.
Cái thứ hai nữa là vai trò của người dân nhất là trí thức phải có tiếng nói đấu tranh quyết liệt với hiện tượng này chứ không thể ngồi thụ động chờ cho có sự thay đổi được!
Mặc Lâm: Ông Cương cũng báo động rằng "Quyền lực không được giám sát là quyền lực sẽ bị tha hóa. Đó là tất yếu và không có ngoại lệ". Việc thiếu sự giám sát của công chúng hiện nay sẽ dẫn nền kinh tế Việt Nam đi đến chỗ bế tắc vì một vài cấp lãnh đạo cao nhất đã có biểu hiện suy thoái, ông có đồng ý với nhận định này hay không?
Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi cho là ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương rất là đúng. Đúng ở chỗ là bất cứ một chánh quyền nào dù lúc đầu rất tốt nhưng nếu không được nhân dân giám sát thì sẽ suy thoái, sẽ tham nhũng, sẽ tiêu cực. Cái quy luật chung của con người là vậy, anh không được quản lý giám sát thì dần dần anh sẽ sa vào những việc làm tệ hại!
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
|