Bắc Kinh tăng cường quan hệ với Islamabad vào lúc Pakistan bị áp lực từ Mỹ |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Sáu, 20 Tháng 5 Năm 2011 10:14 |
Vào lúc Pakistan và Mỹ mặt nặng mày nhẹ với nhau, thì đây là dịp để Bắc Kinh tìm cách thắt chặt quan hệ hơn nữa với Islamabad.
Vụ biệt kích Mỹ đột nhập vào Pakistan mà không báo trước cho chính quyền Islamabad, để triệt hạ trùm khủng bố Ben Laden đã gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương. Trong bối cảnh đó, thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani, ngày 17/05 vừa qua, đã sang Trung Quốc và ông được các lãnh đạo ở Bắc Kinh đón tiếp trọng thị, với những tuyên bố nồng nhiệt, ca ngợi quan hệ song phương. Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani (T) và chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong buổi tiếp xúc tại Bắc Kinh, ngày 20/05/2011. Hôm thứ tư, 18/05, thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định, « bất kể những thay đổi có thể xẩy ra trên chính trường quốc tế, Trung Quốc và Pakistan sẽ mãi mãi là những láng giềng tốt, người bạn tốt, đối tác tốt và là anh em ». Vào lúc Pakistan và Mỹ mặt nặng mày nhẹ với nhau, thì đây là dịp để Bắc Kinh tìm cách thắt chặt quan hệ hơn nữa với Islamabad. Theo giới phân tích, Trung Quốc và Pakistan đều có chung một đối thủ trong khu vực, đó là Ấn Độ, nhưng đồng thời, mỗi bên cũng có những tính toán riêng cho mình. Đối với Bắc Kinh, Pakistan là một thị trường lớn về kinh tế và vũ khí. Theo báo chí Trung Quốc, tổng kim ngạch thương mại song phương lên đến 8,7 tỷ đô la trong năm 2010. Mục tiêu đề ra là đến năm 2015, quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ lên tới 15 tỷ đô la. Tuần trước, Pakistan đã khai trương một nhà máy điện nguyên tử ở Chashma, tỉnh Punjab, do Trung Quốc xây. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn giành được hợp đồng xây cất thêm 2 nhà máy điện hạt nhân khác nữa. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là một trong những đối tác chính cung cấp vũ khí cho Pakistan. Nhân chuyến công du Bắc Kinh lần này của thủ tướng Gilani, phía Trung Quốc đã đồng ý cung cấp 50 máy bay tiêm kích JF-17 cho Pakistan trong sáu tháng tới. Trung Quốc cũng cần đến sự hỗ trợ, hợp tác của Pakistan để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, ly khai của các nhóm Hồi giáo trong khu vực Tân Cương, sát biên giới chung giữa hai nước. Mặt khác, Bắc Kinh cũng tìm mọi cách hạn chế ảnh hưởng của Washington trong khu vực sau khi Hoa Kỳ đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ và coi Pakistan là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Về phần mình, Pakistan cũng chơi lá bài Trung Quốc để giảm bớt áp lực của Mỹ. Nhân chuyến công du Trung Quốc, thủ tướng Gilani tuyên bố là Pakistan tự hào có Trung Quốc là một người bạn tốt nhất và Islamabad đánh giá cao quan hệ với Bắc Kinh vì trong mọi hoàn cảnh, Trung Quốc đều ủng hộ Pakistan. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Islamabad không thể bỏ qua sự trợ giúp tài chính và quân sự của Washington. Kể từ 2001 đến nay, tổng viện trợ của Hoa Kỳ cho Pakistan lên tới hơn 18 tỷ đô la, trong đó, chủ yếu là viện trợ quân sự.Chính quyền Pakistan thừa biết là họ không thể trông chờ vào Trung Quốc để hiện đại hóa quân đội. Mặc dù vậy, những động thái này đã làm cho các chính trị gia Mỹ khó chịu. Thượng nghị sĩ James Risch, thuộc đảng Cộng Hòa cho rằng rất khó thuyết phục được công luận Hoa Kỳ khi tiếp tục viện trợ cho Pakistan trong khi lãnh đạo nước này lại sang Trung Quốc và nói rằng đó là người bạn tốt nhất của họ. Sau vụ Ben Laden bị triệt hạ trên lãnh thổ Pakistan, một số nghị sĩ Mỹ còn đòi xem xét lại chính sách viện trợ cho Islamabad. Cho dù bực bội về thái độ nước đôi của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố, chính quyền Obama vẫn cần đến nước này, để phục vụ cho chiến trường Afghanistan, chống lại quân Taliban. Ngày 18/05, trong cuộc họp báo tại Washington, đô đốc Mỹ Mike Mullen nhắc nhở rằng đã đến lúc mọi người không nên nói về vụ biệt kích triệt hạ Ben Laden nữa, cần thuyết phục Pakistan chống khủng bố và sẽ là một thảm họa nếu quan hệ với Islamabad bị gián đoạn. Còn bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates nhấn mạnh là Washington cần tiếp tục viện trợ cho Islamabad vì những quyền lợi quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực.
|