Home Tin Tức Thời Sự Hội đàm Mỹ-Israel về nhà nước Palestin

Hội đàm Mỹ-Israel về nhà nước Palestin PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 20 Tháng 5 Năm 2011 08:56

Ông Netanyahu chỉ trích quan điểm của Tổng thống Obama về đường biên giới tương lai của Palestine

 

Tổng thống Mỹ, Barak Obama, sẽ gặp Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu vào khi đang có những bất đồng về biên giới của một nhà nước Palestin trong tương lai.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa bác bỏ ý kiến ​​của Tổng thống Mỹ Obama rằng một nhà nước Palestine trong tương lai phải dựa trên cơ sở biên giới được xác định vào năm 1967.

Trong một phát biểu quan trọng tại Bộ Ngoại giao, ông Obama nói "các hoán đổi được thỏa thuận chung" sẽ giúp tạo ra "một nhà nước Palestine có thể tồn tại, và một nhà nước Israel an toàn".

Tuy nhiên, ông Netanyahu nói các đường biên giới, đã tồn tại trước cuộc chiến Trung Đông 1967, là "không thể bảo vệ được".

Ông Netanyahu chuẩn bị gặp Tổng thống Obama để đàm phán tại Nhà Trắng.

Khoảng 300.000 người Israel sống tại khu định cư được xây dựng ở Bờ Tây, nằm bên ngoài các đường biên giới này.

Các khu định cư này là bất hợp pháp theo luật quốc tế, mặc dù Israel không chấp nhận điều này.

Tìm kiếm các giải pháp

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm về tương lai các chính sách của Mỹ ở Trung Đông, ông Obama nói cơ sở của các cuộc đàm phán hòa bình là tạo ra "một nhà nước Palestine có thể tồn tại, và một nhà nước Israel an toàn".

"Hoa Kỳ tin rằng các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến hai quốc gia, với đường biên giới vĩnh viễn giữa Palestine với Israel, Jordani, và Ai Cập, và đường biên giới vĩnh viễn giữa Israel với Palestine," ông nói.

"Biên giới của Israel và Palestine cần phải dựa trên đường biên giới hồi năm 1967 với những hoán đổi được thỏa thuận chung giữa hai bên, và như vậy các đường biên giới ổn định và được công nhận sẽ được thiết lập cho cả hai quốc gia."

Trong một tuyên bố, văn phòng của ông Netanyahu cho biết ông đánh giá cao "cam kết hòa bình" của ông Obama nhưng để hòa bình được duy trì, "khả năng tồn tại của một nhà nước Palestine không thể có được với cái giá phải trả là khả năng tồn tại của nhà nước Do Thái duy nhất".

Tuyên bố kêu gọi ông Obama để tái khẳng định cam kết của ông hồi năm 2004 với Israel.

"Trong số những việc khác nữa thì những cam kết đó liên quan đến việc Israel không phải lùi lại theo đường biên giới xác định hồi năm 1967, mà theo đó vừa không thể bảo vệ được và vừa khiến các trung tâm dân cư chính của Israel tại Judea và Samaria nằm ra ngoài các đường biên giới này," theo lời tuyên bố.

"Những cam kết cũng đảm bảo sự vững mạnh của Israel như là một nhà nước Do Thái bằng cách làm rõ rằng những người tị nạn Palestine sẽ được định cư tại một nhà nước Palestine tương lai chứ không phải tại Israel."

Làn sóng nổi dậy

Phóng viên BBC ở Jerusalem, Wyre Davies, cho biết ông Netanyahu sẽ được nồng nhiệt chào đón tại Mỹ, nhưng ông cũng đang bị áp lực quốc tế ngày càng tăng đòi ông phải giảm bớt sự phản đối về một nhà nước Palestine theo sau thỏa thuận thống nhất ký kết giữa các nhóm đối nghịch Palestine, nhóm Hamas và Fatah, hồi đầu tháng này.

Israel vẫn nhận là nhà nước dân chủ duy nhất trong khu vực nhưng lập luận này của họ đã bị suy yếu do những tiến triển mạnh mẽ của làn sóng nổi dậy chống chính phủ tại thế giới Ả Rập, phóng viên của BBC cho biết thêm.

Cú hích cho dân chủ bắt đầu với cuộc lật đổ Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali của Tunisia trong tháng Giêng. Lãnh đạo Ai Cập ông Hosni Mubarak sau đó cũng bị lật đổ ở Ai Cập, trong khi người biểu tình tại Libya hiện đang tiến hành việc lật đổ đại tá Muammar Gaddafi.

Các cuộc nổi dậy tương tự cũng đang diễn ra tại Bahrain, Yemen và Syria.

Giới lãnh đạo Palestine đang phân hóa giữa chính quyền Palestine, mà chủ yếu là phe chính trị Fatah thống lĩnh và điều hành vùng Bờ Tây, và phong trào Hồi giáo Hamas đang điều hành tại dải Gaza.

Tổng thống Palestine, ông Mahmoud Abbas, sẽ gặp các đồng nghiệp vào thứ Sáu để quyết định bước kế tiếp, với các viên chức cấp cao nói rằng họ được lệnh không được nói chuyện trước với các phóng viên.

Một thành viên cao cấp của phe Hamas, Ngoại trưởng Mohamed Awad, nói với BBC rằng các việc làm cụ thể là cần thiết từ Tổng thống Mỹ chứ không phải chỉ là các khẩu hiệu.

"Ông Obama đã không nói chút gì tới những đau khổ của nhân dân Palestine, những người đã phải chịu đau khổ trong hơn 63 năm qua," ông nói.

"Ông đã không nói rằng tiến trình hòa bình đã tới ngõ cụt ... Ông cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người nhưng ông đã không cố gắng làm hài lòng người dân Palestine."