Đình công ngày càng nhiều vì kinh tế khó khăn |
Tác Giả: BBC |
Thứ Tư, 18 Tháng 5 Năm 2011 08:25 |
Các cuộc đình công xảy ra với sự tham gia của ngày càng nhiều công nhân Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chỉ trong quý đầu năm nay, trên toàn quốc xảy ra tới 220 cuộc đình công, chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Giới chức cho hay lạm phát cao và điều kiện làm việc nặng nhọc khiến các cuộc đình công xảy ra ngày càng nhiều ở trong nước. Nhìn vào con số thống kê, người ta có thể thấy liên hệ giữa tình hình kinh tế với các cuộc đình công. Một cuộc hội thảo được giới chức ngành lao động tổ chức tuần rồi nhằm lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật Lao động hiện hành cho hay con số các vụ đình công năm 2008 là 603, năm 2009 giảm đáng kể xuống còn 219 vụ nhưng năm 2010 tăng lên 424 vụ. Những người tham gia hội thảo đánh giá "tình trạng đình công, bãi công đang có diễn biến đáng quan ngại". Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng liên đoàn, được trang tin Kinh tế Việt Nam dẫn lời nói một trong những nguyên nhân chính là do mức lương "chưa thỏa đáng". Ông Chính nói: "Mức lương công nhân làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp - nhất là ở các doanh nghiệp dệt may - hiện chưa thỏa đáng và mới đáp ứng 60% nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người công nhân". Thiệt hại lớn Được biết 80% số vụ đình công bắt nguồn từ vấn đề lương bổng và chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp da dày, may mặc. Định mức lao động quá cao cũng là một lý do khác làm xảy ra đình công. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội Phạm Minh Huân cũng được dẫn lời nêu một nguyên nhân khác, là giữa người lao động và doanh nghiệp "chưa có sự trao đổi thông tin một cách dân chủ". Các cuộc đình công xảy ra với sự tham gia của ngày càng nhiều công nhân, có cuộc thu hút hàng chục nghìn người và kéo dài nhiều ngày. Ảnh hưởng của đình công, bãi công tới hoạt động của các công ty vô cùng to lớn, có những cuộc gây thiệt hại hàng chục triệu đôla cho doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam mới đây đã giảm mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2011 xuống 6,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra trước đó là 75-7,5%. Giới chức nói trọng tâm hiện nay là kiềm chế lạm phát. Chính phủ tuyên bố cố gắng giữ lạm phát năm 2011 ở mức tương đương với 2010, tức là 11,75%.
|