Home Tin Tức Thời Sự Lễ Hội Áo Dài: Đòi Lại Nhân Phẩm Cho Phụ Nữ Và Trẻ Em Bị Buôn Vào Đường Nô Lệ Tình Dục

Lễ Hội Áo Dài: Đòi Lại Nhân Phẩm Cho Phụ Nữ Và Trẻ Em Bị Buôn Vào Đường Nô Lệ Tình Dục PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Trúc, phóng viên đài RFA   
Thứ Ba, 17 Tháng 5 Năm 2011 10:33

Tháng Năm ở Hoa Kỳ được gọi là Tháng Di Sản Châu Á Thái Bình Dương.

Đây là thời điểm các tổ chức Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, có những hoạt động truyền thống nhằm giới thiệu nét văn hoá và lịch sử cũng như sự thành công của cộng đồng mình trong cộng đồng giòng chính.

 
Một cô gái mồ côi trong chương trình học may của Friends Of Hue Foundation. hình bìa brochure "How we address poverty in Vietnam"Source friendsofhue.org

Ngày 15 tháng Năm này, tại San Jose bang California có đông người Việt nhất nước Mỹ, Ao Dai Festival, Lễ Hội Áo Dài, sẽ được Hội Từ Thiện Thân Hữu Huế tổ chức, để vừa gây quĩ vừa vinh danh chiếc áo dài Việt Nam, đồng thời hướng tới ước vọng xa hơn là đòi lại nhân phẩm cho những phụ nữ những trẻ em Việt bị buôn bán vào đường nô lệ tình dục cách này cách khác. 

Đòi lại nhân phẩm cho các phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng

Khởi xướng Ao Dai Festival là một phụ nữ trẻ đang hành nghề tại California, cô Jenny Đỗ, chủ tịch Hội Từ Thiện Thân Hữu Huế.

Từ năm  2009, luật sư Jenny Đỗ đã thu thập tài liệu hình ảnh để đưa vào cuộc triển lãm Human For Sale vòng quanh nước Mỹ, trình bày những câu chuyện những hình ảnh về tệ nạn buôn người vào đường mãi dâm mà nạn nhân là những phụ nữ và những em gái nhỏ Việt Nam:

Cuộc triển lãm đó được truyền đi rất nhiều nơi, nơi cuối cùng mà Jenny vừa tham dự là ở tại thành phố  Gainesville, University Of Florida. Sắp sửa kế tiếp là vùng Nam Cali, sau đó là trở lại Bắc Cali. Vì Jenny vẫn thu thập thêm thông tin và những câu chuyện tiếp tục với những ngày hôm nay.

 Những trẻ em mồ côi trong lớp học do bảo trợ của Friends Of Hue Foundation Hội Từ Thiện Thân Hữu Huế. Source friendsofhue.org

Cuộc triển lãm Human For Sale là đề tài mà Thanh Trúc đã một lần trình bày đến quí vị trước đây.

 Trở lại với Ao dai Festival ngày 15 sắp tới, chủ tịch Friends Of Hue Foundation Hội Từ Thiện Thân Hữu Huế,  đang chăm sóc bảo trợ cho hai mươi mấy em nhỏ mồ côi hoặc nằm trong diện dễ bị lạm dụng tại Trung Tâm Trẻ Em Xuân Phú ở thành phố Huế, luật sư Jenny Đỗ:

Năm nào Jenny cũng có những buổi gây quĩ để thu nhập tiền cho các cháu ở bên Huế. Tuy nhiên ở đây trong những buổi gây quĩ lúc nào Jenny cũng nghĩ đến mục đích nào đó để có thể đem lợi ích cho cộng đồng chúng ta ở bên đây, nhất là để cho giới trẻ có dịp hiểu thêm về phong tục tập  quán của người Việt Nam.


Chính vì lẽ đó, luật sư Jenny Đỗ nói tiếp, lần này cô chọn Ao Dai Festival làm chủ đề cho buổi gây quĩ :

Cái này không chỉ là fashion show (trình diễn thời trang), chữ áo dài không được dịch ra vì Jenny muốn nó trở thành một câu từ như Phở. Người Mỹ vẫn gọi là Phở mà không dịch ra. Vì vậy Jenny không dịch ra mà để nguyên chữ Áo Dài để mong nó trở thành một từ ngữ trong giòng chính.

Thông điệp của chiếc áo dài Việt Nam trong Ao Dai Festival là sao, Jenny trình bày tiếp:

Jenny muốn phá vỡ cái sự hiểu lầm của mọi người rằng tại vì nghèo cho nên mới phải bán thân, nghèo cho nên mới phải giống Kiều. Chuyện đó không đúng là tại vì nghèo thì mình nghèo bốn ngàn năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới nghèo.

 Năm 45 chết hai triệu người trong đói kém nhưng mà mình đâu có nghe cái tình trạng bán người vào nô lệ một cách thê thảm một cách số nhiều như thế này.
Chưa bao giờ số kiếp của người phụ nữ cũng như của các trẻ em nó rẻ đến như ngày hôm nay. Quá sức rẻ, một mạng người chỉ có mấy trăm đô. Đó là sự sĩ nhục cho cả một đất nước mà cũng làm mang tiếng người Việt Nam.

Bây giờ làm cách nào để nói để ngăn ngừa tệ trạng buôn người vào nô lệ mà đa số đã không còn muốn nghe vì mức độ kinh hoàng của nó. Luật sư Jenny Đỗ nêu câu hỏi như vậy rồi trả lời tiếp:

Bây giờ cho một ví dụ, một nạn nhân đến ôm Jenny và bảo rằng Jenny ơi nếu nó chỉ có hiếp mình không thôi thì cũng còn đỡ, đằng này nó còn hơn như vậy nữa. Có thể tưởng tượng khi một phụ nữ Việt Nam mà dám công nhận mình bị đày đọa đến như vậy.
Thành ra những hành vi xảy ra trong hiện tại đối với các trẻ em cũng như các phụ nữ, mà bây giờ gần như là các em nam nó quá khinh khủng nó không còn là người nữa.

Thì bây giờ Jenny dùng chiếc áo dài, tại vì đối với Jenny chiếc áo dài là biểu tượng cho sự tốt đẹp, nhân phẩm, đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Nâng cao chiếc áo dài là đòi lại nhân phẩm cho phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Thứ hai nữa là gây sự chú ý vào tệ nạn xã hội mà Jenny vừa nói ra.

Áo dài, biểu tượng của nhân phẩm và đức hạnh

 Poster giới thiệu Lễ Hội Áo Dài "Ao Dai Festival ở San Jose, CA. Source friendsofhue.org

Nhưng nếu chỉ sử dụng Ao Dai Festival làm biểu tượng, để đòi lại nhân phẩm cho các phụ nữ các trẻ em Việt Nam bị buôn bán vào đường mãi dâm, thì có trừu tượng quá chăng.

Theo luật sư Jenny Đỗ, lễ hội áo dài và dịp gây quĩ lần này còn  có những ý nghĩa tích cực khác :

Và cái thứ ba nữa là tạo cơ hội cho các thiếu nhi những  gia đình có thể rơi vào tình trạng trầm luân vì vấn đề thiếu kinh tế ở Việt Nam. Mình muốn đưa họ vào để làm chương trình may áo dài nhưng mà may một cách gọi là có kỹ thuật cao để họ không phải là những người làm việc lầm than trong những hãng xưởng mà là những người designer(thiết kế).

Jenny có được một số các nhà thiết kế từ New York, họ về Gò Vấp, họ về Huế, để đào tạo, để tìm những người mà nếu mình không giúp họ thì họ sẽ đi vào lầm than. Nhưng mà họ có một hoài vọng để tiến thân.

Tại Hoa Kỳ, luật sư Jenny Đỗ còn khuyến khích những nhà thiết kế ở đây tạo mẫu những chiếc áo dài gọn gàng, kín đáo, phù hợp với công việc và môi trường nhưng vẫn giữ nét duyên dáng đặc trưng của áo dài Việt Nam. Những chiếc áo dài cách điệu này này sẽ được giới thiệu trong Áo Dài Festival ngày 15 tới: 

Với một số người thiết kế ở bên Mỹ bây giờ thì phong cách design của họ đa số là áo đầm. Jenny đề nghị với họ là thay vì chú tâm vào áo đầm thì tại  sao họ không lấy chiếc áo dài để mà tân cách hóa nó modernize nó để đưa nó vào giòng chính.

Thành ra bây giờ có một số thiết kế mới mà Jenny sẽ giới thiệu vào ngày Áo Dài Festival là rất hợp thời trang cho bên giòng chính.

 Cái sự huyền bí của áo dài ở chỗ là nó rất kín đáo nhưng mà đẹp, quyến rũ nhưng không rẻ tiền. Thành ra người thiết kế phải hiểu được cái huyền bí đó để khai thác để đưa vào giòng chính.

Mục đích của Jenny là muốn cho giới trẻ hiểu được cái giá trị của chiếc áo dài. Áo dài là  phong cách đạo đức. Khi mang áo dài trên thân tự nhiên cách ăn nói đi đứng cho đến cách cư xử đều thay đổi, nó có tính cách lịch sự tối cao. Khi mình mặc chiếc áo dài là mình tôn trọng những người chung quanh.

Cô nhấn mạnh ngày hội áo dài không chỉ để gây quĩ cho các cháu ở Trung Tâm Trẻ Em Xuân Phú tại Huế, mà còn là dịp tôn vinh những cái hay cái đẹp của phong tục Việt Nam, giáo dục cho giới trẻ về ý nghĩa và lịch sử của chiếc áo dài:

Tất cả những gì xảy ra trong buổi hội đó phải đi theo di tích lịch sử của các lễ hội ngày xưa ở đình làng. Tại vì nếu mình không dựng lại và không tổ chức lại thì thế hệ thứ hai của mình bên này không biết tại sao phải có lễ trống tại sao phải có lễ cờ tại sao phải có chiếu hoa vân vân…Tất cả những chi tiết đó ngày xưa làm như thế nào thì bây giờ mình bắt chước theo như vậy.

 Cô Christine Huynh trong chiếc áo dài Việt Nam. Dolinh,RFA

Cũng nhờ thường xuyên đi về sinh hoạt với các trẻ nghèo hay trẻ có nguy cơ cao bị bán ở Trung Tâm Trẻ Em Xuân Phú, luật sư Jenny Đỗ biết được việc làm của ICAN, một tổ chức người Việt hải ngoại chuyên giúp đỡ người già neo đơn, thiếu nhi tật nguyền  học sinh nghèo khó trong nước, hoặc chương trình ADAPT đang bảo trợ và  phục hồi nhân phẩm để tái hoà nhập xã hội cho các em gái Việt bị bán sang Kampuchia hay sang Trung Quốc tại  An Giang và tại Lào Cai...

Tổ chức thứ ba là văn phòng trợ giúp công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan của linh mục Nguyễn Văn Hùng.

Do đó, không chỉ kiếm tài chánh cho tổ chức của mình, cô còn nhân buổi gây quĩ để san sẽ phần nào với ICAN với ADAPT với Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt ở Đài Loan, kêu gọi mọi người tiếp tay với ba tổ chức này: 

Năm nào Jenny cũng gây quĩ và ai cũng biết là Jenny gây quĩ để nuôi các con. Những người hảo tâm chẳng những ủng hộ mua vé mà còn bảo trợ cho một em nào đó.

 Có những người giúp nuôi một đưa bé sáu tháng, có người nuôi đứa bé một năm, cứ mỗi người giúp cho Jenny một chút.

 Cái mà Jenny xúc động nhất là có những cụ già ăn trợ cấp mà vẫn trích ra hai mưới lăm đồng một tháng để giúp Jenny. Đó là những đồng tiền rất thiêng liêng vì tình người nằm ở chỗ đó.

Câu chuyện về Áo Dài Festival ngày 15 tới đây, khởi đi từ Trung Tâm  Trẻ Em Xuân Phú ,  rồi thảm cảnh những nạn nhân của tệ buôn người, đến ước vọng đòi lại nhân phẩm người phụ nữ Việt qua chiếc áo dài, không thể thiếu ý kiến của những người đã và đang góp một bàn tay cho Hội Từ Thiện Thân hữu Huế cũng như luật sư Jenny Đỗ từ năm sáu năm nay.

Từ thành phố san Jose Bắc California, ông Trần Xuân Thái:

Chúng tôi yểm trợ bằng tiền bạc,  mỗi năm như vây chúng tôi nuôi mỗi em và chúng tôi tiếp tục làm chuyện đó.

Chúng tôi cũng vận động thân hữu bạn bè bà con ở San Jose cũng như ở các tiểu bang khác, để cố gắng giup1 đỡ Jenny Đỗ hoàn thành công tác thiện nguyện giúp  đỡ cho các em cô nhi ở Huế. Đây là lần đầu tiên tôi thấy số anh chị em ở đây rất đông, người làm thiện nguyện cũng rất đông, giúp tổ chức Ao Dai Festival này. Tôi hy vọng Ngày Áo Dài sẽ trở thành một buổi lễ văn hoá của người Việt Nam tại San Jose, hy vọng sẽ được tổ chức hàng năm.

Liên tục  bảo trợ tài chánh cho Friends Of Hue Foundation bao năm nay,  ông  Bob Schiffbauer, cưu quân nhân Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam hồi 1968, hiện là giám sát viên Hội Đồng Thành Phố ở Pensylvania:

Tôi trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1999, để rồi sau đó  đi về Việt Nam mỗi năm và làm việc với tổ chức Đông Tây Hội Ngộ ở Huế và Đà Nẵng.

Tình cờ tôi biết được một trường hợp buôn người ở địa phương, biết đến nổ lực của Friends Of Hue Foundation và luật sư Mỹ gốc Việt Jenny Đỗ đang cố giúp những em nhỏ có thể là đối tượng sắp bị bán đi. Tôi trở thành người bảo trợ cho tổ chức từ thiện của Jenny Đỗ từ lúc đó.

Trong lúc số tiền ông Schiffbauer tài trợ cho Hội Từ Thiện Thân Hữu Huế tăng lên hàng năm, một nhà mạnh thường quân khác là tiến sĩ Phùng Liên Đoàn, cũng đều đặn từng năm yểm trợ cho Hội Từ Thiện Thân Hữu Huế.

Kỳ gây quĩ ngày 15 tới đây, số hiện kim đối ứng mà tiến sĩ Đoàn Liên Phùng cam kết cho buổi gây quĩ là mười nghìn đô la: 

Việc Jenny Đỗ giúp đỡ các trẻ bụi đời, mồ côi và vô gia cư ở Huế là việc rất đáng làm. Tôi đã cộng tác với hội thân hữu Huế từ mười năm nay. Lần này chúng tôi  hy vọng sẽ kích thích được nhiều người  giúp để cho công việc làm của Jenny và Hội Thân Hữu Huế được thành công.