Home Tin Tức Thời Sự Biệt đội 6 Hải Kích & Đặc vụ Geronimo

Biệt đội 6 Hải Kích & Đặc vụ Geronimo PDF Print E-mail
Tác Giả: Đinh Yên Thảo   
Thứ Hai, 16 Tháng 5 Năm 2011 19:12

 Khi Hải quân Hoa Kỳ cần những đặc vụ quan trọng, họ đưa ra Biệt đội Hải kích NAVY SEAL.

 Khi Biệt đội Hải Kích cần thực hiện những đặc vụ tối quan trọng, họ đưa ra Biệt đội 6, hay TEAM 6. Cùng với Biệt kích Delta Force, đây là lực lượng tác chiến đặc nhiệm được coi là thiện chiến nhất quân lực Hoa Kỳ, hay của cả thế giới. Trong tuần qua, Biệt đội 6 Hải kích được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông thế giới về đặc vụ đột nhập sào huyệt và hạ thủ trùm khủng bố Osama Bin Laden trên lãnh thổ Pakistan, kẻ đã đưa cục diện thế giới đi sang một trang sử khác từ sau vụ nổ bom 9/11 tại New York. Họ là ai?

 
Biệt kích Hải Quân SEAL đang huấn luyện.

Nín thở dưới nước hàng đôi ba phút đồng hồ mà không hề có bọt bong bóng, bơi ba bốn chục cây số không nghỉ, thức liên tục ba ngày đêm không ngủ nhưng vẫn giữ được sự sáng suốt và mạnh mẽ, đu dây nhảy hàng chục thước xuống đất từ trực thăng, có tài thiện xạ, tay không sát thủ và có khả năng ứng biến, mưu sinh thoát hiểm trong nhiều tình huống nguy hiểm..., đó chỉ là dăm khả năng có thể kể ra, khi người ta nói về những Biệt đội Hải kích Hoa Kỳ, hay ngắn gọn hơn là những toán Biệt Hải đặc nhiệm. Họ có khả năng tác chiến lành nghề trong mọi địa hình-dưới nước, trên không hay đường bộ-theo như tên gọi của binh chủng SEAL (SEa, Air, Land). Không chỉ vậy, những quân nhân ưu tú này còn có sự bén nhạy về trí tuệ, mưu mô, thông thạo ngoại ngữ, sử dụng các vũ khí và các phương tiện kỹ thuật tối tân nhất của quân đội Hoa Kỳ. Và những người xuất chúng nhất của binh chủng tinh nhuệ này, được tuyển vào Biệt đội 6, Biệt đội tuyệt mật, không hề tồn tại trên hồ sơ của Bộ Quốc Phòng vì những lý do an ninh. Không có tên, không có hình ảnh, không hề được vinh thưởng chiến công trước đại chúng hay khi tử nạn trong nhiệm vụ, họ là những người hùng thầm lặng của quân lực Hoa Kỳ trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu.

Có thể nói rằng sự thành lập lực lượng Biệt Hải ra đời từ chiến tranh Việt Nam, dù các hoạt động tương tự đã có từ Đệ Nhị Thế Chiến. Năm 1961, trong diễn từ trước Quốc Hội, không chỉ đưa ra kế hoạch đổ bộ lên mặt trăng trong chương trình không gian đang chạy đua cùng cộng sản Liên Xô, TT Kennedy còn tuyên dương các lực lượng đặc biệt của quân đội HK, cũng như nêu lên nhu cầu cần thiết thành lập lực lượng đặc nhiệm để đối phó lại cuộc chiến tranh du kích tại Việt Nam và Đông Nam Á trong địa hình hiểm trở và đầy khác biệt. Ông cam kết gia tăng 100 triệu đô la cho các hoạt động này. Ngay đầu năm 1962, Hải quân HK thành lập lực lượng biệt hải Navy SEAL, phần lớn lấy các nhân viên từng hoạt động tại chiến tranh Triều Tiên. Trên trang mạng chính thức của lực lượng Biệt Hải Hoa Kỳ, trong 5 Đệ Nhất Bảo Quốc Huân Chương-Medal of Honor cao quý nhất của chính phủ tưởng lục các quân nhân HK, đã có 3 huân chương trao tặng cho các Biệt Hải Mỹ hoạt động tại VN. Các chuyên viên Biệt Hải HK lập tức được gởi sang VN để tham gia và huấn luyện toán Biệt Hải VN (Sea commando) tại các căn cứ quân sự ngay Đà Nẵng. Đây là hoạt động tiền thân của những toán Biệt Hải và người nhái trực thuộc Sở Phòng vệ Duyên Hải (Coastal Security Service), thuộc Bộ Tổng Tham Mưu ra đời năm 1964, do Đại tá Ngô Thế Linh làm Chỉ Huy Trưởng và Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại nắm quyền về sau. Những đặc vụ của các Biệt Hải Quân lực VNCH đã tạo những chiến tích oai hùng và gây nhiều khiếp đảm cho cộng quân trong thời chiến, cũng như nhiều người đã anh dũng vị quốc vong thân, bỏ mình khi thực hiện nhiệm vụ hào hùng.

Trở lại cùng lực lượng Biệt Hải Navy SEAL. Được tuyển mộ phần lớn từ các thủy thủ và quân nhân xuất sắc có thể chất tốt ở độ tuổi ngoài 20 trong quân đội Hoa Kỳ, để tham gia các đợt huấn nhục và thử thách tinh thần và thể chất khi gia nhập Navy SEAL. Đây là chương trình huấn luyện dưới nước căn bản với tên gọi Basic Underwater Demolition (BUD) được chia làm nhiều giai đoạn sàng lọc khó khăn, chắt lọc ra những chiến sĩ xuất sắc nhất có thể hoàn thành nhiệm vụ khó khăn đặt ra với bất cứ giá nào. Theo các tài liệu chính thức từ trang mạng Lực lượng Biệt Hải HK, vòng sơ tuyển ban đầu với những yêu cầu thể lực như bơi 1,000 mét dưới 20 phút, hít đất 70 cái dưới 2 phút, chạy bộ 4 dặm dưới 30 phút ... đã loại ra nhiều ứng sinh. Những ai qua được vòng sơ tuyển này sẽ được huấn luyện trong 3 tuần, chuẩn bị kỹ năng cho vòng thử thách đầu tiên (Phase 1) kéo dài trong 7 tuần. Đây là vòng có Tuần lễ Huấn nhục "Địa ngục" (Hell Week), khi các khoá sinh chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày và thời gian còn lại để chạy bộ đến 200 dặm hay tập thể lực, bơi lội, lăn mình trên cát đến 20 tiếng. Đây là tuần lễ xác định được ý chí cũng như quyết tâm của những ai có khả năng và thực sự muốn trở thành một Biệt Hải. 80 % các khoá sinh hoặc bị loại, trả về đơn vị cũ hoặc quyết định bỏ cuộc sau vòng này. Những ai qua được vòng 1 này sẽ tiếp tục khóa huấn luyện tác chiến dưới nước (Phase 2) trong 7 tuần, đúng nghĩa "người nhái" như tên gọi quen thuộc với người VN. Dù vậy, những khóa sinh không thích hợp hay có khả năng lặn sâu và tác chiến dưới nước cũng sẽ bị loại bỏ. Những khóa sinh vào được vòng kế tiếp (Phase 3), sẽ được huấn luyện kỹ thuật tác chiến đường bộ. Họ học về vũ khí, chất nổ, phá hủy, ngụy trang, phối hợp tác chiến, địa hình ... Và cuối cùng là khóa Chứng nhận Hoàn tất chương trình (SEAL Qualification Training- SQT), trong đó họ tiếp tục học chiến thuật tác chiến, tiêu diệt và phá hủy, nhảy dù, rơi tự do từ phi cơ, tham gia đặc vụ duyên hải hay sang Alaska huấn luyện về sự chịu đựng băng giá . Trong khoá này, các nhân viên Biệt Hải tương lai còn được học về cứu thương, ngoại ngữ, võ thuật, tay không cận chiến, cùng các kỹ năng "Mưu sinh thoát hiểm" (Survival, Evasion, Resistance and Escape). Những khóa sinh đạt được chứng nhận sau một năm trời huấn luyện này sẽ trở thành một Biệt Hải thực thụ và được điều về các biệt đội của Navy SEAL, tiếp tục các huấn luyện thực tế cũng như bắt đầu các đặc vụ nguy hiểm khắp thế giới. Họ không chỉ có một thể lực và tinh thần thép, mà còn là những quân nhân trung thành với quốc gia, tuyên thệ sẵn sàng quyết tử để hoàn thành nhiệm vụ. Trên thực tế, rất nhiều Biệt Hải đã tử nạn trong chiến tranh VN, tại Châu Phi, Trung Đông hay trong các đặc vụ tại Yemen, Pakistan, Iraq và Afghanistan sau này.

Biệt đội 6 Hải kích (ST6) được ra đời từ sau đặc vụ giải cứu 52 con tin tại Toà Đại sứ Hoa Kỳ tại Iran bị thất bại hồi năm 1980. Hải Quân nhận ra họ cần một lực lượng tinh nhuệ với các khả năng tác chiến đặc biệt trong việc chống khủng bố. ST6 là sự chọn lọc tinh hoa trong các toán Biệt Hải này, đã tham gia ít nhất hàng vài trăm đặc vụ và còn sống sót trở về, nên độ tuổi trung bình ở khoảng trên dưới 30. Chỉ có chọn lọc riêng biệt từng người mà không có ứng tuyển, dù vậy cũng chỉ hơn phân nửa số được tuyển chọn đặc biệt là có thể đủ tiêu chuẩn trở thành nhân viên ST6 sau các khoá huấn luyện. Tên gọi chính thức của ST6 là Nhóm Hải Kích Tác Chiến Mở rộng Đặc biệt-DEVGRU. Đây là nhóm cùng với Biệt Kích Delta Force của Quân đội, là hai lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của quân lực HK hiện nay, có những hoạt động riêng biệt hay trùng lắp, nhưng chung mục đích là chống khủng bố, giải cứu con tin, hay liên quan đến an ninh quốc gia và có sự tham dự trực tiếp từ Tổng tư lịnh tối cao, tức Tổng thống HK. Quân số, chi tiết, tên tuổi, hình ảnh của hai toán đặc nhiệm này không được công bố. Thậm chí các nhân viên ST6 không hề tiết lộ về sự gia nhập hay đặc vụ của mình cho gia đình. Họ được chú trọng đặc biệt các kỹ năng ý chí và trí tuệ, vì đã từng là một Biệt Hải đầy kinh nghiệm. Tuy nhiên các kỹ năng chuyên sâu về cận chiến, bơi lặn, nhảy dù, leo trèo cũng được tiếp tục huấn luyện bên cạnh các kỹ năng thiện xạ, lái xe, sử dụng trực thăng, phi cơ, chiến đỉnh, thiết bị kỹ thuật cao... Họ tập luyện bằng đạn thật và đối diện cùng tử thần ngay trong huấn luyện. Trong cuốn sách "Linh hồn chiến sĩ: Hồi ký một Biệt Hải" (Warrior Soul: The Memoir of a Navy Seal), tác giả Chuck Pfarrer-một cựu Biệt hải tiết lộ rằng số đạn mà ST6 bắn trong năm nhiều hơn cả lực lượng Thủy quân Lục Chiến bắn ra trong năm. Các vụ đụng độ khốc liệt với các toán Taliban hay al-Qaida tại vùng rừng sâu hay núi đồi hiểm trở của Iraq và Afghanistan phần nhiều do các Biệt Hải và ST6 thực hiện.

Trong nhiều tháng qua, Biệt đội 6 nhận được nhiệm vụ tối mật do chính Giám đốc tình báo CIA Leon Panetta  chủ xướng theo lịnh TT Obama và Phó Đô đốc McRaven lên kế hoạch tác chiến. Họ đã bay sang Afghanistan chuẩn bị cho đặc vụ cảm tử, đột nhập vào lãnh thổ Pakistan để hạ thủ trùm khủng bố Osama Bin Laden. Một đặc vụ mà có thể có người không còn cơ hội để quay về (prepared-to-die mission). Hoặc họ bị Pakistan bắn hạ trên không phận, hoặc chạm súng trong lãnh thổ Pakistan, hoặc gặp sự chống trả kịch liệt từ các cận vệ của Bin Laden mà những tên này mang áo giáp có bom, sẵn sàng nổ tự sát để cùng chết. Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra. Qua hình ảnh và tin tức được công bố ra đại chúng, người ta cảm nhận được không khí căng thẳng và quan trọng tại Phòng Biến Sự Vụ (Situation Room), với sự hiện diện của Tổng Thống Obama, Phó TT Joe Biden, Ngoại trưởng Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates, Giám đốc Cơ quan tình báo CIA Leon Panetta cùng các cố vấn an ninh quốc gia... đang theo dõi đặc vụ Geronimo mà Biệt đội 6 đang thực hiện. Họ đang thực hiện sứ mệnh được đánh cuộc bằng uy tín và danh dự của TT Hoa Kỳ, của sự an ninh cho người dân và nước Mỹ. Cùng cuộc chiến chống khủng bố trong suốt 10 năm qua.

Nếu chiến dịch Ưng Trảo (Operation Eagle Claw) do chính TT Jimmy Carter ra lịnh để giải cứu con tin Mỹ tại Iran thất bại, đưa đến cái chết của một số công dân Mỹ, ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Hoa Kỳ và TT Carter, cũng như là một trong những lý do chính để ông thất cử năm 1980, thì đặc vụ Geronimo chớp nhoáng do Biệt đội 6 thực hiện quả là một chiến tích quan trọng để ghi vào lịch sử cho lực lượng Biệt Hải, cũng như đưa uy tín của vị Tổng Tư Lịnh của mình- TT Obama lên cao, trả lại công lý cho người dân Mỹ đã bị sát hại và đem lại sự an ninh cho quốc gia. Rất tiếc là người dân không biết mặt hay tên tuổi của họ. Có lẽ phải đợi 30 năm sau. Nhưng để vinh danh và cảm tạ những chiến sĩ oai hùng thầm lặng này thì ắt không cần phải đợi lâu đến vậy.