Tập đoàn dầu khí Mỹ sẽ rút khỏi ba đề án ngoài khơi Việt Nam |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Tư, 11 Tháng 5 Năm 2011 08:42 |
Kế hoạch bán cổ phần của họ trong các đề án tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình giảm trừ đầu tư ... Theo hãng tin Mỹ Bloomberg vào hôm nay 11/05/2011, ConocoPhillips, tập đoàn dầu khí lớn thứ ba tại Mỹ vừa xác nhận kế hoạch bán cổ phần của họ trong ba công trình khai thác dầu hỏa và khí đốt tự nhiên ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Theo ông John McLemore, một phát ngôn viên của Conoco, đó là các đề án nằm trong vùng biển Đông.
Một giàn khoan dầu ngoài khơi Skandinavia của Tập đoàn dầu khí Mỹ ConocoPhillips Theo cứ liệu công bố trên trang web của ConocoPhillips, có trụ sở tại Houston (Texas), tập đoàn này hiện nắm giữ 23,3% cổ phần trong một cụm gồm 5 mỏ dầu thuộc lô 15-1, cũng như 36% cổ phần của mỏ Rạng Đông trong lô 15-2 tại khu vực bể Cửu Long. Trong năm 2009, sản lượng các mỏ dầu này đạt mức tương đương 32.000 thùng mỗi ngày. Ngoài ra, Conoco cũng có 16,3% cổ phần của họ trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, công suất 700m3/ngày, nối liền bể Nam Côn Sơn với miền Nam Việt Nam. Kế hoạch rút khỏi các công trình khai thác dầu khí tại Việt Nam của Conoco nằm trong chương trình bán bớt tài sản của tập đoàn này để có thanh khoản mua lại mua lại cổ phiếu và đẩy mạnh tăng trưởng. Vào năm ngoái, thông qua một chương trình công bố một năm trước đó, ConocoPhillips đã bán được khoảng 7 tỷ đô la tài sản mà một phần định dùng cho việc giảm nợ. Trả lời hãng Bloomberg bằng thư điện tử, ông McLemore xác định là kế hoạch bán cổ phần của họ trong các đề án tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình giảm trừ đầu tư kể trên. Paul Sankey, một chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Đức Deutsche Bank, vào cuối tháng tư vừa qua, đã ước lượng rằng trị giá tài sản của Conoco tại Việt Nam lên đến khoảng 1,5 tỷ đô la. Theo ông Jason Gammel, một nhà phân tích tại công ty Macquarie Capital Europe tại Luân Đôn, việc bán cổ phần tại Việt Nam sẽ cho phép ConocoPhillips giảm bớt sự hiện diện tại một khu vực không đáng kể trong hoạt động kinh doanh của họ. Theo chuyên gia này, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong hoạt động tổng thể của tập đoàn Mỹ, nhưng lại có khả năng hấp dẫn được các bên khác. Quan tâm đến các cổ phần của Conoco có thể là các tập đoàn Trung Quốc hay Ấn Độ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Việt Nam có đồng ý phê duyệt việc bán cho các công ty đó hay không. Theo hai quan chức cấp cao của ConocoPhillips xin ẩn danh, thì họ đã thảo luận với tập đoàn dầu khí nhà nước Việt Nam PetroVietnam về kế hoạch bán phần hùn nói trên. PetroVietnam nắm giữ 50% cổ phần trong lô 15-1, trong lúc ConocoPhillips, hai tập đoàn Hàn Quốc Korea National Oil Corp và SK Corp, cùng với công ty Pháp Geopetrol, nắm 50% cổ phần còn lại. PetroVietnam cũng giữ 51% trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn, phần còn lại, gồm 32,7% đã được Tập đoàn Anh BP đã đồng ý bán cho Công ty Dầu khí TNK-BP của Nga vào tháng 10 năm ngoái, và 16,3% trong tay ConocoPhillips. Riêng về mỏ Rạng Đông, Công ty Dầu khí Việt - Nhật (JVPC) nắm giữ 46,5% cổ phần, PetroVietnam 17, 5% và ConocoPhillips sở hữu phần còn lại. Theo một quan chức Việt Nam, việc Conoco bán phần hùn vốn của mình trong ba công trình kể trên cần có sự phê chuẩn từ Ban giám đốc của PetroVietnam và của Bộ Công thương. Theo Bloomberg, Thứ trưởng bộ Công thương Việt Nam, ông Lê Dương Quang đã từ chối bình luận kế hoạch trên.
|