Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc và kế hoạch cài gián điệp vào Mỹ

Trung Quốc và kế hoạch cài gián điệp vào Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: V. Giang dịch   
Thứ Hai, 09 Tháng 5 Năm 2011 21:53

ALEXANDRIA, Virginia (AP) - Glenn Duffie Shriver, một công dân Mỹ, 29 tuổi, phải đứng trước thẩm phán tòa liên bang ở Alexandria để bị tuyên án.

Khi đến lượt phát biểu trước tòa, anh ta nói về những gì từng mong muốn thực hiện cho đất nước mình.

“Cuộc đời tôi đáng lẽ ra là để phục vụ,” anh nói. “Tôi có thể rất hữu ích cho xã hội. Ðó là điều tôi từng mong muốn.”

Ở bên ngoài, Shriver có vẻ là một thanh niên Mỹ gương mẫu, hạnh kiểm tốt, không hề có tiền án. Sắp lập gia đình. Có việc làm dạy Anh văn ở ngoại quốc. Người thân, bạn bè anh gởi một loạt thư tới thẩm phán để xin giảm tội cho anh, và họ miêu tả Shriver là người thành thật và chăm lo cho người khác. Vị hôn thê của anh gọi Shriver là “Người Yêu Nước”.

Tất cả những điều đó lại càng làm cho những người ngồi trong phòng xử thấy khó hiểu hơn: Vì Glenn Shriver cũng là người làm gián điệp cho tình báo Trung Quốc.

Anh ta từng nhận $70,000 từ những người mà anh biết là giới chức tình báo Trung Quốc để tìm cách kiếm việc làm trong một cơ quan chính phủ Mỹ, đầu tiên là Bộ Ngoại Giao và sau đó là Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA).

Và Shriver chỉ là một trong ít nhất 57 bị cáo bị truy tố trước tòa án liên bang từ năm 2008 về tội làm gián điệp cho Trung Quốc hay tìm cách cung cấp tin tức mật, tin tức về kỹ thuật cao cho nhân viên tình báo, các tổ chức của nhà nước Trung Quốc, các cá nhân hoặc công ty ở Trung Quốc.

Trong số này, có chín người đang chờ ngày ra tòa, hai người đang lẩn trốn. Những người khác đã bị kết tội nhưng một số vẫn chờ ngày bị tuyên án.

Phần lớn những vụ truy tố này không được sự chú ý nhiều của dư luận, đặc biệt là khi so sánh với các hàng tít lớn liên quan đến vụ bắt giữ 10 nhân viên tình báo Nga xâm nhập vào xã hội Mỹ hồi Mùa Hè năm ngoái và sống ở Mỹ trong hơn 10 năm, nhưng theo Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder thì lại chưa lấy được bí mật nào.

Trong khi đó, trong những vụ liên hệ tới cơ quan tình báo Trung Quốc thì khác, có rất nhiều điệp vụ thành công, gây thiệt hại cho Hoa Kỳ.

* Tại Honolulu, một kỹ sư từng làm việc trong chương trình chế tạo oanh tạc cơ B-2 và có lúc từng là giáo sư đại học Purdue, bị 32 năm tù về tội cung cấp tin tức cho Trung Quốc chế tạo một cơ phận quan trọng trong hỏa tiễn bình phi (cruise missile), vốn theo một viên chức cao cấp Bộ Tư Pháp là đưa đến việt lộ mật “một trong những loại võ khí quan trọng nhất của quốc gia”.

* Ở Boston, có một doanh gia tốt nghiệp Ðại Học Harvard bị án tù cùng với bà vợ cũ vì trong liền một thập niên đã có hành động xuất cảng trái phép các bộ phận radar và máy móc điện tử quốc phòng sang các trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc có nhiệm vụ chế tạo hệ thống võ khí cho quân đội quốc gia này.

* Ở Los Angeles, một người đàn ông khác bị tù vì bán các máy nhìn được trong bóng tối do công ty Raytheon chế tạo, có thể ứng dụng vào lãnh vực quốc phòng, cho một công ty ở Trung Quốc, vi phạm luật cấm xuất cảng các máy móc loại này.

* Ở Alexandra, Virginia, có Glenn Duffie Shriver, người chỉ nói giản dị với thẩm phán xử án là anh có quyết định sai lầm trong sự liên hệ trước đó.

Ðó chỉ mới là những vụ án được xử hồi đầu năm nay.

Trong trường hợp của Shriver, hồ sơ tại tòa cho thấy khi anh ta hỏi những người móc nối mình- “quý vị cần tin tức gì?” - câu trả lời rất rõ ràng là “chúng tôi cần tin tức mật”.

Dù rằng Bắc Kinh luôn chối bỏ điều này, các chuyên gia phản gián cho hay những trường hợp phát giác vừa qua cho thấy Trung Quốc là một trong các quốc gia có hoạt động tình báo mạnh mẽ nhất ở Mỹ hiện nay, sẵn sàng trả tiền và tìm đủ mọi cách để lấy được mọi tin tức từ Mỹ.

Trong trường hợp của Shriver, trong khi tham dự một khóa học ở Thượng Hải, anh ta trở nên ưa thích văn hóa Trung Quốc và học tiếng Phổ Thông. Sau khi tốt nghiệp đại học Grand Valley State University tại Michigan năm 2004, anh quay trở lại Trung Quốc để tìm việc làm nơi đây.

Shriver chỉ mới 22 tuổi khi vào tháng 10 năm 2004, anh gặp một phụ nữ ở Thượng Hải, người sau đó giới thiệu gặp hai nhân viên tình báo Trung Quốc, thuyết phục anh cộng tác với họ.

Theo hồ sơ tòa, Shriver đọc thấy một quảng cáo trên tờ báo Anh ngữ tìm kiếm học giả về Ðông Á để viết các bài chính trị.

Anh mấy lần gặp một phụ nữ tên “Amanda”, giao cho cô ta một bài viết về mối liên hệ Mỹ-Trung Quốc liên quan đến Bắc Hàn và Ðài Loan, rồi sau đó được trả $150.

“Amanda” sau đó giới thiệu anh với “ông Wu” và ông Tang”, và trong mấy năm sau đó, họ gặp nhau ít nhất 20 lần.

Hồ sơ ở tòa cho thấy Wu và Tang hỏi anh Shriver là có ý định làm việc cho chính phủ Mỹ hay không, và đề nghị anh xin vào làm cho Bộ Ngoại Giao hay CIA.

Sáu tháng sau khi gặp “Amanda”, anh nộp đơn xin vào làm cho Bộ Ngoại Giao. Tuy thi rớt, hai nhân viên tình báo Trung Quốc cũng trả anh ta $10,000. Một năm sau đó, vào tháng 4 năm 2006, anh thi lần thứ nhì, nhưng cũng lại rớt. Tuy vậy, anh vẫn được trả $20,000.

Sau đó, đến tháng 6 ăm 2007, anh nộp đơn xin vào làm việc cho CIA trong lãnh vực hoạt động bí mật. Vài tháng sau đó, anh đòi phía Trung Quốc trả cho $40,000.

Vào tháng 6 ăm 2010, Shriver trải qua một loạt các biện pháp thanh lọc an ninh sau cùng tại văn phòng CIA ở Virginia, trong đó anh nói dối khi được hỏi là từng có liên hệ gì với nhân viên tình báo ngoại quốc hay không. Một tuần sau đó, anh bị bắt. Các giới chức Mỹ không tiết lộ điều gì đã khiến họ khám phá ra các hoạt động bí mật của anh.

Pauline Arrillaga/AP

V. Giang dịch