Home Tin Tức Thời Sự Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, tuyệt vời ông Trương Tấn Sang!

Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên, tuyệt vời ông Trương Tấn Sang! PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Văn Thịnh   
Thứ Hai, 09 Tháng 5 Năm 2011 10:01

“Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘CHẾT’ cái đất nước này.”

  Một khu phố văn hóa ở quận 1, TP HCM. RFA photo

Ngày 7.5.2011, lúc 4:24:05 PM, VietnamNet đăng tải một bài báo tuyệt vời với nhan đề: “Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy”. Tên của bài báo là nguyên văn lời của ông Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư (nhân vật số 2) khi trả lời cử tri ở Quận 1, TP HCM sáng 7.5. Cụ thể hơn, bài báo cho biết ông Trương Tấn Sang đã nói rằng “Trước đây chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘CHẾT’ cái đất nước này.” (tác giả nhấn mạnh – HVT).

Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là lần đầu tiên một quan chức cực cao cấp dám dùng đến từ “xấu hổ” khi nói trước dân chúng. Dù muốn hay không, mỗi chúng ta buộc phải ghi nhận rằng “Đảng” đã bắt đầu thấy sai, thấy bức bối (thật hay giả, bao nhiêu phần trăm thì còn phải xem hồi sau mới biết) trước thực trạng có quá nhiều con sâu; thậm chí tất cả là sâu. Tuy ông Sang nói là chuyện đó “đâu có được” nhưng ngẫm kỹ một chút sẽ thấy cái ngôn từ lấp lửng của chính trị gia nó sâu sắc lắm. “Tất cả là sâu” tuy “đâu có được” nhưng một bầy sâu nhiều gần bằng “tất cả” cũng là sự thú nhận!

Là một “lều” sử học (theo ngôn ngữ của Thầy Trần Quốc Vượng), tôi xin lạm bàn như sau.

1. Một khi quan chức cao cấp biết chỉ một con sâu là nguy hiểm thì tại sao chưa có giải pháp nào hữu hiệu để loại trừ mối hiểm nguy từ cả “một bầy” đó? Tôi tuy chẳng có tài cán gì, nhưng nếu cho tôi có thực quyền, bảo đảm rằng dù không diệt trừ được hết tham nhũng nhưng loại bỏ NGUY HIỂM là hoàn toàn có khả năng làm được. Chẳng hạn, kê khai tài sản công khai trước dân, giải trình tất cả mọi khuất tất trước dân, cho phép dân có quyền chất vấn cặn kẽ, triệt để, cho phép dân thành lập những Uỷ ban đặc biệt có quyền giám sát tất cả những gì mà dư luận băn khoăn…, thì, chắc chắn, sẽ chẳng còn hiểm nguy nữa. Tại sao không làm? Nếu những điều tôi đề nghị chưa hợp lý thì ông Trương Tấn Sang có thể đưa ra được giải pháp nào tốt hơn?

2. Đã là lãnh đạo, là trí thức, một khi đã thấy xấu hổ mà nói rồi để đấy là không thể chấp nhận được. Theo tôi, ông Trương Tấn Sang đã làm hởi lòng hởi dạ biết bao con dân Nước Việt, cúi XIN ông hãy đừng thêm một lần đưa chúng tôi (các công dân – phó thường dân) đến với nỗi thất vọng. Người dân lâu nay luôn than phiền rằng quan chức thời nay không biết xấu hổ. Họ đã sai (kể cả tôi). Bởi vì sự thật nhãn tiền là nhân vật số hai của Đảng cũng biết xấu hổ một cách rõ ràng. Chữa trị căn bệnh đó cũng không hề khó – vấn đề là nói có đi đôi với làm hay không thôi. Báo chí (cả mọi lề) cho biết ông Ngọc, có bằng TS dổm, bị Đại hội đảng bộ cấp tỉnh gạt ra bên lề nhưng quan trên vẫn bổ nhiệm một chức vụ tương đương thứ trưởng là can cớ làm sao? Chẳng lẽ ông Ngọc không xấu hổ và, người bổ nhiệm ông ta cũng chẳng hề thấy xấu hổ?

3. Đất nước này đang “chết” dần mòn, tủi nhục, ê chề là điều ai cũng biết. Cái chết về văn hoá, về đạo đức, về lương tâm, về ước mơ, về lòng dũng cảm, về tính tự tôn dân tộc, về sự đau đớn trong im lặng của sự câm lặng… là cái chết thảm thương và vô phương cứu chữa, dù xét dưới bất kỳ góc độ nào. Ông Trương Tấn Sang đã thừa nhận rằng không cần tất cả là sâu mà chỉ cần một bầy sâu là đã đủ làm ‘chết’ dân tộc này? Thử hỏi, đã biết là như thế, nhìn thấy người chết là cha mình, tổ tiên, giống nòi mình mà không cứu, không chữa thì trả lời sao đây? Cứu và phải cứu bằng được bất kể giải pháp nào vì trước cái chết, mọi sự biện minh đều vô nghĩa lý. Người xưa dạy là dù xây chín bậc phù đồ hay chín ngàn bậc cũng không thể bằng việc cứu được mạng sống cho một người, huống hồ là cả một dân tộc! Chúng tôi nghĩ rằng nếu còn bận tâm suy nghĩ, cân nhắc trước cái chết, đó cũng là tội ác!

Lâu lắm rồi mới được nghe một vị lãnh đạo nói ra những lời vàng ngọc, thiết tha và đớn đau đến thế. Cho dù còn điều này điều nọ băn khoăn nhưng thực sự, người viết bài này dường như đã thấy vệt hồng đỏ nào đó của hy vọng nơi đường chân trời xám xịt bấy lâu nay. Xin tri ân ông Trương Tấn Sang vì những lời lẽ thật hay, thật sâu sắc ngay trong một ngày mà cả dân tộc Việt Nam đều biết rõ giá trị của thiêng liêng, của cẩn trọng, của giữ lời! Rất tin và hy vọng rằng nhưng điều tâm huyết của ông Trương Tấn Sang sẽ rất nhanh trở thành quyết sách hiện thực, đủ đầy. Nói thật lòng rằng, viết đến đây, tôi vẫn cứ vấn vương về câu mà một người bạn ở Paris vừa gọi – nói về, cho rằng tôi chỉ luôn sàm tin vào chót lưỡi, đầu môi!?

Huế, 8.5.2011.

 

Tiếp xúc với cử tri quận 1 (TP.HCM) với tư cách ứng viên ĐBQH sáng 7/5, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang phát biểu: So với mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, chúng ta làm chưa tới, chưa thành công...

Cùng bảng với ông Trương Tấn Sang còn có Phó đoàn ĐBQH thành phố Trần Du Lịch, GĐ công ty cổ phần thương mại dịch vụ tư vấn đầu tư doanh thương Mỹ Á Hoàng Hữu Phước, Chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Nguyễn Đăng Trừng và Phó TGĐ công ty TNHH phần mềm FPT Phạm Minh Tuấn.
 
Buổi tiếp xúc "nóng" lên sau phần trình bày chương trình hành động của các ứng cử viên. 16 phát biểu tâp trung vào các vấn đời sống dân sinh, hạ tầng đô thị; tình trạng lạm phát, giá tăng ảnh hưởng tới đời sống cán bộ hưu trí, người làm công ăn lương; hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng; hiệu quả đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn...

Không loại trừ bất cứ thay đổi nào

Các cử tri Đặng Tất Niên và Nguyễn Thanh Long (phường Bến Nghé) cho rằng các ứng cử viên nếu trúng cử nên tích cực lên tiếng bảo vệ quyền lợi người dân, đề nghị họ có giải pháp cụ thể để thực hiện chương trình hành động, báo cáo kết quả thực hiện, tránh tình trạng hứa nhưng không làm hoặc làm chưa tới nơi tới chốn.

Thay mặt 5 ứng cử viên, ông Trương Tấn Sang nói: "Các ý kiến của cử tri phản ánh sự mong mỏi, đòi hỏi hết sức lớn đối với các ứng cử viên ĐBQH khóa XIII. Chúng tôi hiểu tình cảm, nguyện vọng đó là chính đáng...".

"QH khóa XIII sẽ có những chương trình, quyết sách lớn để đưa nghị quyết Đại hội Đảng XI vào cuộc sống. Tôi tin chắc chắn sẽ có bước tiến quan trọng. Chúng tôi rất xúc động và cũng cảm thấy xấu hổ vì mình chưa làm được gì nhiều so với sự mong đợi của người dân...", ông Sang nói.

Cử tri Lê Thanh Bình (phường Bến Nghé) và Võ Ngọc Yến (phường Đa Kao) cho rằng tình trạng tham nhũng hiện nay rất nghiêm trọng, Đảng, Chính phủ và QH cần quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng...
Ông Trương Tấn Sang cũng đồng tình rằng những năm qua chúng ta đã làm được một số việc, nhưng so với mục tiêu, yêu cầu là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng thì vẫn chưa thành công.

Ông nhấn mạnh mục tiêu trước mắt là sửa đổi cơ chế, thể chế và tổ chức chỉ đạo: "Mục tiêu không thay đổi nhưng cơ chế, chính sách, tổ chức, chỉ đạo dẫn tới kết quả không tốt thì phải sửa, nhất quyết phải sửa. Điều đó là tự nhiên thôi, từ cấp trung ương đến địa phương".

Ông khẳng định với cử tri sẽ không loại trừ bất cứ sự thay đổi nào, rà soát tất cả các khâu, thể chế nào, tổ chức nào, con người nào chưa đáp ứng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng, lãng phí đều phải thay đổi.

"Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này", ông Sang nói.

Trước băn khoăn của cử tri về đời sống dân sinh, Thường trực Ban Bí thư cho rằng kinh tế tăng trưởng nhưng lạm phát cao, đời sống người làm công ăn lương, người nghèo trong xã hội hết sức khó khăn. Ưu tiên lớn nhất của năm nay, trong những tháng đầu năm, là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, giảm bội chi, tăng hiệu quả đầu tư công... Có vậy đời sống nhân dân mới được cải thiện.

Thái Thiện