Home Tin Tức Thời Sự Thơ “chui” & Nhà thơ Bùi Chát

Thơ “chui” & Nhà thơ Bùi Chát PDF Print E-mail
Tác Giả: Mặc Lâm/RFA   
Thứ Năm, 05 Tháng 5 Năm 2011 22:36

Nhà thơ Bùi Chát bị bắt giữ

              

     Nhà thơ Bùi Chát lúc lên nhận giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản,
do Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) trao tặng, tại Buenos Aires, Argentina,
hôm 25 tháng 4. Về tới Việt Nam, Bùi Chát bị bắt giữ ngay ở Tân Sơn Nhất)

SÀI GÒN (NV) - Từ Argentina về lại Việt Nam sau khi nhận giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản, nhà thơ Bùi Chát bị giữ lại ở phi trường Tân Sơn Nhất và bị đưa về đồn công an, theo tin từ bạn bè của nhà thơ.

Với danh hiệu “nhà xuất bản Giấy Vụn,” Bùi Chát và các nhà thơ “chui” tự in các tác phẩm bị cấm, tránh né sự kiểm duyệt của chính quyền.

Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA), nhân Hội Chợ Sách Quốc Tế lần thứ 37, tổ chức tại Buenos Aires, trao giải thưởng Quyền Tự Do Xuất Bản cho Bùi Chát hôm 25 tháng 4.

Bùi Chát về đến Tân Sơn Nhất khoảng 7 giờ chiều 30 tháng 4 thì bị công an cửa khẩu giữ lại và lập biên bản. Lý do được đưa ra là vì trong hành lý của Bùi Chát có một số sách của Bùi Chát và Lý Ðợi cũng như một tự điển điện tử Kim từ điển. Lý Ðợi cũng là một nhà thơ ngoài luồng với tác phẩm xuất bản qua nhà xuất bản Giấy Vụn.

Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viên, sinh năm 1979 ở Biên Hòa và cư ngụ ở Sài Gòn. Ðây không phải là lần đầu tiên Bùi Chát bị bắt. Là một thành viên của nhóm Mở Miệng, gồm những nhà thơ “ngoài luồng,” Bùi Chát và nhà thơ Lý Ðợi bị bắt giam hai ngày về tội phát tờ rơi tại một buổi đọc thơ bị công an bắt giải tán.

Ngoài Bùi Chát và Lý Ðợi, nhiều nhà thơ “chui” khác vẫn liên tiếp bị công an sách nhiễu, bị mất việc, bị thường xuyên gọi lên làm việc, như Nguyễn Quốc Chánh, Uyên Vũ.
 
Nhà thơ Bùi Chát và ‘Bài Thơ Một Vần’

LTS. Hôm 26 tháng 4, nhà thơ Bùi Chát được Hiệp Hội Xuất Bản Quốc Tế (IPA) trao giải Quyền Tự Do Xuất Bản, nhân dịp Hội Sách Quốc Tế lần thứ 37, năm nay tổ chức tại Buenos Aires. Nhà thơ Bùi Chát, 32 tuổi, là người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn để đăng thơ ngoài luồng, thơ không qua kiểm duyệt, tại Việt Nam. Nhân dịp này, báo Người Việt giới thiệu bài viết của phóng viên Mặc Lâm đài RFA về nhà thơ Bùi Chát, đăng ngày 17 tháng 10 năm 2009.

Nhà thơ Bùi Chát sau nhiều tháng vắng mặt trên các diễn đàn văn nghệ trong và ngoài nước, nay đã xuất hiện trở lại với tác phẩm mới mang tựa “Bài Thơ Một Vần.”

            Bìa cuốn “Bài thơ một vần” của Bùi Chát, được in
          bằng photocopy tại Việt Nam không qua kiểm duyệt

Tác phẩm này được in photocopy và thông tin trên trang đầu tiên của tác phẩm cho biết thì “Bài Thơ Một Vần” được in xong vào quý 3 năm 2009. “Bài Thơ Một Vần” được nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản, tập hợp 26 bài thơ tự do. Ngoài phần Việt ngữ, những bài thơ này được Lê Ðình Nhất Lang dịch sang Anh ngữ.

Nhà thơ trẻ

Bùi Chát tên thật là Bùi Quang Viễn sinh năm 1979 tại Hố Nai, Biên Hòa trong một gia đình Công Giáo gốc di cư. Anh tốt nghiệp ngành Văn Học, khoa Ngữ Văn-Báo Chí, Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP HCM năm 2001. Từ đó sống ở Sài Gòn.

Năm 2001 anh cùng với Lý Ðợi thành lập nhóm Mở Miệng. Anh cũng là người đề xướng các khái niệm “thơ rác,” “thơ nghĩa địa,” và là người sáng lập Giấy Vụn - nhà xuất bản chuyên in ấn và phát hành tác phẩm của các nhà thơ vỉa hè dưới hình thức photocopy, vượt qua sự kiểm duyệt của chính quyền.

Những tác phẩm của hai tác giả trẻ Lý Ðợi và Bùi Chát qua nhà xuất bản Giấy Vụn thường là những thử nghiệm mới, những bức phá cũng như các phản kháng về nhiều vấn đề khiến không một nhà xuất bản bình thường nào có thể đảm đương cho việc in ấn và phát hành. Phương tiện loan truyền tác phẩm của Giấy Vụn là Internet và được rất nhiều trang mạng văn học chú ý đến hoạt động của nó như một loại hình vừa có thể chuyển tải các tác phẩm đến người đọc có chọn lọc, vừa gợi lên được ý tưởng độc lập, không thỏa hiệp cần có của nhà văn.

Những câu thơ ám ảnh

“Bài Thơ Một Vần” là tác phẩm mới nhất của Bùi Chát, nó xuất hiện trong bối cảnh khá khó khăn hiện nay đối với những văn nghệ sĩ từng có vấn đề nhạy cảm với nhà cầm quyền. Bùi Chát tung tập thơ này ra như tuyên ngôn của một người trẻ cầm bút. Trực tiếp đặt vấn đề đến những va vấp của hệ thống. Và trong bước đi chập choạng của lịch sử, Bùi Chát ghi nhận những ám ảnh của anh về một câu thơ mà cả dân tộc không ai không biết:

Rồi, tôi

Rồi tôi nhận ra tiếng nói từ bầy súc vật
Mơ hành vi của những con người
Tổ quốc!
Chúng ta vĩnh viễn không được tự ruồng bỏ
Bởi suy nghĩ hẹp hòi của chúng ta
Thế giới cũng vút lên bằng bước chân mòn
Với một niềm tin ở dưới gót
Tôi chiêm bao thấy đứa con sắp lọt lòng của tôi nhắn nhủ
Tổ quốc ta như một con mèo [1]
Tiếng chào đời con gọi meo meo [2]

Gợi nhớ:
[1] Tổ quốc ta như một con tàu (Xuân Diệu)
[2] Tiếng chào đời con gọi Xít-ta-lin (Tố Hữu)

Trong bài thơ mang tựa “Rồi, tôi” có một điều gì đấy khiến ký ức của không ít người trong chúng ta quặn đau. Cúi gập người xuống trước một ám ảnh khó giải thích, câu thơ của Tố Hữu vẫn dai dẳng đè nặng trái tim những người trẻ làm văn nghệ hôm nay và Bùi Chát cay đắng nhận ra rằng cả một thế hệ của anh đang chiêm bao những điều kỳ quặc nhất.

Những chiêm bao mang dáng dấp Dali trong hội họa làm thời gian nhũn ra và lời thơ Bùi Chát vang đập trong con hẻm ký ức trở thành câu hỏi cho nhiều năm tháng về sau.

Những người anh em cộng sản

Bùi Chát đưa một giả định mình đang sống ở vòng ngoài của sinh hoạt đời sống để tự sự với những người cộng sản mà anh gọi là anh em. Những người anh em này phân phát những vật phẩm đặc biệt cho mọi người mà một trong những tặng vật không ai muốn nhận ấy là nỗi sợ. Sợ hãi trở thành vật sở hữu khi nó hòa vào cuộc sống hàng ngày không ngăn chận được. Sợ hãi như không khí, vô hình nhưng đầy quyền năng.

Ai?

Tôi gặp gỡ những người cộng sản
Những người anh em của chúng tôi
Những người làm chúng tôi mất đi kí ức
Mất đi tiếng nói bản thân
Mất đi những cái thuộc về giá trị
Chúng tôi còn sở hữu duy nhất một điều

Nỗi sợ

Tôi trò chuyện với những người cộng sản
Những người anh em
Những người muốn chăn dắt chúng tôi
Luôn biến chúng tôi thành đồ hộp
Hy vọng chúng tôi đời đời biết ơn
Những người cộng sản
Anh em chúng tôi
Chưa bao giờ thấy họ tự hỏi
Trong ngôi nhà đen đủi này
Ai muốn thừa kế di sản của họ?

Những ngã tư tất bật cùng những tranh giành không sòng phẳng ám ảnh người trẻ hôm nay qua màu đỏ đặc trưng cũng là nỗi đau của Bùi Chát. Nhà thơ cay đắng chạm tay vào màu đỏ thay vì nồng nàn, đã trở thành thê thiết vì những độc đoán kỳ lạ mà anh và thế hệ anh đang gánh chịu,

Ðèn đỏ

Tôi đứng trước một ngã tư
Ðèn đỏ ngăn tôi lại
Những dòng người ra đi tất bật
Gió mát sau lưng họ
Chúng tôi, nhiều thế hệ
Bị giữ lại bởi đèn đỏ
Chúng tôi không cất bước được
Chúng tôi không bay lên được
Giao lộ ở khắp nơi
Không ai có thể vượt qua màu đỏ
Chúng tôi đứng trước ngã tư
Nhiều thế hệ
Chỉ một con đường đầy bụi đỏ trước mắt

Chừng như vẫn bị ám bởi cái màu đỏ thê lương này, Bùi Chát viết tiếp, lần này với thứ ngôn ngữ của các blogger, nghịch ngợm nhưng cay chua và nhất là rất thật. Thật như đời đang tung tăng ngoài kia.

Bài thơ một vần

Màu đỏ
Như loài cỏ
Ngỡ là chuyện nhỏ
Nên không ai dọn bỏ
Chúng tôi luôn hốt hoảng nhưng biết làm
thế nào!?
Ðành bỏ ngỏ..!!!
Mọi thứ đều phải xin phép

Bùi Chát đùa nghịch với chữ nghĩa trong tâm thế của người mộng du. Anh cào cấu từng thớ thịt của thơ mình để chảy ra tiếng thơ sống sượng và nhức nhối của hiện trạng hôm nay khi mọi sự đều phải xin phép. Các thứ giấy phép vô hình này đè nặng tâm trí mọi người, mỗi người cần một thứ và Bùi Chát thì cần quá nhiều trong tất cả các loại giấy phép này, do đó những câu hỏi của anh chắc chắn sẽ rơi vào bóng đêm, vào dĩ vãng.

Thói

-Các ông cho chúng tôi được biết sự thật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ngủ với vợ/ chồng chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được thở nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bình đẳng trước pháp luật nhé!
- Các ông cho chúng tôi được suy nghĩ khác với các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chống tham nhũng nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do ngôn luận nhé!
- Các ông cho chúng tôi được lập hội vỉa hè nhé!
- Các ông cho chúng tôi được viết bài thơ này nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ghét các ông chống đối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tự do biểu tình nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bầu cử tự do nhé!
- Các ông cho chúng tôi được bảo vệ tổ quốc nhé!
- Các ông cho chúng tôi được học ngoại ngữ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa-Trường Sa nhé!

Cứ như thế, những câu thơ như kinh nhật tụng, rơi vào đêm tối vô tận nhưng dư âm thì rất sâu và rất xa. Tiếng vọng của thơ hay của sự thật không thể rạch ròi nhưng âm sắc của lời kinh thì không thể nào chìm khuất.

- Các ông cho chúng tôi được giỏi hơn các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi chùa đi nhà thờ nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đọc bản Tuyên ngôn nhân quyền nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sở hữu mảnh đất tổ tiên chúng tôi để lại nhé!
- Các ông cho chúng tôi được tố cáo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được là người Việt Nam nhé!
- Các ông cho chúng tôi được giữ gìn truyền thống nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu thêm gia đình bạn bè ngoài các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xây dựng đất nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết diện tích mặt đất và biển đảo của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được biết tên của đất nước chúng tôi 20 năm nữa nhé!
- Các ông cho chúng tôi được không theo các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được sống riêng tư không bị dòm ngó nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đá đít các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được yêu nước nhé!
- Các ông cho chúng tôi được đi bằng đôi chân của chúng tôi nhé!
- Các ông cho chúng tôi được xuất bản bài thơ này sau khi viết xong nhé!
- Các ông cho chúng tôi được chờ các ông đến bắt nhé!
- Các ông cho chúng tôi được từ chối các ông nhé!
- Các ông cho chúng tôi được ước gì chúng tôi chẳng ước điều gì nhé!
- Các ông cho chúng tôi được mưu cầu hạnh phúc và mưu cầu không hạnh phúc nhé!

Niềm đau bất lực

Và rồi trong cuối cùng của những suy tưởng văn nghệ, Bùi Chát tự nhận rằng cùng với bằng hữu của anh, tất cả chia sẻ sự cay đắng một cách cam chịu. Những khuôn mặt nghệ sĩ ngơ ngác ngồi bên nhau, cạnh các vỉa hè đen đủi, nhìn lại mình và phát hiện ra rằng sự bất lực không tên gọi vẫn tiếp tục đè nặng trên mỗi trái tim, trí não của họ. Bùi Chát đập ngực tự thú nhận nỗi bất lực không cần che dấu này của trí thức, và anh lái sang một nơi khu trú khác mang nhãn hiệu bạn bè văn nghệ. Có phải những trí thức văn nghệ này cùng chia sẻ niềm đau với anh như chia sẻ từng ly cà phê dưới những quán cà phê cùng mang tên vỉa hè?

Khó thấy

Sự phát triển của nghệ thuật
Có thể kết liễu một chế độ độc tài
Bao nhiêu người đã nói
Những điều tương tự như vậy
Các nghệ sĩ nhậu ở vỉa hè
Kể về tính nước đôi
Cây kim giấu trong bọc vải
Lâu ngày cũng thành thơ

Chúng ta

Những cư dân không được đón chào
Gió chiều nào
Ta tào lao chiều ấy

Ðộc giả yêu quí
Ðọc những dòng này
Xin quí vị nhớ một điều
Tất cả những gì tôi viết là của quí vị
Của người thân, tổ chức, và bạn bè quí vị...
Bằng chứng là. Lúc này
Khi quí vị bỏ thời gian, công sức, và nhiều
thứ nữa... Ðể đọc
Tôi đâu ở cạnh mà thực sự biết
Chúng nhạt nhẽo và ngớ ngẩn đến nhường nào

Nhà thơ Bùi Chát vẫn đang sống tại Việt Nam. Không biết sau khi tác phẩm “Bài Thơ Một Vần” chính thức phát hành trên mạng thì số phận của nhà thơ ra sao, nhưng chắc một điều là anh thỏa nguyện lắm. Hai mươi sáu bài thơ cùng với quá nhiều tâm trạng dù sao cũng đã được dàn trải và trong những ngữ nghĩa được gọi là thơ ấy đã tròn trịa những suy nghĩ của anh trong những ngày tháng bước qua lứa tuổi 30, lứa tuổi của khát sống và thèm tự do mãnh  liệt  nhất của cả một đời người.

(17 tháng 10, 2009)