Home Tin Tức Thời Sự Indonesia tăng cường an ninh trước Hội nghị ASEAN

Indonesia tăng cường an ninh trước Hội nghị ASEAN PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ / Thanh Phương   
Thứ Năm, 05 Tháng 5 Năm 2011 07:54

Hôm nay cảnh sát Indonesia thông báo đã tìm thấy 6 quả bom chưa nổ

  Các hội nghị ASEAN tại Jakarta đã bắt đầu từ ngày 04/05/11 với cuộc họp trù bị cho hội nghị Thượng đỉnh. Hôm nay diễn ra Thượng đỉnh doanh nghiệp Liên hiệp Châu Âu -ASEAN đầu tiên, trước khi khai mạc chính thức cuộc họp giữa các lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á. 

Indonesia tăng cường an ninh trước Hội nghị.
REUTERS/Supri

Trong bối cảnh trùm khủng bố Ben Laden vừa bị quân Mỹ tiêu diệt, chính quyền đặc biệt cảnh giác đề phòng với khả năng các nhóm hồi giáo cực đoan ở địa phương trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Al Qaida.

Hôm nay cảnh sát Indonesia thông báo đã tìm thấy 6 quả bom chưa nổ tại thành phố Cirebon phía tây Java để chuẩn bị cho một kế hoạch tấn công khủng bố sắp tới. Những năm gần đây, tại Indonesia đã xảy ra nhiều vụ khủng bố đẫm máu của các nhóm hồi giáo cực đoan.

Indonesia đã phải huy động tối đa để bảo đảm an ninh cho Hội nghị thượng đỉnh năm nay.

Từ Jakarta, đặc phái viên Thanh Phương tường trình.

“Vốn đã được tăng cường để chuẩn bị đón tiếp hội nghị thượng đỉnh tại Jakarta, an ninh lại càng được chính quyền Indonesia thắt chặt thêm sau vụ Ben Laden bị quân Mỹ tiêu diệt tại Pakistan.

Các cuộc họp của ASEAN chỉ bắt đầu từ 04/05/11, nhưng từ tuần trước, một số đơn vị quân đội đã trú đóng ngay tại khu vực Trung tâm Hội nghị Jakarta, tăng cường cho lực lượng cảnh sát vốn đã rất hung hậu.

Tổng cộng có đến 8.000 binh lính và cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh cho thủ đô Jakarta. Nhưng không chỉ ở khu vực Trung tâm Hội nghị và sân bay, mà an ninh còn được tăng cường thêm chung quanh một số khách sạn lớn, nơi đón tiếp phái đoàn các nước ASEAN, cũng như chung quanh những nơi mua sắm đông người. Khách ra vào các thương xá trong những ngày này tại Jakarta đều bị kiểm tra túi xách rất kỹ lưỡng.

Sau vụ sát hại Ben Laden, người ta sợ là những thành phần Hồi giáo cực đoan sẽ có hành động khủng bố để trả thù, đặc biệt là tại Indonesia, điạ bàn hoạt động của mạng lưới khủng bố Đông Nam Á, Jemaah Islamiya, có liên hệ với Al Qaida.

Nhưng các chuyên gia về chống khủng bố đặc biệt cảnh báo về sự xuất hiện của những tay khủng bố gốc gác từ trong nước, tổ chức thành từng nhóm rất nhỏ hoặc hành động riêng lẻ, như vụ nổ bom do một tay khủng bố cảm tử gây ra đúng vào ngày cầu kinh thứ sáu hàng tuần tại một đền Hồi giáo nằm gần một đồn cảnh sát ở miền Tây Java vào tháng trước.

Mặc dù đã có một số nghi can bị bắt do có âm mưu đặt bom, nhưng theo lời cảnh sát trưởng Jakarta, trong thành phố này vẫn còn có các tổ khủng bố hoạt động ngấm ngầm.

Nhưng những biện pháp an ninh cũng được áp dụng đối với cả một số tổ chức phi chính phủ. Cảnh sát cửa khẩu sân bay quốc tế Jakarta đã được phổ biến danh sách những người bị cấm nhập cảnh Indonesia, trong đó có một số người Việt Nam, như ông Võ Văn Ái, Uỷ ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam hay ông Trần Ngọc Thành, Uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam.

Nhân đây cũng xin nói thêm là bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các tổ chức phi chính phủ cũng họp lại trong khuôn khổ Hội nghị xã hội dân sự ASEAN và Diễn đàn Nhân dân ASEAN, nhưng khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức ở Việt Nam vào năm ngoái cũng đã xảy ra trường hợp một số nhà hoạt động đã không được vào Việt Nam để dự Diễn đàn Nhân dân ASEAN và Hội nghị xã hội dân sự ASEAN.

Bên lề cuộc họp thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta năm nay cũng sẽ có cuộc gặp mặt giữa đại diện các tổ chức xã hội dân sự với các lãnh đạo ASEAN ngày 7/5, nhưng chưa gì các tổ chức phi chính phủ đã phàn nàn là nhiều chính phủ Đông Nam Á đã tự động chỉ định người đại diện xã hội dân sự, trong khi các tổ chức phi chính phủ đã chọn riêng những người đại diện họ để đối thoại với các lãnh đạo ASEAN.

Điều này cho thấy là nhiều chính quyền Đông Nam Á vẫn chưa thật sự chấp nhận vai trò của các tổ chức xã hội, vớì tư cách đại diện cho tiếng nói của người dân đóng góp vào việc hoạch định các chính sách kinh tế và xã hội, để sự phát triển được công bằng và bền vững.