Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03/O5/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03/O5/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Tư, 04 Tháng 5 Năm 2011 06:07

« Cái chết của Ben Laden : Công lý đã được thực thi »
 

Từ CIA đến Al Qaida: Kết cục của một trùm khủng bố quốc tế

Biệt thự Abbotabad, au Pakistan, nơi Ben Laden trú ẩn cho đến
khi bị tiêu diệt đêm hôm 1/5/2011 (REUTERS/Abrar Tanoli)

Trùm khủng bố Ben Laden bị giết trong một chiến dịch hành động chớp nhoáng do lực lượng đặc nhiệm Mỹ thực hiện. Ben Laden cái tên được nhắc đi nhắc lại trên khắp các mặt báo ra tại Pháp hôm nay. Các báo đua nhau khai thác tối đa kết cục bị thảm của một trùm khủng bố số 1 thế giới.
 

Nhật báo Le Monde với tựa đề trên trang nhất « Cái chết của Ben Laden : Công lý đã được thực thi » đã dành hẳn 8 trang nêu rõ chi tiết sự kiện này. Theo Le Monde, sau « 15 năm đọ chiến tay đôi giữa trùm lãnh đạo Al-Qaida và Mỹ » bắt đầu từ năm 1996, thì giờ đây « Nước Mỹ cuối cùng đã thực hiện xong công lý ». Người Mỹ quá đỗi vui mừng khi hay tin Ben Laden bị tiêu diệt đã lập tức tràn xuống phố, nhất là ở khu vực « Ground Zero », nơi xảy ra vụ khủng bố « ngày 11 tháng 9 », có thể nói đây là « đêm lễ hội tại New York ».

« Kết cục của Ben Laden » là tựa đề trên trang nhất tờ nhật báo Le Figaro. Tờ báo dành hẳn 10 trang đặc biệt để nói về sự kiện này. Le Figaro cho biết làm thế nào Mỹ xác định được nơi trú ẩn của Ben Laden trong một khu biệt thự sang trọng tại Abbottabad, cách Islamabad của Pakistan có 50 km. Đặc biệt, thông tín viên của Le Figaro về Nam Á có bài viết «Nơi trú ẩn lộng lẫy tại Abbottabad phản ánh trò chơi hai mặt của Pakistan », cho thấy thái độ lửng lơ của chính quyền Pakistan trong việc hợp tác chống khủng bố.

Tuy nhiên điều mà các tờ báo quan tâm nhiều nhất là hậu « Ben Laden ». Có thể thấy, các tờ báo cùng quan điểm cho rằng Ben Laden chết, nhưng khủng bố vẫn tồn tại, theo như lời tựa trên trang nhất báo La Croix « Ben Laden chết, nhưng khủng bố thì không ».

La Croix có đọan viết : « Từ rất lâu rồi, Oussama Ben Laden đã không còn khả năng thực hiện các chiến dịch. Chủ yếu, Ông ta chỉ là một biểu tượng. Nên cái chết của ông không ảnh hưởng gì đến biểu tượng này, trái lại sẽ được liệt vào hàng ngũ những người hy sinh vì lý tưởng ».

Còn trên tờ l’Humanité có đăng bài phỏng vấn « Ben Laden chết không có nghĩa là Al-Qaida kết thúc». Bài báo ghi lại phân tích của một cựu Đại sứ, chuyên gia về Trung Đông, ông Eric Rouleau những hậu quả về cái chết của Ben Laden.

Báo Le Figaro và Le Monde có cùng nhận định về khả năng các vụ trả đũa của Al-Qaida sau cái chết của Ben Laden. Le Figaro với bài viết « Thế giới phương Tây e ngại các vụ trả đũa ». Các quan chức CIA gần như chắc chắn rằng quân khủng bố sẽ tiến hành các chiến dịch trả đũa. Theo họ, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa đến hồi kết thúc. Trước mắt, chính quyền Pakistan đã nhận được lời đe dọa trả đũa từ nhóm Phong trào phiến quân Taliban tại Pakistan.

Le Figaro nhấn mạnh chính phủ Pháp quan ngại cho số phận 4 công dân Pháp bị Aqmi bắt giữ làm con tin. Theo một nguồn tin từ Mali, thì cái chết của Ben Laden là một hung tin cho các con tin đang bị bắt giữ tại Niger. Tuy nhiên, ông Gerard Longuet, Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp lại tỏ ra khá lạc quan cho 2 phóng viên Pháp bị bắt làm con tin tại Afghanistan từ 1 năm nay.

Cũng liên quan đến sự kiện này, tờ báo Cộng sản « l’Humanité » có bài viết « Kết cục của một trùm khủng bố : từ CIA đến Al-Qaida ».

Bài báo phác họa lại con đường trở thành trùm khủng bố của Ben Laden từ một « học trò gương mẫu của CIA đã quay lưng chống lại chính người thầy của mình ». Ben Laden đã từng thề rằng « Thề với Đấng tối cao, nước Mỹ sẽ không bao giờ biết đến sự yên ổn cũng như tất cả những liên minh quân sự vô thần phương Tây sẽ bỏ thây nơi vùng đất thánh này ». Sau vụ tấn công vào tòa nhà thương mại World Trade Center vào ngày 11/9/2001, George W. Bush đã treo giải thưởng không dưới 25 triệu đô-la dù « sống » hay « chết » cho đầu « Ben Laden ».

Kẻ thù không đội trời chung của Mỹ và đồng minh Mỹ đã từng phục vụ rất lâu cho các quyền lợi của Washington tại Afghanistan, nhằm chống lại Liên Xô cũ. L’Humanité cho biết, Oussama Ben Laden sinh năm 1957 tại Ả Rập Xê Út, là đứa con thứ 17 trong một đại gia tộc giàu có gốc Yêmen. Cha ông từng là nhà thầu xây dựng, nắm giữ 80% thị phần thị trường xây dựng công của chế độ quân chủ bán phong kiến dầu hỏa. Trong quá trình học tập để trở thành kỹ sư, Oussama Ben Laden, có cơ hội tiếp xúc với phái « Huynh đệ Hồi giáo » cực đoan, ôm ấp nền tảng lý luận trào lưu chính thống. Năm 1978, sau khi chiếm được cảm tình của trưởng bộ phận tình báo Ả Rập Xê Út, hoàng tử Turki Ibn Fayçal, Ben Laden được đề cử phụ trách một đường dây chuyên tuyển dụng người sẵn sàng chiến đấu tại Afghanistan.

Sự kiện Liên Xô gởi quân can thiệp vào Afghanistan năm 1979 đã tạo điều kiên cho Ben Laden có dịp tiếp cận với CIA. Nhờ vào sự giúp trợ của CIA về tài chính, vũ khí và huấn luyện, ông này đã thiết lập một khu căn cứ ngay biên giới Pakistan và Afghanistan, để chiến đấu chống lại Liên Xô. Có thể xem đây chính là xuất xứ ra đời của Al-Qaida. Chiến tranh kết thúc, Ben Laden vẫn tiếp tục các hoạt động bí mật tại Peshawar cho chính quyền Ả Rập Xê Út.

Theo l’Humanité, trong thời gian này, Ben Laden vẫn tiếp tục yểm trợ vũ khí cho những ai đòi hỏi một chủ nghĩa hồi giáo cực đoan thuần túy, đi theo một con đường địa chiến lược mà nó theo đuổi các quyền lợi Bắc Mỹ. Đến thời điểm này, Mỹ không có điều gì phải phàn nàn về người học trò cưng của mình.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến Irak nổ ra, cho rằng cuộc chiến này là « một sự xâm chiếm vùng đất thánh của nhà tiên tri của những kẻ nghịch đạo », Ben Laden nổi dậy, kêu gọi lật đổ triều đại Al Soudi và mưu phản Hoa Kỳ.

L’Humanité cho biết âm mưu tấn công tòa nhà thương mại Quốc tế đã có từ năm 1993. Năm 1994, Ben Laden đã bị chính quyền Ả Rập Xê Út tước quốc tịch Ả Rập Xê Út . Sau đó, ông ta đã đi lánh nạn tại Xu-đăng, rồi Afghanistan bên cạnh chính quyền Taliban. Năm 1998, ông ta cho tấn công đồng thời Đại sứ quán Mỹ tại Dar es-Salaam và tại Nairobi làm thiệt mạng 254 người. Kế đến là vụ tấn công tàu khu trục Mỹ tại khu căn cứ Aden. Từ là một đồng minh tích cực, Ben Laden quay đầu lại trở thành kẻ thù số một của Mỹ và các đồng minh.

Điện ảnh châu Âu không dễ gì xâm nhập vào Trung Quốc

Trên mục Văn hóa, tờ Le Monde hôm nay có bài viết « Nỗi gian truân của các nhà làm phim Châu Âu tại Trung Quốc ». Le Monde cho biết, từ sáu năm nay, Câu lạc bộ các nhà làm phim Châu Âu tổ chức các diễn đàn tại về hợp tác làm phim Bắc Kinh hay Thượng Hải, với mong muốn tìm cách quảng bá với công chúng của hai châu lục về dự án hợp tác sản xuất một lượng lớn phim. Nhiệt tình thì vẫn luôn có đó, nhưng tìm một đối tác thì không dễ chút nào trong một thị trường Trung Quốc do các tập đoàn sản xuất Trung Quốc-Hồng Kông thống trị.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh lần đầu tiên tổ chức Liên hoan phim Quốc tế từ ngày 23 đến 28/4 cho thấy các tín hiệu khả quan trong việc hợp tác sản xuất phim. Theo Le Monde, người Trung Quốc biết rằng họ không thể nào tránh được việc mở cửa thị trường cho các phim nước ngoài. Do hạn mức nhập phim bị hạn chế, nên chỉ hợp tác sản xuất mới là phương thức lý tưởng để đưa phim vào. Đồng thời, họ cũng muốn được thâm nhập vào thị trường phim khác. Cuối cùng, việc đưa công nghiệp sản xuất phim Trung Quốc lên sàn chứng khoán tại Trung Quốc và ở nước ngoài, họ cần phải quốc tế hóa các danh mục giới thiệu phim của mình.

Về phía các nhà làm phim Châu Âu, đồng sản xuất sẽ giúp họ né tránh được vấn đề quota. Theo họ, phim tài trợ cũng được xem như là phim sản xuất trong nước. Le Monde cho biết, mỗi năm Trung Quốc chỉ cho phép phân phối 20 phim nước ngoài theo phương thức « phân chia lợi nhuận ». Các nhà làm phim Châu Âu nhận thấy rằng tiềm năng khán giả tại Trung Quốc không khác mấy so với Châu Âu. Một nhà sản xuất phim Ý nhận xét : « tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang phát triển, họ đi du lịch cũng nhiều. Đã đến lúc cần phải làm ra những bộ phim phải hòan hảo hơn, lấy bối cảnh tại Ý, nhưng với dàn diễn viên gạo cội của Trung Quốc ».

Ngải Vị Vị: Làm nghệ thuật là phải chấp nhận rủi ro

Liên quan đến số phận họa sĩ Ngải Vị Vị, bị bắt giữ đúng một tháng nay, tờ Libération có bài viết « Ngải Vị Vị, căng thẳng xung quanh vụ bắt giữ ». Libération cho biết hình ảnh người nghệ sĩ Trung Quốc với chòm râu đen với thân hình lực lưỡng đang trở nên nổi tiếng trên thế giới. Bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ tại sân bay Bắc Kinh khi ông chuẩn bị đáp chuyến bay đi Hồng Kông, người nghệ sĩ 53 tuổi hiện đang bị giam giữ bí mật ở đâu không ai biết.

Theo Libération, làn sóng ủng hộ ông ngày càng lan rộng. Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, đã nhân danh chính phủ Mỹ, lên án hành vi “trái pháp luật” này. Hiệp hội các nhà điều hành các bảo tàng lớn có uy tín của Mỹ cũng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh hãy tôn trọng quyền tự do cơ bản, lo sợ cho số phận của Ngải Vị Vị, cũng như toàn thể cộng đồng nghệ sĩ. Cho tới ngày hôm nay, Hiệp hội này đã thu thập được hơn 125.000 chữ ký đến từ 174 quốc gia. Tất cả các bảo tàng đối tác đều cho đăng bản kiến nghị ngay trên chính trang web của mình.

Bảo tàng Tate Modern, hôm qua, khi kết thúc phần triễn lãm được dành cho người nghệ sĩ này đã cho phát lại đoạn phim video buổi họp báo khai mạc. Trong bài phát biểu, Ngải Vị Vị lấy làm tiếc về việc kiểm duyệt và nhấn mạnh rằng “tự do ngôn luận và tính sáng tạo là hai yếu tố không thể tách rời của người nghệ sĩ”. Đối với ông, “làm nghệ thuật, là phải chấp nhận rủi ro”. Hòa chung với tiếng nói của Ngải Vị Vị, nhà văn Salman Rushdie, người đã trải qua nhiều năm sống bí mật dưới sự đe dọa của chế độ Hồi giáo cực đoan Iran, đã cho đăng một bài diễn đàn trên nhiều tờ nhật báo lớn với hàng tựa “Nghệ thuật là nguy hiểm”.