Home Tin Tức Thời Sự TQ muốn chiếm hết dầu khí dưới lòng biển Ðông

TQ muốn chiếm hết dầu khí dưới lòng biển Ðông PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Ba, 03 Tháng 5 Năm 2011 08:47

Khó tránh xung đột với láng giềng

SINGAPORE (TH) - Trung Quốc hiện đang là một trong những nước sản xuất năng lượng từ lòng biển nhiều nhất thế giới. Nhưng họ còn đang muốn sản xuất nhiều hơn nữa bằng cách dò tìm và sản xuất thêm dầu khí ở thềm lục địa nước mình hoặc gần với nước mình hầu tránh lệ thuộc quá đáng vào nhập cảng.

 
Bản đồ Trung Quốc tự vẽ hình “lưỡi bò” chiếm đến 80% biển Ðông. (Hình: Internet)

Tuy nhiên, theo một bài phân tích của tác giả Michael Richarson, một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Khảo Cứu Ðông Nam Á ở Singapore, trên báo Úc Canberra Times hôm Thứ Hai 2 tháng 5 năm 2011, chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc đang thay đổi có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ với các nước Ðông Nam Á và những nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.

Ðây là những nước coi vùng biển Ðông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải) như một thủy lộ quốc tế cho thương mại và tự do qua lại của các loại máy bay và tàu chiến.

Tác giả Michael Richarson cho biết, “Một mục tiêu chính của Bắc Kinh về tìm kiếm dầu khí trong lòng biển nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, đặt trọng tâm vào biển Ðông nơi đang có sự trùng lặp tuyên bố chủ quyền với một số nước ASEAN như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei.”

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh hôm 19 tháng 4, 2011 có một bài viết đặc biệt về biển Ðông, trong đó họ ví như “Vịnh Ba Tư Thứ Hai” (Second Persian Gulf).

Bài báo nói dưới lòng biển Ðông có chứa khoảng 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 ngàn tỉ mét khối khí đốt. Trữ lượng này lớn gấp 25 lần trữ lượng dầu thô và 8 lần trữ lượng khí đốt của Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo không viện dẫn nguồn gốc từ đâu họ có các con số đó nhưng báo này dẫn lời Trương Ðại Vĩ (Zhang Dawei), viên chức cao cấp ở Bộ Tài Nguyên của Trung Quốc nói sự tăng tốc tìm kiếm dầu khí ngoài khơi là chìa khóa giải quyết bài toán khó khăn năng lượng.

Sự tiêu thụ dầu không ngừng gia tăng trong hệ thống chuyển vận của Trung Quốc đã thay đổi từ nền kinh tế từ đủ tự túc thời đầu thập niên 1990, trở thành lệ thuộc vào nhập cảng đến 55% vào năm 2010, vượt quá mức độ mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo gọi là “Mức độ báo động an ninh năng lượng được công nhận trên toàn cầu lên đến 50%”.

Không những tỉ lệ nhập cảng dầu của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng, sự lệ thuộc vào khí đốt của ngoại quốc cũng tăng nhanh vì nhà cầm quyền Bắc Kinh kêu gọi dân chúng giảm tiêu thụ than, nguồn nhiên liệu chính để tạo ra điện, nhằm giảm bớt ô nhiễm không khí và bớt làm nóng thêm bầu khí quyển thế giới.

Một bản khảo cứu của một ngân hàng đầu tư của Úc ước lượng tỉ lệ tự túc về khí đốt của Trung Quốc giảm từ 90% của năm 2010 xuống còn 65% vào năm 2020. Các đại công ty dầu khí quốc doanh của Trung Quốc chuẩn bị tìm kiếm dầu khí dưới lòng biển quanh Trung Quốc ở những nơi có độ sâu và xa với đất liền hơn bao giờ hết.

Ðại công ty CNOOC, công ty hàng đầu quốc doanh sản xuất dầu khí của Trung Quốc, đã thảo kế hoạch tiến hành hành động ở khu vực vào những năm tới đây. Hải quân và Không quân Trung Quốc đã phát triển vũ bão với các loại trang bị hiện đại nhất nhằm bảo vệ cho các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí trên biển Ðông.

Chiếc hàng không mẫu hạm sắp hoàn thành cũng được tin sẽ đưa về hạm đội Nam Hải đóng ở Tam Á.

Hiện nay, các hành động dò tìm dầu khí ngoài khơi mới tập trung ở phía Bắc của Biển Ðông, giữa đảo Hải Nam và Hongkong. Khu vực này chỉ có sự tranh cãi giữ Hoa Lục và Ðài Loan.

Nhưng giữa tháng 4 năm 2011, Bắc Kinh tái khẳng định lại lời tuyên bố chủ quyền đối với 80% biển Ðông hình lưỡi bò trong đó gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền có đầy đủ các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi.

Trong bản công hàm ngày 14 tháng 4 năm 2011 gửi tới Ủy Ban Thềm Lục Ðịa và Luật Biển LHQ (UNCLOS), Trung Quốc nói Phi Luật Tân chỉ bắt đầu xâm chiếm một vài đảo ở Trường Sa từ thập niên 1970 mà họ gọi là quần đảo Nam Sa. Bức công hàm này cũng phản bác luôn sự tuyên bố chủ quyền của Việt Nam và Mã Lai.

Giới chuyên gia quốc tế tin rằng Trung Quốc không thể dùng luật biển quốc tế hiện hành hậu thuẫn cho lời tuyên bố chủ quyền. Nhưng trong công hàm vừa kể, họ biện minh cho lời tuyên bố chủ quyền bằng cách viện dẫn 2 luật biển của họ cộng thêm với Công Ước Quốc Tế 1982 về Luật Biển của LHQ.

Dĩ nhiên, luật của Trung Quốc công nhận giá trị lời tuyên bố của họ chứ luật biển quốc tế thì không.

Nếu các tranh chấp chủ quyền biển Ðông dựa trên sức mạnh chính trị và quân sự thay vì dựa vào luật lệ quốc tế, Bắc Kinh chắc chắn trên cơ các nước nhỏ trong khu vực.