Việt Nam trong nhóm 4 nước bóp nghẹt tự do báo chí nhất châu Á |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Ba, 03 Tháng 5 Năm 2011 08:28 |
Việt Nam tự hào có hơn 700 nhật báo và 54 nhà xuất bản Ngày 3/5 được Tổ chức Văn hóa-Khoa-Học-Giáo dục Liên Hiệp Quốc UNESCO chọn làm ngày "Tự do báo chí" vinh danh các quốc gia tôn trọng quyền tự do ngôn luận và thông tin, tạo thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Việt Nam tự hào có hơn 700 nhật báo và 54 nhà xuất bản. Tuy nhiên, trong năm 2011, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) vẫn xếp Việt Nam vào danh sách 38 nước không có tự do báo chí. Việt Nam có hơn 700 đầu báo nhưng dưới sự chỉ đạo của một "tổng biên tập" Trong bối cảnh ngọn gió Mùa Xuân Ả Rập đang thổi qua Trung Đông và Bắc Phi, báo cáo hàng năm của tổ chức Phóng viên không biên giới Reporters sans frontières (RSF) nhân ngày Tự do báo chí đã ghi nhận nhiều biển chuyển « quan trọng » trong danh sách các lãnh đạo xem phóng viên là kẻ thù trong năm 2011. Hai điểm son được ghi nhận là tại Tunisia và Ai Cập sau khi hai tổng thống « chọn đời » đã phải ra đi. Trong danh sách còn lại, tổ chức Phóng viên không biên giới liệt kê 38 nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ và «sứ quân » thuộc thành phần trấn áp báo chí. Tại châu Á, bốn nước Việt Nam, Trung Quốc. Miến Điện và Bắc Triều Tiên đã được quan tâm đặc biệt. Theo nhận định của tổ chức bảo vệ báo chí RSF, trong năm qua, tuy một số nhân sự trong khu vực đã bị thay thế nhưng bản chất của các chế độ này vẫn như cũ. Dùng luật hình sự trấn áp tự do báo chí Tại Miến Điện tướng Thein Sein lên thay Than Shwe. Tại Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Nông Đức Mạnh. Nhưng tại Miến Điện 14 phóng viên đang ngồi tù. Còn ở Việt Nam, 18 nhà báo mạng đang bị giam giữ. RSF thẩm định giới lãnh đạo tại hai nước Đông Nam Á này là biểu tượng của hai chế độ hà khắc sử dụng bộ máy hình sự phục vụ cho chính sách đàn áp, dập tắt mọi hy vọng cởi mở. Nhân danh đảng cầm quyền duy nhất, quyền lợi riêng của đảng hoặc “đoàn kết dân tộc”, các chế độ này “tự co cụm” và “ căng thẳng tinh thần” trước ngọn gió dân chủ giải phóng. Hương “hoa nhài” cũng tác động đến chính sách của Hồ Cẩm Đào tại Trung Quốc. Hơn 30 luật sư, văn nhân , nghệ sĩ, trí thức đã bị bắt giam ở những nơi bí mật mà không ai biết số phận của họ ra sao. Đầu tháng tư, một họa sĩ tài hoa là Ngải Vị Vị , con trai của một cố bộ trưởng văn hóa Trung Quốc cũng bị bắt. Tại Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il cai trị 22 triệu dân với bàn tay sắt vừa độc tài, vừa độc ác với một bộ máy tuyên truyền không chừa một không gian tự do nào. Để phản bác lại bản báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới nhân ngày Tự do báo chí mùng 3 tháng 5, báo chí chính thức của Việt Nam, vẫn được gọi dân dã là báo “lề phải”, lên án RSF là một tổ chức “ tăm tối” nhưng “cao đòn chống phá Việt Nam”. Trong bài bình luận dài với tựa “Sự tăm tối của tổ chức “Nhà báo không biên giới”, báo mạng Công An Nhân Dân “phản biện” là tại Việt Nam có 706 cơ quan báo, 506 tạp chí và 54 nhà xuất bản. CAND online cho rằng báo chí Việt Nam phong phú đa dạng ngang tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên tờ báo này không nói rõ là báo chí Việt Nam có tự do loan tin và công kích những sai trái của chính quyền hay công khai ủng hộ đối lập như báo chí Thái Lan, Indonesia hay Philippines hay không? Báo Công An Nhân Dân lên án RSF ký “hoa hồng” với “các thế lực xấu đơm đặt về tự do báo chí ” ban cho những người “ vi phạm pháp luật” như Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long chiếc mũ nhà báo hay công dân mạng. Còn đối với phóng viên “lề trái” và thành phần trí thức dấn thân tại Việt Nam, trong đó có không ít người đang bị ngồi tù hay sách nhiễu, thì họ công nhận tại Việt Nam có hơn 700 tờ báo nhưng chỉ có một "Tổng biên tập”, đưa tin một chiều ngăn chặn mọi sáng kiến hay ý kiến “ngoài luồng”. Mới đây nhất, đêm 30/04, nhà thơ trẻ Bùi Chát, người chủ trương sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn, độc lập, đã bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất khi anh nhận giải thưởng quốc tế từ Achentina trở về. Bùi Chát bị giam đến 47 tiếng đồng hồ mới được tạm thả. Còn về lời cáo buộc “thế lực thù địch và tăm tối” đặt ra ngày Tự do báo chí để bôi xấu chính quyền thì thiết nghĩ cũng không cần phải nhắc lại đây là sáng kiến của tổ chức Liên Hiệp Quốc UNESCO và người dân Việt Nam biết rõ nguồn gốc cũng như lý do chính đáng của sáng kiến này.
|