Home Tin Tức Thời Sự Al Qaeda : Tổ chức khủng bố với thành tích đẫm máu từ Âu, Mỹ qua Á, Phi

Al Qaeda : Tổ chức khủng bố với thành tích đẫm máu từ Âu, Mỹ qua Á, Phi PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 02 Tháng 5 Năm 2011 13:08

Trong 10 năm qua Al Qaeda đã tiến hành, một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhiều vụ tấn công đẫm máu.

Mạng lưới khủng bố Al Qaeda dưới sự lãnh đạo của Oussama Ben Laden là một tổ chức có nhiều chi nhánh hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới. Mục tiêu hàng đầu của tổ chức này là tấn công mù quáng vào các cơ sở của Hoa Kỳ và đồng minh.

Tòa tháp đôi tại New York bốc cháy sau loạt tấn công khủng bố của Al Qaeda ngày 11/09/2001.
Reuters

Trong 10 năm qua Al Qaeda đã tiến hành, một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhiều vụ tấn công đẫm máu. Aqmi hoạt động tại bắc Phi, Aqpa tại vùng các nước Ả Rập chẳng hạn được coi là những nhánh của mạng lưới Al Qaeda. Riêng tổ chức hồi giáo cực đoan của Indonesia Jemaaah Islamiyah thì bị coi là chịu nhiều ảnh hưởng của Al Qaeda.

Năm 2009, hai chi nhánh của Al Qaeda tại Ả Rập Xê Út và Yemen đã sáp nhập lại với nhau để cho ra đời Aqpa. Trước đó vào năm 2007 nhóm khủng bố Aqmi đã được hình thành và một phần trong nhóm này xuất phát từ tổ chức khủng bố GSPC của Algérie.

 Đến nay tổ chức khủng bố Aqmi còn hoạt động rất mạnh tại khu vực giữa Algerie, Niger, Mauritanie và Mali. Aqmi hiện đang cầm giữ nhiều con tin người Pháp.

Thành phần nòng cốt Al Qaeda đã theo chân Ben Laden từ những ngày đầu, tức là trong thời gian từ năm 1979 đến 1989 khi nhân vật này đứng ra làm công tác hậu cần để hỗ trợ cho phiến quân hồi giáo Moujahidine tại Afghanistan. Theo giới chuyên gia thì tổ chức tội phạm này bắt đầu được hình thành vào khoảng năm 1988, một năm trước khi Liên Xô rút lui khỏi Afghanistan.

Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, năm 1991, được coi là một dấu mốc quan trọng : mục tiêu tấn công của Ben Laden không còn là Liên Xô kể từ khi Matxcơva đã rút quân khỏi Afghanistan năm 1989 mà đã chuyển hướng nhắm vào Hoa Kỳ. Ben Laden bất mãn khi thấy quân đội Mỹ đồn trú tại Ả Rập Xê Út, quê hương ông và cũng là nơi nhà tiên tri Mahomet đã sinh ra, để từ đó tiến hành chiến dịch giải phóng Koweit.

Trong số những cuộc khủng bố Al Qaeda tự nhận là tác giả phải kể đến loạt tấn công nhắm vào tòa đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania được tiến hành cùng một lúc hồi tháng 8/1998.

Sau loạt khủng bố ngày 11/9/2001 tiến hành ngay trên đất Mỹ, thì còn phải kể đến các vụ đánh bom ở Bali (Indonesia) năm 2002, làm hơn 200 người chết, rồi loạt tấn công hồi tháng 3/2004 tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, và vụ khủng bố đường xe điện ngầm ngay tại Luân Đôn hồi tháng 7/2005.

Khủng hoảng trong hàng ngũ Al Qaeda sau cái chết của Ben Laden ?

Theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia về khủng bố, mạng lướig Al Qaeda sẽ ở trong tình trạng rắn mất đầu sau cái chết của Oussama Ben Laden. Câu hỏi đặt ra : ai sẽ là lên thay Ben Laden để đứng đầu tổ chức tội phạm này.

Theo ông Mohammad Abou Roummane, một chuyên gia Jordanie về các hoạt động khủng bố, nhân vật số hai Al Qaeda là ông Ayman Al Zawhiri, 60 tuổi, gốc Ai Cập không có uy tín như Ben Laden. Thêm vào đó, theo lời giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông , trụ sở tại Ả Rập Xê Út, Ayman Al Zawhiri sẽ không dễ dàng chinh phục được những phần tử trong hàng ngũ Al Qaeda xuất xứ từ Riyad.

Ayman từng là cánh tay phải của Ben Laden và là một trong nhữung sáng lập viên của tổ chức Al Qaeda. Trước khi gặp Ben Laden tại Afghanistan, Ayman Al Zawhiri là người lãnh đạo phong trào Hồi giáo Djihad Ai Cập. Hoa Kỳ treo giải thưởng 25 triệu đô la cho những ai bắt được Aymal.

Nhìn rộng ra hơn, theo giới phân tích Ả Rập, trong tương lai, các hoạt động khủng bố có khả năng giảm bớt cường độ. Lý do là vì Al Qaeda không còn sức thuyết phục như một thập niên trước đây. Ngoài ra, sau cái chết của Ben Laden, nhiều đường dây khủng bố và cơ sở nằm vùng cũng sẽ mất đi nguồn tài trợ.

Thế nhưng lại cũng có những ý kiến cho rằng vai trò của Ben Laden chỉ là "tương đối" : kể từ sau loạt tấn công nhắm vào Hoa Kỳ năm 2001, Ben Laden không còn thực sự kiểm soát được tất cả các hoạt động khủng bố trên thế giới. Nhân vật này đã trở thành một nhà lãnh tụ tinh thần chứ không còn là một thủ lĩnh về phương diện chính trị hay quân sự.

Do vậy một số chuyên gia lo ngại, mạng lưới khủng bố trên thế giới vẫn tiếp tục hoạt động như trước khi Ben Laden bị triệt hạ.