Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc có nguy cơ xung đột với các láng giềng để kiểm soát nguồn năng lượng

Trung Quốc có nguy cơ xung đột với các láng giềng để kiểm soát nguồn năng lượng PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Hai, 02 Tháng 5 Năm 2011 10:39

Trong năm 2011, Trung Quốc sẽ tăng cường nhân sự và phương tiện để "áp dụng luật pháp và bảo vệ quyền lợi trong các vùng biển của Trung Quốc".

Theo giới phân tích, Bắc Kinh không chỉ muốn độc chiếm nguồn hải sản, mà còn muốn làm chủ các nguồn dầu lửa và khí đốt trong các vùng từ biển Hoa Đông cho đến Biển Đông. Hành động của Trung Quốc có thể làm xung đột bùng lên.

Tàu tuần tra Trung Quốc tại vùng biển cách quần đảo Okinawa (Nhật Bản) 280 km. Ảnh do Hải quân Nhật chụp ngày 11/09/2010.
Reuters

Hôm nay, 02/05/2011, báo chí Trung Quốc đưa tin, Cơ quan Tuần dương nước này sẽ phát triển các phương tiện giám sát vùng biển : Trong năm nay, Trung Quốc có kế hoạch tuyển dụng thêm 1000 người và đưa tổng số nhân viên làm việc trong lĩnh vực này lên đến ít nhất là 10 000. Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ trang bị thêm 36 tàu tuần tra, bổ xung vào hạm đội tàu ngư chính hiện có là 360 chiếc.

Theo đại diện Cơ quan Tuần dương, ngay trong năm 2011, Trung Quốc sẽ « tiến hành các hoạt động tuần tra đều đặn và thường xuyên hơn nhằm tăng cường áp dụng luật pháp trong các vùng biển của Trung Quốc, bảo vệ các quyền lợi của Trung Quốc ». Đồng thời, Bắc Kinh cảnh báo là một bộ phận tàu tuần dương sẽ được lắp đặt các thiết bị mới, nhằm cải thiện việc thực thi pháp luật.

Qua những yêu sách về lãnh thổ và vùng biển, Trung Quốc không chỉ muốn độc chiếm nguồn hải sản. Một trong những ý đồ chính của Bắc Kinh là muốn làm chủ các nguồn dầu lửa và khí đốt tại đây. Giới phân tích cho rằng, tham vọng này của Trung Quốc có nguy cơ gây ra xung đột với các nước láng giềng.

Theo báo trên mạng của Úc, Canberra Times, hiện nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực khai thác dầu khí ở ngoài khơi. Thế nhưng, Bắc Kinh vẫn muốn tiếp tục tăng cuờng các hoạt động tìm kiếm và khai thác nhiên liệu trong các vùng biển để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng này sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, và một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc bởi vì Biển Đông là nơi có các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và tự do lưu thông của các tàu bè và máy bay quân sự các nước.

Ngày 19/04/2011, Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) của Trung Quốc đã đăng một báo cáo đặc biệt coi Biển Đông là « Vùng Vịnh thứ hai » có trữ lượng lên tới hơn 50 tỷ tấn dầu thô, hơn 20 nghìn tỷ mét khối khí đốt, tức là lớn gấp 25 lần các nguồn dầu khí đã được thẩm định của Trung Quốc. Một quan chức cao cấp của bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc nhấn mạnh, việc tăng cường tìm kiếm và khai thác dầu khí ở ngoài khơi đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết khó khăn về nhiên liệu của nước này.

Vào đầu những năm 1990, Trung Quốc tự bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu, thì đến năm 2010, Bắc Kinh phải nhập khẩu 55% để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và như vậy, theo Hoàng cầu Thời báo, mức độ an ninh năng lượng đã vượt qua ngưỡng báo động thuờng được quốc tế công nhận là 50%.

Ngân hàng đầu tư Úc Macquarie dự báo là tỷ lệ tự cung tự cấp về khí đốt của Trung Quốc đã giảm từ 90% xuống còn 65% trong năm 2010. Các tập đoàn năng lượng của Trung Quốc đang chuẩn bị các kế hoạch tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở ngoài khơi, càng ngày càng xa lãnh thổ.

Chiến lược mở rộng địa bàn tìm kiếm nhiên liệu được phối hợp chặt chẽ với hoạt động ngoại giao. Ngày 14/04/2011, Bắc Kinh đã cho lưu hành một bức thư, gửi tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc, tái khẳng định 80% diện tích Biển Đông và tất cả các đảo lớn nhỏ, bãi đá nằm trong hình chữ U – mà Việt Nam thường gọi là đường lưỡi bò – thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong bức thư này, Bắc Kinh nói rằng từ những năm 1970, Philippines đã bắt đầu xâm chiếm một số hòn đảo và bãi đá trong vùng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc, tức Trường Sa – Spratly.

Bức thư này còn đi xa hơn văn bản mà Trung Quốc trước đây gửi Liên Hiệp Quốc để phản đối những đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam và Malaysia. Cụ thể là trong bức thư ngày 14/04, Trung Quốc quyết đoán là có chủ quyền đối với toàn bộ vùng quần đảo Trường Sa bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho dù phần lớn những hòn đảo ở đây không có người ở và chỉ thấp thoáng nhìn thấy khi thủy triều lên.

Điều ngang ngược hơn cả là Trung Quốc dựa trên những luật lệ quốc gia về biển và hàng hải để khẳng định các đòi hỏi của mình, bất chấp Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 và đây chính là nguy cơ dẫn đến căng thẳng, thậm chí xung đột trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.