Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30/04/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30/04/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 01 Tháng 5 Năm 2011 10:50

Quốc gia khổng lồ này đang đối mặt với hiện tượng lão hóa và đô thị hóa thiếu kiểm soát.

Chính sách ''gia đình một con'' đe dọa tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

         Trung Quốc : xu thế gia đình một con (Reuters)

Thứ sáu, ngày 28/4/2011, Trung Quốc công bố kết quả điều tra dân số, theo đó nước này đạt xấp xỉ 1,34 tỷ người. Quốc gia khổng lồ này đang đối mặt với hiện tượng lão hóa và đô thị hóa thiếu kiểm soát. Hai tờ nhật báo hàng đầu của Pháp Le Figaro và Le Monde có bài phân tích sự kiện này.

Với tựa đề « Trung Quốc đối mặt với hiện tượng lão hóa và đô thị hóa », Le Figaro tập trung phân tích mặt trái của chính sách một con của nước này.

Mức tăng dân số trong 10 năm từ năm 2000 đến nay chỉ có 0,57%/năm, tức giảm đi một nữa so với giai đoạn thập kỷ 1990. Theo dự báo, Trung Quốc sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển trung hạn.

Một hiện tượng nữa là quá trình công nghiệp hóa ào ạt của Trung Quốc đã kéo theo sự gia tăng nhanh chóng số người tìm đến sống nơi đô thị. Năm 2000, dân số thành thị ở Trung Quốc chỉ chiếm 36,1%, nhưng năm 2010, con số này lên đến 49,7%.

Người dân lìa bỏ đồng quê lên thành thị sinh sống thường có cuộc sống tốt hơn, vì thế tuổi thọ cũng tăng theo. Theo thống kê, số người có tuổi từ 60 trở lên chiếm 13,26% dân số. Do đó, chính phủ sẽ phải cố gắng hơn nữa trong công tác an sinh xã hội và bảo hiểm y tế. Một chuyên gia kinh tế phương Tây nhận định, con số 88 triệu người có tuổi từ 65 trở lên theo thống kê năm 2000 sẽ tăng lên 199 triệu vào năm 2025, và đến 349 triệu vào năm 2050.

Theo Le Figaro, hình như Bắc Kinh chưa có một chiến lược thật sự để đối phó với tình trạng dân số bị lão hóa. Đến hiện tại, chính phủ chỉ tập trung giáo dục thanh niên. Người có tuổi dưới 14 hiện chiếm 16,6% dân số, tức giảm đi đến 6,29% so với năm 2000.

Trước tình hình đó, liệu Bắc Kinh có từ bỏ chính sách một con không ? Le Figaro cho biết, chính sách này được áp dụng rất nghiêm ngặt ở thành thị, trong khi ở miền quê, thì hầu như gia đình nào cũng có 2 con. Hiện tại, chủ tịch Hồ Cẩm Đào có vẻ vẫn thích duy trì tỷ lệ sinh ở mức thấp.

Thế nhưng, trong tương lai, thật khó kiểm soát được mặt trái của chính sách này. Theo thống kê, hiện tại tỷ lệ nam nữ ở Trung Quốc là 118/100. Như vậy, đến năm 2020, sẽ có đến 24 triệu thanh niên không có cơ may lấy vợ sinh con.

Mất cân đối giới tính, thiếu nhân công

Chia sẻ quan điểm này, Le Monde có bài nhận định « Hiện tượng dân số tăng chậm làm lung lai sự tăng trưởng kinh tế huyền thoại của Trung Quốc ».

Le Monde cho biết, thoạt nhìn qua số liệu vừa được công bố, ta thấy rằng chính sách gia đình một con của chính phủ Trung Quốc đã thành công. Thế nhưng suy đi tính lại, rõ ràng là lợi bất cập hại, bởi dân số nước này đang bị lão hóa, mất cân đối và bị đô thị hóa quá nhanh. Tờ New York Times của Mỹ số ra hôm qua nhận định, dân số càng tăng chậm thì khủng hoảng càng đến gần.

Theo một chuyên gia, thống kê này cho thấy Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Thứ nhất, số người tuổi trên 60 ngày càng nhiều, trong khi số người dưới 14 đã giảm, từ đó cho thấy, nước này « sẽ trở thành một quốc gia già nua trước khi trở nên giàu có ».

Nền kinh tế đang lên của Trung Quốc đang rất cần đội ngũ nhân lực trẻ (từ 16 đến 19 tuổi ). Thế nhưng, tình hình cho thấy nguồn nhân lực này sẽ bị thiếu.

Đề cập đến chính sách kế hoạch hóa gia đình, Le Monde cho hay, có đến 45% số lượng sinh sản không xảy ra là do nguyên nhân kinh tế xã hội, chứ không hẳn chỉ do sức ép của chính sách gia đình một con của chính phủ. Người Trung Quốc ngày càng ngại sinh con, do cuộc sống ngày càng đắt đỏ, chi phí học hành, y tế cho trẻ nhỏ cao …

Hồi tháng 3, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã có động thái cho thấy chính sách kế hoạch hóa gia đình sẽ dần được cải thiện. Về phần mình, ngay trước khi thống kê được công bố, chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi và cải thiện chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ủy ban kế hoạch hóa gia đình quốc gia rất mạnh, sử dụng tới hàng chục ngàn nhân viên. Thêm vào đó, trong xã hội, dưới danh nghĩa của chính sách một con, những vụ chính quyền có hành vi nhũng nhiễu và thô bạo đối với người dân là phổ biến.

Tất cả những việc trên cho thấy, chính sách gia đình một con, dù đã thể hiện mặt trái, sẽ được tiếp tục ở Trung Quốc. Le Monde cảnh báo, mọi nỗ lực đặt vấn đề ngưng chính sách này đòi hỏi phải hết sức khéo léo.

Hôn lễ hoàng tử William mang hạnh phúc đến cho chế độ quân chủ Anh

Libération quan tâm đến hôn lễ của Hoàng tử Anh William với bài viết nhận định, hôn lễ này đánh dấu việc hoàng gia bắt đầu tìm lại được sự yêu mến trong lòng người Anh.

Hôm qua, người chủ trương nền Cộng hòa ở Anh chắc có lẽ bị suy sụp tinh thần trước sự thành công mỹ mãn của đám cưới William và Kate. Dòng người cuồng nhiệt hai bên đường đón mừng đám cưới đi qua.

Như vậy, kết quả thăm dò gần đây đã được chứng minh, và chế độ quân chủ Anh đang có một tương lại tốt đẹp. Theo thăm dò được công bố cách đây vài ngày của tờ Guardian, một tờ báo có lập trường trung tả, không mấy có cảm tình với chế độ quân chủ, có đến hơn 63% người Anh cho rằng đất nước sẽ gặp vấn đề, nếu loại bỏ chế độ quân chủ.

Trong khi đó, vào tháng 9 năm 1997, ngay sau cái chết của công nương Diana, con số này chỉ là 48%. Một cuộc thăm dò khác của trường đại học Cambridge cho biết, 28% người Anh muốn thay đổi chế độ, tuy nhiên cách đây 10 năm, con số này lên đến 59%. Đêm trước hôn lễ, kênh truyền hình Sky News thực hiện một cuộc thảo luận về chủ đề « Chế độ quân chủ có cần thiết tồn tại ở Anh nữa không ? », có đến 70% khán giả trả lời chắc chắn là « Cần thiết ».

Theo Libération, đôi uyên ương William và Kate đã tạo dấu ấn riêng của mình trong đám cưới hôm qua, mặc dù nó vẫn diễn ra theo nghi thức hoàng gia « nặng nề đáng sợ ». Họ đã tạo ra những thay đổi nhỏ trong nghi thức truyền thống, như một dấu hiệu cho thấy hoàng gia hiện tại đã trở nên cởi mở hơn.

Từ sau cái chết của công nương Diana vào năm 1997, hoàng gia Anh có vẻ bị lung lay. Thế là, cần phải mất 14 năm để tìm lại được niềm ưu ái của người dân, trong đó vai trò quan trọng không thể phủ nhận, là quyết tâm của hai anh em William và Harry. Khi công nương Diana mất, họ chỉ có 14 và 12 tuổi. Thế nhưng, họ đã « quyết tâm sống một cuộc sống bình thường nhất trong những điều kiện sống hết sức bất thường ».

Về phần đôi vợ chồng trẻ William và Kate, Libération đánh giá cao sự bình dị và gần gũi của họ. Hôm trước đám cưới, hoàng tử William còn chơi đá bóng trong một công viên ở Luân Đôn, sau đó, anh đến bắt tay thăm hỏi những người bên trước lâu đài để chờ đón đám cưới. Còn tân nương Kate thì vác trên vai một hộp hàng siêu thị, mà người ta cho rằng có thể trong đó đựng « một chiếc áo cưới bí mật » của cô.

Ấn Độ chọn chiến đấu cơ của Pháp và châu Âu thay vì của Mỹ

Le Monde cho biết, sau khi tiến hành kiểm tra kỹ thuật, nước này đã quyết định chọn lựa bước đầu máy bay chiến đấu Rafale của hãng Dassault Pháp và máy bay của tập đoàn Châu Âu Eurofighter, trong một hợp đồng cung cấp 126 chiến đấu cơ.

Điều đáng ngạc nhiên là sản phẩm của hãng Boeing và Lockheed Martin của Hoa Kỳ đã không được chọn. Một chuyên gia cho biết, nguyên nhân một phần là do sự do dự của Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ. Đại sứ Hòa Kỳ tại Ấn Độ cho biết lấy làm thất vọng về vụ việc. Trong một thông cáo, hãng Boeing cho biết sẽ nghiên cứu câu trả lời của chính phủ Ấn Độ, và sẽ xem xét mọi giải pháp, trong đó không loại trừ việc phản đối quyết định trên.

Ấn Độ sẽ xem xét những đề xuất liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật bảo dưỡng và sản xuất của các ứng viên. Phân nữa giá trị hợp đồng liên quan đến việc mua trang thiết bị sản xuất tại Ấn Độ. Bộ Quốc phòng Ấn Độ yêu câu hai hãng Hoa Kỳ kéo dài thời hạn cung ứng đến ngày 31 tháng 12. Ấn Độ đã bắt đầu kêu gọi cung ứng từ năm 2007. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra bởi bộ Tài Chính, Bộ Quốc Phòng và thủ tướng Ấn Độ.

Hãng Dassault có lợi thế là đã tồn tại lâu ở nước này. Chiến đấu cơ Mirage 2000 của Dassault đang được quân đội Ấn Độ sử dụng. Một hợp đồng trị giá 1,5 tỷ euro về việc hiện đại hóa các máy bay này đang được hai bên bàn thảo. Quyết định chọn lựa bước đầu này của New Delhi đã làm nhẹ lòng Dassault, bởi từ trước đến nay hãng này chưa bán được chiến đấu cơ Rafale cho nước ngoài, mà chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho quân đội Pháp.

Ấn Độ vốn có quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng là Trung Quốc và Pakistan, lại phải đối mặt với những rắc rối nội địa. Năm 2010, nước này đã vượt Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. Từ năm 2006-2010, Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ với 82% thị phần. Thế nhưng, Le Monde đánh giá, không bao lâu nữa Mỹ sẽ bắt kịp Nga. Gần đây, Hoa Kỳ đã bán cho quân đội Ấn Độ máy bay vận tải quân sự Hercules C130 và máy bay trinh sát trên biển.

Cuối cùng, Le Monde nhận định, Ấn Độ muốn bắt chước Trung Quốc trong quyết tâm muốn tự thiết kế và sản xuất thiết bị quân sự. Máy bay chiến đấu đầu tiên của nước này, Tejas, sẽ xuất xưởng vào năm 2013.

Liên đoàn bóng đá Pháp bị xì căn đan phân biệt chủng tộc

Sau vụ rắc rối hồi tháng 6 năm 2010, giờ đây Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) đang đối mặt với xì căng đan phân biệt chủng tộc. Thông tin này được Libération chạy tựa trên trang nhất «Bóng đá Pháp : thẻ đen ư ?».

Hôm thứ năm, trang mạng Mediapart đăng bài cho biết, FFF thiên về tuyển chọn người da trắng, trong khi tìm cách giảm số lượng cầu thủ da đen và Ả Rập trong đội tuyển Pháp.

Chủ tịch FFF, giám đốc kỹ thuật quốc gia FFF và huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp đã buộc phải triệu tập một cuộc họp báo giải trình. Những người đầu tàu của ngành bóng đá Pháp bác bỏ mọi cáo buộc của Mediapart. Họ cho rằng sự thay đổi trong chính sách đào tạo cầu thủ trẻ dựa trên ba yếu tố : kỹ thuật, quốc tịch và văn hóa.

Về kỹ thuật, lời giải thích tập trung về chiều cao và tuổi tác của cầu thủ. Về quốc tịch, các nhà lãnh đạo cho rằng, có nhiều cầu thủ 2 quốc tịch, lúc còn thiếu niên chơi cho đội tuyển Pháp, nhưng khi trưởng thành lại chơi cho đội tuyển của nước chôn nhau cắt rốn của họ. Từ đó, sự gắn bó với văn hóa Pháp cũng còn hạn chế. Như hồi năm 2008, sau mùa Euro u ám, FFF đã trách các cầu thủ không chú trọng bài quốc ca Pháp, và buộc họ ký vào một cam kết về tôn trọng màu áo, tôn trọng trọng tài, tôn trọng đối thủ, tôn trọng khán giả, và … tôn trọng quốc ca.

Thế nhưng, theo Mediapart, ở FFF, thật không hiếm khi người ta nghe thấy những từ phân biệt chủng tộc như « người Hồi giáo, người Sarrasins ».

Trang nhất các báo Pháp

Le Monde dành trang nhất phân tích tình hình tại Maroc, sau khi vừa xảy ra vụ tấn công bằng bom vào một quán cà phê giữa lòng thành phố du lịch Marrakech. Bài viết chạy tựa lớn trên trang nhất « Maroc lại đối mặt với nạn khủng bố ».

Le Monde cũng dành một bài xã luận cho chủ đề này trên trang nhất với dòng tít «Rabat không nên chùn bước trước đe dọa của quân Hồi giáo cực đoan». Bài viết nhận định, trong bối cảnh này, Maroc nên tiếp tục bước đường cải cách để tiến tới thành lập một nhà nước quân chủ lập hiến, còn các nước Châu Âu thì nên cấp thiết đề ra một chính sách cho vùng Địa Trung Hải.

Trang nhất nhật báo Le Figaro chạy ảnh vợ chồng hoàng tử William trong đám cưới hôm qua với lời cảm thán : « Tráng lệ ». Tờ báo dành 4 trang tường thuật lại nghi thức hôn lễ, cảnh người dân hân hoan chào đón hỷ sự của Hoàng gia Anh.

Với bài viết « Người được tuyên phúc Jean-Paul II », La Croix quan tâm đến sự kiện vào chủ nhật này, ở thánh đường Saint-Pierre, Roma, hàng trăm ngàn người hành hương được chờ đón trong lễ tuyên phúc đức giáo hoàng người Ba Lan.

Libération dành ưu tiên cho chủ đề bóng đá Pháp, với thông tin về xì căng đan phân biệt chủng tộc mà Liên đoàn bóng đá nước này đang đối mặt.