Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29 Tháng 4 Năm 2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29 Tháng 4 Năm 2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Sáu, 29 Tháng 4 Năm 2011 08:44

Toàn cầu hóa là một yếu tố gây stress do nó kéo theo tâm lý cạnh tranh...

 

 

  Bệnh stress do công việc bắt đầu tấn công các nước đang phát triển

   (Tranh: Nikolas Sideris / www.who.int)

Lâu nay, bệnh stress do công việc được xem là đặc trưng của các quốc gia công nghiệp phát triển, thế nhưng, Le Monde cho biết « Bệnh stress do công việc bắt đầu tấn công các nước đang phát triển ».

Nhiều nước phía Nam đã bắt đầu chú ý đến hiện tượng rối loạn tâm lý và những tác động của nó lên nền kinh tế. Các thống kê chính thức đến hiện tại chỉ tập trung vào các nước giàu. Năm 2009, có 30% người Châu Âu là nạn nhân của hiện tượng này.

Trong khi đó, ở Mỹ, năm 2010, thiệt hại do hiện tượng trên gây ra (không đi làm việc, năng suất sụt giảm, nghĩ bệnh…) ước tính lên đến 300 tỷ đô la.

Còn đối với các nước mới trỗi dậy, số liệu thống kê cụ thể còn rất thiếu. Bởi thế, từ năm 2011, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cho triển khai nghiên cứu nhằm khắc phục thiếu sót này. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng một năm.

Trung Quốc đã phải nhờ đến ILO tư vấn để đối phó với nguy cơ tâm lý này. Các nước Châu Phi cũng bắt đầu quan tâm đến vụ việc. Các nước Châu Mỹ La Tinh như Colombia, Mêhico và Argentina cũng đã vào cuộc.

Giải thích nguyên nhân, giáo sư Luc Brunet thuộc Đại học Montréal nhận định, toàn cầu hóa là một yếu tố gây stress do nó kéo theo tâm lý cạnh tranh. Ông cũng cho biết, hiện tượng rối loạn tâm lý phụ thuộc vào môi trường làm việc, tức vào cách thức đối xử với người lao động và vào năng lực quản lý của lãnh đạo.

Bệnh căng thẳng trong công việc thường dẫn đến việc nạn nhân lao vào sử dụng ma túy hay tìm đến rượu. Thế nhưng, về cách thức đối phó, thì mỗi nơi mỗi khác. Một chuyên gia Pháp khẳng định, ý thức thế giới về vấn đề này đang bị khủng hoảng, và hiện tại chưa có giải pháp nào tỏ ra thần kỳ cả.

Bên cạnh bệnh căng thẳng quá mức trong công việc, hiện tượng rối loạn tâm lý còn là nguồn gốc của một số bệnh thể chất, như rối loạn cơ-xương (TMS) hay các bệnh ngoài da.

Một chuyên gia khác của Pháp nhận định, ngày nay, người ta bị áp lực và mệt mỏi không chỉ do làm việc, mà còn do sự gia tăng số lượng và cường độ công việc. Chuyên gia này cũng chỉ ra sự nghịch lí là, trong khi công việc đòi hỏi con người phải dấn thân nhiều hơn thì cách thức tổ chức công việc lại không thay đổi.

Theo thống kê của ILO, trên thế giới có khoảng 20% người bị căng thẳng quá mức trong công việc, trong đó tỷ lệ đàn ông bị bệnh cao hơn phụ nữ, độ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là từ 40 đến 54.

Pháp trang bị cho Việt Nam phương tiện giám sát tàu đánh cá

Les Echos quan tâm đến hợp tác Pháp-Việt với bài viết « Giám sát tàu đánh cá : công ty CLS sẽ hoạt động ở Việt Nam ».

Công ty giám sát đại dương bằng vệ tinh CLS của Pháp (Collecte Localisation Satellite) đã ký với chính phủ Việt Nam hợp đồng cung cấp hệ thống giám sát tàu đánh cá và báo động bão. Tờ báo cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam bắt đầu muốn sở hữu hệ thống này từ sau cơn bão Chang Chu năm 2006 khiến 300 ngư dân thiệt mạng. Ngoài ra, Việt Nam còn muốn đảm bảo lượng hải sản xuất khẩu.

Theo hợp đồng, CLS sẽ lắp đặt thiết bị phát sóng định vị cho 3 000 tàu đánh cá Việt Nam, và cho xây dựng ba trạm giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng và Vũng Tàu. Bên cạnh đó, CLS sẽ xây dựng trung tâm phân tích dữ liệu khí tượng và đại dương nhằm báo động bão cho các tàu đánh cá. Ngoài ra, công ty này còn đảm nhiệm việc đào tạo kỹ sư cho Việt Nam.

CLS đã trang bị cho hơn 20 quốc gia hệ thống giám sát ngư chính. Năm rồi, công ty này đã ký hợp đồng xây dựng 7 trung tâm giám sát 1 500 tàu ở Trung Mỹ. Năm 2009, LCS đã cung cấp thiết bị giám sát cho 700 tàu đánh cá Trung Quốc.

Tháng tư này, CLS kỷ niệm 25 năm thành lập, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực quản lí tài nguyên biển, giám sát môi trường, an ninh hàng hải và cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp dầu hỏa.

Trung Quốc đối mặt với hiện tượng lão hóa và đô thị hóa ào ạt

Trung Quốc đang đối mặt với hiện tượng lão hóa và tình trạng đô thị hóa ồ ạt, đó là thông tin được Les Echos phản ánh qua bài viết « Dân số Trung Quốc đã lên đến 1,339 tỷ người, đang đối mặt với hiện tượng lão hóa ».

Theo kết quả thống kê dân số được công bố ngày hôm qua, Trung Quốc đã đạt 1,339 tỷ người. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng bình quân đã giảm nhiều. Theo công bố năm 2000, tỷ lệ tăng bình quân là 11,7% trong 10 năm, trong khi con số này tính từ năm 2000 đến nay chỉ là 5,84%.

Thống kê cũng cho thấy, dân số nước này đang đối mặt với hiện tượng lão hóa nhanh hơn dự kiến. Một chuyên gia cho biết, tỷ lệ sinh sản ở nước này rất thấp, chỉ ở mức 1,5 trẻ em/phụ nữ, xấp xỉ so với Nga và Tây Ban Nha. Như vậy, thế hệ sau có ít hơn 25% người so với thế hệ trước.

Chính sách một con ở Trung Quốc đã tỏ ra có hại. Tuy nhiên, đến hiện tại, khó mà có thể biết liệu Bắc Kinh đã có dự định chấm dứt chính sách này chưa, do nước này luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi đông dân.

Cuộc điều tra dân số lần này cũng cho thấy, tốc độ đô thị hóa ở Trung Quốc diễn ra quá nhanh. Hiện tại, có đến 665 triệu người sống ở thành phố, tức có đến 49,7% dân số là người thành thị, trong khi vào năm 2000 con số này là 36%. Nếu tính số người đến thành phố làm việc trong khi vẫn giữ hộ khẩu thường trú ở nông thôn, thì hiện tại, có đến 261 triệu người.

Cuối cùng, liên quan đến tỷ lệ nam nữ, con số chênh lệch vẫn còn khá cao, với mức 118 nam/ 100 nữ, tức nam nhiều hơn nữ đến 38 triệu người.

Thuốc trừ sâu Endosulfan đe dọa Ấn Độ

Endosulfan được sử dụng làm thuốc trừ sâu trong sản xuất rau quả và lúa.

Loại thuốc này gây nhiều hậu quả nghiêm trọng ở Ấn Độ, tuy nhiên chính phủ vẫn chưa chịu cấm sử dụng, đó là thông tin được đăng trên nhật báo Le Monde qua bài « Tác hại chết người của một loại thuốc trừ sâu ở Ấn Độ ».

Endosulfan được nhập vào Ấn Độ từ những năm 1950. Loại thuốc này đã làm thiệt mạng đến 500 người, nhất là ở các huyện phía bắc của bang Kerala. Bốn ngàn người bị phơi nhiễm chất độc này đang bị di dạng, ung thư và rối loạn thần kinh. Hệ sinh thái cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Thậm chí dân chúng ở một huyện chuyên nuôi ong còn cho biết, ong đã lần lượt biến mất.

Vào đầu những năm 2000, loại thuốc trừ sâu này đã bị cấm sử dụng tại bang Kerala và bang Karnataka ở miền nam Ấn Độ, cũng như ở 87 nước trên thế giới. Công ước Stockholm về các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ được tổ chức từ ngày 25 đến 29/4 này có mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận cấm sử dụng Endosulfan trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Le Monde, quyết định cuối cùng lệ thuộc phần lớn vào Ấn Độ, nước sản xuất Endosulfan nhiều nhất thế giới.

Tác hại của Endosulfan ở miền nam Ấn Dộ chưa đủ sức khiến chính phủ New Delhi đi đến quyết định cấm sử dụng. Lý do chính là do loại thuốc này có giá rẻ, và do nguồn lợi kinh tế to lớn mà chất này mang đến. Trong khi đó, đến hiện tại, chưa có chất trừ sâu nào rẻ để thay thế. Theo tính toán, việc thay thế Endosulfan có thể khiến người dân tiêu tốn thêm 7 triệu euro cho thuốc trừ sâu.

Về phần mình, các công ty sản xuất Endosulfan phản đối việc cấm sử dụng khi cho rằng, loại thuốc này đã được bắt đầu sử dụng từ 50 năm trước, nhưng tác hại ở miền nam chỉ bắt đầu xuất hiện từ 30 năm nay. Vì vậy, họ đặt vấn đề, có phải nguyên nhân là do thuốc được sử dụng không đúng qui cách ? Còn có thông tin cho rằng, ở bang Karala, Endosulfan được phun đại trà bằng trực thăng, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước và các khu dân cư.

Người Anh vẫn ủng hộ chế độ quân chủ

Nhìn về nước Anh, nơi thu hút sự chú ý của báo chí thế giới với đám cưới của hoàng tử William, nhật báo La Croix dẫn lại lời giải thích của giáo sư khoa học chính trị Rodney Barner thuộc Đại học London School of Economic, với bài viết:« Tại sao hoàng gia Anh lại được người dân yêu mến đến như vậy ? »

Nguyên nhân đầu tiên theo vị giáo sư này là vì « hoàng gia không làm gì cả ».

 Nữ hoàng Anh không can thiệp vào công việc của chính phủ. Bà chỉ tham dự cắt băng khánh thành, nói chuyện với mọi người. Bà là biểu tượng nhân văn của đất nước.

Lịch sử đã chứng minh, hoàng gia càng ít tham gia chuyện nhà nước, thì càng được người dân yêu mến. Ông cho rằng, có một biểu tượng quốc gia như vậy còn hơn là có một vị tổng thống có thực quyền, nhưng lại có ý nghĩ « ngông cuồng » như Nicolas Sarkozy đối với người dân pháp.

Từ sau cái chết của công nương Diana, hoàng gia hầu như đã « im lặng » trước công chúng, chỉ trừ nữ hoàng, và từ đó mức độ được lòng dân của hoàng gia lại tăng lên.

Trong mắt người dân, hoàng tử William có hình ảnh giống với nữ hoàng Anh. William có vẻ bề ngoài là một chàng trai cẩn thận và siêng năng. Người dân xem hoàng tử như là một chàng trai bình thường, cũng có công ăn việc làm riêng của mình như mọi người. Ngược lại, cha anh là thái tử Charles lại được xem là « người của các chiến dịch ». Ông này đã từng tham gia chiến dịch ủng hộ nông nghiệp sinh học và chống kiến trúc hiện đại.

Như vậy, trong một chừng mực nào đó, hình ảnh công chúng của nữ hoàng đã bị « nhảy mất một thế hệ ».

Chia sẻ quan điểm này, Le Figaro nhận định « Nền quân chủ là bất khả xâm phạm trong lòng người Anh ».

Bài viết cho biết, tuy có người phản đối chế độ quân chủ, nhưng họ chiếm một phần bé nhỏ trong xã hội Anh.
Theo một thăm dò vừa được công bố, có đến 75% người dân Anh ủng hộ chế độ quân chủ hiện hành, chỉ có 18% là muốn tiến hành bầu cử người đứng đầu nhà nước.

Liên quan đến tương lai của chế độ này, 84% người được hỏi cho rằng, trong 10 năm nữa nước Anh vẫn luôn được trị vì bởi một vị vua hai nữ hoàng, 56% cho rằng phải đến hơn 50 năm nữa.

Đa số người Anh xem chế độ quân chủ là một thể chế góp phần vào sự thống nhất đất nước và tô điểm cho hình ảnh của nước Anh trên thế giới.

Riêng về hôn lễ của hoàng tử William, Le Figaro nhận định, kể từ khi công khai ý định cưới cô nàng thường dân Kate, hoàng tử William bỗng nhiên trở nên được người dân ưu ái hơn cả cha mình là thái tử Charles. Ngược lại với đám cưới trước kia của thái tử Charles và công nương Diana, người dân cho rằng, cuộc hôn nhân của hoàng tử William xuất phát từ tình yêu, góp phần làm cho hoàng gia thêm phần rực rỡ.

Trang nhất các báo Pháp ngày 29/4/2011 :

Liberation và Le Figaro dành trang nhất thông tin về vụ tấn công bằng bom ở một quán cà phê giữa lòng thành phố du lịch Marrakech của Maroc, làm 15 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất kể từ năm 2003 ở quốc gia này.

Le Monde quan tâm đến lĩnh vực bất động sản của Pháp với thông tin : năm 2010, giá căn hộ củ ở Pháp đã tăng 9,2%, riêng ở Paris lên đến 17,5%.

Chủ đề về nước Pháp cũng giành sự chú ý của nhật báo Công giáo La Croix. Tờ báo đặc biệt đề xuất những phẩm chất và sự ủng hộ cần thiết cho cuộc chạy đua vào điện L’Elysee vào năm tới.