Home Tin Tức Thời Sự Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30.4.1975

Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30.4.1975 PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Văn Phú   
Thứ Năm, 28 Tháng 4 Năm 2011 21:26

Năm 2003 tôi có bài viết “Dinh Độc Lập trưa ngày 30.4.1975” đầu tiên, bổ sung những năm sau, nêu ra khác biệt trong chuyện kể về thời khắc lịch sử qua đối chiếu sách báo trong nước và nước ngoài

Chuyện gì xảy ra tại cổng Dinh Độc Lập, tăng nào vào trước, xe 390 hay 843? Khi bộ đội vào được trong dinh, ai đã gặp Tổng thống Dương Văn Minh đầu tiên và đã nói những gì? Ai giương cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam trên nóc dinh? Những nghi vấn đã là đề tài tranh cãi trên tạp chí Xưa&Nay giữa những sĩ quan và bộ đội, với hai nhân chứng lịch sử quan trọng có mặt ở đó lúc bấy giờ là Đại úy bộ binh Phạm Xuân Thệ và Trung tá Chính ủy Bùi Văn Tùng, nay là Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Đại tá Bùi Văn Tùng. Một nhân chứng khác là Thượng tá Bùi Tín, Phó Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, cũng có mặt. Nhưng nay đã bị xóa tên trong các tài liệu lịch sử vì ông Bùi Tín đã bỏ nước ra đi vào năm 1990.

Vì có nhiều điều không nhất quán nên những năm gần đây Viện Lịch sử Quân đội Việt Nam và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân đã có những nghiên cứu, tổ chức thảo luận về thời khắc lịch sử này. Nhưng tranh cãi về chuyện ai nói gì với lãnh đạo miền Nam tại Dinh Độc Lập, ai viết văn bản đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc để thâu băng cho đến nay vẫn chưa được xác minh rõ ràng.

Bên cạnh đó, những sự việc xảy ra tại đài phát thanh Sài Gòn liên quan đến một số lãnh đạo sinh viên, trí thức, đoàn thể và đặc biệt là Trịnh Công Sơn cũng gây tranh luận vì ông là một nhạc sĩ nổi tiếng đã phát biểu và hát “Nối vòng tay lớn” trên đài vào giờ phút lịch sử sang trang. Lời ca của ông rất nhiều người biết đến. Tựa bài hát còn được dùng để đặt tên cho những trại hè sinh viên – Trại hè Nối vòng tay lớn – do phòng thông tin quốc ngoại tổ chức sau khi Hiệp định Ba Lê 1973 được kí kết để mời gọi sinh viên du học nước ngoài về thăm quê hương, sinh hoạt cùng sinh viên trong nước.

Nội dung các lời dẫn và phát biểu trong chương trình phát thanh đầu tiên của “Đài Sài Gòn Giải phóng”, như ghi lại trong băng phổ biến trên damau.org ngày 1.4.2011[http://damau.org/archives/19337], đã khiến một số bạn đọc muốn biết hư thực ra sao. Bài viết này trình bày những tài liệu ghi nhận được chung quanh đoạn băng đó.

1. Những phát biểu về đầu hàng

Trước hết là ghi lại những phát biểu nghe được trong băng, từng đoạn một:

(1) Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hoà hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến điạ phương đã giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến điạ phương giao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

(2) Trong tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc (không rõ) cả nước đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hoà bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn (không rõ).

(3) Chúng tôi đại diện Lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn.

Ông Nguyễn Hữu Thái, cựu lãnh đạo sinh viên Sài Gòn có mặt tại đài và là người đã phối trí chương trình phát thanh trưa ngày 30.4, trong hồi ức trên tạp chí Xưa&Nay [Số 234, tháng 4.2005, tr. 19-20] tựa “Tiếng nói cách mạng đầu tiên trên Đài phát thanh Sài Gòn”, ghi lại phần mở đầu chương trình phát thanh vào lúc hơn 2 giờ chiều:

“Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới Dinh Độc Lập trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái…”

Sau đó ông giới thiệu lời kêu gọi của Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu:

“Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu hàng ở thành phố này…”

Bài hồi ức ghi tiếp:

[trích báo Xưa&Nay]

Tiếp theo là lời của tướng Dương Văn Minh:

“Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hoà hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến điạ phương phải giải tán hoàn toàn. Từ Trung ương đến điạ phương trao lại cho Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam”.

Giáo sư Vũ Văn Mẫu phát biểu tiếp theo:

“Trong tinh thần hoà giải và hoà hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hoà bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.

Và cuối cùng là lời chấp nhận đầu hàng của chính ủy Bùi Văn Tùng:

“Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn”.

[hết trích]

Trong phần âm thanh phổ biến, so với trích dẫn từ tạp chí Xưa&Nay ngoài những chỗ nghe không rõ có vài khác biệt.

Căn cứ vào hồi ức của Nguyễn Hữu Thái, ba phát biểu đó là của:

(1) Tổng thống Dương Văn Minh. Trong phần này tôi nghe là “đã” giải tán hoàn toàn, bài viết ghi “phải” giải tán hoàn toàn. Vì âm thanh rè, khó phân biệt rõ nên tôi không chắc. Tuy nhiên theo tài liệu của giới chức quân sử Việt Nam, bản tuyên bố đầu hàng do Chính ủy Bùi Văn Tùng viết trên giấy cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc là “phải” giải tán hoàn toàn.

Trong tác phẩm “Giai Phong! The Fall and Liberation of Saigon” của Tiziano Terzani [Xuất bản năm 1975 bằng tiếng Ý. John Shepley dịch sang Anh ngữ. Nxb St. Martin 1976], phóng viên người Ý ở lại Sài Gòn cho đến tháng 7.1975 đã ghi nhận lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do Chính ủy Bùi Văn Tùng viết trên tờ giấy mầu vàng [tr. 95]. Tác giả ghi nhận chương trình phát thanh có lại lúc 2 giờ 30 chiều vì đài đã im tiếng từ sau tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh vào lúc 10 giờ 25 sáng, khi ông kêu gọi hai bên buông súng và chờ đợi bàn giao quyền hành cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam.

Buổi phát thanh đầu tiên sau 2 giờ chiều của lực lượng giải phóng theo Terzani có phần mở đầu như sau:

“This is the voice of the Revolutionary Forces of Saigon-Gia Dinh. I am a representative of the Liberation Forces. Now Duong Van Minh will make an appeal.”

[Dịch: Đây là tiếng nói của Lực lượng Cách mạng Sài Gòn Gia Định. Tôi là đại diện của Lực lượng Giải phóng. Bây giờ Dương Văn Minh sẽ có lời kêu gọi.”

Theo tác giả tường thuật, sau lời giới thiệu có sự im lặng rồi là lời tuyên bố của Tướng Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu [tr. 96]

“I, General Duong Van Minh, president of the Saigon government, appeal to the armed forces of the Republic of Vietnam to lay down their arms and surrender unconditionally to the forces of the National Liberation Front. Furthermore I declare that the Saigon government is completely dissolved at all levels.”

“In the spirit of harmony and national reconciliation, I, Professor Vu Van Mau, prime minister, appeal to all levels of the population to greet this day of peace for the Vietnamese people with joy. I appeal to all employees of the administration to return to their posts and continue their work.”

Như thế cho thấy lời phát biểu của Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu trên đài là có thực, nội dung như trong băng ghi âm.

Họ có bị ép buộc nói thế không? Theo lời kể của kí giả Đức Borries Gallasch là người đã cho mượn máy cát-sét để ghi lời đầu hàng thì đã có lời qua tiếng lại giữa Chính ủy Tùng và Tổng thống Minh về một vài chữ mà ông Tùng muốn ông Minh phải sử dụng. Trong một phóng sự điều tra 4 kì của đài truyền hình trong nước HTV 9, [http://www.youtube.com/watch?v=OHwf5O3QxTg&feature=related], phần 4 chiếu khúc phim tài liệu với kí giả Gallasch kể về không khí và chuyện viết lệnh đầu hàng, thu thanh sau khi ông vừa rời đài phát thanh và trở lại đường Thống Nhất trước Dinh Độc Lập.

Trong “30.4.1975 Bản hùng ca Thế kỷ XX” [Nxb Lao động 2006] có nhiều tài liệu, hồi ức của những cấp chỉ huy quân sự Quân đội Nhân dân về chiến thắng năm 1975. Phần trích hồi ức của Tướng Võ Nguyên Giáp ghi lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đã được Bộ Chính trị và Quân ủy nghe qua dây ghi âm vào chiều 30.4 như sau: “Tôi là Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Tôi kêu gọi (không có: Quân lực Việt Nam Cộng hoà) bỏ vũ khí đầu hàng vô điều kiện Quân giải phóng, giải tán cơ cấu chính quyền từ trung ương đến điạ phương vào giao quyền cho Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.” [tr. 243]

Hồi ức của Tướng Giáp không ghi “Quân lực Việt Nam Cộng hoà” là vì không có trong phần âm thanh gốc hay quan chức thông tin kiểm duyệt bỏ đi?

(2) Sau lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh là tuyên bố của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Trong băng những chỗ về tên và chức vụ không nghe rõ. Không biết ông Thái nghe băng ghi lại có nghe được danh xưng và chức vụ của vị Thủ tướng cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà hay không? Ông ghi những điều đó vào trong bài viết vì đã biết rõ ông Vũ Văn Mẫu là ai hay ông dựa theo những nguồn tài liệu khác?

(3) Kế đến là lời Chính ủy Bùi Văn Tùng chấp nhận sự đầu hàng. Trong phần này, tôi nghe “tướng” Dương Văn Minh. Còn trong bài ghi là “ông” Dương Văn Minh.

Một nguồn thông tin khác là mạng BBC Việt ngữ ngày 29.04.2005 trong đó có trích báo Tuổi Trẻ ngày 23.03.2005 với lời của cựu Chính ủy Bùi Văn Tùng như sau: “Tôi thảo cho ông Dương Văn Minh lời đầu hàng. Sau khi ông đọc xong thì tôi đọc lời tuyên bố: ‘Chúng tôi đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam VN long trọng tuyên bố TP Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn…’.”

Bài hồi ức trên tạp chí Xưa&Nay số tháng 4.2005 cũng dùng chữ “ông” trước danh xưng Dương Văn Minh, thay vì chữ “tướng”. Có hai băng ghi âm khác nhau? Hay vì nghe không rõ nên ghi nhầm ở đây?

Lời chấp nhận đầu hàng này cũng đã được hãng thông tấn AP, qua bản tin của kí giả George Esper gửi đi và đăng trên nhật báo New York Times ngày 1.5.1975 đã ghi nguyên văn, trong đó có chữ Gen. – tiếng Anh nghĩa là “tướng” – với nội dung rất đúng lời của chính ủy Bùi Văn Tùng như ghi ra từ băng:

“We representatives of the liberation forces of Saigon formally proclaim that Saigon has been totally liberated. We accept the unconditional surrender of Gen. Duong Van Minh, President of the former Government.”

Hãng thông tấn AP có nhân viên nghe đài và dịch lại nguyên văn để kí giả Esper ghi nhận trong bài tường thuật của ông.

Tuần báo TIME ngày 12.05.1975 trong một bài tường thuật cũng ghi lời chấp nhận đầu hàng: “Saigon has been totally liberated. We accept the unconditional surrender of General Duong Van Minh, President of the former government.”

Dựa trên những tường thuật của Borries Gallasch, Tiziano Terzani và George Esper thì những lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Chính ủy Bùi Văn Tùng trên đài phát thanh Sài Gòn chiều ngày 30.4.1975 là có thực.

Cũng cần nói thêm là Tổng thống Dương Văn Minh trong ngày 30.4 đã đọc hai tuyên bố trên đài Sài Gòn.

Nhật báo New York Times ngày 1.5.1975 có đăng lời kêu gọi buông súng của Tổng thống Dương Văn Minh và của phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh dưới tiêu đề “Saigon’s Surrender Texts” do hãng thông tấn AFP gửi đi bản dịch không chính thức. Đây là bản tuyên bố được thu âm vào sáng sớm tại Dinh Thủ tướng và được phát đi trên đài lúc 10 giờ 25 phút sáng. Nguyên văn tiếng Việt của hai lời tuyên bố này cũng đã được ghi lại nguyên văn trên nhật báo Nhân Dân ngày 1.5.1975.

Còn lời tuyên bố đầu hàng phát đi lúc khoảng 2 giờ 30 chiều là sau khi Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu được áp giải từ Dinh Độc Lập đến đài phát thanh. Tại đây Chính ủy Bùi Tùng đã viết bản văn đầu hàng cho Tổng thống Minh đọc vào máy cát-sét của kí giả người Đức là Borries Gallasch, trước khi được truyền đi qua sóng trong chương trình phát thanh đầu tiên của cách mạng do Nguyễn Hữu Thái điều hợp.

2. Về phát biểu và hát “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn

Về sự kiện Trịnh Công Sơn phát biểu và hát trên đài. Tiếp tục ghi lại tiếng nói trong băng:

“(không rõ) Cách mạng Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định. Và chúng tôi xin công bố là Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn được giải phóng lúc 12 giờ ngày hôm nay 30 tháng Tư năm 1975. Chúng tôi xin đồng bào hãy bình thản và bình tĩnh tiếp tục cuộc sống bình thường. Quân đội cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thành phố và hiện tại chúng tôi (không rõ) nhưng sau này (không rõ) tất cả anh em thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn và toàn quốc đã biết. Chúng tôi xin giới thiệu anh Sơn có thể nói vài lời và cũng là hát cho qúi vị nghe một bài ngắn ngắn.”

Đoạn này là giọng nói của Nguyễn Hữu Thái, vì ông điều hợp buổi phát thanh. Lúc đó tại đài Sài Gòn có Nguyễn Hữu Thái cùng với giáo sư Huỳnh Văn Tòng, một trí thức từ Pháp về. Ông Thái viết trong hồi ức:

[trích Xưa & Nay]

Thái đích thân đứng ra điều hành buổi phát thanh ấy, đọc thêm bảng công bố của Cách mạng đối với vùng mới giải phóng, mượn của một chính trị viên.

Thái và Tòng cố tình xưng tên tuổi mình là nhằm tạo tâm lý trấn an nhân dân Sài Gòn. Gần đây, nhân dân phía Nam từng bị guồng máy tâm lý chiến của Mỹ và Sài Gòn ra rả tung tin thất thiệt, mô tả nào cảnh tắm máu khi bộ đội đến miền Trung làm dân Sài Gòn sợ điếng hồn. Mọi người thực sự đang kinh hoàng, chỉ mong tìm đường đào thoát chạy thoát thân với bất cứ giá nào! Hy vọng khi nghe được tên tuổi Thái, Tòng họ sẽ nghĩ: “À, nếu mấy tên tư sản kiểu như Tòng, Thái mà còn đó thì chắc cũng không đến nỗi nào!

Xen kẻ vào các lời ghi âm sẵn phát đi phát lại nêu trên, họ tranh thủ kêu gọi đại diện đồng bào các giới đến lên tiếng trên làn sóng phát thanh.

Thấy trong đám đông ùa đến đài có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh đưa anh vào và tất cả cùng anh hát vang bài “Nối vòng tay lớn”. Không có đàn trống, chúng tôi vỗ tay, khỏ nhịp lên bàn cùng nhau hát vang:

    Rừng núi dang tay nối lại biển xa
    Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
    Mặt đất bao la anh em ta về
    Gặp nhau mừng như bão táp quay cuồng
    Trời rộng bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam

    Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
    Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi
    Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo
    Từ quê nghèo lên phố lớn
    Nắm tay nối liền biển xanh sông gấm nối liền một vòng tử sinh.

Bài hát ra đời từ năm 68 nói lên giấc mơ của dân tộc nay mới trở thành hiện thực. Đây là bài hát đầu tiên được phát trên sóng của đài phát thanh Sài Gòn ngày giải phóng.

[hết trích]

Bài viết không ghi lời phát biểu của Trịnh Công Sơn, cũng không ghi trọn vẹn lời ca mà nhạc sĩ cùng một vài người nữa đã đồng ca và câu hát cuối do Nguyễn Hữu Thái ghi lại không như phần âm thanh trên damau.org. Theo băng, đó là “Biển xanh sông gấm nối liền một vòng Việt Nam”. “Việt Nam” khác với “tử sinh” như ghi trong bài viết của Nguyễn Hữu Thái.

Có hai băng khác nhau chăng? Theo Nguyễn Hữu Thái, ông có băng ghi âm này từ nhà sử học Nguyễn Nhã tặng năm 2002.

Trong hồi ức, Nguyễn Hữu Thái không nhắc đến phát biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, khi ông viết rằng ông và Giáo sư Huỳnh Văn Tòng muốn có nhiều giới đồng bào đến để lên tiếng cho mọi người an tâm đừng bỏ nước ra đi thì việc Trịnh Công Sơn trước khi hát đã kêu gọi mọi người ở lại là hợp với tình cảnh bấy giờ tại đài và đúng ý muốn của các ông Thái, Tòng và một chính trị viên bộ đội có mặt.

Về phát biểu của Trịnh Công Sơn, trên tạp chí mạng honvietquochoc.com.vn của Hội Nhà văn Việt Nam ngày 18.8.2010 có bài của Thanh Huyền tựa: “Trịnh Công Sơn hát ‘Nối vòng tay lớn’”  cũng ghi lại lời phát biểu của nhạc sĩ, nguyên văn giống như trong băng đã phổ biến, nhưng cắt bỏ một câu quan trọng có lẽ vì là vấn đề “nhạy cảm” trong nước. Đó là câu: “Những kẻ đã ra đi chúng ta xem như là đã phản bội đất nước.”

Phần lời ca, tác giả Thanh Huyền ghi lại đầy đủ, nhưng câu cuối cùng cũng ghi “tử sinh” thì khác với băng trên damau.org và giống như trong hồi ức của Nguyễn Hữu Thái.

3. Ai đã có mặt tại đài phát thanh Sài Gòn?

Sự kiện Trịnh Công Sơn hát trên đài Sài Gòn vào giờ phút lịch sử còn dẫn đến một số thắc mắc: Ai đã đưa nhạc sĩ đến đài? Ông đã phát biểu và hát tự nguyện hay bị ép buộc?

Theo Hoàng Xuân Sơn, một người có chơi với Trịnh Công Sơn thì Nguyễn Hữu Thái đã đưa nhạc sĩ đến đài. Trong bài “Tạm thay lời kết: vạn nẻo mây tần” đăng trên damau.org 04.04.2011, Hoàng Xuân Sơn kể ngày 30.4 Trịnh Công Sơn ghé qua nhà ông với vẻ “Mặt hớt hơ. Và giọng hớt hải” kêu ông cùng lên đài hát “Nối vòng tay lớn” nhưng ông không đi. Nhìn ra đường thấy Nguyễn Hữu Thái đưa Trịnh Công Sơn lên xe cùng bộ đội và những người đeo băng đỏ.

Nếu Trịnh Công Sơn đi với Nguyễn Hữu Thái thì hai người tách rời nhau khi nào? Vì trong hồi ức trên Xưa&Nay đã dẫn trên, ông Thái viết “Thấy trong đám đông ùa đến đài có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Huỳnh Ngọc Chênh đưa anh vào…” và ông cho biết đây là lần đầu tiên gặp lại Trịnh Công Sơn sau 18 năm. Nguyễn Hữu Thái có mặt tại đài là đi theo đoàn xe do bộ đội áp giải Tổng thống Minh, Thủ tướng Mẫu từ Dinh Độc Lập đến đài để đọc lệnh đầu hàng. Đi chung với đoàn có Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Văn Tòng, Hà Huy Đĩnh.

Trong bài: “Góp phần làm sáng tỏ sự kiện lịch sử 30/4/1975” [Xưa&Nay số 264, tháng 7.2006, tr. 27] Nguyễn Hữu Thái viết: “Toán sinh viên do anh Hà Thúc Huy hướng dẫn đã cùng bộ đội chiếm giữ Đài truyền hình và Đài phát thanh rồi nhưng lúng túng không biết phải làm gì tiếp”. Ông cũng đã kể với Terzani trong Giai Phong! là sau khi nghe lệnh buông súng lúc 10 giờ 20 sáng 30.4, ông đang ở Đại học Vạn Hạnh cùng với sinh viên lo tiếp thu quân trang quân phục của lính Việt Nam Cộng hoà đã buông súng theo lệnh Tổng thống Dương Văn Minh. Sau đó ông đi tìm Lý Quí Chung nên vào Dinh Độc Lập, nhưng tài xế sợ và đã không đưa ông và Lý Quí Chung đến đài. [tr. 88]. Như thế, nếu chuyện Nguyễn Hữu Thái kể là thật thì có thể người mà Hoàng Xuân Sơn thấy đưa Trịnh Công Sơn đến đài có thể là Hà Thúc Huy.

Bài “Góp phần làm sáng tỏ sự kiện lịch sử 30/4/1975” đã không làm sáng tỏ mà còn làm lịch sử rối thêm. Đối chiếu với bài hồi ức của ông đăng trên cùng tạp chí vào tháng 4.2005, bài này ông đã đảo lộn thứ tự các tuyên bố của Tổng thống Minh, Thủ tướng Mẫu, Chính ủy Tùng sang một thứ tự mới: Tổng thống Minh, Chính ủy Tùng rồi mới đến Thủ tướng Mẫu. Như thế thứ tự thật sự của các tuyên bố ghi trong băng mà nhà sử học Nguyễn Nhã đã tặng ông như thế nào?

Cuối bài, tác giả Nguyễn Hữu Thái đề nghị nên có những hội thảo khoa học với sự tham dự của các nhân chứng trong vào ngoài nước và cho biết ông đang cố gắng hoàn thành một cuốn sách về sự kiện 30.4.1975. Tập sách nhỏ chừng 50 trang mà ông đã nói với BBC Việt ngữ vào năm 2005 là đã không được phép xuất bản ở Việt Nam.

Chuyện ở đài phát thanh, theo Đoàn Văn Toại là người mà thời sinh viên thuộc thành phần chống chính phủ, tác giả quyển The Vietnamese Gulag [Nxb Simon and Schuster 1986. Tiếng Pháp do Nxb Robert Laffont 1979] thì có những chi tiết rất khác.

Ông kể sau khi nghe lệnh buông súng vào lúc hơn 10 giờ sáng, ông đi tìm bạn cùng thời hoạt động sinh viên và gặp Nguyen Van Thang, người miền Nam, ở trước Dinh Độc Lập và sau đó cùng nhau đi bộ đến đài phát thanh. Tại đài ông thấy hai kĩ thuật viên đã phát thanh lời kêu gọi buông súng của Tổng thống Minh và chưa biết phải làm gì. Họ tưởng ông là người của Mặt trận đến tiếp thu. Ông soạn “Quyết định số 1” kêu gọi dân chúng gom vũ khí vất bên đường đem đến những nơi chỉ định như dinh, tổng hội sinh viên hay Đại học Phật giáo.

Về sự có mặt của Trịnh Công Sơn, Đoàn Văn Toại viết:

“After it was broadcast, we called up Trinh Cong Son, the celebrated composer of peace music and lyrics, whose work had long been banned by the regime. Getting into the spirit of it, he came down to the station with his tapes, which the technicians were happy to play…” [tr. 190]

[Dịch: Sau khi Quyết định (số 1) được phát thanh, chúng tôi kêu Trịnh Công Sơn, một người sáng tác nhiều nhạc và lời ca hoà bình đã bị chế độ cấm phổ biến. Hoà nhập vào niềm vui hoà bình, anh đã đến đài mang theo băng nhạc của mình để những kĩ thuật viên vui vẻ phát đi…]

Tác giả ghi nhận lúc đó tại đài cũng có nhiều chính trị gia, thành phần thứ ba và lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức tôn giáo, văn hoá với kiến nghị ủng hộ chế độ mới muốn được phát đi trên đài.

Nhưng trong tác phẩm “The Fall of Saigon” [Nxb Simon and Schuster 1985] Đoàn Văn Toại, rời Việt Nam qua Pháp năm 1978, đã kể với tác giả David Butler rằng đại diện các đoàn thể muốn ông đọc những kiến nghị của họ nhưng ông không đọc và ông nói với mấy người mặc quần áo như bộ đội đã đến đài là bản “Quyết định số 1” cũng chưa được truyền đi mà đến giờ đài chỉ có phát nhạc. [tr. 466]

Theo Đoàn Văn Toại, đài Sài Gòn còn phát thanh. Thông tin trên báo nước ngoài cho biết đài im tiếng – silent – từ sau khi phát đi lệnh buông súng lúc 10 giờ 25 phút của Tổng thống Dương Văn Minh. Không hiểu kí giả nước ngoài ghi “silent” có nghĩa không có gì trên sóng, hay không có tiếng nói, tin tức. Chỉ phát thanh nhạc thì họ cũng cho là đài im tiếng? (thêm dấu hỏi)

Trang thông tin anhbasam.wordpress.com ngày 10.04.2011, khi điểm tin băng ghi âm trên damau.org có nhắc lời tác giả Hoài Hương trong một bài viết dịp 30.04 năm ngoái cho biết Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, cựu Phó Chính ủy Quân khu 4 đã kể lại “… Sau khi TT. Dương Văn Minh đọc xong lời tuyên bố, trở lại Dinh Độc Lập, chúng tôi mới cho anh em sinh viên Sài Gòn thuộc Tổng đội Sinh viên Sài Gòn vào đàn hát các bài ca cách mạng. Trước giờ mọi người nói vào lúc TT. Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đã có anh em sinh viên Sài Gòn có mặt là sai. Lúc đó không có một thường dân nào hết.”

Tác giả Hoài Hương ghi lại như thế. Vậy tướng Hoàng Trọng Tình và Đoàn Văn Toại ai đúng, ai sai?

Sau khi phần ghi âm được phổ biến trên damau.org, có bạn đọc cho biết họ đã nghe Trịnh Công Sơn hát “Nối vòng tay lớn” với tiếng đàn.

Như thế trong vòng 4 tiếng đồng hồ từ 10 giờ 30 phút sáng, sau khi đài phát đi lời tuyên bố buông súng của ông Minh và của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, cho đến khoảng 2 giờ 30 chiều ngày 30.4 là lúc có phần phát thanh lệnh đầu hàng do Nguyễn Hữu Thái điều hợp thì làn sóng đài có phát đi điều gì không? Có phát nhạc từ băng cát-sét, có thể là những ca khúc trong băng Hát cho quê hương Việt Nam, của Trịnh Công Sơn không? Vấn đề này cần được tìm hiểu thêm.

Còn chuyện Trịnh Công Sơn phát biểu rất hăng say, rất có giọng cách mạng trên đài, theo tôi là vì ông tin tưởng hoà bình đã đến với quê hương. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, lúc im tiếng súng có nhiều người mừng. Trong khi đó Trịnh Công Sơn là người đã viết lên nhiều ca khúc nói lên mơ ước của mình, của dân tộc thì chắc ông phải rất mừng vui vào giờ khắc đó. Chưa bàn đến quan điểm chính trị của ông mà có người cho là thân cộng vào lúc đó.

Thêm vào đó, câu chuyện của Trịnh Cung kể cách đây hai năm: “Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị” về một thăm dò cho vai trò chính trị có thể có của Trịnh Công Sơn trong chính phủ mới có thể đã khiến ông khi lên đài phát biểu và cất tiếng ca bằng tất cả sự nhiệt tình và rung động của con tim vào giây phút lịch sử đó. Dù chỉ ít phút sau thì biết mình đã bị lừa. Như nhiều người Việt khác, như bao nhiêu bà mẹ đã bỏ công nuôi cách mạng để rồi phải than thở sau ngày 30.4.1975.

4. Trả lại sự thật cho lịch sử

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam chấm dứt đột ngột vào ngày cuối tháng Tư ba mươi sáu năm về trước. Các nhà phân tích tình hình thời bấy giờ dù biết rằng miền Nam không thể tự bảo vệ trước sức tiến quân của bộ đội miền Bắc. Nhưng không ai ngờ kết cuộc đã đến nhanh như thế.

Một cuộc chiến kéo dài gần 20 năm và phút cuối đến quá bất ngờ, ngay cả bộ đội cũng không biết kết thúc đã đến nhanh như thế, cho nên đến hôm nay khi nhớ lại sự việc nhiều chứng nhân lịch sử còn có những ghi nhận khác nhau, đôi khi trái nghịch nhau do bởi trí nhớ đã phai mờ cũng có mà vì hoàn cảnh chính trị cũng có.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người đã che chở cho Trịnh Công Sơn sau này đã phát biểu ngày 30.4 “có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”. Trước khi qua đời ông cũng nhắc đến thời khắc lịch sử mà sau hơn 30 năm còn gây tranh cãi. Ông nói muốn có một lịch sử công bằng cần phải có tiếng nói của mọi phiá trong các cuộc hội thảo, như tiếng nói của ông Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Hữu Hạnh là những người của phiá Việt Nam Cộng hoà.

Đối với sự kiện Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh cũng thế. Hãy để mọi chứng nhân lịch sử được nói ra những sự việc họ chứng kiến. Hãy trả lại cho lịch sử những sự thật của nó.

© 2011 Buivanphu

Tài liệu tham khảo:

1/ Xưa&Nay. Tạp chí của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Số 234 (4.2005), 258 (4.2006), 264 (7.2006)

2/ Butler, David. The Fall of Saigon. Simon and Schuster 1985

3/ Doan Van Toai và David Chanoff. The Vietnamese Gulag. Simon and Schuster 1986

4/ Terzani, Tiziano. Giai Phong! The Fall and Liberation of Saigon. St. Martin’s Press 1976.

5/ 30.4.1975 Bản hùng ca Thế kỷ XX. Nhiều tác giả. Nxb Lao động 2006.

6/ HTV9 trên YouTube.com:

[http://www.youtube.com/watch?v=OHwf5O3QxTg&feature=related]

7/ Thanh Huyền. Trịnh Công Sơn hát “Nối vòng tay lớn”. Tạp chí Hồn Việt. Hội Nhà văn Việt Nam. 18.8.2010

8/ Trịnh Cung. Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị. Damau.org 1.4.2009

9/ Bùi Văn Phú. Lời phát biểu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đài Sài Gòn trưa ngày 30.4.1975. damau.org 1.4.2011

10/ Hoàng Xuân Sơn. Tạm thay lời kết: vạn nẻo mây tần. damau.org 4.4.2011

Chú thích cho hình:

H01: Bài hồi ức của Nguyễn Hữu Thái trên tạp chí Xưa&Nay số 234, tháng 4.2005 (ảnh Bùi Văn Phú)

H02: Bài trên tạp chí Hồn Việt của Hội Nhà văn Việt Nam ghi lại phát biểu của Trịnh Công Sơn trên đài Sài Gòn ngày 30.4.1975 (ảnh Bùi Văn Phú)