Home Tin Tức Thời Sự Ba linh mục Việt Nam “yêu nước” chạy đua vào Quốc Hội

Ba linh mục Việt Nam “yêu nước” chạy đua vào Quốc Hội PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Mi   
Thứ Năm, 28 Tháng 4 Năm 2011 06:05

"Hồng Y Phạm Minh Mẫn phải chịu trách nhiệm về các hành động của Phan Khắc Từ" (Saigon Echo)

(Catholic World News, AsiaNews). Trong hai ngày 27 và 28/4 vừa qua các thông tấn xã Công Giáo tại Hoa Kỳ và Italia đã đưa tin về việc 3 linh mục Công Giáo chạy đua vào Quốc Hội tại Việt Nam, bày tỏ quan ngại về tình trạng lỏng lẻo trong kỷ cương Giáo Hội tại quốc gia này.

“Ba linh mục Công Giáo là ứng cử viên Quốc Hội, cơ quan quyền lực cao nhất tại quốc gia này theo quy định của Hiến Pháp."

Việc tranh cử của 3 linh mục này đã gây nên một làn sóng chỉ trích trong số những người Công Giáo Việt Nam vì chính sách của Giáo Hội về việc hàng giáo sĩ tham gia vào các hoạt động chính trị là hết sức rõ ràng, và vì thái độ nhiệt tình ủng hộ nhà nước cộng sản của các linh mục này,” thông tấn xã Catholic World News, có trụ sở tại Virginia Hoa Kỳ, ghi nhận.

Thông Tấn Xã của Công Giáo Hoa Kỳ cho biết thêm: “Cha Trần Mạnh Cường và cha Trần Ngọc Hoàn của hai giáo phận Ban Mê Thuột và Bùi Chu đã là thành viên Quốc Hội Khoá 12. Bây giờ họ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ mới được bầu hôm 22/5 tới đây. Riêng trường hợp của cha Phan Khắc Từ thuộc tổng giáo phận Sàigòn thì đây là lần đầu tiên vị này ra tranh cử Quốc Hội. Trường hợp của cha Từ đã gây nhiều chú ý trong dư luận.”

“Cha Từ là tổng biên tập của Tờ Công Giáo và Dân Tộc, một tờ tạp chí do đảng cộng sản đẻ ra từ năm 1975, khét tiếng vì những chỉ trích thường xuyên nhắm vào Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Tòa Thánh. Việc tranh cử của ông đã làm rõ liên hệ của ông đối với cuộc chiến tranh Việt Nam đến mức là ông đã dùng nhà thờ của mình để làm nơi chế tạo bom tấn công các binh sĩ Hoa Kỳ. Trong một cuộc phỏng vấn với một cơ quan truyền thông nhà nước, cha Từ đã tỏ ra tự hào về thành tích điều hành một cơ xưởng như thế bên trong nhà thờ ngay giữa trung tâm Sàigòn”.

Được hỏi cảm tưởng về “thành tích cách mạng” này của cha Từ, một linh mục ở Hà Nội nói với thông tấn xã AsiaNews có trụ sở tại Rôma, Italia: “‘Chớ giết người’ là điều răn của Thiên Chúa. Biến đền thờ Thiên Chúa thành chỗ chế tạo vũ khí như thế là việc phạm thánh nghiêm trọng. Một hành động vô luân hết chỗ nói”.

Tuy nhiên, khi được hỏi về hình thức kỷ luật thích hợp thì cha Giuse Nguyễn nói với thông tấn xã của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo PIME rằng “Kỷ luật ông ta hả? Thật là chính đáng. Nhưng mà chúng ta nên thực tế một chút: Làm sao kỷ luật đây và ai có gan dám đứng ra kỷ luật một ông to phe như thế không?”

Trong một lá thư ngỏ gởi đến hàng giáo phẩm tại Việt Nam, nhiều linh mục - trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý người đã từng ngồi tù gần 15 năm để tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và nhân quyền tại Việt Nam – đã kêu gọi các Giám Mục áp dụng các hình thức kỷ luật với những linh mục ra tranh cử. Viện dẫn điều 285 triệt 3 trong Bộ Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo trong đó cấm hàng giáo sĩ giữ các chức vụ công quyền “nếu điều đó dẫn tới việc chia sẻ việc thực thi quyền hành dân sự” – và Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất tại quốc gia - các linh mục đã chỉ trích mạnh mẽ việc ra tranh cử Quốc Hội của cha Từ, cha Hoàn và cha Cường, đồng thời yêu cầu các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Việt Nam thực thi nghiêm chỉnh kỷ cương của Giáo Hội.

Cha Chân Tín, một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế tại Sàigòn nói: “Có phải Giáo Hội tại Việt Nam đang sử dụng một bộ giáo luật áp dụng riêng cho mình không? Hay là có một quy chế đặc biệt?” Nếu không phải như thế thì 3 linh mục ra tranh cử phải rút lui ngay để giữ thể diện, kỷ cương, và sự khả tín trong những lời giáo huấn của Giáo Hội.

Trước những diễn biến đã và đang diễn ra tại Trung quốc, AsiaNews cho biết nhiều người Công Giáo Việt Nam tỏ ra lo ngại nhà cầm quyền tại Việt Nam đang bắt chước các chính sách tôn giáo của nước cộng sản láng giềng. Cha Từ, phó chủ tịch Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong Quốc Hội khoá 13 như giám mục Phó Thiết Sơn của Bắc Kinh, người đã giữ chức phó chủ tịch Quốc Hội Trung quốc cho đến lúc qua đời hôm 20/4/2007.

Truyền thông nhà nước nói gì về Lm. Phan Khắc Từ?

 

Thứ tư, 25 Tháng tư 2007, 08:00 GMT+7

Kỳ 2: Những vị linh mục "cửu vạn"

- Họ là những linh mục biết dấn thân, đằm mình giữa khói đạn, không ngại lăn lộn giữa rác rưởi để tìm lý tưởng đạo ngay giữa đời, dựa trên một nền giáo lý uyên thâm...

Chuyện "linh mục hót rác" bị giam trong nhà tù Chí Hòa

Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, cả Sài Gòn xôn xao về bài phóng sự có tiêu đề "Linh mục hót rác". Phóng sự kể về vị linh mục trẻ Phan Khắc Từ tự nguyện xin đi làm công nhân hót rác, để được sống đời công nhân hạng D, được nghe, được hiểu người lao động nghèo.

Có lúc ông say túy lúy với anh em công nhân ngay bên cạnh đống rác hôi hám. Có lúc, ông ngậm ngùi tiễn đưa một người bạn hót rác, vì quá đói đã đi đào trộm khoai lang và bị đánh chết ngay trên luống khoai.

Ky 2 Nhung vi linh muc cuu van
Có lúc, ông ngậm ngùi tiễn đưa một người bạn hót rác, vì quá đói đã đi đào trộm khoai lang và bị đánh chết ngay trên luống khoai. (ảnh: Phạm Cường)

..."Trước đó, tôi được sống trong hoàn cảnh giáo hội toàn cầu đã thức tỉnh. Hiến chế mục vụ của cộng đồng Vatican 2 cứ vang vọng mãi trong tôi: "Sao nhãng bổn phận trần thế, tức là sao nhãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời của mình bị đe dọa. (Mc, 48)".

Đồng thời, ông có may mắn là được sống với một số linh mục uyên bác, được tiếng là tiến bộ, mới du học từ Pháp trở về, tập hợp tại nhà thờ Vườn Xoài.

Tờ báo Sống Đạo cũng như một số tờ báo tiến bộ khác đều xuất phát từ đây. Phong trào Thanh Lao Công (Thanh niên lao động công giáo) được trao cho linh mục Trương Bá Cần cũng bắt đầu tại đây, ngày càng được giáo dân quan tâm, hưởng ứng.

Năm 1969, lần đầu tiên linh mục Từ được đi dự đại hội Thanh Lao Công thế giới tại Liban. Từ đó, ông càng trăn trở hơn về thân phận người lao động. Cũng ngay tại đại hội này, việc thanh niên công giáo khắp năm châu gào thét đòi Mỹ rút quân, trả lại quyền tự quyết cho Việt Nam; và gọi chính quyền Sài Gòn là chính quyền tay sai khiến ông thêm bàng hoàng.

Hơn một năm ở Pháp và Âu châu, ông nắm bắt phong trào Thanh Lao Công bài bản hơn. Ông tham gia đình công, biểu tình đòi sự công bằng với công nhân, sinh viên và tham gia nhiều cuộc biểu tình đòi hòa bình cho Việt Nam tại Paris.

Ky 2 Nhung vi linh muc cuu van

Linh mục Phan Khắc Từ (bìa phải) đứng bên các tăng ni Phật giáo trong một cuộc biểu tình. (ảnh tư liệu)

"Giám mục Huac Camara, được mệnh danh là "giám mục đỏ", mạnh mẽ đấu tranh cho người nghèo đã trở thành mẫu mực trong đời sống linh mục của tôi. Tôi còn say sưa nghiền ngẫm cuốn sách về linh mục kháng chiến Camillo Torres đã cầm súng chống lại thực dân xâm chiếm đất nước mình và bị bắn chết.

Đi ra ngoài, được nghe dư luận khách quan nói về Việt Nam, phanh phui những "vết nám" của chính quyền Sài Gòn, tôi càng thấy ngán "cái Sài Gòn".

Tôi bèn đến gặp bà Nguyễn Thị Bình, lúc đó làm trưởng phái đoàn miền Nam Việt Nam tại Paris, để xin trở vào chiến khu, được cầm súng chiến đấu cho một ngày độc lập, thống nhất đất nước. Tôi nhức nhối khi mường tượng ra cuộc kháng chiến đầy máu và nước mắt, nhưng cũng đầy khí thế anh hùng vẫn thiếu hình ảnh các linh mục - người môn đệ của Đức Kitô".

Bà Nguyễn Thị Bình tỏ ra xúc động trước ước nguyện của vị linh mục trẻ có dáng người săn đậm như một thanh niên nông thôn, nhưng khuyên ông nên trở về thành phố, vì cuộc chiến đấu ở đây cũng rất gian khổ và đang rất cần các linh mục công giáo nhập cuộc.

Cuối năm 1970, trở lại Sài Gòn, linh mục Từ hăng hái nhập cuộc với các phong trào đấu tranh đô thị. Ông bắt đầu bằng sự góp mặt trong Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, rồi phong trào học sinh, sinh viên đòi quyền sống, phong trào chống tăng học phí, chống bầu cử độc diễn, đốt xe Mỹ trên đường phố...

Nhà thờ Vườn Xoài trở thành nơi chế tạo bom xăng phục vụ phong trào đốt xe Mỹ.

"Một số giáo dân mang tư tưởng cũ, quá khích yêu cầu tôi phải ra khỏi Vườn Xoài. Từ đó, tôi lại càng có thời gian biểu tình, đình công với công nhân nhiều hơn" - Linh mục Từ hóm hỉnh.

Đặc biệt, sau vụ đình công của hãng pin Con Ó năm 1971, cảnh sát đã đẩy các linh mục: Trương Bá Cần, Trần Thế Luân và Phan Khắc Từ cùng một số công nhân vào nhà tù Chí Hòa.

Vào sáng đầu tuần trong trại giam, cả ba linh mục đều không chịu ra chào cờ.

Sau một tuần, cảnh sát Sài Gòn sợ mang tiếng đàn áp tôn giáo, chấp nhận thả ba vị. Nhưng linh mục Từ nói: "Chúng tôi chỉ ra cùng với anh em công nhân!". Cảnh sát bèn đưa cả ba lên xe, chở đi xa, đẩy xuống vệ đường.

Cả ba vị lại nằm ở vệ đường phản đối. Nhiều giáo dân đi qua, thấy vậy, đốt nến xung quanh cầu nguyện...

Bị cấm... hót rác vì chống đối Mỹ

Ky 2 Nhung vi linh muc cuu van
Chính quyền Sài Gòn phải liên tục đối phó với phong trào sinh viên. (ảnh tư liệu)

Cuộc đấu tranh ngày càng gay gắt và hào hứng. Đêm 1/5/1972, trong lần rải truyền đơn kêu gọi bãi thị, đình công nhân kỷ niệm quốc tế lao động, tất cả lãnh tụ sinh viên và Thanh Lao Công bị bắt, một số bị đày ra Côn Đảo. Rất may, linh mục Trương Bá Cần và linh mục Phan Khắc Từ không bị bắt.

Năm 1974, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động miền Nam ra đời. Nhờ nổi tiếng từ phóng sự "Linh mục hót rác", linh mục Từ được bầu làm Chủ tịch chủ tịch đoàn.

Ngay sau đó, Ủy ban gửi thư cho tòa đại sứ Hoa Kỳ, cảnh cáo tư bản Mỹ khinh miệt công nhân Việt Nam, phát động chiến dịch chống sa thải... Đại sứ quán Hoa Kỳ phải cử tùy viên lao động Lindahl chuyên tìm hiểu và dò la thái độ của Ủy ban.

Uy tín của Ủy ban càng ngày càng lên, Đại diện Tổng thư ký Liên hiệp quốc tại Sài Gòn có thư mời Ủy ban dự lễ kỷ niệm 26 năm bản tuyên ngôn nhân quyền ra đời. Nhân dịp này, Ủy ban gửi Tổng thư ký Liên hiệp quốc văn thư tố cáo Mỹ - Thiệu vi phạm hiệp định Paris.

Ngoài ra, Ủy ban cũng tham gia nhiều cuộc biểu tình, đặc biệt là chống và vạch tội ác tham nhũng.

Khó chịu trước những hoạt động trên, nhà cầm quyền Sài Gòn ra lệnh sa thải linh mục Phan Khắc Từ, không cho hót rác, vào năm 1974.

Tuy nhiên, cũng trong năm 1974, một tổ chức tập hợp rộng rãi lực lượng đấu tranh khác ra đời là Mặt trận nhân dân cứu đói do hòa thượng Thích Hiển Pháp làm chủ tịch và linh mục Phan Khắc Từ làm phó chủ tịch.

"Từ đó, tôi rất thân thiết với nhà chùa, tôi di chuyển hết nhà chùa này sang nhà chùa khác để tập hợp quần chúng, tố cáo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và phát gạo cho dân nghèo tại nhiều tỉnh từ miền Nam ra miền Trung.

Kể cũng thú vị, nhiều đêm tối, một linh mục công giáo nằm gác chân với vài vị sư trên tấm phản, thì thầm bàn chuyện quyên góp, làm từ thiện".

Lặng lẽ hơn so với những hoạt động sôi nổi của linh mục Phan Khắc Từ, linh mục Nguyễn Thiện Toàn dựng một ngôi trường nhỏ cho vài chục trẻ em khó khăn bên nhà thờ Nhơn Hòa từ năm 1971, ngay sau khi ông về nhà thờ này.

Ý tưởng này đến khi ông chứng kiến nhiều trẻ em khu Bà Quẹo không được đi học, trong đó phần nhiều là con gia đình hoạt động cách mạng, ba đi vắng quanh năm, không có điều kiện chăm sóc.

Việc mở trường đối với một linh mục nghèo là bài toán khó. Cuối cùng, ông nghĩ ra cách vận động vốn từ quỹ hỗ trợ quả phụ thường dân của Mỹ. Ông nói với nhân viên phụ trách: "Nếu không giúp họ chống đói, sau này cộng sản về thì đừng trách họ đi theo!". Nhân viên này đành chấp thuận.

Dựng trường xong, còn một khoản dôi dư ông dành để mua giấy bút cho đám nhỏ.

Ngoài dạy văn hóa, trường còn dạy nghề may, dạy nuôi heo. Cũng từ cơ sở này, cờ cách mạng đã được may cho ngày nổi dậy cuối tháng 4/1975.

"Tôi là linh mục ở một nước chưa giàu!"

Ky 2 Nhung vi linh muc cuu van
Linh mục Nguyễn Thiện Toàn: "Đấy, cũng mệt. Việc đạo, việc đời phải chia đôi, chỗ nào cũng nặng cả". (ảnh: Phạm Cường)

Hai linh mục, hai người gốc miền Bắc cùng vào miền Nam theo dòng giáo dân di cư những năm 50 - 60 thế kỷ trước. Cả hai cùng được học trường dòng từ nhỏ và cùng lao vào đời sống bộn bề, tự ví mình như những "cửu vạn" bình thường.

Sau ngày thống nhất đất nước, ngoài giữ trọng trách Tổng thư ký kiêm Phó chủ tịch ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam, linh mục Phan Khắc Từ được bầu làm Phó chủ tịch liên hiệp công đoàn TP.HCM, được tiếp tục cuộc sống gắn bó với công nhân. Thoạt nghe, điều này có vẻ hy hữu, nhưng với ông, mọi người không ngạc nhiên.

Việc phụ trách Hội cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố, Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật Thiên Phước khiến ông hàng ngày cứ phải rong ruổi trên chiếc xe cũ kỹ.

Còn linh mục Nguyễn Thiện Toàn sau ngày thống nhất đất nước, lại "hì hụi" tham gia làm kinh tế mới ở Củ Chi.

"Tôi nhớ có lần vào thứ sáu tuần Thánh - ngày kỷ niệm Đức Giê su chết trên thánh giá, tôi phải xin lãnh đạo cho về trước 1 giờ chiều, rồi hớt hải về nội đô cho kịp 3 giờ - giờ hành lễ. Đấy, cũng mệt. Việc đạo, việc đời phải chia đôi, chỗ nào cũng nặng cả".

Linh mục Toàn còn tiếp tục "hì hụi" với lớp học cho trẻ em khó khăn, cơ nhỡ. Năm 1998, nhờ số tiền giáo dân quyên góp và Unicef tài trợ, ngôi trường nhỏ bên nhà thờ Nhơn Hòa đã được xây cất khang trang để thường xuyên dạy nghề, dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 cho khoảng hai trăm em nhỏ.

"Hoạt độn g xã hội của tôi thường suôn sẻ. Có người nói, được thế là vì tôi có duyên với người nghèo. Đôi lúc tôi tự hỏi: Không biết cái duyên ấy là do đâu?

Có thể do tôi là linh mục đang sống ở một nước chưa giàu!". Linh mục Toàn mỉm cười.

  • Phạm Cường

Việt Báo (Theo_VietNamNet)

Nguồn: http://vietbao.vn/Chinh-Tri/Ky-2-Nhung-vi-linh-muc-cuu-van/20688592/96/