Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26/O4/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26/O4/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Tư, 27 Tháng 4 Năm 2011 06:41

Hôm nay 26/4, tưởng niệm 25 năm sự cố Tchernobyl, các trang báo Pháp giành nhiều bài viết về thảm họa hạt nhân này.


Đời sống tàn tạ của những người làm công tác dọn dẹp tại Tchernobyl

Le Monde có bài viết « Đời sống tàn tạ của những người làm công tác dọn dẹp tại Tchernobyl ».

Nến và hoa tưởng niệm các công nhân đã hy sinh sau một đêm
chiến đấu khắc phục hậu quả thảm họa Tchernobyl tại Ukraina.
Ảnh chụp ngày 25/4/11. Reuters

Ông Alexandre Sokolov, tưởng chừng sẽ bị mù ở tuổi 60, là một trong những quân nhân dự bị thuộc vùng nhiễm xạ Novozybkov (Nga), hồi tưởng lại công việc mà ông và Anatoli Skoupen, bạn ông, đã phải làm sau khi sự cố Tchernobyl xảy ra.

Đầu tháng 7/1986, ông và bạn của ông được động viên đến vùng thảm họa để làm công tác dọn dẹp. Nhằm hạn chế các thiệt hại của thảm họa hạt nhân, sư đoàn của ông có nhiệm vụ xây dựng các con đập để ngăn cản nước nhiễm xạ đổ vào sông Đa-niep. Sau đó, vào cuối tháng 9, ông và người bạn bị đề nghị làm một nhiệm vụ đặc biệt : « Để không bị bức xạ thiêu đốt, chúng tôi có không tới một phút để chôn lấp các khối than phóng xạ từ nóc của lò phản ứng số 3, nơi lỗ hổng do vụ nổ gây ra ».

Để thực hiện công việc này, họ chỉ được trang bị bằng những tấm chắn bằng chì nặng khoảng 40 kg và các xẻng. Ông cho biết, ông Anatoli đã dùng tay không ôm một tảng than lớn vào người để vứt vào trong hố chôn lấp. Hậu quả là bạn ông ngay tối hôm đó, đã không thể nào điều khiển tay của mình theo ý muốn được. Trở về lại quê nhà, Kết quả khám sức khỏe cho biết, mọi người trong sư đoàn của ông làm công tác dọn dẹp đã hấp thụ một lượng phóng xạ như nhau : 20 rontgens. Năm năm sau, vào năm 1991, bạn ông qua đời, đây là người dọn dẹp đầu tiên chết vì di chứng của Tchernobyl. Kết quả y khoa cho biết, toàn bộ gan của ông đã bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Le Monde, trên tổng số 30 người vùng Novozybkov làm công việc dọn dẹp tại Tchernobyl, một nửa trong số họ đã ra đi. Số còn lại thì mang những cơn bệnh nặng không thể chữa. Còn nếu tính gộp cả ba nước Liên Xô cũ gồm Ukraina, Belarus và Nga, có bị ảnh hưởng do thảm họa hạt nhân này, thì con số người tham gia vào việc dọn dẹp hậu thảm họa lên đến 600.000 người. Le Monde cho biết, số người này bệnh ngày càng nặng nhưng việc theo dõi và chữa trị ngày càng ít hơn. Trước năm 2004, họ đã được chính quyền Nga chăm sóc tốt hơn. Còn bây giờ, họ phải tự thanh toán việc chữa trị và các xét nghiệm, hoặc thuốc men.

Le Monde còn cho biết, ngoài việc là nạn nhân do các chính phủ này cắt giảm ngân sách cho chăm sóc sức khỏe, họ còn phải hứng chịu bất công do tham nhũng và nhiều hệ lụy khác khi khối Liên Xô cũ bị tan rã. Theo họ, có cả một hệ thống chuyên kinh doanh cấp giấy chứng nhận giả cho những người chưa hề đặt chân đến Tchernobyl một lần. Hậu quả là những "nạn nhân ma" này gây thiệt hại cho những người thật sự bị ảnh hưởng. Trên nguyên tắc, những người tham gia công việc dọn dẹp tại Tchernobyl được ưu tiên cấp nhà. Thế nhưng, họ vẫn luôn bị kẹt lại trên danh sách chờ trong khi những người bạn của các viên chức được lãnh những căn hộ tốt nhất.

Những nạn nhân vô hình của Tchernobyl

Cũng liên quan đến sự kiện 25 năm thảm họa Tchernobyl, tờ báo Le Figaro có bài viết « Những nạn nhân vô hình của Tchernobyl ». Bài báo nói về các nạn nhân trong một ngôi làng thuộc vùng nhiễm xạ Toulgovitchi của Belarus đã từ chối rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình để di dời đến nơi an toàn.

Ngôi làng Toulgovitchi, nằm cách lò phản ứng hạt nhân Tchernobyl 30 km, yên ắng đến lạ thường, thi thoảng lắm người ta mới nghe được vài con chim hót. Ở đây, người ta có thể tìm thấy ở độ sâu dưới 15 cm đất, các chất phóng xạ như cesium 137, plutonium và chất strontium. Khi thảm họa hạt nhân Tchernobyl xảy ra vào ngày 23/4/1986, một đám mây phóng xạ đi xuyên qua biên giới và dừng lại thật lâu trên bầu trời vùng nông nghiệp này. Vậy mà, cũng phải mất đến 7 tháng sau, chính phủ mới cho di tản dân trong vùng.

Le Figaro cho biết, ngôi làng này với diện tích khoảng 216.000 ha và 220.000 dân, thì nay chỉ còn lại có 7 người mà thôi. Họ là những cụ ông, cụ bà đã trên 60 tuổi. Họ cương quyết từ chối ra đi, mặc dù chính phủ đã đề nghị họ những căn hộ nằm ngoài vùng nhiễm xạ cao này. Theo các cụ, việc chuyển nhà đi nơi khác còn khổ cực hơn việc họ phải chịu đựng sự nhiễm phóng xạ, theo như lời của một nhân chứng : « Ở đây, tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi thích gần gũi với thiên nhiên. Ban đêm, tôi có thể đi ra ngoài thoải mái mà không sợ gì hết. Hơn nữa, cha mẹ của tôi được chôn cất ở đây ». Tuy nhận thức được mối nguy hiểm của sự nhiễm xạ nhưng họ vẫn sống chung với nó: « Biết là sữa cũng bị nhiễm xạ nhẹ đó, nhưng chúng tôi cũng phải dùng vậy ». Cho tới năm 2003, chính phủ Belarus cuối cùng cũng phải chấp nhận nguyện vọng của 7 công dân đặc biệt, cho phép họ được sống nốt quãng đời còn lại tại ngôi làng hoang vu này.

Hai mươi lăm năm trôi qua, dưới con mắt của các nhà cầm quyền những nạn nhân này đã trở nên vô hình. Chính phủ dường như muốn quên họ đi.

Đối nghịch với ngôi làng chết Toulgovitchi, thì tại thị trấn Braguin, ngoại vi của khu vực cấm Tchernobyl, dường như cuộc sống đã quay trở lại. Chính quyền Belarus phải mất đến 10 năm do dự về việc có nên di tản dân ở vùng này hay không. Cuối cùng họ đã tuyên bố rằng các điều kiện ở đây là phù hợp với tiêu chuẩn cho phép. Nhà nước Belarus đã tài trợ về mặt tài chính cho vùng và người dân đã chấp nhận ở lại. Bài báo cho rằng, người dân ở đây đã hy sinh sức khỏe của mình đánh đổi lấy khoản tiền bồi thường. Với khoản tiền thưởng 400€ /tháng, các bác sĩ được khuyến khích hành nghề tại bệnh viện lớn ở đây. Bác sĩ trưởng của bệnh viện đã xác nhận với Le Figaro rằng, số lượng người bị bệnh ung thư ở đây cao hơn so với vùng Gomel, cách thị trấn này 100km về phía Bắc. Một điều chắc chắn là trẻ em ở đây do thừa hưởng từ gien của bố mẹ sẽ bị phơi nhiễm nhiều hơn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là kinh tế của Braguin phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Tiếp xúc với Le Figaro, những người nông dân trí thức nhiệt tình tại đây cho biết, khi biết các sản phẩm của họ xuất xứ từ vùng Braguin, người tiêu thụ tỏ ra sợ hãi, mặc dù họ cố sức giải thích rằng họ sống trong khu vực an toàn, cách nơi xảy ra tai nạn đến 40 km . Tuy khó khăn là thế, nhưng những người nông dân này vẫn tỏ ra rất lạc quan, tin tưởng vào công cuộc kinh doanh của mình. Những người này cũng tỏ ra tiếc nuối rằng đất nước của họ bị thế giới tẩy chay. Họ phê phán những người láng giềng Ukraina tự nhận là bệnh hoạn để nhận tiền tài trợ của Phương Tây. Và họ cũng tin tưởng là có thể tự xoay sở được mà không cần đến khoản tiền nào của phương Tây.

Châu Âu : Lại phân chia biên giới ?

Liên quan đến vấn đề thời sự quốc tế, hôm nay trên trang nhất các báo Pháp đều đề cập đến cuộc họp thượng đỉnh giữa Ý và Pháp, nhằm tìm giải pháp để ngăn chặn làn sóng di dân đến từ Tunisie.

Báo Le Figaro, trên trang nhất chạy tít « Nhập cư : Sarkozy và Berlusconi kêu gọi sự giúp đỡ của Châu Âu ». Theo bài báo, Nicolas Sarkozy và Silvio Berlusconi muốn dẹp bỏ các thỏa thuận về tự do đi lại trong khối Shengen.

Trong khi đó, tờ báo Libération có bài viết « Châu Âu : Sự trở lại của các biên giới ? ». Mượn cớ là do làn sóng nhập cư của hàng ngàn người di cư Tunisia, Sarkozy và Berlusconi sẵn sàng xem xét lại tự do đi lại trong Liên minh Châu Âu.

Liberation tự hỏi « Liệu liên minh Châu Âu có thể giải quyết được vấn đề mùa xuân Ả Rập hay không ? », khi mà từ đầu tháng Giêng đến giờ, hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp đổ bộ lên các bờ biển của Ý. Châu Âu và Ý bất đồng trong việc giải quyết vấn đề này. Ý cho rằng Châu Âu hà tiện tình đoàn kết, khi để Ý phải đối mặt một mình với làn « sóng thần » nhập cư đến từ Tunisia và Libya. Còn Châu Âu thì cho rằng làn sóng này còn quá khiêm nhường để có thể thực hiện phương án Orsec, và chỉ trích Ý thường xuyên không giám sát được biên giới bên ngoài của mình. Căng thẳng gia tăng khi mà Paris đề nghị hủy bỏ một phần biên giới nội bộ.

Tác động của nhập cư vào nền kinh tế Pháp

Cũng liên quan đến sự kiện nhập cư, tờ Les Echos có bài nhận định « Nhập cư : cái lợi nào cho nền kinh tế Pháp ? ». Theo bài báo, với khoảng 100.000 dân nhập cư mỗi năm, nước Pháp là một trong những nước Châu Âu đón người nhập cư ít nhất.

Dưới góc nhìn kinh tế, Les Echos phân tích vấn đề khi xoáy quanh bốn vấn đề chính như sau :

Thứ nhất, liệu tỷ lệ dân nhập cư có tăng lên trên lãnh thổ Pháp hay không ?

Nếu như trong những năm 1920, trung bình mỗi năm Pháp đón khoảng 300.000 người nhập cư, thì con số này nay giảm xuống còn khoảng từ 150.000 đến 200.000 người. Tuy nhiên, mỗi năm cũng có khoảng 100.000 công dân Pháp rời lãnh thổ. Như vậy, trung bình mỗi năm Pháp phải đón khoảng 100.000 người, một con số khá khiêm nhường so với các nước khác trong Châu Âu. Les Echos nhận định, từ khoảng 20 năm nay, phần đông dân nhập cư đến từ các nước Bắc Phi và vùng Châu Phi da đen.

Theo phân tích của ông chủ tịch Hội đồng tối cao về Hội nhập, mật độ dân nhập cư cao tại một số vùng địa lý giải thích hiện tượng « quá đầy » : « Cứ 5 người nhập cư thì có 1 người sống ở khu đô thị nhạy cảm, ở đó tỷ lệ nghèo cao gấp 3 lần so với toàn bộ lãnh thổ ».

Thứ hai, « dân nhập cư là gánh nặng cho xã hội ? »

« An sinh xã hội », nước Pháp, một trong những nước Châu Âu phát triển, là nước phóng khoáng nhất. Một chiêu bài nhằm thu hút nhân tài nước ngoài. Hệ thống này có lẽ sẽ trở thành gánh nặng tài chính tiềm tàng nếu như người nhập cư hưởng lợi từ hệ thống này nhiều hơn so với người bản địa.

Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu, mặc dù, người nhập cư hưởng phúc lợi xã hội nhiều hơn so với dân bản địa, thì phần đóng góp trung bình của họ vào ngân sách chính phủ vẫn cao hơn so với người bản địa. Les Echos kết luận rằng nhập cư làm giảm gánh nặng thuế do dân số lão hóa. Nếu không có phần đóng góp này, nhu cầu tài trợ cho phúc lợi xã hội vào cuối thế kỷ này sẽ tăng từ 3% đến 5% của GDP.

Phần đóng góp này sẽ còn hiệu quả hơn nếu như Pháp thành công trong việc lôi kéo được nhiều người nước ngoài có tay nghề, ít nhạy cảm với thất nghiệp và với đồng lương cao hơn.

Thứ ba, liệu giảm dân nhập cư có làm giảm được tỷ lệ thất nghiệp ?

Theo các nhà dân số học thì đây chỉ là một sự ảo tưởng. Phần đông những người nhập cư làm những công việc mà dân thất nghiệp Pháp không muốn làm, chẳng hạn làm việc trong các nhà hàng, công trường xây nhà hay cầu đường... Theo Les Echos, những công việc này thường là những việc nặng nhọc, lương thấp và rất bấp bênh. Giảm lượng dân nhập cư có thể sẽ gây ra hệ quả tai hại. Ngoài việc lao động nhập cư có tác dụng giảm phát về tiền lương trong một vài lãnh vực hoạt động, các nhà nghiên cứu cho rằng, « Trong trường hợp khủng hoảng kinh tế, dân nhập cư đã giữ vai trò giảm xóc cho toàn bộ nền thị trường lao động, cho phép dân Pháp bản địa có thể trụ cột được trong một vị trí tương đối có lợi ».

Cuối cùng, nhập cư có giải quyết được vấn đề dân số già hay không ?

Câu trả lời là có, nhưng chỉ một phần nào mà thôi. Chắc chắn rằng nhập cư có một tác động tích cực lên dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu cũng khẳng định rằng nhập cư chưa hẳn là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề sự lão hóa của dân số và hệ quả phát sinh cũng chỉ có tính chất tạm thời mà thôi.