Home Tin Tức Thời Sự Các công ty Mỹ thiệt hại bởi chính sách bảo hộ, thói quan liêu của TQ

Các công ty Mỹ thiệt hại bởi chính sách bảo hộ, thói quan liêu của TQ PDF Print E-mail
Tác Giả: VOA   
Thứ Ba, 26 Tháng 4 Năm 2011 11:54

 Phòng Thương mại Mỹ cho biết các công ty Hoa Kỳ hoạt động ở Trung Quốc đang phải chịu đựng nạn bảo hộ mậu dịch, thói quan liêu và tình trạng tham nhũng.

  Tổ chức của các doanh nghiệp Mỹ đã công bố bạch thư thường niên của họ ngày hôm nay, kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại các chính sách công nghiệp có tính chất kỳ thị để có lợi cho các công ty nội địa. Tuy nhiên, theo tường trình của thông tín viên Peter Simpson từ thủ đô của Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ vẫn đang thu được lợi nhuận từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh này.

 
Hình: AP / Công nhân Trung Quốc treo bảng hiệu cho một cửa hàng bán xe môtô của Mỹ ở Bắc Kinh, ngày 16/4/2011

Bạch thư thường niên năm 2011, được Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc công bố ngày hôm nay, cho biết đa số thành viên của họ đã phải hứng chịu tệ nạn bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng ở Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hồi năm 2008.

Phúc trình cho hay 26% số người trả lời khảo sát nói rằng các chính sách của Trung Quốc thiên vị các nhà cung cấp công nghệ trong nước và cấm các công ty nước ngoài không được tham gia vào các lĩnh vực chủ chốt, ví dụ như ngân hàng, viễn thông, luật pháp và bảo hiểm.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Christian Murk nói rằng các công ty Mỹ vẫn thu được lợi nhuận ở Trung Quốc, tuy nhiên việc mở cửa và cải cách thị trường ở Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây. Đồng thời, ông cảnh báo rằng mức độ quan liêu, tham nhũng và bảo hộ mậu dịch đang gây tổn hại cho nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này.

Ông Murk nói: “Chúng tôi đã hỏi những người tham gia khảo sát về những thách thức mà họ gặp phải khi kinh doanh ở Trung Quốc cũng như những khó khăn khi hoạt động tại thị trường này. 5 thách thức và khó khăn hàng đầu trong khảo sát là: quan liêu, hạn chế về nguồn nhân lực ở cấp quản lý – có nghĩa là quí vị khó có thể tìm được những nhà quản lý có các kỹ năng đặc biệt – luật lệ và qui định không rõ ràng, việc diễn giải qui định không thống nhất và tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 Còn nếu quí vị nhìn vào những mối quan ngại ở mức độ thấp hơn, thì có thể thấy đó là tình trạng tham nhũng, việc xin cấp phép, nguồn nhân lực ở cấp phi quản lý – đó là những lao động không có tay nghề cao – tình trạng bảo hộ mậu dịch quốc gia, bảo hộ tại địa phương – và khó khăn trong việc thực thi các điều khoản hợp đồng.”

Ông Murk nói rằng những hạn chế và môi trường luật lệ nghèo nàn khiến người ta nghi ngại về cam kết của Trung Quốc đối với các nghĩa vụ của họ trong tư cách là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO.

Theo qui định của WTO, Trung Quốc có nghĩa vụ phải phát triển thị trường tự do và cởi mở.

Tuy nhiên, ông Murk nói rằng không phải toàn bộ kết quả của cuộc khảo sát đều tiêu cực.

Ông Murk nói tiếp: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng các điều kiện hoạt động đối với các công ty Mỹ là rất tốt và điều đó rõ ràng đã được chứng tỏ trong dữ liệu khảo sát của chúng tôi. 85% số người được hỏi cho biết doanh thu của họ đã tăng trong năm 2010. 78% số người được hỏi nói rằng họ có lợi nhuận hoặc lợi nhuận rất cao. 63% cho hay lợi nhuận ở Trung Quốc đã được cải thiện hơn năm ngoái. 41% cho biết lợi nhuận ở Trung Quốc cao hơn lợi nhuận trên toàn cầu.”

Ông Murk nói rằng kế hoạch 5 năm mới nhất của Trung Quốc, được loan báo hồi tháng Hai, cam kết sẽ tăng cường cải cách thị trường nhiều hơn nữa.

Bộ Tài chính Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì ngày hôm nay về cuộc khảo sát này. Các bản sao của phúc trình đã được gửi tới cho chính phủ Trung Quốc và sẽ được gửi tới các chính trị gia Hoa Kỳ vào cuối tuần này.

Ông Murk nói rằng đã đến lúc Trung Quốc một lần nữa nên tăng tốc các chính sách cải cách và mở cửa giống như họ đã làm khi gia nhập tổ chức WTO cách đây một thập niên vào năm 2001.