Home Tin Tức Thời Sự Pháp - Ý muốn xét lại hiệp ước Shengen để ngăn chận nhập cư bất hợp pháp

Pháp - Ý muốn xét lại hiệp ước Shengen để ngăn chận nhập cư bất hợp pháp PDF Print E-mail
Tác Giả: Tú Anh   
Thứ Ba, 26 Tháng 4 Năm 2011 11:00

Làn sóng di dân từ châu Phi đổ bộ lên nước Ý có nguy cơ đe dọa Hiệp ước tự do giao thông trong đại đa số thành viên Liên hiệp Châu Âu,

 còn có tên là Hiệp ước Shengen. Đây là chủ đề chính trong hội nghị thượng đỉnh Pháp - Ý  hôm nay 26/4 tại Roma.

Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi (trái) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (phải) trong cuộc gặp gỡ tại Roma ngày 26/4/11.
Reuters/Alessandro Bianchi

 Để giảm bớt áp lực của làn sóng thuyền nhân Tunisia và cũng để gây sức ép với các thành viên khác nhằm chia sẻ gánh nặng, chính phủ Ý đã cấp giấy cư trú tạm thời cho thuyền nhân. Với tờ giấy tùy thân này, di dân có quyền đi bất cứ nơi nào trong tổng số 25 quốc gia thành viên châu Âu có ký vào Hiệp ước Shengen.

Mặc dù Đức Giáo hoàng kêu gọi châu Âu mở rộng vòng tay đón tiếp người đi tìm đất sống, còn tại Pháp các đảng cánh tả muốn chính phủ phải đón nhận người tỵ nạn, nhưng Pháp phản đối chính sách này của Ý và đe dọa thiết lập lại các trạm kiểm soát visa ở biên giới, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Thông tín viên Huê Đăng từ Roma phân tích :

Công luận gần đây đã chứng kiến những căng thẳng về nhiều mặt giữa Ý và Pháp: từ những quyết định quân sự trên mặt trận Libya đến vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp vào Châu Âu, từ những vụ Pháp muốn mua các tập đoàn kinh tế của Ý đến hiệp định Schengen ... Về mặt chính trị ngoại giao mà nói, những căng thẳng này nói lên điều gì ?

Chẳng phải vấn đề chính trị ngoại giao, mà thực chất là vấn đề chính trị nội bộ của mỗi nước. Trong thời gian sắp tới cả hai nước sẽ bước vào mùa bầu cử, và cả hai vị nguyên thủ quốc gia của Ý, Thủ tướng Silvio Berlusconi, và của Pháp, Tổng thống Nicolas Sarkozy, theo các con số thống kê dựa trên thăm dò dư luận trong thời gian gần đây, đều đang mất sự đồng thuận của cử tri trung hữu.

 Các vấn đề khó khăn về kinh tế tài chính đã khiến cho chính phủ của cả hai nước phải có những quyết định khó khăn, các phúc lợi xã hội bị cắt xén ...

Và có một điểm đáng chú ý là cả đảng của Sarkozy lẫn đảng của Berlusconi đều đang phải đương đầu trước sự tấn công chính trị, không phải từ các lực lượng chính trị đối lập trung tả, mà tấn công ngay từ trong “trứng nước” của phía hữu.

Sarkozy thì đang bị lực lượng chính trị cực hữu bài ngoại của Marie Le Pen công kích dữ dội, còn Berlusconi thì đang có khả năng bị mất phiếu về tay của đồng minh Umberto Bossi, lãnh đạo của đảng mị dân bài ngoại Liên đoàn Phương Bắc (Lega Nord).

Cả hai lực lượng chính trị nói trên đều đang dùng lá bài an ninh gắn liền với vấn đề nhập cư và pha trộn với vấn đề mất công ăn việc làm .... để tìm kiếm sự đồng thuận chính trị của cử tri.

Và trước viễn ảnh mất phiếu trong mùa bầu cử sắp tới, cả Sarkozy và Berlusconi đều phải ra sức níu kéo cử tri thuộc xu hướng dân tộc chủ nghĩa, cho dù gây nên những căng thẳng giữa hai nước như công luận đã thấy trong thời gian gần đây.

Hai nước sẽ có một buổi họp thượng đỉnh hôm nay tại Roma, và nội dung của cuộc họp là gì ? Và có thể có những triển vọng gì ?

Ngày hôm nay một cuộc họp thượng đỉnh giữa chính phủ hai nước Ý và Pháp sẽ được tổ chức tại Roma theo dạng kiểu thượng đỉnh liên chính phủ mà thông thường hai nước vẫn tổ chức vào khoảng mùa xuân hàng năm.

 Lần này, ngoài Thủ tướng Ý và Tổng thống Pháp, phái đoàn của mỗi quốc gia thu gọn lại gồm có Bộ trưởng của ba bộ là Ngoại giao, Nội vụ và Kinh tế tài chính. Phía Pháp cũng sẽ có sự hiện diện của Thủ tướng Francios Fillon.

Các đề tài bàn luận sẽ bao gồm vấn đề kinh tế, năng lượng hạt nhân, và quan trọng nhất là vấn đề nhập cư của những thuyền nhân, và việc phối hợp hoạt động quân sự giữa hai nước trên mặt trận Libya. Hai nước sẽ tiến đến việc cùng ký kết một văn thư gởi đến các tổ chức của châu Âu, trước khi Hội đồng châu Âu có buổi hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 24/6 sắp tới; nội dung sẽ nói đến việc giải quyết vấn đề nhập cư và một chiến lược ngoại giao chung ở vùng Địa Trung Hải.

Trong những tranh luận, đấu đá căng thẳng trong thời gian qua giữa hai quốc gia về vấn đề nhập cư, có lẽ cũng nên chú ý đến hai điểm quan trọng.

Thứ nhất là vấn đề nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, không thể nào để riêng một quốc gia đơn phương giải quyết.

Không phải chỉ vì có hiệp định Schengen, mà vì vấn đề nhập cư bất hợp pháp là một hiện tượng chính trị xã hội có tầm vóc toàn cầu, và đồng thời cũng là hệ quả của cả một quá khứ quan hệ ngoại giao bất bình đẳng giữa các nước Tây Âu với các quốc gia thế giới thứ ba.

 Nhưng rất tiếc là cho đến nay, châu Âu vẫn chưa hề có một chính sách chung trước vấn đề thuyền nhân từ Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải, và cho đến nay Ý vẫn gần như là “mồ côi” trước vấn đề cấp bách này.

Trong khi đó, về phía chính phủ Ý, trước vấn đề thuyền nhân thì Bộ trưởng Nội vụ là ông Roberto Marroni, người của đảng Lega Nord, lại lớn tiếng kêu gọi trách nhiệm chung của châu Âu như là một thực thể mà trong đó Ý là một thành viên.

 Nhưng ông ta lại quên rằng trong nhiều năm trước đây? chính đảng Lega Nord của ông, với khuynh hướng mị dân bài ngoại, đã thường xuyên kêu gọi cử tri tẩy chay châu Âu, nhất là mỗi khi châu Âu có những phê phán về chính sách kinh tế xã hội của Ý.

 Thậm chí có lúc đảng Lega Nord còn đưa đề nghị Ý rút ra khỏi khu vực tiền tệ euro để được tự do phá giá đồng bạc, như một phương cách giải quyết vấn đề cạnh tranh thương mại.

 Thế đứng bất nhất như thế của chính phủ Ý cũng đã khiến cho nhiều thành viên châu Âu không mấy tin tưởng vào những tuyên bố của Ý, và từ đó cũn đã cho phép một số nước, trong đó có Pháp, tạo những căng thẳng vô bổ giữa hai nước.