Điểm báo Pháp Quốc ngày 23/4/2011 |
Tác Giả: Lê Phước | ||
Chúa Nhật, 24 Tháng 4 Năm 2011 22:01 | ||
Đồng nhân dân tệ thâm nhập thị trường Singapore
Từ năm 2009, Trung Quốc cho sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch thương mại ngoài Hoa Lục, và nơi được chọn là Hồng Kông, giờ đây, đồng tiền này bắt đầu chinh phục thị trường Singapore. Đó là nội dung bài viết đăng trên báo Le Monde, số đề ngày hôm nay (23/04/2011). Là nước xuất khẩu số một thế giới, Trung Quốc hiện vẫn giao dịch chủ yếu với các nước bằng đô la Mỹ. Thế nhưng, từ năm 2009, đồng nhân dân tệ bắt đầu được cho thí điểm trong thương mại và tài chính quốc tế ở Hồng Kong. Bài báo cho biết, tiến trình quốc tế hóa đồng tiền của nền kinh tế thứ hai thế giới này đang tiến những bước dài. Sau Hồng Kông, Singapore sẽ là thị trường thứ hai trong giao dịch bằng đồng nhân tệ. Singapore cho rằng việc này mang lại nhiều lợi ích. Thực ra, nước này là thị trường hối đoái đứng thứ hai ở Châu Á, sau Nhật Bản. Nhà cầm quyền Singapore nhấn mạnh, trước hiện tượng quốc tế hóa ngày càng mạnh của đồng nhân dân tệ và chính sách mở rộng phạm vi hoạt động cuả đồng tiền này trong giao dịch thương mại xuyên quốc gia của Bắc Kinh, Singapore là nước ở thế thuận lợi để sử dụng đồng nhân tệ trong giao dịch với Trung Quốc. Năm 2010, giao dịch giữa Singapore và Trung Quốc đạt 95,3 tỷ đô la, tăng 26%/năm. Tuy vậy, nước này không thể vượt qua Hồng Kông vốn được xem là "vệ tinh tài chính tự nhiên" của Trung Quốc. Có nhiều ngân hàng Trung Quốc hoạt động ở Hồng Kông, trong khi đó, Singapore chỉ là một sàn giao dịch, nhất là trong lĩnh vực dầu hỏa. Nói về chính sách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, sau khi thâm nhập thị trường chứng khoán Hồng Kông hồi năm 2009, Bắc Kinh đã cho phép ngày càng nhiều công ty Trung Quốc được giao dịch thương mại ở nước ngoài bằng đồng tiền này. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2010, có đến 67 000 công ty xuất khẩu được cấp phép, trong khi sáu tháng đầu năm 2010, con số này chỉ là 365. Gần 7% giao dịch của Trung Quốc với các nước trong 3 tháng đầu năm nay được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ. Le Monde cũng chú ý đến những điều bất cập trong chính sách quốc tế hóa nội tệ của Trung Quốc. Một trang mạng kinh tế ở Bắc Kinh nhấn mạnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tái nhập đồng tiền này vào thị trường nội địa. Trang mạng nhận định, chính phủ Trung Quốc « chưa mở van đủ to » bởi chính phủ thiết lập nhiều quy định phức tạp cho các doanh nghiệp trong mục tiêu tránh sự xâm nhập của các dòng chảy đầu cơ. Trùng Khánh : xử luật sư vì động cơ chính trị ! Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Figaro quan tâm đến việc luật sư Lê Trang (Li Zhuang) tại Trùng Khánh trở lại vành móng ngựa lần thứ hai. Theo tờ báo, vụ án Lê Trang là một bài toán trắc nghiệm cho công cuộc cải cách ở Trung Quốc. Vụ việc xảy ra hồi năm 2009, trong cao trào chiến dịch thanh trừng mafia ở Trùng Khánh dưới sự chủ trì của bí thư thành ủy Trùng Khánh ông Bạc Hy Lai. Khi ấy, Lê Trang là luật sư biện hộ cho một trùm mafia phạm tội giết người, buôn bán ma túy và vũ khí. Sau đó, nhà chức trách cáo buộc luật sư Lê Trang đã dàn dựng cho thân chủ của mình tố cáo cảnh sát lạm dụng tra tấn. Tháng giêng năm 2010, luật sư này bị kết án 2 năm tù giam, và được giảm xuống còn 18 tháng do « có thái độ hợp tác ». Thứ ba vừa qua, Lê Trang phải trở lại hầu tòa cũng với tội ngụy tạo chứng cớ. Thế nhưng, hôm qua, các công tố viên đã có vẽ thoái lui khi không có đủ chứng cớ, nhưng không tuyên bố ông vô tội. Le Figaro cho hay, phần đông dư luận và ngành tư pháp cho rằng ông Lê Trang vô tội. Mọi người đều nhấn mạnh đến bối cảnh chính trị của vụ án. Trùng Khánh là « địa bàn » của ông Bạc Hy lai, nhân vật được xem là ngôi sao đang lên trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông này có tham vọng trở thành ủy viên bộ chính trị của đảng trong đại hội năm 2012. Nếu mong ước trên thành hiện thực, Bạc Hy Lai có thể sẽ được giao phụ trách các vấn đề về tư pháp và trật tự xã hội. Dù thông tin bị kiểm duyệt, nhưng trên Internet cũng xuất hiện không ít lời bàn luận. Có người cho rằng, đáng lẽ Lê Trang sẽ ra tù vào tháng 6 tới, nhưng phiên xét xử mới này có thể là nhằm mục đích tiếp tục giam ông cho đến khi kết thúc Đại hội Đảng vào năm 2012, do sợ nếu ông ra tù sớm sẽ kể lại những việc tế nhị. Còn đối với giới luật sư Trung Quốc, vụ án Lê Trang có vai trò đặc biệt quan trọng. Đối với họ, kết quả vụ án sẽ cho thấy tương lai của nghề luật sư ở Trung Quốc, trong bối cảnh từ hai năm nay các luật sư luôn bị sức ép nặng nề. Theo một giáo sư luật thuộc Đại học Bắc Kinh, vụ án Lê Trang đã làm cho công cuộc cải tổ tư pháp ở Trung Quốc lùi lại 30 năm. Le Monde còn cho biết, tờ Daily China đã có một động thái đáng khích lệ, đó là cho đăng bài của hiệu trưởng Đại học Chính trị và Luật của Trung Qu ốc . Ông này nhấn mạnh, có một hệ thống pháp luật và thể chế tư pháp còn chưa đủ, mà cần phải có thêm một đảng cầm quyền và một chính phủ biết tuân thủ luật pháp. Nghệ sỹ cũng sợ phóng xạ ! Libération tiếp tục phản ánh về thảm họa hạt nhân Nhật Bản với thông tin « Làn sóng "đào ngũ" trong lĩnh vực nghệ thuật ở Nhật Bản ». Hôm qua, ông Robert Lecombe , giám đốc Viện trao đổi văn hóa Pháp-Nhật tại Tokyo lấy làm lo ngại cho biết, đã có 3 000 buổi hòa nhạc ở Nhật bị hủy, bao gồm cả của người Pháp và người Nhật. Theo ông, các live show cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân của sự đào ngũ hàng loạt có tính chất « lây lan » này là do « bản năng sinh tồn » của giới nghệ sỹ trước đe dọa của thảm họa hạt nhân. Cơn sợ hãi càng trở nên to tác sau khi mức độ nguy hiểm ở các lò phản ứng được nâng lên mức 7. Ông Lecombe nhận định, rõ ràng là thảm họa đã được khoanh vùng với phạm vi từ 50 đến 80 km khu vực xung quanh nhà máy, thế mà nhiều sự kiện đã bị hủy ở tận miền nam đất nước, « như thể là cả nước Nhật đang bị dịch hạch tấn công vậy ! » . Nói về sự « đào tẩu » của nghệ sỹ Pháp, ông Lecombe phê phán việc nhiều nghệ sỹ Pháp ủng hộ Nhật trong hoạn nạn, nhưng chỉ hành động giới hạn trên đất Pháp mà không dám đến Nhật Bản, trong khi một số ít nghệ sỹ tìm đến và đã được người dân tỏ thái độ biết ơn.Tuy nhiên, ông cũng cho biết, người Pháp không phải là những người nhúc nhát nhất, bởi trong số nghệ sỹ đào tẩu trên có cả người nước khác như người Đức và người Canada chẳng hạn. Trong thời gian tới, ông Lecombe cho biết, các nghệ sỹ nằm trong chương trình diễn vào mùa hè này đang rất lo lắng, nhưng đến hiện tại họ chưa đề cập đến khả năng hủy hợp đồng đến Nhật Bản. Lãnh đạo phương Tây "đua nhau" đến Benghazi Liên quan đến cuộc chiến tại Libya, Libération thông tin về việc tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhận lời mời đến thăm Benghazi. Bài viết chạy dòng tựa « MacCain ở Benghzi, Sarkozy đang được chờ đợi ». Hôm qua, từ Benghazi, thủ phủ của quân nổi dậy, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa năm 2008, thượng nghị sỹ Hoa Kỳ John McCain đã kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận Hội đồng quốc gia lâm thời của quân nổi dậy là « tiếng nói hợp pháp của nhân dân Libya ». Ông McCain là người ủng hộ ngay từ buổi đầu biện pháp can thiệp quân sự giúp quân nổi dậy. Tính đến hiện tại, ông là quan chức phương Tây cao nhất đến thăm Benghazi. Tổng thống Pháp cũng đã nhận lời mời đến thăm Benghazi. Tuy nhiên, lịch trình cụ thể còn chưa được xác định, do Pháp phải còn bàn bạc thống nhất với Anh. Như vậy, chuyến công du sắp tới của tổng thống Pháp cùng với thủ tướng Anh David Cameron sẽ tăng cường tính hợp pháp của Hội đồng lâm thời. Hiện tại, hội đồng này chỉ được một số ít quốc gia công nhận, như Anh, Pháp, Qatar, Gambia. Đối với nhiều nước phương Tây, ngay cả với Hoa Kỳ, hội đồng trên chỉ là « một trong những thành phần đối thoại quốc gia với mục đích tìm kiếm giải pháp chính trị ». Một nhà ngoại giao Châu Âu nhận định, chuyến thăm của hai nguyên thủ Pháp và Anh có nguy cơ làm phức tạp thêm tình hình, bởi nó khiến quân nổi dậy càng chắc sẽ dành được chiến thắng, từ đó khiến họ càng có thêm yêu sách. Cũng liên quan đến chiến sự tại Libya, Libération đăng bài phỏng vấn chuyên gia Hoa Kỳ ông Diederik Vandewall về lối thoát của cuộc chiến. Ông này cho rằng, lối thoát nằm trong tay của Nato. Ông phê phán thái độ “đạo đức giả” của phương Tây khi cho rằng, còn nhiều nơi khác, như ở Barein chẳng hạn, dân chúng bị đàn áp giống như ở Libya, thế mà các nước trong đó có Hoa Kỳ lại ủng hộ lực lượng chính phủ. 6000 ngôn ngữ trên địa cầu đến từ Châu Phi? Le Monde mang đến một thông tin khoa học đáng chú ý với bài viết « Giống như trường hợp của người tinh khôn (Homo sapiens), ngôn ngữ cũng có nguồn gốc từ Châu Phi ». Đến hiện tại, hầu hết các nhà khoa học đều thống nhất rằng, nguồn gốc người tinh khôn là Châu Phi : ở Châu lục này, sự đa dạng về gien của con người là lớn nhất, khi càng đi xa lục địa này thì sự đa dạng trên càng giảm. Bởi thế, người ta đã đưa ra giả thuyết, có thể cách đây 60 000 năm, người tinh khôn đã xuất phát từ Châu Phi để đến sinh sống trên khắp địa cầu. Tiếp theo gải thuyết này, trong một nghiên cứu được công bố hôm 14/4, nhà ngôn ngữ học Quentin Atkinson (New-Zeland) đã mang đến cho Châu Phi thêm một vinh dự : có thể người tinh khôn có một ngôn ngữ nói, và ngôn ngữ này đã theo chân họ đi khắp năm châu, và như vậy nó chính là thủy tổ của hơn 6 000 ngôn ngữ nói trên địa cầu. Phương pháp nghiên cứu của ông là dựa trên số lượng âm vị (đơn vị âm thanh của một ngôn ngữ ) để xác định tính đa dạng ngôn ngữ của một khu vực địa lý. Nếu một vùng có nhiều âm vị thì tính đa dạng ngôn ngữ càng cao. Ông đã nghiên cứu 504 ngôn ngữ. Kết quả là, độ đa dạng ngôn ngữ giảm dần khi người ta đi ngày càng xa Châu Phi. Trang nhất các báo Pháp hôm nay đề cập tới nhiều chủ đề. Nhật báo Le Monde dành trang nhất cho tình hình tại Syria với dòng tựa « Tại Syria, ông Assad đối mặt với biểu tình và với chính những người trong guồng máy ». Bài báo cho biết, quyền lực của tổng thống Assad đang bị lung lay bởi những bất đồng nội bộ. Libération phản ánh tình hình chiến sự tại Libya với bài viết « Libya : cùng với những chiến binh của quân nổi dậy ở Misrata ». Theo Libération, thành phố lớn thứ ba Libya đang bị quân đội Kadhafi bao vây và đang diễn ra các cuộc giao tranh dữ dội. Trang nhất Le Figaro chạy tít lớn « Nhập cư : Pháp có thể tạm ngưng thi hành thỏa thuận Schengen nhằm ngăn làn sóng nhập cư từ Tunisia và Libya thông qua Ý ». Theo Le Figaro, Pháp cho rằng, thỏa thuận này không cho phép đối mặt với tình hình phức tạp đến từ việc Ý cấp phép lưu trú cho người nhập cư từ Bắc Phi. |