Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24/O4/2011 |
Tác Giả: Lê Phước | ||
Chúa Nhật, 24 Tháng 4 Năm 2011 21:18 | ||
Sáu mươi năm dài đăng đẵng trôi qua với nước mắt, sự hy sinh, với những mất mát và tủi nhục của mặt trái của quá trình giải phóng thuộc địa. Hậu quả chiến tranh Đông Dương còn vương vấn trên đất Pháp
Trong mục Thư bạn đọc tuần này của tạp chí Le Monde, một độc giả bày tỏ lòng biết ơn đối với tác giả bài viết được đăng trên Le Monde tuần trước với tựa đề «Làng Đông Dương bên bờ sông Lot đang thay da đổi thịt ». Tâm tình của độc giả này và bài viết sẽ cho chúng ta hiểu thêm hậu quả nặng nề còn vương vấn của chiến tranh cách đây 60 năm, trong bối cảnh « dầu sôi lửa bỏng » của thế giới hiện tại. Vi độc giả gửi bức thư tâm tình đến Le Monde là một nhân chứng sống của thời kỳ lịch sử này. Ông cho biết, ông đã rời khỏi Việt Nam để đến sống ở khu tị nạn Sainte-Livrade hồi năm 2 tuổi, gia đình ông đã sống ở đó 5 năm. Ông tâm sự, trong mắt trẻ thơ, thật tuyệt vời khi đuợc trở lại miền quê, nhưng với cha mẹ ông thì đó là những tháng ngày vất vả. Mẹ ông phải đi trồng đậu, còn cha ông làm việc ở Paris, mỗi năm họ chỉ gặp nhau được hai lần. Theo ông, khi ấy, chính phủ Pháp không biết phải xử trí thế nào với những những đứa con từ các cuộc hôn nhân giữa người Pháp và người thuộc địa. Sáu mươi năm dài đăng đẵng trôi qua với nước mắt, sự hy sinh, với những mất mát và tủi nhục của mặt trái của quá trình giải phóng thuộc địa. Ông cho biết đã có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, và đã hai lần về thăm nơi «chôn nhau cắt rốn» của mình, tức Việt Nam. Ông nghẹn ngào trước cảnh đất nước này bị điêu tàn bởi chiến tranh. Thế nhưng, ông chưa bao giờ quyết định trở lại "tìm kiếm bóng ma dĩ vãng" ở nơi từng là mảnh đất tiếp nhận ông trên đất Pháp. Vị độc giả này tâm sự, ông rất xúc động khi đọc bài phóng sự ngày 16/4 của tuần san Le Monde về trại tị nạn Sainte-Livrade, nơi ông từng sinh sống. Khi chiến tranh Đông Dương kết thúc, vào năm 1956, gần 12.000 người Đông Dương tìm đến tị nạn trên đất Pháp. Đó là trại tị nạn Sainte-Livrade nằm bên bờ sông Lot thuộc tỉnh Lot-et-Garonne thuộc miền nam nước Pháp. Người tị nạn có thành phần đa dạng, nào là các cặp vợ chồng đa quốc tịch, những góa phụ của các chiến binh tử trận, hay của những công chức Pháp làm việc ở Đông Dương, và hơn 700 trẻ em. Thế là suốt 60 năm dài đăng đẵng, nước Pháp « đã bỏ quên những đứa con của mình » đến từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào và Cam Bốt. Suốt hàng thập kỷ, cuộc sống của họ được tổ chức tại một Trung tâm tiếp nhận người Pháp ở Đông Dương (CAFI). Hiện tại, Trung tâm này đã được xây dựng lại nhiều, trong khi đó, những « người hồi hương » đang bị chơi vơi trong miền ký ức và định mệnh. Nhân vật đầu tiên Le Monde đề cập là cụ bà Thị Lý Weiss, 91 tuổi. Cụ đến đây vào năm 1956, và được xếp vào diện ưu tiên tái định cư trong kế hoạch xây dựng nhà ở mới. Hiện tại cụ vừa dọn về nhà mới. Cụ có cả thảy 9 con, trong đó có 6 đứa sanh ở Việt Nam. Gia đình cụ đến từ Hải Phòng. Cuộc sống khi ấy rất cực khổ. Ở CAFI, gia đình 11 người của cụ Lý phải sống trong một căn hộ chỉ có một nhà bếp và 3 phòng ngủ. Sau đó, cụ ông xin được việc làm trong cơ quan hành chính tại CAFI. Cụ Lý thì đi làm ruộng. Các con được đi học ở ngôi trường thuộc CAFI. Tình cảnh khốn khổ đến mức khi gia đình chồng của một cô con gái cụ Lý lần đầu tiên nhìn thấy bức ảnh kỉ niệm thời ấy của cô, đã thốt lên « Đó là trại tập trung ư ! ». Le Monde cũng giới thiệu vài nhân vật khác là nhân chứng sống của giai đoạn lịch sử đầy sóng gió này. Mấy mươi năm sống trong cực khổ, giờ đây nhà cửa được xây lại mới, nhưng tâm trạng của người trong cuộc cũng lắm bộn bề. Một người con của một gia đình tị nạn tìm trở lại sống gần khu CAFI « để được tìm lại một không khí quen thuộc, những kỷ niệm và một đại gia đình ». Ông tâm sự : « Việc kiến thiết này là hơi muộn, nhất là đối với thế hệ già, chúng tôi thì được học hành, làm việc, còn bố mẹ chúng ta đã bị lãng quên ». Một nữ y tá bức xúc, đáng lẽ phải làm sớm hơn 30 năm hay đợi đến khi các cụ mất rồi hẵng làm, bởi trước kia các cụ đã chịu cảnh tha phương, bây giờ lại thêm một lần chịu cảnh mất đi nơi từng gắn bó hàng thập kỷ. Công trình phá hủy khu tị nạn gồm ba giai đoạn : 32 ngôi nhà mới vừa được cấp ; 100 nơi ở nữa sẽ được xây dựng ; sau đó, khu vực trại tị nạn năm xưa sẽ bị san bằng. Tokyo chưa chuẩn bị tốt cho việc đối phó động đất ! Việc tập trung các cơ quan đầu não về chính trị và kinh tế ở khu vực thủ đô Tokyo chứa đựng nhiều nguy cơ, do khu vực này nằm trong vùng dễ bị động đất. Le Courrier International dẫn lại bài của tờ nhật báo Asahi Nhật Bản với nhận định “ Tokyo phải nhanh chóng chuẩn bị đối phó động đất”. Trận động đất hôm 11/3 đã làm lộ rõ điểm yếu của thành phố Tokyo, đầu tàu kinh tế chính trị Nhật Bản. Ngày xảy ra động đất, hàng triệu người đã đổ xô ra đường phố Tokyo, họ không thể trở về nhà do các phương tiện giao thông đều bị ách tắc. Mấy tuần sau đó, đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp đều bị xáo trộn do thường xảy ra cúp điện. Hiện tại, nỗi kinh hoàng về nguy cơ phóng xạ đang lan tỏa, doanh nhân và du khách thi nhau rời khỏi Tokyo. Trong bối cảnh đó, tờ báo đặt câu hỏi, phải chăng Tokyo nên tiến hành những cải tổ mang tính căn cơ? Theo Asahi, trước tiên, thủ đô cần tập trung khắc phục thảm họa vừa qua. Đến hiện tại, thành phố này lệ thuộc vào các tỉnh phía bắc về sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và điện. Do đó, Tokyo phải ra sức hỗ trợ tái kiến thiết các tỉnh này. Theo ước tính, trong vòng 30 năm tới, có khả năng đến 70% sẽ xảy ra một trận động đất mạnh 7 độ Richter tại Tokyo. Sự cần thiết chuẩn bị phương tiện cho thủ đô đối mặt với một trận động đất mạnh đã được bàn thảo từ lâu, nhưng hiện tại, vấn đề này trở nên vô cùng cấp bách. Mỗi lần có động đất, các tòa nhà cao tầng ở thủ đô rung chuyển mạnh. Vì thế nếu động đất lớn xảy ra thì hậu quả là khó lường: các hệ thống chăm sóc y tế và phòng chống cháy nổ có thể còn hoạt động được không? Nguồn dự trữ năng lượng và lương thực có đủ không? Tờ báo cho rằng, nên nhanh chóng tiến hành tính toán chi tiết để đề ra giải pháp đối phó phù hợp. Một vấn đề trọng yếu và cấp bách nữa là cần suy nghĩ giải quyết hiện tượng tập trung quá nhiều các cơ quan kinh tế và chính trị ở Tokyo. Asahi cho rằng, cần thiết cho di dời vài cơ quan đến những thành phố khác. Internet, phương tiện đấu tranh hữu hiệu của thanh niên Đài Loan Thế hệ trẻ Đài Loan ngày nay biết tận dụng thế mạnh của Internet để đấu tranh, đó là thực trạng mà một nhà văn Đài Loan phản ánh trên một tờ báo Quảng Đông. Le Courrier International trích lại bài này với dòng tựa “Internet đánh thức tuổi trẻ”. Trong những năm 1980, phong trào đấu tranh của thanh niên Đài rất mạnh mẻ. Sinh viên bắt đầu đòi hỏi quyền lợi, đấu tranh vượt khỏi phạm vi trường học, xuống đường biểu tình, tham gia các phong trào xã hội và chính trị. Như vào tháng 3/1990, hàng ngàn sinh viên tập hợp biểu tình trước tượng đài Tưởng Giới Thạch, họ nhịn đói và tiến hành hội họp phản đối, với những yêu sách về quyền lợi chính trị và kinh tế. Sau đó, phong trào đấu tranh của thanh niên có vẻ lùi dần, làn sóng đấu tranh của những năm 1980 dường như chỉ còn trong ký ức. Các phương tiện truyền thông đại chúng nước này ngày càng đắm chìm vào những thông tin giải trí và tin tức theo kiểu giật gân. May mắn thay, ở thời đại Internet, có rất nhiều không gian công cộng để chia sẻ. Thanh niên có thể tiếp cận thông tin và tri thức một cách rộng rãi. Từ bảy tám năm nay, tức từ khi bắt đầu thế hệ Internet, đã xuất hiện một thế hệ thanh niên đấu tranh mới. Phong trào bắt đầu từ một nhóm thanh niên đấu tranh bảo vệ một di sản lịch sử văn hóa bị đe dọa phá hủy để phục vụ cho công trình xây dựng tàu điện ngầm. Phong trào nhanh chóng được lan tỏa, và một chiến dịch phản đối đã được tổ chức trên mạng. Cuối năm 2008, nhiều người xuống đường biểu tình, chiếm công sở, để đòi chính phủ điều chỉnh luật qui định về hội họp và biểu tình, một bộ luật mà họ cho là quá cũ kỹ và hà khắc. Kể từ đó, người ta thấy rằng, thanh niên bắt đầu tích cực lao vào các phong trào xã hội, nhất lá các cuộc tranh luận về vấn đề nông dân và môi trường. Hồi cuối tháng 1/2011, hàng ngàn thanh niên đã bất chấp giá rét của mùa đông, tập họp phản đối vào ban đêm trước trụ sở của cơ quan bảo vệ môi trường ở Đài Bắc. Buổi tối đấu tranh bao gồm các bài diễn thuyết, và sau đó cùng nhau thảo luận tại chỗ về những chủ đề liên quan đến việc phân chia đất đai, chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ. Có người ngủ lại ngay trên vỉa hè đến sáng hôm sau. Đáng chú ý là người tổ chức sự kiện này chỉ là những thanh niên tuổi đôi mươi. Dù hiện tượng đấu tranh bằng phương tiện Internet không phải là độc nhất ở Đài Loan, nhưng tờ báo nhấn mạnh, mấy năm nay, phong trào này rất mạnh mẽ ở xứ Đài. Trước kia, các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ đứng ra tổ chức hội họp, biểu tình, sinh viên chỉ là người tham gia. Thế nhưng, mấy năm gần đây, tuổi trẻ bắt đầu giữ vai trò quan trọng, và cùng hành động phối hợp vói các tổ chức phi chính phủ. Tờ báo kết luận, nhờ có Internet, thanh niên có thể tiếp xúc liên lạc với nhau để tổ chức sự kiện, không còn phải thông qua các tổ chức phi chính phủ hay hiệp hội như trước kia. Trung Quốc tránh bạo động xã hội nhờ tăng trưởng kinh tế Ở Trung Quốc, Internet phát triển mạnh, nhưng một cuộc cách mạng Hoa Lài giống như ở Tunisia còn xa vời, đó là nhận định của tuần san L’Express trong bài “Không có mùa xuân cho Bắc Kinh”. Hồi cuối tháng giêng, trang mạng Boxun.com của người Trung Quốc ly khai tại Hoa Kỳ đã đăng lời kêu gọi biểu tình ở Trung Quốc, theo tinh thần của của cách mạng Hoa Lài tại Tunisia. Ngay lập tức, cảnh sát được huy động, các trang mạng bị tăng cường kiểm duyệt, và tiếp theo là một làn sóng bắt bớ, đàn áp chưa từng có đã diễn ra. Tờ báo nhận định, có vẻ như Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn bóp chết từ trong trứng nước mọi chống đối chính trị. L’Express nhấn mạnh, cái ngược đời chính là ở chỗ: Mỗi năm nước này có tới hàng chục ngàn vụ đình công, biểu tình chống tham nhũng…cũng trong bối cảnh đó, chế độ lại tỏ ra “ổn định hơn bao giờ hết”. Những lời kêu gọi biểu tình đã không được số đông hưởng ứng, ngoại trừ đối với một bộ phận nhỏ những người đấu tranh có quan tâm chính trị. Ở Trung Quốc ước tính có đến nửa tỷ người sử dụng Internet, với sự phát triển của nhiều trang mạng xã hội. Con người có thể liên lạc với nhau dễ dàng thông qua Internet, và theo lô-gic thì các cuộc nổi dậy phải ngày càng nhiều. Thế mà, thực tế thì ngược lại. L’Express giải thích, Internet có thể tạo thuận lợi cho liên lạc của con người, nhưng không đủ để định hình được một phong trào đấu tranh chính trị, bởi phong trào đấu tranh chính trị nào cũng cần phải có một tổ chức có hệ thống. Ở Trung Quốc không có tổ chức chính trị đối lập, mà chỉ có những người đấu tranh cá nhân riêng lẻ. Đa số dân mạng Trung Quốc không quan tâm đến số phận của giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba, đến những lời kêu gọi có tính phản kháng được phát tán trên Internet. Theo L’Express, công dân mạng nước này những người này rất ít quan tâm chính trị, họ chỉ để tâm đến những tiện ích chia sẻ phim, ảnh, tới lĩnh vực tiêu thụ, tới các trò chơi trên mạng. Họ cũng quan tâm nhất là các vấn đề nhà ở, giáo dục con cái, hay trong tương lai gần, họ mong chính phủ sớm thiết lập hệ thống an sinh xã hội. Về những vấn đề khác như vấn đề chủ nghĩa dân tộc, ở Tây Tạng chẳng hạn, và tệ nạn quan liêu địa phương, thì dường như giữa chính quyền trung ương và người dân có một sự “đồng thuận tương đối” đang chi phối. L’Express kết luận, dù bất công xã hội ngày càng nghiêm trọng, nhưng kinh tế vẫn đang tiếp tục tăng trưởng, vì thế có rất ích cơ may cho một cuộc cách mạng Hoa Lài ở nước này. Tuy nhiên, nếu kinh tế bị tuộc dốc, thì tình hình có thể khác! Tinh thần cách mạng của cựu chiến binh Cuba vẫn chưa mờ nhạt Đến với Cuba, Le Monde có bài “Thế hệ cựu quân nhân không đầu hàng”, với ảnh minh họa của nữ nhiếp ảnh Mêhico nổi tiếng Alinka Echeverria. Nơi nhà nữ nhiếp ảnh Alinka Echeverria đến là xã Segundo Frente, tỉnh Santiago thuộc miền đông Cuba. Đây là một vùng rừng núi, rất khó tiếp cận, và là vùng cấm đối với khách du lịch. Đó cũng chính là một trong những thành trì gìn giữ ký ức lịch sử cách mạng Cuba. Tại đây có đơn vị du kích mang tên Mặt trận Phương đông II Frank Pais do Raul Castro thành lập vào tháng 3/1958. Nữ nhiếp ảnh gia đã gặp nhiều cựu binh của mặt trận này. Cô cho biết, những người này xuất thân từ giai cấp nông dân nghèo khổ, thoát ly gia đình đi tham gia quân nổi dậy. Họ không có vũ khí và phương tiện, bất chấp cả tính mạng của mình. Hiện tại, họ vẫn tôn sùng cách mạng, bởi với họ, cách mạng đã làm cho cuộc sống họ thêm ý nghĩa. Echeverria cho biết thêm, các cựu binh này chưa từng rời khỏi ngôi làng, họ sinh ra, lớn lên, chiến đấu và sẽ chết ở đó. Đa số họ là người không chữ nghĩa, họ tham gia cách mạng và sùng bái cách mạng như đối với một tôn giáo vậy. Trên vách nhà, họ treo hình của Fidel Castro, Raul Castro và Che. Rõ ràng họ sùng bái và và yêu thương những nhân vật này giống như người Mêhico sùng bái, yêu mến và treo hình đức mẹ Guadalupe. Trang nhất các tuần san Hôn lễ hoàng tử William, tình hình nước Pháp và thảm họa hạt nhân là những chủ đề nổi trội trên trang nhất các tạp chí Pháp tuần này. Le Figaro dành trang nhất chạy tít lớn “So British”. Tờ báo này dành một hồ sơ đặc biệt cho chủ đề hôn lễ của hoàng tử William. Còn trang nhất Le Monde có bài “William Hoàng tử”, với nhận định, cuộc hôn nhân đã đưa lên trang nhất báo chí thế giới một vị hoàng tử vốn ít xuất hiện trước công chúng, và luôn có vẻ kín đáo. Tuần san L’Express thông tin về thế hệ công giáo trẻ ở Pháp với bài viết “Quyền lực mới của người Công giáo”. Bài viết cho biết, thế hệ linh mục trẻ đang kế tục thế hệ trước một cách năng động. Le Nouvel Observateur dành ưu tiên cho chủ đề nước Pháp với hàng tựa lớn trên trang nhất “Cách đây 30 năm cánh tả đã chiến thắng”. Bài báo nhắc lại sự kiện ông François Mitterand đắc cử tổng thống năm 1981. Đây là vị tổng thống đầu tiên và duy nhất thuộc cánh tả. Từ đó, Le Nouvel Observateur rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho cuộc chạy đua vào điện L’Elysée trong năm tới. Le Courrier International tiếp tục thông tin về tình hình phát triển hạt nhân trên thế giới với hồ sơ đặt biệt phân tích thực trạng hạt nhân ở Châu Âu. Với hàng tựa “Nhà máy hạt nhân của tôi đẹp quá!”, tờ báo cho biết, ở châu lục này,nhiều nhà máy hạt nhân đã cũ kỹ, tọa lạc ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao, còn công nghệ thì không đảm bảo. Thêm vào đó, các nguy cơ hạt nhân luôn bị cố tình đánh giá thấp, do sức mạnh của việc vận động hành lang ủng hộ hạt nhân, một hiện tượng diễn ra mạnh mẽ ở Pháp. |