Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19/O4/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19/O4/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Tư, 20 Tháng 4 Năm 2011 06:19

Các nhà khởi xướng giới thiệu thủy điện như là một loại năng lượng xanh, có thể tái chế được. Thế nhưng, trên khắp toàn cầu, những dự án xây đập giữ nước bị phản đối dữ dội.

Biểu tình chống kế hoạch đập thủy điện Belo Monte, Brazil.
DR

Thủy điện chưa hẳn là nguồn năng lượng xanh

Về môi trường, báo Le Monde hôm nay có đăng bài tựa « Liệu thủy điện có thật sự là một nguồn năng lượng xanh hay không ? ». Theo bài báo, từ nhiều năm nay, người ta bắt đầu để ý nhiều đến thủy điện. Tai nạn hạt nhân tại trung tâm Fukushima và các chất vấn về hạt nhân dường như sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa các công trình thủy điện.

Các nhà khởi xướng giới thiệu thủy điện như là một loại năng lượng xanh, có thể tái chế được. Thế nhưng, trên khắp toàn cầu, những dự án xây đập giữ nước bị phản đối dữ dội. Các nhà bảo vệ môi trường dự đoán trước một thảm họa nếu như không ngăn chặn làn sóng này.

Hàng triệu người sẽ bị di dời

Ba mươi ba ngàn con đập lớn là con số thống kê chính thức của Ủy ban Quốc tế về các đập nước lớn (CIGB). Tuy nhiên, con số thực tế có lẽ là 50.000 đập. Le Monde cho biết, con số này có lẽ sẽ còn nhân đôi lên nữa từ đây cho đến năm 2050, mà nguyên nhân chính là do tăng trưởng dân số và mật độ dân số cao tại các thành phố lớn kéo theo sự gia tăng nhu cầu về nước, để tưới tiêu và cung cấp nước cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính sự gia tăng nhu cầu về điện mới thúc đẩy việc xây dựng các công trình cho nhiều tiện ích khác nhau. Để đáp ứng được nhu cầu này, theo CIGB, nếu không cần sử dụng đến năng lượng hóa thạch hay hạt nhân, thì không có cách nào khác hơn làm thủy điện. Năng lượng gió hay điện mặt trời thì vẫn còn nằm ngoài lề. Trên lãnh vực này, phải kể đến Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước đứng đầu danh sách các nước có nhiều đập lớn. Họ xây dựng mỗi năm khoảng 200 con đập. Kế đến là các nước thuộc Châu Mỹ la-tinh, nhất là Brazil và cuối cùng là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga.

Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới ước tính có khoảng từ 40 đến 80 triệu người sẽ bị di dời do các công trình xây đập. Le Monde đơn cử trường hợp xây đập Belo Monte, công trình lớn thứ ba trên thế giới. Theo Hiệp hội Survival International, dự án xây đập này sẽ làm ngập một vùng rộng lớn 500 km², và có khoảng từ 20.000 đến 40.000 người bị di dời.

Về phía chính quyền, họ lập luận rằng việc xây dựng đập đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Ngoài việc sản xuất điện, các đập nước còn giúp kiểm soát được dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, tranh hiện tượng lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn, giúp phát triển nông nghiệp. Còn trên thượng nguồn, việc lưu trữ nước trong bể lớn sẽ giúp phát triển các ngành đánh cá hay du lịch v.v…

Việc xây đập có tác động thế nào đến môi trường ?

Trên lý thuyết, thủy điện không thải khí gaz gây hiệu quả nhà kính. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu gần đây cho biết, do hiện tượng phân giải hệ thực bì trong bể chứa, một vài đập nước thải khí CO2 và nhất là khí mê-tan, một loại khí có thể làm nóng trái đất ở mức cao gấp 25 lần so với khí CO2.

Thế nhưng, tác động của nó đối với khí hậu vẫn còn là điều đáng tranh cãi. Theo Le Monde, hiện tượng nêu trên chỉ liên quan đến những bể chứa nước không sâu lắm, nằm ở vùng nhiệt đới. Theo Viện Khoa học và Công nghệ Nước liên bang Thụy Sĩ, một nghiên cứu tại hồ Wohlen, gần Berne cho thấy lượng khí mê-tan thải ra mỗi năm là khoảng 150 tấn, tương đương với khí CO2 khi chạy 25 triệu km bằng xe hơi mà thôi.

Theo WWF, hậu quả đầu tiên của việc xây đập là làm biến đổi hình dạng của dòng sông, ngăn chặn các bề mặt trầm tích gây ra hiện tượng xói mòn đất trầm trọng tại các vùng châu thổ ở hạ lưu. Cá sẽ trở nên ít hơn và đa dạng sinh học trở nên nghèo nàn hơn. Hơn nữa việc lưu trữ nước ngăn cản quá trình hòa tan các chất ô nhiễm trong nước và tạo điều kiện cho các loài xâm thực sinh sôi nảy nở.

Tại châu Âu, nhằm đạt được tình trạng sinh thái tốt từ đây cho đến năm 2015, khung chỉ đạo về nước gặp mâu thuẫn với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả thủy điện. Khó khăn lắm các nhà bảo vệ môi trường mới đạt được việc hủy bỏ những công trình nào gây hại cho đa dạng sinh thái.

Vì vậy, Hiệp hội quốc tế về thủy điện đã cho hiệu chỉnh lại « Nghị định thư về việc đánh giá tính bền vững của thủy điện » nhằm đảm bảo « sự cải thiện chung ». Tuy nhiên, một quan chức của WWF nhận định rằng, người ta có thể đạt được một mức độ nào đó của tính bền vững, nhưng sẽ không bao giờ gạt bỏ hoàn toàn được mọi tác động. Do đó, việc lựa chọn địa điểm là rất quan trọng. Các tổ chức phi chính phủ khuyến cáo, các chính phủ nên tìm kiếm các nguồn thay thế khác, và nhất là phải tiết kiệm năng lượng, trước khi đưa ra các dự án này.

Vận may của chủ nghĩa dân túy mới tại Châu Âu

Liên quan đến vấn đề chính trị, nhiều tờ báo Pháp hôm nay quan tâm đến sự trỗi dậy của các phe cực hữu tại châu Âu. Theo báo Cộng sản L’Humanité, thì « Châu Âu lo ngại sau sự thành công của đảng cực hữu Phần Lan », sau khi đảng này đạt 19,1% phiếu bầu trong kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua.

Còn trên tờ nhật báo Libération, có bài phân tích « Chủ nghĩa dân túy mới tại Châu Âu gặp vận may ». Dựa vào chủ đề về tính thế tục, những đảng bài ngoại này đang lan rộng khắp nơi, khi phơi bày chủ nghĩa hoài nghi về châu Âu và nỗi lo sợ về Hồi giáo. Theo Libération, dù họ có tham gia hay không vào chính phủ, khả năng gây khó khăn trên hồ sơ châu Âu là có thật. Trước tiên phải hiểu rằng, chủ nghĩa dân túy chính là chủ nghĩa quốc gia chống lại châu Âu, đó cũng chính là mẫu số chung nhỏ nhất của các Đảng này, cùng với sự bài ngoại và nhấn mạnh chính sách bảo hộ.

Về phương thức hành động, Libération cho biết, thường thì họ dựa vào các thế lực bên ngoài các chính phủ bảo thủ. Tại 14 nước châu Âu, họ đã hiện diện tại Quốc hội. Ngoài ra, người ta còn thấy hình thái chủ nghĩa dân túy xuất phát từ phía cánh tả, mà hình mẫu chính là Đảng Smer-SD Slovakia do ông Robert Fico sáng lập. Ông này đã bị khai trừ ra khỏi Đảng Xã hội châu Âu vào năm 2006.

Các đảng theo chủ nghĩa dân túy mới này đang gặp vận may. Nhưng ít nhiều gì họ cũng dựa vào cùng kiểu phương thức hành động : lôi kéo dân chúng chống lại các thế lực tham nhũng bởi chủ nghĩa thế giới và sự toàn cầu hóa, tán dương nền dân chủ trực tiếp chống lại nền dân chủ đại diện ; đả kích di dân không kiểm soát và phê phán chủ nghĩa đa văn hóa và mối đe dọa từ Hồi giáo. Điều đáng lưu ý là những gương mặt trụ cột của các đảng này là những người trẻ, có uy tín. Họ nói thẳng, bảo vệ kiểu chính trị đúng đắn nhưng né tránh việc sa đà phân biệt chủng tộc. Libération nhận định, những người theo chủ nghĩa dân túy này thuộc thế hệ thứ tư tại châu Âu. Hoặc họ không có chung nguồn gốc về hệ tư tưởng với các đảng cực hữu hoặc là đã từ bỏ chúng.

Theo bài báo, mối nguy hiểm lớn nhất đến từ các lỗ hổng của cánh hữu truyền thống, vốn đang trong tình trạng khủng hoảng, khi mà họ không ngần ngại gì lấy lại các chủ đề bầu cử chính. Vấn đề là, nếu các đảng theo chủ nghĩa dân túy này chỉ đạt được từ 5 đến 10% phiếu bầu, có thể thực hiện chiến lược « containement » ???, còn nếu như họ đạt được 15%, buộc các đảng cánh hữu phải điều đình hoặc phải cạnh tranh ngay trên chính mảnh đất của phe cực hữu bằng cách phải từ bỏ chính các luận đề của mình chứ không phải là chủ đề nữa.

Ấn Độ: Tham nhũng làm hại cuộc chiến chống lại đói nghèo

Về vấn đề kinh tế thế giới, La Croix có bài phóng sự « Tại Ấn Độ, tham nhũng làm hại cuộc chiến chống lại đói nghèo ».

Theo La Croix, vào năm 2005, nhằm chống lại sự đói nghèo, chính phủ do đảng Quốc Đại cầm quyền cho ban hành « chương trình phát triển đô thị » (NREGA) nhằm giúp đỡ nông dân ở bang Jharkhand có việc làm. Trên nguyên tắc, chương trình này không những sẽ giúp đảm bảo cho người dân ở đây it nhất có 100 ngày làm việc trong năm, mà còn hỗ trợ về mặt tài chính cho những người nông dân nào không có việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, những người công nhân này chưa bao giờ nhận được một đồng rupi nào, từ nguồn quỹ khổng lồ 7,5 tỷ euros của dự án này.

Theo La Croix, việc tuyển dụng lao động nhưng không cấp giấy chứng nhận việc làm để không trả lương, còn nếu may mắn có được tờ giấy này, thì lương nhận được bị giảm xuống ít nhất 30%, do họ phải trả các khoản huê hồng cho mỗi cấp, là mặt trái của chương trình này. Không những thế, những người dân nghèo này thường xuyên bị đe dọa nếu họ không chấp nhận nói láo là có nhận được tiền lương.

Nhà kinh tế học Jean Dreze tố cáo có sự thao túng của mafia trong các công trinh trọng điểm này. Theo ông, chính quyền địa phương đã tiếp tay với các doanh nghiệp bằng cách nhắm mắt làm ngơ để cho các nhà khai thác bất hợp pháp chiếm đoạt đất đai. Bang Jharkhand là nơi có nhiều nguồn quặng mỏ quan trọng nhất của Ấn Độ. Do đó, xung đột giữa các tập đoàn lớn và nông dân thường xuyên xảy ra. Đây chính là nguyên nhân đẩy những người nông dân này đến gần với quân nổi dậy theo chủ nghĩa Mao. La Croix cho rằng vấn đề lớn nhất ở chỗ người nghèo họ không biết làm thế nào để khiếu nại, vì phần đông họ không biết chữ. Và sự giận dữ đang nuôi dưỡng hàng ngũ quân nổi dậy theo chủ nghĩa Mao. Những người này tố cáo các vụ tham nhũng, trưng thu đất đai và khai thác tài nguyên. Nhằm trấn an dân chúng, chính quyền New Dehli vừa qua đã cho bắt giữ một nhân viên bưu điện và năm trợ lý của chương trình NREGA về tội biển thủ công quỹ. Nhưng đối diện trước sự gian lận lan tràn, New Dehli đe dọa cắt tài trợ cho chương trình này tại Jharkhand, như một lời thừa nhận bất lực cuối cùng.

Trở lại với y học cổ truyền

Về sức khỏe, Le Monde có bài viết « Ấn Độ quay trở lại với y học cổ truyền ». Phương pháp chữa trị theo phương Tây là quá mắc. Một bộ phận đông dân chúng không thể nào tiếp cận được.

Theo bài báo, phần đông bệnh nhân phải tự trang trải các khoản chi phí y khoa. Như vậy, chỉ có khoảng 10% trong số họ là có bảo hiểm y tế. Đây chính là hệ quả của sự bất bình đẳng trong tiếp cận việc chữa trị. Bài báo cho biết, số trẻ em tử vong ở người nghèo chiếm đến 8% ở những đứa trẻ dưới 5 tuổi, con số này chỉ ở mức 3% ở tầng lớp khá giả hơn.

Sỡ hữu hơn 6.500 loại cây thuốc, Ấn Độ nhìn nhận các lợi ích của y học cổ truyền. Không những nó cho phép rút ngắn được sự bất bình đẳng khi đưa ra các liệu pháp chữa trị rẻ hơn, mà nó còn giúp tránh được việc lạm dụng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nhìn nhận rằng trong các trường hợp khẩn cấp, liệu pháp đối chứng vẫn rất cần thiết. Nhưng trong mục đích phòng bệnh hay chữa trị một số bệnh tâm thần, thì các liệu pháp cổ truyền như tập yoga thì hiệu quả hơn.

Cuối cùng, Le Monde cho biết, vào năm 2008, Ấn Độ có 3.371 bệnh viện có thể thực hiện việc điều trị bệnh theo cổ truyền và gần 750.000 bác sĩ đăng ký tham gia vào lãnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế phần đông trong số họ đều là bác sĩ y khoa theo trường phái Tây y và nhiều người trong số họ không được đào tạo bài bản trong lãnh vực trên.