Điểm báo Pháp |
Tác Giả: Mai Vân | ||
Thứ Tư, 20 Tháng 4 Năm 2011 05:23 | ||
Cuba : Bước ngoặt cải tổ
Với những cải tổ được thông báo nhân Đại hội Đảng Cộng sản đang tiến hành, Cuba đang đứng trước một bước ngoặt mới, đặc biệt với việc giới hạn nhiệm kỳ của các lãnh đạo và viên chức quan trọng trong guồng máy chính quyền. Hai tờ L'Humanité và Le Monde đã nêu bật chuyển đổi này. Theo L’Humanité, đây là một thời điểm then chốt trong lịch sử Cuba đang được phác họa tại La Habana, với quyết định chưa từng thấy hầu trẻ hoá đội ngũ, và cả 311 đề án để ‘cập nhật hoá’ mô hình Cuba đã được đưa ra thảo luận trên toàn quốc trong 3 tháng, hầu ‘hiện đại hoá chế độ, phát triển Cuba, nâng cao đời sống người dân’. Những chủ trương đánh giá là không hợp thời nữa như là sổ tem phiếu đảm bảo cho người dân nhu yếu phẩm với giá bao cấp sẽ dần dần biến mất, đồng thời với việc nhà nước giảm biên chế và khuyến khích lãnh vực tư nhân. Quả là Cuba muốn chuyển mình cho phù hợp với thời đại. Trong bối cảnh đó, Le Monde nhìn vào thực tế xã hội Cuba ghi nhận trong hàng tựa trang quốc tế : Dân Cuba hoang mang trước sự nghèo khó ngày càng gia tăng. Trước tiên bài phóng sự đưa đọc giả đến ngôi chợ lớn ở La Habana ở quảng trường Cuatros Caminos. Ngôi chợ hai tầng, nhưng chỉ có tầng trệt là đông đúc náo nhiệt, còn tầng trên hoang phế. Nóc thì bị thủng, cửa kính ở đây bị bể toang. Một cô bán hàng hoa giải thích là từ nhiều năm rồi cô vẫn thấy tầng trên bỏ hoang. Tác giả bài phóng sự nhìn thấy : công trình một nửa đổ nát này giống như đất nước Cuba vào lúc mà Đại hội Đảng Cộng Sản chuẩn bị thông qua khúc quanh kinh tế mà chủ tịch Raul Castro đề xướng. Nếu những khu vực cổ của thủ đô còn che giấu nỗi khó khăn bên trong các sân nnhà của mình hay chung cư mà cả 3 thế hệ sinh sống, thì sự nghèo khó đập mắt ở vùng ngoại ô La Habana mà các khu ổ chuột ngày mọc lên càng nhiều. Đây là nơi tập trung những người đến từ vùng nghèo phiá Đông Cuba, những người sống chui, không giấy tờ hợp pháp vì họ không được phép đến ở thủ đô. Nếu những người làm chui, những cô gái điếm là những gương mặt quen thuộc từ thập niên 90, thì những người ăn xin là hiện tượng mới phổ biến. Và bây giờ, đi đâu cũng thấy người rách rưới, người vô gia cư. Theo giới kinh tế và xã hội học, ít nhất 20% dân chúng Cuba sống trong cảnh nghèo khổ, túng thiếu. Theo họ, ngược lại với các nước láng giềng, ở Cuba chưa bao giờ có chương trình giảm nghèo khó. Theo tác giả bài phóng sự, trong tình hình căng thẳng đó, chính quyền Cuba đã giảm nhịp độ cải cách : việc giảm 500.000 biên chế thông báo trong quý đầu năm nay, 2011, đang được xem xét lại, giảm ít hơn hoặc dời lại về sau. Theo bài báo công nhân viên trong các công ty xí nghiệp đã ngấm ngầm chống lại việc sa thải kể trên. Đối với người dân Cuba, tình hình hiện nay đã trở thành quá sức chịu đựng : « không đủ ăn, phương tiện giao thông công cộng tồi tệ, con cái phải bán thân nuôi miệng, và chính phủ thì nói dối, như thế quá đủ rồi ». Fukushima : Vùng cấm địa Về Châu Á, tình hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima là hồ sơ lớn của Libération hôm nay, với bài phóng sự dài ở ‘Vùng cấm điạ Fukhushima’, tít lớn trang nhất. Phóng viên tờ báo đi đến khu vực bị nhiễm phóng xạ chung quanh nhà máy điện. Trong phạm vi 30 cây số, người dân đã bỏ đi gần hết, chỉ còn những người già, những người về hưu. Vấn đề đối với người dân Nhât là không ai nói rõ tình hình cho họ biết. Trong bài xã luận Libération tỏ nỗi thương tâm, thông cảm với người Nhật : « Sau thiên tai, giờ đây đến nỗi cực hình. Người Nhật chỉ mới biết sự thật vào hôm chủ nhật, qua lời thú nhận từ miệng lãnh đạo tập đoàn Tepco là phải mất 3 tháng nữa mới giới hạn được mức độ phóng xạ thất thoát và 9 tháng dài để kiẻm soát và ổn định các lò phản ứng điên cuồng tại Fukushima, nơi mà không ai dám đến gần. Libération ghi nhận là chưa bao giờ người dân trong một vùng bị thiên tai lại cảm thấy bị bỏ rơi như thế. Họ phải đợi đến cả tháng mới nghe được chính phủ thông báo là tình hinh Fukushima nghiêm trọng không kém Tchernobyl, và mất 5 tuần lễ để nghe những lãnh đạo này công nhận họ bị bó tay trong một thời gian dài. Không chỉ có vấn đề thông báo chậm trễ như trên, Libération còn thấy là vấn đề nghiêm trọng hơn ở chỗ những thông báo của Tepco về phóng xạ thất thoát gây ô nhiễm môi trường vẫn không đầy đủ. Libération trích lời một chuyên gia Pháp, David Boilley, cho là Tepco không phải là đã nói dối, nhưng tác hại đối với người chung quanh nhà máy điện đã bị họ giảm nhẹ. Kết quả là dân làng Iitate ở cách nhà máy điện 40 cây số chỉ được di tản vào ngày 11/04. Trong khi đó thì rau quả ở vùng cách trung tâm điện 80 cây số, qua thử nghiệm, cho thấy một nồng độ phóng xạ rất cao, không khác gì các chất thải hạt nhân. Không thể nào để người dân sống ở những khu vực như thế. Hiện nay thì các chuyên gia và hiệp hội lo ngại trước vấn đề thiếu dữ liệu về mực độ nhiễm phóng xạ ở những vùng khác tại Nhật. Cho nên trong khi chờ đợi Tepco ổn định tình hình nhà máy điện Fukushima, vấn đề khẩn cấp là lo cho dân cư các vùng nhiễm xạ, khá xa nhà máy, như nói trên. Để bảo đảm an toàn cho người dân, theo Libération, vấn đề hiện nay không phải chỉ là nên hay không nên thành lập một vùng cấm điạ chung quanh nhà máy điện Fukushima, mà xem là tầm rộng lớn của nó như thế nào. Tờ Le Figaro hôm nay đã phỏng vấn lãnh đạo tập đoàn điện lực Pháp, EDF, về mức an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Tờ báo được chủ tịch EDF, ông Proglio xác định là tình trạng nhà máy điện hạt nhân Pháp rất tốt, tuy nhiên vẫn cần phải rút kinh nghiệm của Fukushima. Libya : Liên quân quốc tế thiếu đạn dược L’Humanité nêu bật sự kiện Liên quân quốc tế thiếu đạn dược để oanh kích Libya, trong lúc mà lực lượng Kadhfi lại pháo kích ồ ạt vào những thành phố mà phe nổi dậy đang chiếm đóng như Misrata, Ajdabiya. Tờ báo đưa ra nhận xét nghiêm khắc là gần một tháng sau cuộc can thiệp của quốc tế vào Libya, lực lượng của ông Kadhfi đã không bị ‘giải trừ vũ khí’, mà ngược lại, NATO vừa thông báo thiếu đạn dược, thiếu loại bom toạ độ chính xác và những loại vũ khí khác. Tờ báo cũng trích lời bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Gérard Longuet không loại trừ khả năng cuộc chiến Libya kéo dài. Trong tình hình đó, Le Figaro nêu bật trong một hàng tựa trang nhất và tít lớn trang trong sự kiện là Washington tìm một nơi sẵn sàng chứa chấp ông Kadhafi, (một khi ông rời khỏi Libya). Theo tờ báo, trước việc không có tiến triển trên mặt quân sự, các nước đồng minh muốn tim một quốc gia có thể tiếp đón lãnh đạo Libya, hầu loại bỏ được nhà độc tài này qua một giải pháp hoà bình. Tờ báo cũng nhắc lại là quốc gia đón nhận ông Kadhafi phải có đặc điểm là có quyền không giao nộp lãnh đạo Libya cho dù ông Kadhafi bị Toà án Hình sự Quốc tế truy tố, tức là một quốc gia không ký vào hiệp ước Roma thành lập Toà án. Tóm lại đó phải là những nước không công nhận thẩm quyền của toà án này, trong đó có Mỹ. Theo Le Figaro trích dẫn báo New York Times, thì hiện nay người ta nhắc đến một quốc gia Châu Phi. Washington sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng Về Châu Á, Le Figaro hôm nay ghi nhận là sáu tháng sau vụ Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Hàn Quốc Yeongpyeong, Bắc Kinh đang cố gắng đưa hồ sơ hạt nhân ra khỏi vũng lầy, với sự hổ trợ kín đáo của Washington, tít trang quốc tế. Mục tiêu là để tránh một sự cố quân sự mới ở bán đảo, không có lợi cho cả chính quyền Bắc Kinh lẫn chính quyền Obama. Bài báo nhắc lại kế hoạch 3 điểm mà Bắc Kinh đưa ra tuần qua để thúc đẩy đàm phán 6 bên : trước hết hai nước Triều Tiên tổ chức gặp gỡ trên hồ sơ hạt nhân, sau đó là gặp gỡ giữa Bình Nhưỡng và Washington trước khi đi đến cuộc họp sáu bên trở lại. Theo Le Figaro, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định rằng Washington ủng hộ sáng kiến của Bắc Kinh. Thực ra theo tờ báo, Washington không mấy ảo tưởng về một tiến bộ trên hồ sơ hạt nhân, nhưng vì bận tâm với tình hình sôi sục ở Trung Cận Đông, cho nên chính quyền Obama muốn tránh bằng mọi giá một sự cố quân sự mới ở vùng Đông Bắc Á, nhất là vào lúc khai diễn cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Ngoài Bắc Triều Tiên, Le Figaro còn chú ý đến Bắc Kinh quây bắt tín đồ Tin lành. Trong mấy ngày qua, hàng chục người đã bị bắt, trong đó có luật sư, trí thức, nghệ sĩ. Tờ báo tỏ vẻ khắt khe đối với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, đã bị chỉ trích vì im hơi lặng tiếng trước vụ đàn áp ở Trung Quốc trong lúc mà ông đã tỏ ra rất hoạt bát về Côte d’Ivoire hay Libya. |