Đến phiên Đài Loan tái khẳng định chủ quyền tại Biển Đông |
Tác Giả: Trọng Nghĩa | ||
Thứ Ba, 19 Tháng 4 Năm 2011 06:07 | ||
Tình hình vùng Biển Đông lại có dấu hiệu ''nổi sóng’’, với những tuyên bố chủ quyền trở lại của các nước đang tranh chấp.
Hôm qua, 17/04/2011, đến lượt Đài Loan lên tiếng nhắc lại chủ quyền của họ trên một loạt quần đảo trong vùng. Tuyên bố này được đưa ra chỉ ít lâu sau khi Philippines gởi công văn đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông, và sau khi Hà Nội và Bắc Kinh cam kết hợp tác với nhau để tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Trong một bản thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định rằng, dưới bất kỳ góc độ nào - lịch sử, địa lý hay luật pháp quốc tế - các quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa), Tây Sa (tức Hoàng Sa), Trung Sa (Macclesfield Bank), và Đông Sa (Pratas Islands), đều thuộc chủ quyền của Đài Loan. Chính quyền Đài Bắc cũng đồng thời xác định chủ quyền của họ trên các vùng biển bao quanh các quần đảo này, cũng như vùng đáy biển hay tầng địa chất bên dưới khu vực. Tuyên bố của bộ Ngoại giao Đài Loan còn khẳng định, họ không chấp nhận đòi hỏi của các nước khác về chủ quyền trên các khu vực này, đồng thời kêu gọi các quốc gia chung quanh khu vực tranh chấp tôn trọng luật lệ quốc tế, tránh có những biện pháp đơn phương có thể phá vỡ tình hình hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đài Loan là một trong sáu nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cùng với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei. Tương tự như Trung Quốc, Đài Loan hiện tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, đang do Bắc Kinh chiếm giữ. Tại vùng quần đảo Trường Sa, cũng thế, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam là ba nước đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ khu vực, trong lúc Brunei, Philippines hay Malaysia chỉ tranh chấp một số đảo cụ thể mà thôi. Về bãi đá ngầm Macclesfield, ở phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa, khu vực này đã được cả Đài Loan lẫn Trung Quốc gọi là Quần đảo Trung Sa. Đài Bắc, Bắc Kinh và Manila đều coi đó là lãnh thổ của họ. Riêng vùng gọi là Đông Sa, tên quốc tế là Pratas, nằm ở vùng đông bắc biển Đông, cách Hong Kong 350 km và cách Đài Bắc 850 km, khu vực quần đảo bao gồm ba hòn đảo này đang do Đài Loan quản lý, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Đài Loan hàm ý chỉ trích Việt Nam, Philippines và ... Trung Quốc Như vậy, phải nói rằng Đài Loan là một trong những tác nhân quan trọng can dự vào hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, là nước hiện chiếm giữ Ba Bình, đảo lớn nhất tại vùng Trường Sa. Thế nhưng tiếng nói của Đài Loan ít được nghe thấy trên các diễn đàn quốc tế, do việc họ thường xuyên bị Bắc Kinh cấm cửa trong lãnh vực ngoại giao. Phải lần ngược về tháng 7 năm ngoái mới thấy, chính quyền Đài Bắc khẳng định trở lại chủ quyền của họ trên vùng Biển Đông. Vào khi ấy, Đài Loan đã lên tiếng sau khi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xác định tại Hà Nội vào cuối tháng 7 rắng, vấn đề tự do hàng hải và tự do phát triển tại vùng Biển Đông thuộc diện quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là, tại sao Đài Loan lại lên tiếng vào thời điểm này. Giới quan sát đã nêu bật hai yếu tố. Trước hết, đó là sự kiện Philippines, ngày 05/04 vừa qua, đã chính thức gởi văn thư lên Liên Hiệp Quốc, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thể hiện trong tấm bản đồ "hình lưỡi bò" mà họ công bố hồi tháng 5 năm 2009. Yếu tố thứ hai là sự kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc vào tuần trước, đã tiếp xúc với nhau tại Hà Nội. Hai bên đã đồng ý hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn để « tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản » nhằm giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông. Các sự kiện liên tiếp này đã thúc đẩy Đài Loan phải lên tiếng, nếu không muốn bị gạt ra bên lề các đàm phán liên quan đến biển Đông. Vào hôm qua, nhiều học giả Đài Loan đã lên tiếng cho rằng, chính quyền nước họ phải năng động hơn nữa trong việc tìm giải pháp cho các cuộc tranh chấp. Tuyên bố của bộ Ngoại giao Đài Loan gần như là phản ứng cấp thời của chính quyền trước các khuyến cáo kể trên, nhất là khi chính quyền của Tổng thống Mã Anh Cửu bị tố cáo là không dám lên tiếng về Biển Đông vì sợ gây trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ đang rõ nét với Trung Quốc. |