Home Tin Tức Thời Sự Gaddafi 'sử dụng bom chùm ở Misrata'

Gaddafi 'sử dụng bom chùm ở Misrata' PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Bảy, 16 Tháng 4 Năm 2011 15:56

Đây là vũ khí thuộc loại "ác hiểm nhất với khu đô thị"

Các lực lượng ủng hộ chính phủ Gaddafi tại Libya đang bị một nhóm các tổ chức vận động cho nhân quyền cáo buộc sử dụng bom chùm, một loại vũ khí bị cấm sử dụng tại hơn 100 quốc gia.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng một trong các phóng viên ảnh của tổ chức này đã trông thấy ba loạt bom chùm được thả vào khu dân cư ở Misrata.

 Một trong số các mẫu bom chùm thu được được cho là sản xuất ở Tây Ban Nha.

Nhưng một phát ngôn nhân của chính phủ Libya đã bác bỏ cáo buộc này.

Chính phủ Libya tăng cường quân đội bao vây khu vực Misrata, thành phố duy nhất ở mạn Tây của Libya vẫn còn nằm trong tay quân nổi dậy.

Phóng viên BBC Orla Guerin, đưa tin từ nội đô thành phố vốn đang xảy ra chiến sự này, cho hay các cư dân địa phương đang lo sợ xảy ra một vụ thảm sát, nếu không có hành động can thiệp nào lớn hơn của không lực NATO giúp phá vỡ cuộc bao vây.

Bên cạnh bom chùm, cũng có tin cáo buộc các lực lượng của chính phủ Libya đang sử dụng hệ thống tên lửa Grad do Liên Xô cũ thiết kế khi oanh tạc Misrata.

Tôi thách thức họ chứng minh được điều đó / Phát ngôn nhân chính phủ của Gaddafi

Hệ thống Grad, vốn cho phép phóng một lúc nhiều hỏa tiễn từ các bệ phóng di động, bị cáo buộc đã làm một số dân thường thiệt mạng trong những ngày gần đây, trong đó có tám nạn nhân trúng thương khi họ đang xếp hàng chờ phân phối bánh mì.

Phóng viên BBC Jon Leyne, từ nơi phản công của lực lượng nổi dậy ở thành phố Benghazi thuộc mạn đông Libya, cho biết Grad là một hệ thống vũ khí tấn công không phân biệt - tuy không bị xếp loại bất hợp pháp - hệ thống hỏa tiễn này có thể còn gây chết người nhiều hơn cả bom chùm.

Với khả năng được phóng đi từ một xe tải chứa tới 40 ổ hỏa tiễn, hệ thống này cho phép bắn khoảng 40 hỏa tiễn liên tiếp.

Nhờ đó, các hệ thống Grad có thể bao phủ một khu vực rộng lớn và trên thực tế đã được sử dụng để tấn công cảng Misrata, một điểm liên kết quan trọng với thế giới bên ngoài của những người trong thành phố.

Đây là vũ khí thuộc loại "ác hiểm nhất với khu đô thị" và phóng viên của BBC cho biết thêm rằng các lực lượng của Gaddafi vẫn tiếp tục vừa nã hỏa lực vào thành phố vừa sử dụng lực lượng bắn tỉa nhắm vào thường dân, trong khi đối chọi lại với quân nổi dậy.

'Kinh khủng'


Các tổ chức nhân quyền cho biết trẻ em Libya có thể gặp rủi ro khi gặp bom chùm chưa kích nổ.

Khi công bố các hình ảnh của bom chùm, tổ chức Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York cho biết ba loạt hỏa lực đã phát nổ ở khu dân cư el-Shawahda của Misrata vào đêm thứ Năm.

Được một phóng viên của tờ New York Times phát hiện đầu tiên và được các nghiên cứu viên của HRW kiểm tra, vũ khí trong ảnh được cho là một trái MAT-120 được phóng đi từ loại súng cối 120mm.

Trái đạn này sẽ bung ra trên không trung và phóng ra thành 21 "trái bom nhỏ" trên một diện tích rộng.

"Khi phát nổ do tiếp xúc với đối tượng, từng trái bom nhỏ tiếp tục phân chia thành các mảnh bom bắn phá với tốc độ cao để tấn công người dân và vũ khí bị cấm này còn phát ra một dạng kim loại nóng chảy vốn có thể xuyên thủng các loại xe bọc thép," HRW lưu ý.

HRW cho biết viên đạn qua kiểm tra cho thấy đã được sản xuất tại Tây Ban Nha vào năm 2007, một năm trước khi Madrid ký Công ước quốc tế về bom chùm.

Steve Goose, giám đốc bộ phận vũ khí của HRW, cho biết đây là vũ khí "kinh hoàng" mà quân chính phủ Libya đã sử dụng, đặc biệt trong một khu vực dân cư.

"Chúng tạo ra một nguy cơ rất lớn cho dân thường, cả khi tấn công do tính không phân biệt của khả năng sát thương và cả sau đó vì vẫn còn nhiều nguy hiểm với các trái bom chưa phát nổ nằm rải rác," ông nói thêm.

Họ bắn phá tất cả mọi thứ, tất cả các cao ốc dinh thự và nhà cửa. [Đại tá Gaddafi] phá hủy tất cả mọi thứ. Ông ta sử dụng vũ khí hạng nặng

Một cư dân ở Misrata

HRW cho biết họ không thể xác định xem có bất kỳ thương vong nào của thường dân do bom chùm hay chưa sau khi các loạt bom "dường như đã nã xuống một khu vực cách bệnh viện Misrata khoảng 300 mét."

Công ước quốc tế về bom chùm, được thông qua tại Dublin vào năm 2008, cấm 108 quốc gia thành viên ký kết, sử dụng loại vũ khí này vì mối đe dọa mà nó có thể gây ra cho thường dân.

Libya là một trong những quốc gia không ký công ước, cùng với các nước khác như Mỹ, Israel, Nga và Trung Quốc.

Phát ngôn viên chính phủ Libya, Ibrahim Moussa, đã bác bỏ việc bom chùm được sử dụng tại Misrata.

"Tôi thách thức chứng minh được điều đó," ông này nói với các phóng viên ở thủ đô Tripoli.

Đề cập đến việc kiểm tra của các tổ chức nhân đạo, ông nói: "Nếu các loại bom được sử dụng thì bằng chứng của chúng sẽ lưu lại nhiều ngày và nhiều tuần lễ sau đó.

"Và chúng tôi biết cộng đồng quốc tế sắp tới thị sát đất nước chúng tôi với số lượng rất đông. Vì vậy, chúng tôi không thể làm điều đó, một điều buộc tội chính chúng tôi, ngay cả khi chúng tôi muốn phạm tội chăng nữa."

Hiện chưa có bình luận tức thì từ Tây Ban Nha, nước đã ký Công ước về bom chùm, về nguồn gốc của các trái bom.

Tiếp viện của NATO


Quân nổi dậy ở Misrata cầm cự trong vòng hai tháng qua.

Một cư dân ở khu vực Ahmed Qasr thuộc Misrata liên lạc với BBC vào thứ Bảy và cho biết cuộc tấn công của lực lượng ủng hộ Gaddafi đã tiếp tục trở lại lúc 0630 (0430 GMT) ngày thứ Bảy.

"Họ bắn phá tất cả mọi thứ, tất cả các cao ốc dinh thự và nhà cửa. [Đại tá Gaddafi] phá hủy tất cả mọi thứ. Ông ta sử dụng vũ khí hạng nặng", cư dân này nói.

Lực lượng nổi dậy ở Misrata đã và đang chống lại các cuộc tấn công của quân Gaddafi trong vòng hai tháng nay và Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh rằng NATO cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn một cuộc "thảm sát" trong thành phố này.

Ông cho biết vào hôm thứ Sáu rằng NATO, bị hạn chế bởi việc cần tránh thương vong dân sự, nay có thể đã ngăn cản được việc thành phố này bị nghiền nát bởi lực lượng của Đại tá Gaddafi.

Hôm thứ Sáu, cuộc họp của các Ngoại trưởng khối Nato tại Berlin đã kết thúc, mà không có cam kết nào từ các quốc gia vốn không tham gia chiến dịc, trong việc đóng góp phi cơ chiến đấu cho các hoạt động quân sự của liên minh đối với Libya.

Mỹ, Anh và Pháp cho biết trong một tuyên bố chung rằng mối đe dọa đối với thường dân Libya sẽ không mất đi một khi Đại tá Muammar Gaddafi vẫn còn nắm quyền.

Tuy nhiên, Nga cho rằng NATO đã đi quá xa sứ mạng của mình, vốn được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép, trong khi bảo vệ thường dân.

Bản đồ các khu vực có xung đột tại Libya