Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14/O4/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14/O4/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 14 Tháng 4 Năm 2011 20:22

Thực tế là ở Việt Nam, dân chúng và giới ly khai thường xuyên lên án sự đồng lõa của Hà Nội với « con yêu tinh Trung Quốc » (ogre chinois), mà chủ nghĩa bành trướng của nó làm xúc phạm đến lòng tự hào dân tộc.

Tại Việt Nam, đảng Cộng sản tiếp tục gia tăng đàn áp

Bên ngoài phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội. Trong đám đông,
có luật sư Lê Quốc Quốc (người thứ 3 từ phải sang) bị bắt giữ
(REUTERS)

Báo Libération hôm nay có bài viết với tựa đề « Tại Việt Nam, đảng Cộng sản gia tăng đàn áp ». Tờ báo ghi nhận bầu không khí đàn áp tiếp tục tăng lên vào dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập nhóm đấu tranh dân chủ 8406. Tuyên ngôn của nhóm 8406 (công bố ngày 8/4/2006) được Libération so sánh với Hiến chương 08 của các nhà dân chủ Trung Quốc.

Libération cho biết, chính quyền tiếp tục tỏ ra cứng rắn với đối lập dân chủ, qua các vụ bắt bớ vô cớ, các vụ án ngụy tạo, và các đe dọa đủ loại. Theo tổ chức theo dõi nhân quyền HRW, kể từ tháng 7 năm 2010 đến nay, đã có ít nhất 24 nhà hoạt động nghiệp đoàn, blogger, các chức sắc tôn giáo bị bắt. Tháng Một vừa qua, cảnh sát đã hành hung một nhà ngoại giao Hoa Kỳ, vì « tội » đã đến thăm một nhà ly khai. Một bộ phận lớn các nhà ly khai đã bị câu lưu trước ngày diễn ra đại hội của đảng Cộng sản, được tổ chức vào tháng Một tại Hà Nội.

Nghi lễ lớn của đảng kết thúc, không khí đàn áp vẫn không chấm dứt. Mới đây, chính quyền Việt Nam đã kết án một luật gia uy tín, ông Cù Huy Hà Vũ, 7 năm tù, vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước ». Hà Nội đã trách cứ luật gia Cù Huy Hà Vũ, con trai của một bạn chiến đấu của Hồ Chí Minh, là đã kêu gọi đa đảng.

Phạm Hồng Sơn và Lê Quốc Quân, hai nhà ly khai có mặt bên ngoài phiên tòa, đã bị bắt giữ một cách vô cớ. Không có bất cứ tội danh nào được đưa ra. Theo tin mới, hai nhà dân chủ đã được trả tự do vào tối hôm qua.

Trường hợp một người mang hai quốc tịch Việt Pháp, giáo sư toán học Phạm Minh Hoàng cũng khiến giới ly khai bất bình. Ngày 13 tháng 8 ông bị bắt, và lệnh tạm giam bốn tháng mới đây lại được triển hạn. Giáo sư Phạm Minh Hoàng bị kết tội « âm mưu lật đổ chế độ », vì đã viết nhiều bài báo về nạn tham nhũng của giới chức, việc khai thác bô xít tại vùng cao nguyên và tình trạng thiếu dân chủ tại Việt Nam.

Libération dẫn lời một thành viên của tổ chức chính trị đối lập, đảng Việt Tân, ông Michel Trần Đức : trường hợp giáo sư Phạm Minh Hoàng bị bắt giữ cho thấy : « sự hoảng sợ của chế độ (…) đặc biệt kể từ phong trào cách mạng Ả Rập. Họ muốn bóp chết từ trong trứng các xu thế ly khai ».

Tờ báo nhấn mạnh, nhà toán học kể trên, cũng như nhiều nhà đối lập khác đã bị buộc tội khi đề cập đến mối quan hệ Trung Việt, vốn được coi là một vấn đề cấm kỵ. Thực tế là ở Việt Nam, dân chúng và giới ly khai thường xuyên lên án sự đồng lõa của Hà Nội với « con yêu tinh Trung Quốc » (ogre chinois), mà chủ nghĩa bành trướng của nó làm xúc phạm đến lòng tự hào dân tộc. Theo Libération, chính quyền Việt Nam nghiêm cấm các phê phán, khiến cho chế độ bị mất đi sự ủng hộ về kinh tế và tài chính của Trung Quốc.

Libération kết luận, sau khi đã tỏ ra cởi mở hơn vào năm 2006 trước khi gia nhập vào tổ chức Thương mại Thế giới, Hà Nội đã thu mình lại và có khả năng đuổi kịp Bắc Kinh về mức độ và quy mô đàn áp đối lập dân chủ.

Việc khai thác « khí đá phiến » có thể sẽ bị cấm tại Pháp

Với tựa đề dưới dạng hai câu hỏi « Phải chăng cần cấm việc khai thác khí đá phiến và làm thế nào để lấy được khí đá phiến mà không gây tổn hại đến môi trường ? », mục điều tra đối chứng của Le Monde hôm nay dành cho loại năng lượng mới gây nhiều tranh cãi : « Gaz de schiste » hay « khí đá phiến ».

Khí đá phiến là một nhiên liệu nằm sâu trong lòng đất tới hàng cây số, mới được phát hiện và bắt đầu được khai thác. Có mặt rải rác trên khắp địa cầu, chủ yếu là trên đất liền, với trữ lượng rất lớn, loại khí này mang lại niềm hy vọng sẽ giải quyết tạm thời nhu cầu năng lượng của nhiều quốc gia công nghiệp lớn trong vòng vài thập kỷ, thậm chí một thế kỷ. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, việc khai thác khí đá phiến đã gặp phải sự phản đối quyết liệt.

Tại Pháp, theo Le Monde, trước mùa hè này, Quốc hội sẽ có thể bỏ phiếu thông qua dự luật cấm khai thác dầu và khí đá phiến. Trước đó, vào đầu năm ngoái, bộ Môi trường đã cấp giấy phép khai thác cho hai công ty Total (Pháp) và Schuepbach Energy (Mỹ), liên doanh với GDF Suez. Tuy nhiên, rất lo ngại, vì quá trình khai thác sẽ ảnh hướng xấu đến các mạch nước ngầm, cư dân tại miền đông nam nước Pháp, thuộc các khu vực dự kiến khai thác, đã phản đối. Thái độ này đã tác động đến các dân biểu. Hiện tại, Quốc hội Pháp đang chuẩn bị một dự luật đình chỉ khai thác khí đá phiến, rất có khả năng sẽ được thông qua vào đầu hè. Tuy nhiên, trước những nhu cầu năng lượng tăng cao và những nguồn năng lượng tái tạo hiện nay khó lòng đáp ứng được khả năng tiêu thụ, nhiều người vẫn đặt niềm hy vọng vào loại năng lượng mới này. Để tránh một sự đối đầu dẫn đến chỗ cấm hoàn toàn việc khai thác khí đá phiến, một dân biểu đảng cầm quyền UMP đề xuất, thay vì nói đến giấy phép khai thác, phải chăng nên đề nghị « nghiên cứu/khai thác thử nghiệm ».

Hồ sơ điều tra đối chứng của Le Monde cũng cho biết một trường hợp kinh hoàng đã xảy ra trong lĩnh vực khai thác đá phiến tại một khu vực gần Montreal (Canada), cách đây 2 năm. Dân cư trong khu vực này đột ngột đối diện với việc công ty khai thác khí đến thực hiện các mũi khoan thăm dò ngay cạnh nhà họ, sâu đến hơn 2.000 mét. Việc khai thác thử đã được bắt đầu. Tuy nhiên, hai năm sau, 19 trong số 31 giếng khoan đã bị rò khí. Theo đánh giá của một công ty phụ trách khai thác, lượng khí bị rò ra ngoài là 2,5 mét khối/ngày. Tiểu bang Québec (Canada) đã ra lệnh đóng cửa các giếng khoan không an toàn này. Nhưng mối lo ngại của cư dân trong khu vực là : không còn ai chịu trách nhiệm giải quyết việc khí tiếp tục rò lên từ khu vực khai thác.

Cách mạng tại các nước Ả Rập : đa dạng về hình thức, nhưng tương đồng về bản chất

Nhật báo La Croix dành sự quan tâm đặc biệt cho các phong trào cách mạng tại thế giới Ả Rập, đúng ba tháng sau khi chế độ độc tài Ben Ali tại Tunisia sụp đổ. Đứng trước những lo ngại từ nhiều phía về những thay đổi không kiểm soát nổi trước những hỗn loạn sinh ra từ các cuộc cách mạng và các phong trào nổi dậy tại Bắc Phi và Trung Cận Đông, La Croix khẳng định các lo ngại là chính đáng, nhưng nhấn mạnh thế giới Ả Rập mới chỉ làm cách mạng từ ba tháng nay, để lật đổ các chế độ độc tài vốn đã tồn tại hàng chục năm. « Ba tháng để tìm ra những chìa khóa cho một sự vận hành chính trị và kinh tế mới, ba tháng để thưởng thức hương vị của tự do, quả là quá ngắn ngủi ».

Đối với giáo sư Olivier Roy, phụ trách chương trình nghiên cứu Địa Trung Hải, Đại học Châu Âu Florence, phong trào dân chủ tại các nước Ả Rập sẽ diễn ra trong một thời gian dài, giống như các cuộc cách mạng thế kỷ XIX (tại Châu Âu và Châu Mỹ). Và ngoại trừ Barhein là nơi chính quyền đàn áp hoàn toàn phong trào nổi dậy, đa số « các lực lượng chính trị truyền thống đều hiểu ra rằng luật chơi giờ đã thay đổi, và họ chấp nhận các đòi hỏi cải cách ».
Nhà chính trị học chuyên về Hồi giáo cũng nhấn mạnh đến mô hình Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà « một lực lượng bảo thủ, tồn tại trong một xã hội dân chủ, với quân đội là thế lực bảo đảm không cho ai có thể vi phạm những điều cấm kỵ, đặc biệt trong chính trị quốc tế ». Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội là thế lực bảo đảm quá trình thế tục hóa, còn trong trường hợp Ai Cập, điều mà quân đội phải ngăn ngừa là không để cam kết hòa bình với Israel bị phá vỡ …

Theo La Croix, cộng đồng Công giáo tại các nước Ả Rập có vai trò khác nhau trong quá trình chuyển đổi dân chủ. Nếu như tại Ai Cập, 8 triệu người Thiên chúa giáo Chính thống (Copte) tham gia tích cực vào quá trình tạo ra một quan điểm chính trị mới, dựa trên nguyên tắc quyền lực tối cao thuộc về nhân dân, thì ở Syria, vốn được hưởng quyền tự do thực sự, những người Thiên chúa giáo lại hy vọng vào các cải cách, chứ không mong muốn thay đổi hoàn toàn chế độ.

Nhật báo Công giáo cũng chú ý đến sự dò dẫm từng bước xây dựng nền dân chủ tại Tunisia, với việc tổ chức nhiều diễn đàn trao đổi – dấu hiệu của sự dấn thân của các công dân, và việc ấn định các quy tắc chính trị mới nhằm bầu ra được một Quốc hội lập hiến thực sự dân chủ, vào tháng 7 tới.

Pháp : dự luật chống mua dâm gây tranh cãi

Trở lại nước Pháp, Libération đặt câu hỏi về dự luật chống mại dâm, đang được Bộ Đoàn kết xã hội soạn thảo : « Khách mua dâm, phải chăng là một tội phạm ? ». Libération cho biết, một nhóm nghị sĩ, đứng đầu là một nữ nghị sĩ đảng Xã hội, đã đưa ra đề nghị lập ra một tội danh mới, mua dâm, cho phép phạt khách hàng đến 6 tháng tù và 3.000 euro. Bên cạnh đó, nữ bộ trưởng Đoàn kết xã hội Roselyne Bachelot, thành viên đảng cầm quyền UMP, cũng vừa đệ trình hôm qua, một kế hoạch ba năm chống lại bạo lực nhằm vào nữ giới, cũng dự kiến trừng phạt khách hàng mua dâm.

Libération trình bày ba góc nhìn khác nhau về kế hoạch chống mua dâm kể trên.

Thứ nhất là quan điểm của ông Philippe Caubère, một nghệ sĩ kịch, có gia đình và đồng thời có quan hệ với các phụ nữ bán dâm. Ông Caubère khẳng định là người ủng hộ nữ quyền và công khai bảo vệ cho việc tìm kiếm « thú vui » với các phụ nữ bán dâm.

Quan điểm thứ hai là của bộ trưởng Roselyne Bachelot. Bà cho rằng, cần phải thoát ra khỏi cái nhìn mang « tính chất dân gian » (folklorique) về « nghề » bán dâm. Bà đưa ra con số 50% phụ nữ bán dâm đã từng bắt đầu làm việc này khi chưa đến tuổi trưởng thành và 25% đã từng bị cha  mình cưỡng hiếp khi còn nhỏ. Bộ trưởng Bachelot lấy ví dụ Thụy Điển như một trường hợp tiêu biểu về tác dụng tích cực của luật chống mua dâm, kể từ khi luật này được ban hành (1999), các hoạt động mại dâm đã thu hẹp đáng kể, và hiện nay có đến 75% người Thụy Điển ủng hộ bộ luật này, so với hơn 30% cách đây 10 năm. Theo Bộ trưởng Đoàn kết Pháp, cần phân biệt "việc bỏ tiền mua một hành vi tình dục" với "việc sử dụng cơ thể phụ nữ bất chấp mong muốn của họ, là một hành động bạo lực không thể chấp nhận được". Bà Roselyne Bachelot khẳng định, ngay từ trường tiểu học, đã cần phải dạy cho học sinh biết rằng, mua bán dâm là chuyện không thể chấp nhận được.

Quan điểm thứ ba được Libération đưa ra là từ phía một số phụ nữ bán dâm hiện nay. Cách đây 8 năm, nhiều phụ nữ bán dâm đã biểu tình để phản đối luật cấm mãi dâm ở trung tâm thành phố (« cấm chèo kéo khách »). Còn hiện giờ đối với nhiều người đây là một dự luật « phản tự do ». Libération lo ngại, nếu được thông qua, dự luật này sẽ làm cho đời sống của các phụ nữ bán dâm trở nên khó khăn, vì họ buộc phải hoạt động bất hợp pháp, các hoạt động của họ từ giờ sẽ nằm ngoài tầm tác động của các hiệp hội có mục tiêu bảo vệ sự an toàn của họ.

Xã luận Libération trong hồ sơ này kết luận : « Nếu ‘‘luật Bachelot’’ một khi ra đời khiến gia tăng thêm sự mất an ninh (đối với những người bán dâm), tác dụng của nó sẽ còn hơn cả sự độc hại. Rõ ràng ra một điều luật như thế là vô ích ».

Trang nhất các nhật báo Pháp

Về thời sự quốc tế hôm nay, dưới hàng tựa trên trang nhất « Syria : đến lượt tổng thống Assad phải chịu sức ép của đường phố », Le Figaro tường trình lại những căng thẳng tại Syria, nơi mà chính quyền của tổng thống Assad đã chọn đàn áp làm giải pháp khiến cho cơ hội chuyển đổi hòa bình của chế độ ngày càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. La Croix thì dành toàn bộ phần đầu cho những thay đổi tại Bắc Phi - Trung Cận Đông với tựa đề « Những niềm hy vọng Ả Rập ». Ba tháng sau khi chế độ Ben Ali tại Tunisia sụp đổ, tờ báo mô tả lại những thay đổi tại từng quốc gia trong thế giới Bắc Phi và Trung Cận Đông.

« Nicolas Hulot ra ứng cử tổng thống khiến cánh tả chao đảo » là hàng tựa chính trên trang nhất Le Figaro. Quyết định của nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Nicolas Hulot mặc dầu chưa thực rõ ràng nhưng đã gây nên chấn động trên bàn cờ chính trị nước Pháp.

Les Echos lưu ý độc giả đến chính sách tài chính mới của nước Pháp dưới tiêu đề « Thâm hụt ngân sách, tăng trưởng, thuế khóa : Bộ trưởng Lagarde xác định hướng đi cho năm 2012 », mà một trong các mục tiêu chính là giảm tỷ lệ thâm hụt của Pháp xuống còn 3% tổng sản phẩm quốc nội. Cũng về tài chính nước Pháp, Le Monde chạy tựa « Từ bỏ lá chắn thuế đối với những người thu nhập cao (bouclier fiscal) – chấm dứt một chủ trương của tổng thống Sarkozy ». Tờ báo cho biết, nếu như thuế đánh vào tài sản vẫn được duy trì, nhưng được giảm nhẹ, thì ngược lại, việc kế thừa tài sản và quà tặng sẽ bị đánh thuế rất cao.

Tờ l’Humanité hôm nay thì hướng cái nhìn về công ăn việc làm của giới trẻ. Dưới hàng tựa « Chặng đường chông gai », tờ báo thuật lại những nỗi khổ nhọc của một số thực tập sinh trẻ, bị sử dụng như nhân công làm việc không công cho các công ty. Theo dự báo của l’Humanité, đây sẽ là một vấn đề xã hội quan trọng trong năm tới.

Vẫn về xã hội Pháp, với tựa đề « Mại dâm. Lại thêm một luật nữa », Libération trực diện với vấn nạn dai dẳng này, nhân dịp Bộ trưởng Đoàn kết xã hội Roselyne Bachelot chuẩn bị một dự luật trừng phạt các khách mua dâm.