Home Tin Tức Thời Sự Libya chấp nhận kế hoạch hòa bình

Libya chấp nhận kế hoạch hòa bình PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 11 Tháng 4 Năm 2011 09:37

Liên Hiệp Châu Phi tuyên bố như vậy.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma nói rằng chính phủ Libya đã chấp nhận một đề nghị hòa bình do Liên hiệp châu Phi (AU) đề xuất nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài đã tám tuần qua.

Liên hiệp châu Phi do do ông Zuma dẫn đầu đã gặp nhà lãnh đạo Libya, đại tá Muammar Gaddafi, ở thủ đô Tripoli của Libya hôm Chủ nhật. Một nhóm thuộc Liên hiệp châu Phi sẽ tới Benghazi, cứ điểm ở phía đông của quân nổi dậy.

Đại tá Gaddafi lần đầu tiên xuất hiện sau nhiều ngày tiếp phái đoàn LH châu Phi

Nhưng các phát ngôn viên của phe nổi dậy nói rằng có thể sẽ không có thỏa thuận ngừng bắn trừ khi Đại tá Gaddafi từ chức và lực lượng của ông phải rút đi.

Tại Ajdabiya, lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đã đẩy lùi quân nổi dậy trong một cuộc giao chiến ác liệt.

NATO cho biết các phi cơ của họ đã phá hủy 25 xe tăng của phe chính phủ chỉ riêng trong ngày Chủ nhật.

Liên minh NATO cho biết họ đã "lưu ý " tới sáng kiến ​​AU và hoan nghênh nỗ lực cứu thường dân Libya.

 

Các điểm chính trong Thỏa thuận của AU bao gồm:

•Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức
•Không cản trở việc giao đồ viện trợ nhân đạo
•Bảo vệ công dân nước ngoài
•Một cuộc đối thoại giữa chính phủ và quân nổi dậy về một giải pháp chính trị
•Việc đình chỉ cuộc không kích của NATO
"Phái đoàn do người anh em của nhà lãnh đạo [Đại tá Gaddafi] đã chấp nhận lộ trình do chúng tôi đưa ra," ông Zuma tuyên bố.

"Chúng tôi phải tạo điều kiện cho cơ hội có ngừng bắn," ông nói, sau nhiều giờ đàm phán.

Tổng cộng phái đoàn của Liên hiệp châu Phi bao gồm đại diện từ năm quốc gia: Tổng thống Jacob Zuma của Nam Phi, Mohamed Ould Abdel Aziz của Mauritania, Amadou Toumani Toure của Mali và Denis Sassou Nguesso của Congo-Brazzaville, và Ngoại trưởng Henry Oryem Okello của Uganda.

Năm nhà lãnh đạo này được sự chấp thuận của Liên hiệp châu Âu.

Hoan nghênh sáng kiến của ​​AU, phát ngôn viên NATO, bà Oana Lungescu, cho biết NATO vẫn "luôn luôn nêu rõ là không thể chỉ thuần túy dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng này".

"Chúng tôi hoan nghênh tất cả các đóng góp vào các nỗ lực quốc tế rộng lớn nhằm ngăn chặn bạo lực chống lại dân thường ở Libya."

Ông Zuma nay sẽ trở lại Nam Phi. Bộ trưởng ngoại giao của ông và các nguyên thủ quốc gia khác của AU đang trên đường tới Benghazi.

Phát ngôn viên của quân nổi dậy, Gheriani Mustafa, nói với hãng tin Reuters là đề nghị này sẽ được xem xét, nhưng "người Libya đã nêu rất rõ ràng rằng ông Gaddafi phải từ chức".

Một phát ngôn viên, Shamsiddin Abdulmolah, nói với hãng tin AFP: "Người dân phải được phép xuống đường để thể hiện ý kiến ​​của mình và những người lính phải trở về doanh trại của họ."

"Thế giới đã từng chứng kiến đề nghị ngưng bắn trước đây và chỉ trong vòng 15 phút [Đại tá Gaddafi] lại nổ súng," ông nói thêm.

Người đại diện của lãnh đạo phe đối lập Libya có trụ sở tại Anh, Guma al-Gamaty, nói với BBC rằng bất kỳ thỏa thuận nào được thiết kế để giữ Đại tá Gaddafi hay con trai của ông tại vị sẽ không thể được chấp nhận.

Phóng viên BBC ở Benghazi, Jon Leyne, nói phe đối lập sẽ cảm thấy không thoải mái rằng họ có nguy cơ bị phái đoàn AU qua mặt, mà họ nhìn nhận phái đoàn này là có cảm tình với Đại tá Gaddafi.

Một quan chức AU cho biết ý tưởng Đại tá Gaddafi từ chức đã được thảo luận, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

"Có một số thảo luận về điều này nhưng tôi không thể báo cáo về việc đó. Nó phải được bảo mật," Ủy viên Hòa bình và An ninh của AU, ông Ramtane Lamamra, nói.

"Nó tùy thuộc vào việc người dân Libya được lựa chọn nhà lãnh đạo của mình một cách dân chủ."

'Máy bay trực thăng bị bắn rơi'

Các cuộc không kích NATO vẫn tiếp tục: liên minh nói rằng máy bay của họ đã phá hủy 25 xe tăng của quân chính phủ chỉ riêng hôm Chủ nhật.

Có tin 11 phi cơ đã bị phá hủy khi tới gần Ajdabiya và 14 chiếc trước đó đã bị phá hủy ở gần Misrata, thành phố duy nhất ở miền tây Libya vẫn còn nằm trong tay phe nổi dậy.

Cáo buộc lực lượng chính phủ đã "tàn bạo pháo kích" các khu dân sự, NATO cho biết họ đã có hành động đáp ứng trước tình trạng tuyệt vọng tại hai thị trấn này, thể theo sứ mệnh bảo vệ thường dân của Liên Hợp Quốc giao phó.

Đây là một trong số các đợt không kích lớn nhất kể từ khi liên minh thực hiện các cuộc tấn công ban đầu, phóng viên BBC nói.

Tiếng súng và những tiếng nổ được nghe thấy trong thành phố vào hôm Chủ nhật, với tin tức về các cuộc pháo kích dữ dội vào thị trấn từ phía tây, nơi lực lượng ủng hộ ông Gaddafi đang thực hiện cuộc tấn công từ đó.

Ajdabiya là quan trọng đối với phe đối lập vì nó kiểm soát một ngã tư chiến lược và là thị trấn cuối cùng trước khi tới Benghazi, thành phố chính nằm trong tay phe nổi dậy.

Phóng viên BBC nói quân nổi dậy đưa tin đã bắt được lính đánh thuê người Angieria thuộc lực lượng của Đại tá Gaddafi, mặc dù tin này không thể được kiểm chứng độc lập.

Thứ trưởng Ngoại giao Libya, Kaim Khaled, nói lực lượng chính phủ đã bắn rơi hai máy bay trực thăng của nổi dậy ở phía đông nhưng điều này cũng không thể được khẳng định.

Ông nói: "Đã có hành vi vi phạm rõ ràng từ phía quân nổi dậy đối với nghị quyết 1973 của LHQ liên quan đến vùng cấm bay."

Phát biểu tại Brussels, vị chỉ huy các hoạt động của NATO, Trung tướng Charles Bouchard, cho biết các cuộc không kích cũng nhắm mục tiêu vào các hầm đạn dược và các đường dây liên lạc của chính phủ.

Ông trích dẫn "một ví dụ về tính không thiên vị của NATO" khi nhắc tin một chiếc máy bay phản lực MiG 23 của lực lượng nổi dậy cũng đã bị chặn và buộc phải hạ cánh chỉ trong vòng vài phút sau khi cất cánh từ sân bay gần Benina Benghazi vào thứ bảy.