Ngũ Giác Ðài tính lại việc rút khỏi Iraq |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Hai, 11 Tháng 4 Năm 2011 08:50 |
Ðiều không rõ ràng là liệu phía Iraq có sẽ yêu cầu lính Mỹ ở lại hay không. WASHINGTON (AP) - Tám tháng trước hạn định rút người lính Mỹ sau cùng khỏi Iraq và khép lại cuộc chiến kéo dài 8 năm, Ngũ Giác Ðài đang phải nhìn lại kế hoạch này. Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates nói chuyện và trả lời câu hỏi của binh sĩ thuộc Sư Ðoàn 25 Bộ Binh, trong chuyến đi mà nói có thể là chuyến đi cuối cùng của ông tới Iraq trong vai trò bộ trưởng quốc phòng. Ngũ Giác Ðài đang suy nghĩ lại lịch rút quân hiện có hạn chót là tháng 12 năm nay. (Hình: AP Photo/Chip Somodevilla/Pool) Tuy ngần ngại không nêu lên trước công chúng, giới chức quân sự lo ngại rằng việc rút quân hoàn toàn vào tháng 12 sẽ tạo ra khoảng trống an ninh, gây nguy cơ tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong nước hoặc phá hoại của al-Qaeda hay Iran. Phía Mỹ muốn để lại khoảng vài ngàn lính ở Iraq, không để trực tiếp theo gia chiến sự nhưng để ngăn ngừa sự sụp đổ của một nền hòa bình còn non yếu. Ðiều này được thấy rõ trong chuyến viếng thăm hôm Thứ Năm và Thứ Sáu tuần qua của Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, trong đó ông và tướng chỉ huy quân Mỹ ở Iraq nói về khả năng quân Mỹ gia hạn thời gian ở lại nơi này. Liệu chính phủ Mỹ có thể để lại bao nhiêu quân sau năm 2011? “Ðiều này tùy thuộc vào điều phía Iraq muốn và những gì chúng ta có thể cung cấp,” ông Gates cho hay hôm Thứ Năm tại một căn cứ Mỹ trong tỉnh Mosul ở phía Bắc Iraq, nơi các quân nhân Hoa Kỳ cố vấn và hướng dẫn lực lượng Iraq. Ông nói rằng phía chính phủ Hoa Kỳ sẽ xem xét nhiều giải pháp khác nhau, từ việc ở lại vài năm cho đến việc ở lại thường trực. Ðiều không rõ ràng là liệu phía Iraq có sẽ yêu cầu lính Mỹ ở lại hay không. Các chiều hướng chính trị ở Iraq nay có vẻ chống lại điều này, ngay dù rằng các giới chức Mỹ cho biết thành phần lãnh đạo Iraq ở cả các nhóm Sunni, Shiite và người thiểu số Kurd đều cho biết, khi nói chuyện riêng, rằng họ cần quân đội Mỹ giúp phát triển khả năng phòng không cùng là các khả năng quân sự khác. Sự huấn luyện của quân đội Mỹ cho phía Iraq nay chỉ chú trọng vào việc đối phó với kẻ thù nội địa, kể cả al-Qaeda chứ không nhắm vào lực lượng bên ngoài. Nếu phía Iraq quyết định không yêu cầu có thêm trợ giúp thì hạn định 31 tháng 12 sẽ đánh dấu việc chấm dứt can dự quân sự của Mỹ vào Iraq. Meghan O'Sullivan, một cố vấn hàng đầu về Iraq của Tổng Thống George W. Bush khi chính phủ Mỹ thương thảo thỏa thuận 2008 để đưa ra hạn định rút quân, nay là giáo sư bang giao quốc tế tại Ðại Học Harvard, cho hay không còn nhiều thời giờ để có thể thương thuyết sửa đổi điều này. Nghị Sĩ Lindsey Graham, Cộng Hòa, tiểu bang South Carolina, người vẫn thường bày tỏ sự nghi ngờ về chương trình rút quân khỏi Iraq của ông Obama, nói rằng Mỹ cần phải giữ ít nhất 10,000 quân ở Iraq cho đến năm 2012. Tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq, Lloyd Austin, cho hay ông chưa được Ngũ Giác Ðài hỏi ý kiến về việc gia hạn hoạt động tại Iraq. Tuy nhiên, qua những phát biểu về khả năng của quân đội quốc gia này, ông cho thấy rõ quan điểm là Mỹ rút đi quá sớm ở thời điểm hơn một năm sau cuộc bầu cử đưa Thủ Tướng Nouri al-Maliki lên cầm quyền, Iraq vẫn chưa có được bộ trưởng Quốc Phòng hay Nội Vụ. |