Bộ Ngoại Giao Mỹ: Công an VN thô bạo, người vận động bị bắt, mất tích đáng nghi |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 09 Tháng 4 Năm 2011 19:00 |
'Áp lực của kẻ cầm quyền, nạn tham nhũng phổ biến và không hiệu quả đã làm lệch hệ thống tư pháp' WASHINGTON (NV) - Vào ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Khối 8406, một tổ chức đối lập đa thành phần ở Việt Nam được hưởng ứng rộng rãi, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 8 tháng 4 công bố bản phúc trình thường niên về nhân quyền trên thế giới. Riêng về phần phúc trình tình hình nhân quyền ở Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tố cáo trên 41 trang giấy rằng nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng đàn áp nhân quyền trong năm 2010. Bản phúc trình năm nay liệt kê ra nhiều trường hợp hơn để chứng minh có sự gia tăng đàn áp. Ngay ở phần đầu tóm tắt nội dung, bản phúc trình chứng minh rằng ít nhất có 25 người vận động chính trị bị bắt giữ, 14 người bị kết án tù trong các năm 2008, 2009 và 2010. Ðồng thời, bác bỏ kháng án của 10 người khác đã bị kêu án hồi cuối năm 2009. Bản phúc trình cáo buộc công an thường hành động thô bạo đối với nghi can khi bắt người hay cả khi giam giữ. Nhà tù thì thường rất hà khắc. Tuy tính chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát được cải thiện nhưng thành phần này nhiều khi hành động mà không sợ bị trừng phạt. Các cá nhân bị bắt giữ một cách độc đoán vì hoạt động chính trị thì bị từ chối quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng. Áp lực của kẻ cầm quyền, nạn tham nhũng phổ biến và không hiệu quả đã làm lệch hệ thống tư pháp. Bản phúc trình nhân quyền Việt Nam năm 2010 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu ra 9 trường hợp người dân bị công an đánh chết khi bị bắt giữ hoặc bắn chết khi đi biểu tình khiếu kiện đất đai. Hầu hết các vụ này đều được nhà nước cho chìm xuồng, chỉ có một vụ công an đánh chết thanh niên Nguyễn Văn Khương hồi tháng 7, 2010 ở Bắc Giang là bị kết án tù. Có nhiều vụ công dân, tu sĩ bị mất tích rất đáng hoài nghi. Tu sĩ Thích Trí Khải thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mất tích từ năm 2008 đến nay không ai biết tin tức. Phúc trình nói tuy luật lệ cấm cư xử thô bạo nhưng công an cảnh sát Việt Nam hành hung nghi can khi bắt giữ là rất phổ biến. Những sự việc như vậy xảy ra ở Hà Nội, Ðà Nẵng, Bắc Giang, Bình Phước, Ðắc Lắc, Ðiện Biên, Gia Lai, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Trà Vinh. “Có những bản tường trình rất đáng tin cậy cho biết công an sử dụng các tên ‘xã hội đen’ hay dân phòng để đánh đập, sách nhiễu những người vận động dân chủ hóa đất nước hoặc các người đấu tranh cho tự do tôn giáo bị vu cáo là ‘đe dọa an ninh quốc gia’ hay không được ưa chuộng.” Bản phúc trình viết. Bản phúc trình nói tuy luật qui định các người dân bị bắt giữ được phép tiếp cận luật sư từ khi bị bắt, tuy nhiên nhà cầm quyền dùng trì hoãn hành chánh để cản trở. Các trường hợp người dân bị vu cho các tội chính trị thì luật sư còn không thể tiếp cận thân chủ cho tới khi cuộc điều tra đã xong, sắp xử án. Nhiều khi các vụ việc này kéo dài đến 2 năm. Không có con số đích xác số lượng tù nhân chính trị nhưng cho đến cuối năm 2010 thì có hơn một trăm người đang bị giam giữ tù đày. Một số tổ chức quốc tế cho rằng con số này còn lớn hơn nhiều. Bản phúc trình liệt kê khá nhiều trường hợp từ những người bị cáo buộc liên quan đến Việt Tân như ông Phạm Minh Hoàng đến các người vận động công đoàn độc lập như Ðoàn Huy Chương, Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, một số người Thượng theo đạo Tin Lành, một số thành viên của đảng Dân Chủ, một số người theo đạo Tin Lành Mennonite, tín đồ Cao Ðài v.v... Những người này bị vu cho tội vi phạm các điều 79, 88 của Luật Hình Sự. Nhóm ông Luật Sư Lê Công Ðịnh, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim và Nguyễn Tiến Trung bị vu cho tội âm mưu lật đổ nhà cầm quyền cộng sản đã bị kết án với các bản án nặng nề, đặc biệt là Trần Huỳnh Duy Thức bị tới 16 năm tù. Nhiều tù nhân là các người bất đồng chính kiến, thành viên của các tổ chức đối lập như Khối 8406, Ðảng Dân Chủ, Ðảng Nhân Dân Hành Ðộng, Ðảng Dân Chủ Nhân Dân, Tổ chức Công Ðoàn Ðộc Lập, người gốc Khmer, v.v... Riêng Khối 8406 liệt kê 38 thành viên đang bị án tù. Mười người bị kết án ở Hà Nội và Hải Phòng chỉ vì kêu gọi chống tham nhũng, đa nguyên đa đảng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Khoảng 30 người vận động dân chủ bị bắt giữ trong các năm 2006-2007 tuy sau đó được thả nhưng vẫn bị quản chế và theo dõi mà không hề bị chính thức truy tố. Các tổ chức quốc tế ước lượng nhiều trăm người Thượng liên quan đến các vụ biểu tình đòi tự do tôn giáo và đòi đất canh tác truyền thống hồi năm 2004 hiện vẫn còn đang bị tù. Nhà cầm quyền cũng bắt giữ và bỏ tù nhiều người dùng Internet để bày tỏ ý kiến về nhân quyền, các chính sách của nhà nước và kêu gọi đa nguyên đa đảng. “Quyền tự do hội họp bị luật pháp giới hạn chặt chẽ. Các đảng phái chính trị đối lập bị cấm hoặc không dung thứ. Nhà cầm quyền cấm mọi tổ chức tư nhân hợp pháp và độc lập...” Phúc trình viết. Tuy Hiến Pháp công nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân nhưng một số cá nhân thì bị hạn chế. Một số người còn bị cấm ra nước ngoài như Nguyễn Khắc Toàn, Phạm Hồng Sơn (mới bị bắt), Lê Thị Kim Thu, Lê Trần Luật, Lê Quốc Quân (ông này hiện mới bị bắt). Bản phúc trình tố cáo chế độ Hà Nội cấm người dân tham gia và tổ chức các công đoàn độc lập. Bởi vậy, một số người vận động đã bị bắt giữ và bỏ tù. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng bị cấm. Cùng một ngày công bố bản phúc trình nhân quyền của Bộ Ngoại Giao, bốn dân biểu thuộc hai đảng Công Hòa và Dân Chủ đã đệ nạp tại hạ Viện dự luật giới hạn các khoản viện trợ cho Việt Nam nếu nước này không cải thiện nhân quyền. Ngày 9 tháng 4, 2011, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội, cũng giống như tất cả những lần bị đả kích vi phạm nhân quyền trước đây, lên tiếng phủ nhận tất cả. Bà Nguyễn Phương Nga nói rằng: “Ðáng tiếc là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Giao Anh, Phái Ðoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam và một vài tổ chức đã có những nhận xét thiếu khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch, không phản ánh chính xác tình hình và có những ý kiến can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.”
|