Home Tin Tức Thời Sự Ý rất khó xử trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi

Ý rất khó xử trước làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi PDF Print E-mail
Tác Giả: Huê Đăng / Trọng Thành   
Thứ Bảy, 09 Tháng 4 Năm 2011 09:06

Về mặt địa dư mà nói thì Ý là điểm tiếp cận gần nhất của các làn sóng vượt biển từ Bắc Phi.

  Kể từ khi phong trào dân chủ được phát động khắp các nước Bắc Phi, nhất là khi cuộc nội chiến bùng nổ tại Libya, các dòng thuyền nhân nhập cư trái phép càng lúc càng đông vào châu Âu, qua ngả nước Ý đã trở thành một vấn đề bức bối đối với Liên Hiệp Châu Âu.

 Câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Ý rất lúng túng trước làn sóng thuyền nhân nhập cư trái phép vào nước này?

281 người trên con tàu này từ Bắc Phi đến Malta tỵ nạn, 29/3/2011.
REUTERS/Darrin Zammit Lupi

Chúng ta biết rằng, ngay từ giữa tháng 2/2011 vừa qua, bất lực trước làn sóng nhập cư từ Tunisia, Ý đã phải kêu gọi sự trợ giúp của Liên Hiệp Châu Âu, trong việc kiểm soát biên giới biển và trợ giúp nhân đạo.

Tuy nhiên, với ngân sách 90 triệu euro/năm, Fortex -lực lượng tuần tra biên giới châu Âu, trên thực tế không đủ sức đảm đương được nhiệm vụ này.

 Xin nhắc lại là, trong quá khứ, các chế độ độc tài Bắc Phi đã là một nhân tố quan trọng, ngăn chặn khả năng di cư ồ ạt từ châu Phi vào châu Âu.

 Hiện giờ bối cảnh « thuận lợi » này không còn nữa.

Trở ngại căn bản trong vấn đề kiểm soát nhập cư từ đầu năm đến nay là sự bất lực của châu Âu trong việc xây dựng một chính sách nhập cư và tị nạn mới, trong bối cảnh có thay đổi lớn tại Bắc Phi.

 Ngày 11/4 tới, tại Luxembourg, một cuộc họp của các bộ trưởng Nội vụ châu Âu sẽ diễn ra để bàn về cách thức tiến hành một biện pháp đặc biệt, mang tên « bảo trợ có thời hạn », nhằm hỗ trợ những người tỵ nạn chiến tranh chạy khỏi Libya, bên cạnh đó là việc phối hợp với Tunisia, nhằm hồi hương những người di cư bất hợp pháp.

Ủy viên Nội vụ châu Âu đặc trách về nhập cư, Cecilia Malmström, cũng hy vọng vào tháng Sáu tới, sẽ công bố một loạt biện pháp mang tính dài hạn, cho phép các nước châu Âu có thể phối hợp được với các nước láng giềng phía nam Địa Trung Hải trong việc giải quyết các vấn đề nhập cư, đi lại và an ninh.

Trước mắt, vấn nạn nhập cư trái phép vào Ý không hề dễ giải quyết. Sau đây, xin mời quý vị theo dõi tường trình và phân tích của thông tín viên Huê Đăng từ Roma.

RFI : Trong thời gian gần đây đã xẩy ra hiện tượng thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp lên lãnh thổ Ý. Vì sao mà có hiện tượng này ?

Huê Đăng : Trước khi đi vào phân tích hiện thượng thuyền nhân từ Bắc Phi đang ồ ạt vượt biển Địa Trung Hải nhập cư bất hợp pháp lên các đảo cực nam của Ý, với những hệ lụy về chính trị xã hội, đẻ ra những căng thẳng ngoại giao giữa các nước châu Âu, tôi phải thông báo thêm một tin tức thê thảm là ngày hôm kia, tức ngày 06/04/2011 vừa qua đã xẩy ra một vụ đắm tàu của các thuyền nhân, cách đảo Lampedusa, tức là đảo cực nam của Ý khoảng 39 dặm.

 Nguyên nhân là do thời tiết quá xấu, nên trong khi các lực lượng hải quân biên phòng của Ý đang khẩn trương tìm cách di chuyển toàn bộ các thuyền nhân lên các tàu của hải quân Ý, thì chiếc thuyền của các thuyền nhân bị sóng đánh lật nhào, kết quả là có đến hơn 200 người mất tích. Chỉ có 50 người được tàu hải quân Ý cứu vớt. Đây là vụ đắm tàu của thuyền nhân lớn nhất xẩy ra trên biển Địa Trung Hải, kể từ khi có hiện tượng vượt biển nhập cư trái phép vào đất Ý.

Về mặt địa dư mà nói thì Ý là điểm tiếp cận gần nhất của các làn sóng vượt biển từ Bắc Phi. Không phải chỉ có người dân ở các quốc gia nằm ven biển Bắc Phi như Tunisia hay Libya, mà còn có cả những người đến từ các vùng sa mạc Shahara, các vùng đất xa hàng ngàn cây số, thậm chí có những người đến từ các vùng Trung Á .. Họ lặn lội theo gót các tổ chức vượt biển ... để đến Bắc Phi để rồi lên tàu tìm cách thâm nhập vào các đảo cực nam của Ý.

Kể từ khi có hiệp định Schengen, thì Ý lại trở thành cửa khẩu để những người vượt biển có thể nhập cư bất hợp pháp vào các nước châu Âu, bởi vì khi đã đặt chân lên được lãnh thổ Ý, thì họ có thể tự do đi qua biên giới để đến các quốc gia khác trên lục địa châu Âu. Vấn đề thuyền nhân từ các vùng biển ở Bắc Phi vượt biển Địa Trung Hải lên các đảo cực nam của Ý, mà nổi tiếng nhất là đảo Lampedusa, là một hiện tượng đã có từ mấy năm nay.

Dĩ nhiên trong vai trò “cửa khẩu” bất đắc dĩ, Ý cũng đã phải đối đầu với vấn đề nhập cư bất hợp pháp và gánh chịu những hệ lụy về mặt chính trị xã hội trong nước.

Bằng cớ là trong những ngày qua, với làn sóng người nhập cư bất hợp pháp lên đảo Lampedusa, chính quyền địa phương của đảo đã phải lên tiếng báo động về tình trạng “quá tải” với con số có khi lên đến gần 7.000 thuyền nhân có mặt trên đảo trong khi con số người dân sống trên đảo chỉ đến trên dưới 5.000 người. Tình trạng này đã gây ra những căng thẳng trong dân chúng cư ngụ trên đảo ... và chính phủ Ý đã phải tìm cách thuyết phục các chính quyền địa phương của các vùng khác ở Ý, ra kế hoạch di tản những thuyền nhân đến các vùng này, để giảm gánh nặng và căng thẳng trên đảo Lampedusa.

RFI : Vấn đề thuyền nhân không phải chỉ là vấn đề của riêng nước Ý. Vì sao chính quyền Roma không mạnh tay ngăn chận được làn sóng nhập cư hay cưỡng bức hồi hương như ở một số nước khác ở châu Âu ?

Huê Đăng : Đúng như vậy, thực ra thì nhiều năm nay, các chính phủ Ý đều đã nhiều lần lên tiếng báo động vấn đề thuyền nhân nhập cư lên các đảo cực nam của Ý, và cũng đã đánh giá rằng vấn đề thuyền nhân không phải chỉ là vấn đề riêng của Ý, mà là vấn đề chung của cả châu Âu, và từ đó chính phủ Ý cũng đã rất nhiều lần kêu gọi sự cộng tác của các quốc gia châu Âu để tìm ra phương hướng đối phó một cách toàn vẹn vấn đề thuyền nhân.

 Nhưng rất tiếc là trên thực tế, cho đến nay ngoài những tuyên bố mang màu sắc “trà dư tửu hậu” của các chính phủ châu Âu, và của cả luôn Hội Đồng Châu Âu, nước Ý gần như hoàn toàn “mồ côi” trong quá trình tìm cách giải quyết vấn đề này.

Bỏ qua một bên một số luận điệu kỳ thị mỵ dân để kiếm phiếu của một số đảng pháp cực hữu hay bảo thủ, tỉ dụ như đảng Liên Đoàn Phương Bắc, hay các đảng cựu phát xít, so với quốc gia châu Âu khác, nhà cầm quyền Ý đã có những hành xử mềm dẻo hơn đối với vấn đề thuyền nhân, hiện tượng cưỡng bức hồi hương thực ra cũng chỉ được áp dụng rất giới hạn, phần lớn còn lại là cho vào các khu tập trung .... để rồi ... trước sau gì các thuyền nhân cũng có cơ hội bỏ trốn.

Có nhiều nguyên nhân để hiểu vì sao mà Ý lại “mềm dẻo” hơn các quốc gia châu Âu khác.

Trước hết là, Ý chịu ảnh hưởng rất lớn của Toà Thánh Vatican, mà Toà Thánh thì trong vấn đề thuyền nhân lúc nào cũng kêu gọi lòng nhân từ bác ái, dù rằng cái giá phải trả cho cái thiện mỹ nhân từ bác ái đó, thì chỉ có chính phủ Ý phải trả .. chứ còn Toà Thánh chẳng muốn xen vào chuyện “nội bộ” của nước Ý.

Bên cạnh các lực lượng chính trị công giáo chịu ảnh hưởng Vatican, Ý lại còn có cả một lực lượng chính trị “cánh tả”, với các đảng tả, cực tả, các phong trào xã hội dân sự “cấp tiến” ... đều là những lực lượng chính trị xã hội không chấp nhận chính sách trấn áp thuyền nhân hay cưỡng bức hồi hương.

Ngoài hai lực lượng chính trị xã hội “đối cực” với nhau như đã nói, thì Ý lại có thêm một lực lượng chính trị xã hội khác, hoàn toàn nằm trong quỹ đạo “xã hội đen” ... đó là các băng đảng Mafia ... cũng rất muốn “mềm dẻo” với thuyền nhân ... bởi vì chính các thuyền nhân này, những con người sống trong tuyệt vọng, sống bên lề xã hội, không giấy tờ, không có gì để mất mát ... lại chính là những lực lượng lao động tốt nhất để các băng đảng Mafia dễ dàng xung công vào những hoạt động xã hội đen như buôn lậu vũ khí, ma tuý, đĩ điếm, trấn lột, ám sát ...

Đó là chưa nói đến giới doanh nhân của các cơ sở sản xuất nhỏ ở các khu vực công nghệ bắc Ý: hiện nay Ý đang thiếu lao động không chuyên nghiệp và người nhập cư là một trong những nguồn giải quyết vấn đề thiếu lao động.

Nhưng nếu người lao động là một thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp ... thì chỉ còn có cách đi làm lậu không giấy tờ, và trong trường hợp đó giới doanh nhân lại có lợi là vừa trả lương thấp lại không trả thuế lao động, không đóng bảo hiểm ... và nhất là có thể gây áp lực bất cứ lúc nào lên người nhập cư bất hợp pháp để họ phải lao động theo vận tốc ... mà một người lao động chính thức sẽ không bao giờ chấp nhận.

Tất cả những yếu tố, tốt có, xấu có, nói trên ... đã quyện vào nhau khiến cho vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp lại càng thêm khó giải quyết.

RFI : Hiện nay đang có căng thẳng giữa hai chính phủ Ý và Pháp về vấn đề thuyền nhân, xin anh cho biết cụ thể như thế nào ?

Huê Đăng :Tính đến nay, kể từ khi nổ ra các cuộc cách mạng Hoa Lài ở Bắc Phi, hoạt động kiểm soát biên giới lỏng lẻo, theo báo chí đã có hơn 25.000 thuyền nhân đã nhập cư trái phép lên lãnh thổ Ý.

Ngày 07/04, sau chuyến công du của thủ tướng Berlusconi ở Tunisia, sau hơn 12 tiếng đồng hồ thương thuyết “no-stop” giữa hai phái đoàn của bộ Nội vụ Ý và Tunisia để tìm cách giải quyết vấn đề vượt biển, chính phủ Ý một mặt sẽ áp dụng cưỡng bức hồi hương, mặt khác đã ra sắc lệnh cấp giấy cư trú tạm thời cho những thuyền nhân nào đặt chân lên nước Ý trước ngày 05/04/2011. Giấy tạm trú này sẽ có giới hạn trong 6 tháng. Nếu sau 6 tháng, thuyền nhân không ổn định được vấn đến nhập cư ... thì họ sẽ bị trục xuất.

Công luận hiểu ngay rằng quyết định cấp giấy cư trú tạm thời nói trên chỉ là một cách để Ý gây áp lực lên châu Âu, với hy vọng ép châu Âu phải ra tay cộng tác với Ý, trong phương hướng tìm cách giải quyết vấn đề thuyền nhân. Vì với hiệp định Schengen và với giấy tạm trú trong tay, chắc chắn phần lớn những người nhập cư trái phép này sẽ được “trải rộng” ra khắp các nước châu Âu ... và do đó Ý sẽ giảm bớt được căng thẳng trong công luận Ý.

Trước viển ảnh nhìn thấy người nhập cư bất hợp pháp từ các đảo cực nam của Ý tiến tới cửa biên giới của các nước châu Âu ... thì các chính phủ châu Âu bắt buộc phải có thái độ. Và phản ứng đầu tiên là đến từ bộ Nội vụ Pháp, với một sắc lệnh không cho phép các thuyền nhân nói trên có giấy tạm trú của Ý được đặt chân lên lãnh thổ của Pháp ... dù rằng đã có hiệp định Schengen.

Cũng không mấy khó hiểu, vì sao mà chính phủ Sarkozy lại có phản ứng cứng rắn như thế để gây căng thẳng với Ý: bởi vì gần như toàn bộ thuyền nhân đến phần lớn từ Tuinisia đều có mục đích duy nhất là đến Pháp, nơi mà rất nhiều thuyền nhân có bè bạn hay thân nhân đã định cư ở đấy. Ý chỉ là “cửa khẩu” để đi qua, chứ thực ra chẳng có mấy thuyền nhân muốn định cư ở Ý.

Thực ra tỉ dụ như đa số thuyền nhân là người Thổ Nhỉ Kỳ, thì chắc chính phủ Đức cũng sẽ hành xử không khác vì chính phủ Pháp, bởi vì ở Đức cộng đồng người Thổ rất lớn và họ cũng sẽ tìm cách đến Đức mà thôi.

RFI : Xin anh cho biết những diễn biến mới đây ?

Huê Đăng : Theo tin tức cập nhật được cho đến chiều hôm qua thì tạm thời căng thẳng giữa hai nước Ý và Pháp có phần hơi thuyên giảm. Sau cuộc gặp gỡ giữa hai bộ trưởng Nội vụ, trước mắt cả hai nước sẽ ra chung một kế hoạch để cùng nhau kiểm soát các tuyến đường vượt biển.

Về mặt quốc tế, các đại sứ của các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đã có một buổi gặp gỡ để chuẩn bị cho cuộc hội thảo giữa các bộ trưởng bộ Nội vụ của 27 quốc gia thành viên, sẽ được tổ chức vào ngày thứ hai 11/04 tới đây tại Luxembourg. Theo tin báo chí thì phía chính phủ Ý sẽ đưa ra yêu cầu châu Âu phải cung cấp thêm tài trợ cho Roma để có thể đối ứng lại các vấn đề thuyền nhân nhập cư lên lãnh thổ Ý.

Nhưng yêu cầu quan trọng nhất mà Ý sẽ đưa ra là việc "phân chia" con số thuyền nhân ra khắp 27 quốc gia châu Âu. Đây là vấn đề cốt lõi của cuộc họp. Theo nhận xét của các quan sát viên quốc tế, cho đến nay, chưa ai thấy ở Liên Hiệp Châu Âu có một đa số đồng thuận để thông qua yêu cầu của Ý.

 Đến nay chỉ có Malta, Tây Ban Nha và Hy Lạp là ủng hộ ý kiến này, còn lại tất cả các quốc gia châu Âu khác, nhất là các quốc gia ở phía bắc châu Âu, và nhất là Pháp, vẫn có thái độ không tán thành, các quốc gia này đưa ra nhận xét rằng họ chỉ muốn nhận người tị nạn chính trị chứ không nhận những người di dân vì lý do kinh tế. Nhưng trên thực tế, trước hàng chục ngàn con người vượt biển đến từ đủ các quốc gia vừa nghèo đói, vừa có chiến tranh, thêm tai họa diệt chủng, lại thiếu dân chủ thì làm thế nào để phân biệt ai là tị nạn chính trị, ai là di dân kinh tế. Thực chất phân chia thuyền nhân như thế chẳng khác nào bảo, ra cửa sông mà chia nước ngọt ra một bên, nước biển ra một bên.

Có thêm một nhận xét nữa là các căng thẳng hiện nay trên sân khấu chính trị châu Âu trước hiện trạng thuyền nhân cũng đang gây ra những hệ lụy khó xử cho nội bộ chính phủ Ý, bởi vì hiện nay, trong phe đa số của chính phủ có cái đảng gọi là đảng Liên Đoàn Phương Bắc, tiếng Ý gọi là "Lega Nord".

Đây là một đảng có khuynh hướng bài ngoại và mỵ dân. Xưa nay, một trong những bửu bối chính để kiếm phiếu của đảng này là những chính sách bài ngoại tẩy chay người nước ngoài và thỉnh thoảng đảng này lại có những tuyên bố chống châu Âu.

Trước vấn đề thuyền nhân, và nhất là khi chính phủ Ý đưa ra quyết định cấp giấy tạm trú 6 tháng cho các thuyền nhân và đặc biệt là trong vụ này ông bộ trưởng Nội vụ lại là người của đảng Liên Đoàn phương Bắc, đảng này đang có những thái độ không khác chi với những thái độ của Pháp và của các nước Bắc Âu. Và điều này càng gây thêm khó khăn cho chính phủ Ý trong những buổi hội thảo hoà đàm quốc tế để giải quyết vấn đề thuyền nhân. Đúng là chính phủ Ý đang trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, thù trong giặc ngoài.

RFI : Xin chân thành cảm ơn anh Huê Đăng.