Chính quyền Mỹ có nguy cơ bị tê liệt, vì không có ngân sách |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Sáu, 08 Tháng 4 Năm 2011 10:16 |
Sáu tháng sau khi tài khóa đã bắt đầu, chính quyền Liên bang Hoa Kỳ vẫn chưa có ngân sách. Ba lần họp riêng trong vòng 24 tiếng đồng hồ từ tối 06/04/2011 giữa Tổng thống Barack Obama với lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hoà để tìm giải pháp vẫn chưa mang lại kết quả. Nếu không có thoả thuận thì đêm 08/04, rạng ngày 09/04, Chính quyền Mỹ sẽ phải ngưng một số hoạt động và nhiều công chức được yêu cầu ở nhà vì không có lương. Tổng thống Obama nói chuyện về cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện John Boehner và người đứng đầu của phe đa số tại Thượng Viện Harry Reid, để tìm cách tháo gỡ bất đồng ngân sách, Washington, 7/4/2011. Từ California (Hoa Kỳ), chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích nguyên nhân dẫn đến một tình trạng đã nhiều lần diễn ra tại Mỹ, nhưng lại được các nước khác thấy là bất thường. Trả lời câu hỏi của RFI, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa trước hết phân tích bối cảnh của cuộc khủng hoảng, mà anh cho là chỉ bắt nguồn từ cuộc đọ sức triền miên giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Nguyễn Xuân Nghĩa : - Đây là một trận đấu võ của chính trường Mỹ mà giải thưởng là cuộc bầu cử vào tháng 11 năm tới. Muốn thấy được sự phức tạp và ly kỳ của trận đấu, ta cần phải hiểu luật chơi, sân chơi và hai phe giao đấu về những gì. Hiện tại, chỉ có 18% dân Mỹ tín nhiệm Quốc hội của họ, một tỷ lệ thấp nhất kể từ mấy chục năm nay, khi viện Gallup bắt đầu khảo sát dân ý! - Thứ nhất về luật chơi thì Hiến pháp Mỹ quy định rằng Hạ viện Mỹ gồm 435 dân biểu, có trách nhiệm về việc chi thu của quốc gia. Hàng năm, Hạ viện phải biểu quyết dự luật ngân sách, rồi chuyển qua Thượng viện cho 100 nghị sĩ xem xét, bổ sung và kết hợp thành ngân sách quốc gia để Tổng thống ban hành. Tổng thống có thể dùng quyền phủ quyết bác bỏ, khi đó, Quốc hội phải điều chỉnh hoặc vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống, nếu có hơn hai phần ba số phiếu. Lý do khiến Hạ viện giữ tay hòm chìa khóa cho cả quốc gia, vì các dân biểu được từng quận hạt địa phương bầu lên, cứ hai năm một lần, nên phản ảnh rõ nhất ý muốn của người dân ở dưới, theo lối dân chủ trực tiếp nhất. Trong khi Tổng thống được bầu cho bốn năm và các nghị sĩ đại diện cho từng tiểu bang được bầu lên mỗi sáu năm. - Thứ hai, ngân sách hàng năm của Mỹ khởi sự từ mùng một tháng 10 và kết thúc ngày 30 tháng Chín của năm sau, nghĩa là dự luật ngân sách đang gây tranh luận ngày nay đã khởi sự từ hơn sáu tháng trước, mà đến nay vẫn chưa được thông qua ! RFI : Anh vừa nói là chính quyền Hoa Kỳ đã hoạt động trong hơn sáu tháng mà chưa có ngân sách ! Vì sao lại như vậy ? Nguyễn Xuân Nghĩa : - Vẫn nói về luật chơi hay luật pháp, hàng năm trễ nhất vào khoảng mùa Thu là Quốc hội phải biểu quyết ngân sách để Tổng thống ban hành trước ngày mùng một tháng 10. Như tuần qua, Hạ viện khóa 112 trong tay đảng Cộng Hoà đã công bố dự luật tài chính cho tài khóa 2012 để mọi người thảo luận mặc dù vẫn chưa có ngân sách năm nay, - Lý do chưa có ngân sách là vì năm ngoái, Hạ viện khóa 111 trong tay đảng Dân Chủ, vốn được bầu lên từ cuối năm 2008, không làm việc đó, vì sợ cử tri phật ý với các khoản tăng chi quá mạnh mà sẽ trừng phạt trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2011. Cho nên dù có đa số rất lớn tại cả hai viện, đảng Dân Chủ lờ hẳn việc này với chủ đích là sẽ để Quốc hội khóa 112 giải quyết. Trách nhiệm đầu tiên nằm tại Hạ viện Dân chủ, Chủ tịch khi đó là Dân biểu Nancy Pelosi. RFI : Nhưng khi ấy, làm sao Chính quyền giải quyết việc chi tiêu quốc gia? Nguyễn Xuân Nghĩa : - Người ta thông qua một biện pháp tạm hay stop-gap, nhằm du di một số chuẩn chi của ngân sách năm trước cho năm nay, trong khi chờ đợi có ngân sách mới thì sẽ điều chỉnh. Trước sau đã có sáu lần cho phép tạm chi như vậy rồi. Hôm Thứ Năm, Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà biểu quyết một chương trình tạm chi khác cho đến ngày 15 này mà bên đảng Dân Chủ lại không chịu và Tổng thống Obama còn dọa là sẽ phủ quyết vì đòi ăn thua đủ. RFI : Luật chơi là như vậy, còn sân chơi là gì ? Nguyễn Xuân Nghĩa : - Trong cuộc bầu cử năm ngoái, cử tri Mỹ bất mãn vì nạn bội chi ngân sách và vay mượn tới mức chưa từng thấy của Quốc hội khóa 111 nên dồn phiếu cho đảng Cộng Hoà chiếm đa số tại Hạ viện hiện nay với 241 dân biểu trước 192 dân biểu Dân Chủ. Nhưng tại Thượng viện vì chỉ bầu có một phần ba số nghị sĩ, đảng Cộng hoà chiếm thêm sáu ghế vẫn chưa đủ đa số. Cho nên ta có tình trạng éo le là Hạ viện trong tay Cộng Hoà, Thượng viện trong tay Dân Chủ và Tổng thống Obama bên đảng Dân Chủ sẽ ra tái tranh cử vào năm tới. Ách tắc trên sân chơi là như vậy, vì đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát được Hành Pháp và Thượng viện. RFI: Chúng ta bước qua phần thứ ba là đôi bên giao đấu về những vấn đề gì ? Nguyễn Xuân Nghĩa : - Chúng ta không quên rằng trận đấu này nhắm vào cuộc bầu cử năm tới, căn cứ trên kết quả bầu cử năm ngoái. - Đảng Cộng Hoà tin rằng cử tri bầu cho mình để quyết liệt cắt giảm bội chi ngân sách trong khi đảng Dân Chủ chiếm đa số trong hai khóa liền thì cho là mình đã đạt một số thành quả về xã hội nên dù nói là nên giảm chi nhưng không đồng ý về số lượng và đối tượng bi cắt giảm, là giảm ở mục nào. Sau nhiều tháng tranh đấu, khác biệt thu gọn vào con số giảm chi bên Cộng Hoà là 61 tỷ và bên Dân Chủ là 33 tỷ. Tuần qua, bên Cộng Hoà nhượng bộ là sẽ giảm 40 tỷ, tức là sai biệt chỉ còn là bảy tỷ cho một ngân sách là hơn 3.460 tỷ, tức là rất nhỏ. RFI: Nếu chỉ khác nhau có bảy tỷ thì vì sao lại không dàn xếp được ? Nguyễn Xuân Nghĩa : - Thứ nhất, dù là ngân sách gần bốn ngàn tỷ, khả năng quyết định của Quốc hội bị giới hạn vào khoảng 20% mà thôi, vì những khoản chi gọi là bắt buộc. - Còn lại thì số rất nhỏ này thật ra phản ảnh tính toán lớn vì phe Cộng Hoà nhắm vào các lĩnh vực coi như thành tích của đảng Dân Chủ. Đó là giảm ngân sách của cơ quan bảo vệ môi sinh, của chương trình kế hoạch hóa gia đình vì họ cho là một hình thức khuyến khích phá thai và quan trọng nhất là, làm tê liệt đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế mà ông Obama coi là một chiến công của mình. Chìm sâu bên dưới là họ muốn cho thấy ý chí tiến tới quân bình ngân sách. - Trong khi ấy, đảng Dân Chủ và cả ông Obama thì muốn chứng minh với cử tri rằng đảng Cộng Hoà cực đoan nên làm chính quyền tê liệt. Trường hợp đó xảy ra hai lần vào năm 1995 khiến Tổng thống Bill Clinton tái đắc cử năm 1996, vì cử tri cho rằng đảng Cộng Hoà quá quắt. - Thật ra, lần đó là cuộc tranh luận về ngân sách do đảng Cộng Hoà có trách nhiệm, vì giữ đa số sau cuộc bầu cử năm 1994. Lần này có khác, vì là tranh luận về ngân sách của năm ngoái khi đảng Dân Chủ đang nắm Quốc hội, nhưng nhiều người Mỹ chưa chắc đã nhớ ra điều ấy. RFI : Nếu mai này mà đôi bên không thỏa thuận được thì Chính quyền Liên bang sẽ bị đóng, điều ấy có nghĩa là gì một cách cụ thể ? Nguyễn Xuân Nghĩa : - Theo luật lệ, các sinh hoạt gọi là cần thiết vẫn phải được bộ máy liên bang đảm bảo, cụ thể là an ninh, trật tự công cộng và dịch vụ xã hội cần yếu. Còn một số sinh hoạt gọi là "không cần thiết" thì sẽ ngưng hoạt động, khiến 800 ngàn trong số ba triệu công chức liên bang sẽ được yêu cầu ở nhà cho tới khi chính phủ có tiền trả lương! - Đảng Dân Chủ khéo nêu một số hậu quả tiêu cực để dọa dân chúng và quy tội cho đảng Cộng Hoà, và như thông lệ bên Cộng Hoà thì dám làm mà không khéo trình bày nên sẽ lại bị oán. Chứ cụ thể công chức lo trả tiền an sinh xã hội cho dân chúng vẫn đi làm, quân đội, cảnh sát, kiểm soát không lưu cho máy bay lên xuống hay nhân viên bưu điện thì vẫn lo nhiệm vụ và có lương. - Một số bất lợi là: sở thuế liên bang sẽ ngưng làm việc khi hạn kỳ trả thuế trễ nhất là vào ngày 15 tới đây. Vì chế độ khấu lưu tiền thuế từ gốc, dân Mỹ có thể đóng thuế nhiều hơn số nợ nên vào mùa này lại nhận được tiền bồi hoàn. Nếu nhân viên thuế vụ phải nghỉ và dân không khai thuế bằng internet thì sẽ chậm nhận tiền bồi hoàn. Ngoài ra, các công viên hay viện bảo tàng cũng sẽ không có nhân viên, nên du khách mất chỗ đi chơi. Nói chung thì có một số bất lợi, nhưng không phải vì vậy mà nước Mỹ bị hoàn toàn tê liệt đâu. - Để kết luận thì trong trận đấu này, quan trọng chính là ấn tượng hơn thực chất. - Đảng Dân Chủ thường khéo tuyên truyền hơn đảng Cộng Hoà và Tổng thống Obama có cơ hội chứng tỏ sự biết điều nên muốn dung hoà quan điểm của lãnh tụ Dân Chủ tại Thượng viện với Chủ tịch Hạ viện bên Cộng Hoà. Ông ta là người có lợi nếu như Chính quyền bị đóng cửa, trừ phi đảng Cộng Hoà chứng minh được rằng chính Tổng thống mới là người chịu trách nhiệm. Đây là điều hơi khó. - Đảng Cộng Hoà bị sức ép khá mạnh từ bên trong là phải giảm chi, dù có khiến Chính quyền bị đóng. Bản thân tôi thì cho rằng phe Cộng Hoà lại mắc bẫy nữa, vì nếu nhượng bộ để Chính quyền khỏi bị đóng thì nội bộ sẽ bị xé làm hai. Mà nếu làm Chính quyền bị đóng, thì giải thích cho rành rẽ lại không là sở trường của đảng này, chưa nói đến xu hướng thiên tả của đa số các phương tiện truyền thông sẽ trình bày sự việc sai khác đi.
|