Home Tin Tức Thời Sự Phiến quân Libya không chấp nhận quá khích

Phiến quân Libya không chấp nhận quá khích PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Hai, 04 Tháng 4 Năm 2011 15:31

Lực lượng nổi dậy, gồm cả các đơn vị quân đội ly khai và thành phần dân sự võ trang  

BENGHAZI, Libya (AP) - Một nhân vật lãnh đạo cao cấp phe nổi dậy Libya hôm Chủ Nhật cho hay họ muốn thành lập một chế độ dân chủ đa nguyên để thay thế Tổng Thống Moammar Gadhafi hiện nay.

 Lời tuyên bố này như trả lời sự lo ngại ở các nước Tây Phương rằng phong trào này có thể bị thành phần Hồi Giáo quá khích chiếm đoạt.

“Người dân Libya nói chung - và tôi cũng ở trong số này - muốn có một nền dân chủ, chứ không muốn độc tài, không theo tinh thần bộ tộc và cũng không dựa trên bạo động hay khủng bố,” theo lời Abdel-Hafidh Ghoga, phó chủ tịch Hội Ðồng Lâm Thời Quốc Gia (National Provisional Council), trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên AP.

 

 Abdel-Hafidh Ghoga, phó chủ tịch Hội Ðồng Lâm Thời Quốc Gia (National Provisional Council), trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên AP tại Benghazi, Libya hôm Chủ Nhật. (Hình: AP Photo/ Nasser Nasser)

 Phong trào này đang gặp sự nghi ngờ của các quốc gia Tây Phương về nhân sự và mục tiêu của họ, dù rằng vẫn tiếp tục trợ giúp qua các cuộc không tập nhắm vào lực lượng Gadhafi.

Cho đến nay, các cuộc oanh tạc không đủ sức để cho các tay súng nổi dậy thế thượng phong đối với lực lượng quân sự được huấn luyện kỹ càng và hỏa lực hùng hậu của Gadhafi, và các giới chức Tây Phương hiện đang tranh luận về khả năng cung cấp võ khí cho phía nổi dậy.

Ngoại trưởng Anh, ông William Hague, hôm Chủ Nhật nói rằng quốc gia ông sẽ không võ trang cho phía nổi dậy hay gửi quân đến Libya, trong những lời phát biểu cho thấy có sự mù mờ trong các chính phủ ngoại quốc về nguồn gốc của phong trào nổi dậy.

“Chúng tôi đi đến quyết định là không trang bị võ khí cho thành phần nổi dậy, thành phần đối lập, thành phần thân dân chủ - hay bất cứ danh từ gì dùng để gọi họ,” ông Hague nói với đài BBC.

Trong khi xác nhận sự quan trọng của Hồi Giáo trong xã hội Libya, ông Ghoga nhấn mạnh rằng “không có chỗ cho một Quốc Gia Hồi Giáo ở Libya.”

“Liệu chúng tôi có chấp nhận một chính phủ quá khích không? Không bao giờ,” ông nói.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận chủ nghĩa cực đoan, khủng bố hay độc tài. Chúng tôi muốn có một quốc gia dân chủ dựa trên hệ thống đa đảng, chuyển giao quyền hành một cách ôn hòa, có sự phân quyền, và cho Libya, có ngay từ đầu, một bản hiến pháp,” ông cho hay.

Các cuộc giao tranh hôm Chủ Nhật tập trung quanh thành phố dầu hỏa chiến lược Brega, nơi từng có sự chiếm đi chiếm lại trong cuộc chiến mấy tuần qua dọc theo vùng duyên hải phía Ðông Libya.

Phía nổi dậy, có sự hỗ trợ của phi cơ, chiếm lại từng phần ở nơi này. Họ bắn hỏa tiễn từ các giàn phóng đặt trên xe vận tải, sau đó di chuyển đi nơi khác để tránh phản pháo từ phía quân đội Gadhafi, một điều cho thấy nay có sự cải thiện về chiến thuật và huấn luyện.

Hội đồng lâm thời, đặt cơ sở tại thủ đô tạm thời của phía nổi dậy tại Benghazi, được thành lập để đại diện phía đối lập trong các thành phố ở phía Ðông Libya nổi lên giành quyền kiểm soát hồi tháng qua.

Lực lượng nổi dậy, gồm cả các đơn vị quân đội ly khai và thành phần dân sự võ trang, từ đó đến nay chiếm giữ phần lớn khu duyên hải phía Ðông của Libya nhưng không đủ sức tiến về phía Tây trước hỏa lực hùng hậu của chính quyền Tripoli.

Ngay thành phố Benghazi cũng đã có nguy cơ rơi vào tay quân của Gadhafi nếu Liên Hiệp Quốc không thông qua nghị quyết cho phép thành lập vùng cấm bay và mở ra các cuộc không tập khởi sự từ hôm 19 tháng 3.

Ông Ghoga nói rằng phía nổi dậy trông đợi vào nhiều yếu tố để buộc Gadhafi phải rời khỏi chính quyền: sự cô lập ngày càng gia tăng, hỗ trợ quân sự quốc tế, có thêm ly khai từ phía thành phần thân Gadhafi và sự tiến bộ về khả năng của lực lượng quân sự phía nổi dậy.