Mỹ nghiên cứu phối hợp Không-Hải Lực để đối phó với Trung Quốc |
Tác Giả: Đoàn Hưng Quốc tóm lược |
Thứ Hai, 04 Tháng 4 Năm 2011 08:47 |
Thái Bình Dương đã thế chỗ cho Âu Châu thành nơi chạy đua quân sự và thế lực giữa hai siêu cường Mỹ-Hoa vào thế kỷ thứ 21.
Bộ Quốc Phòng Mỹ đang nghiên cứu một chương trình phối hợp chặt chẽ không-hải lực để đối phó với sức mạnh quân sự nhảy vọt của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Chiến lược này có tầm quan trọng ngang hàng với kế hoạch tổng hợp không-lục quân tại Âu Châu nhằm ngăn chận quân đội Xô Viết vào thế kỷ 20, và sẽ khai triển nhiều hệ thống vũ khí để đối đầu với từng mũi nhọn từ phía Hoa Lục: - Không quân đảm trách các vũ khí không gian – phát xuất từ loại phi thuyền con thoi thử nghiệm X-37B – nhằm triệt tiêu các vệ tinh theo dõi tàu chiến cũa Mỹ. - Các phi cơ thám thính, phối hợp và chỉ huy (E-8 Joint STARS) của không quân sẽ định vị và hướng dẫn loại chiến đấu cơ F/A-18E/F của hải quân tấn công tàu chiến đối phương bằng vũ khí không-đối-hải AGM-154C. - Khu trục hạm trang bị hệ thống phòng không Aegis sẽ bảo vệ các căn cứ tiền phương tại Nhật, Nam Hàn, đảo Guam trong trường hợp bị tấn công bằng hoả tiễn. - Ngược lại, các phi đạn tầm xa sẽ nhắm vào những trạm radar, trung tâm liên lạc và căn cứ không hải quân trên đất liền. Cùng lúc đó tàu ngầm trang bị hoả tiễn đánh phá hệ thống phòng không để mở đường cho các cuộc tập kích của không quân. Một điều đáng ghi nhận là Bộ Quốc Phòng Mỹ trong quá khứ có khuynh hướng thổi phồng sức mạnh của quân đội Xô Viết vào thời chiến tranh lạnh, thì trong những năm gần đây chủ quan đánh giá thấp khả năng quân sự của Trung Quốc nên đã vấp phải nhiều bất ngờ. Ba trường hợp điển hình là: - Hoa Lục thử nghiệm thành công phi đạn chống vệ tinh vào tháng 01-2007; - Gần đây nhất Hoa Lục cho bay thử chiến đấu cơ tàng hình J-20 trong cùng ngày với chuyến công du của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates vào tháng 01-2011. Các chuyên viên đánh giá Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng trên nhiều mặt để đối phó với chiến lược tổng hợp không-hải lực của Hoa Kỳ: - Cải tiến hoả tiễn chống tàu sân bay từ DF-21D (phạm vi 2000-3000 km) lên thành DF-25/26/27 (4000 km) vào năm 2020 nghĩa là ngang bằng với tầm hoạt động của các phi cơ X47B của Mỹ (còn trong vòng thử nghiệm); - Trang bị những dàn radar lưu động phát hiện máy bay tàng hình B-2, F-22 và F-35 ở tầm xa 330 – 500 km; - Theo sát gót Mỹ để nghiên cứu và thiết kế tia ánh sáng tử thần (laser) trên tàu chiến để chống phi đạn.
|