Điểm báo Pháp, ngày 01/04/2011 |
Tác Giả: Trọng Thành | ||
Chúa Nhật, 03 Tháng 4 Năm 2011 23:07 | ||
Côte d'Ivoire : Ngọn gió dân chủ và nguy cơ nội chiến
REUTERS/Emmanuel Braun Cuộc khủng hoảng Libya tiếp tục chiếm trang nhất của nhiều nhật báo Pháp. Le Figaro chạy tựa « Ngoại trưởng Libya bỏ rơi Kadhafi », với nhận định, đây là một thất bại chính trị nặng nề đối với chế độ Kadhafi. « Lực lượng vũ trang Tripoli hóa giải các đòn tấn công của liên quân và gieo rắc sự kinh hoàng » là hàng tựa trên Le Monde. Benghazi, thủ phủ của phe nổi dậy, một lần nữa lại bị đe dọa. Bên cạnh Libya - chủ đề số một của nhiều nhật báo Pháp, những diễn biến mới đây tại nước cộng hòa Tây Phi Côte d'Ivoire, hay còn gọi là Bờ Biển Ngà, được Le Figaro, Le Monde, La Croix và Libération đăng tải ngay trên trang đầu. Thủ đô Côte d'Ivoire Yamoussoukro rơi vào tay quân chính phủ « Côte d'Ivoire, những giờ cuối cùng của Gbagbo » là tựa đề chiếm toàn bộ trang nhất của Libération. « Côte d'Ivoire : ông Alassane Ouattara thắng thế » là một trong hai tựa đề chính trên trang nhất của Le Monde. Tờ báo mô tả cuộc tiến chiếm gần như không đổ máu của lực lượng ủng hộ Tổng thống hợp pháp Ouattara, tại Yamoussoukro, thủ đô chính trị của nước này, trong ngày hôm kia, thứ Tư 30/3, tức là hôm thứ ba, kể từ khi chiến dịch quân sự do Lực lượng vũ trang Cộng hòa Côte d'Ivoire (FRCI) được khởi động, nhằm trục xuất Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo, thất cử, nhưng không chịu rời chức vụ. Phóng viên của Le Monde tại Yamoussoukro cho biết, các thương thuyết bí mật với những người đứng đầu thành phố này là nguyên nhân chính giúp cho việc đụng độ vũ trang đã không nổ ra. Tại Dinh Tổng thống, vẫn còn một số lính bảo an ở lại, nhưng vải trắng đã được giăng trên những bức tường bao. Thủ đô Côte d'Ivoire đã rơi vào tay quân đội thân tổng thống Ouattara một cách nhẹ nhàng. Lực lượng thân Ouattara tiếp tục tiến về mục tiêu cuối cùng là Abidjian, thủ đô kinh tế của nước Cộng hòa Tây Phi. Các mốc chính của cuộc khủng hoảng Côte d'Ivoire Để giúp cho độc giả nắm được các diễn biến của cuộc khủng hoảng tại Côte d'Ivoire, tờ Le Figaro và Libération đã điểm lại những mốc chính. Trước hết là chiến thắng của ông Alassane Ouattara trong cuộc tranh cử Tổng thống vào ngày 28/10/2010 với hơn 54% số phiếu. Tuy nhiên, kết quả này đã không được Hội đồng Bảo hiến công nhận, kết quả là Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo tiếp tục tuyên bố sẽ ở lại vị trí thêm một nhiệm kỳ nữa. Ngày 16/12/2010, cuộc tuần hành ủng hộ ứng cử viên đắc cử Alassane Ouattara bị dìm trong máu, với tổng số 173 người bị thiệt mạng trong vòng một tuần. Quốc tế can thiệp một cách rất thận trọng để tránh những căng thẳng tại Côte d'Ivoire có thể bùng nổ thành nội chiến. Ngày 10/3/2011, Liên hiệp châu Phi khẳng định kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Ouattara. Tuy nhiên, Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo vẫn kiên quyết không chịu rời ghế. Trên thực tế, tỷ lệ những người ủng hộ ông Gbagbo vẫn còn rất cao tại nhiều nơi. Theo Le Figaro, có đến 55% cử tri ủng hộ Tổng thống mãn nhiệm tại Abidjian, thủ đô kinh tế của nước này. Nguy cơ xung đột chuyển thành nội chiến như vậy là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Cũng ngày thứ Tư 30/3, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với sự đồng thuận tuyệt đối đã đưa ra nghị quyết «kêu gọi » Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo rời khỏi chức vụ để nhường chỗ cho ông Ouattara. Abidjian bị vây chặt, nhiều binh sĩ thân cựu tổng thống đào tẩu Cũng theo Le Figaro, ngày hôm qua 31/3, thủ đô kinh tế Abidjian đã bị vây chặt. Vào buổi trưa, Thủ tướng của chính phủ mới đã cho RFI biết, các thương lượng đang được tiến hành với FDS, lực lượng phòng vệ và an ninh trung thành với Tổng thống mãn nhiệm, để lực lượng này chấp nhận hạ vũ khí. Một loạt sĩ quan cao cấp và binh lính của FDS đã đào tẩu, đặc biệt có thể kể đến Tổng tham mưu trưởng Philippe Mangou xin tỵ nạn tại sứ quán Nam Phi. Tối qua, Tư lệnh bộ binh của Gbagbo cũng tuyên bố đi theo quân của tân Tổng thống và kêu gọi binh lính dưới quyền làm theo. Hiện tại theo Le Figaro, cựu Tổng thống Gbagbo chỉ còn có trong tay vài nghìn binh sĩ, lực lượng này rõ ràng không đủ để bảo vệ thành phố, nhưng thừa đủ để làm cho cuộc tiến chiếm trở nên khó khăn. Bất chấp các thương lượng đang diễn ra, một số vụ đụng độ dữ dội đã nổ ra giữa lực lượng tấn công và những người trung thành với cựu Tổng thống xung quanh khu vực Abidjian. Thành phố Abidjian hôm qua vắng vẻ. Việc kiểm soát an ninh một phần nằm trong tay « Những người yêu nước», là những người sẵn sàng ủng hộ vô điều kiện cựu Tổng thống, và một số kẻ « lợi dụng tình trạng hỗn loạn để trả thù». Trực thăng của Lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Côte d'Ivoire (Onuci) tiếp tục tuần tiễu, cùng với các binh sĩ Pháp trong lực lượng gìn giữ hòa bình Licorne, để bảo vệ các kiều dân trước nạn cướp bóc có thể xảy ra. Chìa khóa của giải pháp hòa bình hiện nằm trong tay cựu Tổng thống, mà cho đến giờ vẫn chưa lên tiếng. Cho đến tối hôm qua, câu hỏi tương lai của Abidjian liệu có rơi vào cảnh đầu rơi máu chảy hay không thực sự vẫn còn chưa có lời giải. Theo tin giờ chót, có thể cựu Tổng thống Gbagbo đã chạy khỏi dinh để đến ẩn náu tại một khu vực đông người ủng hộ, cũng nằm trong khu vực Abidjian. Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng cảnh giác trước những "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" của lực lượng ủng hộ tân Tổng thống. Côte d'Ivoire có thể tránh khỏi nội chiến Mặc dù chiến sự tại Côte d'Ivoire chưa chấm dứt, với hàng tựa « Sụp đổ », bài xã luận của Libération đã đưa ra nhận định về ý nghĩa quan trọng của những diễn biến mới đây tại quốc gia Tây Phi này. « Ngọn gió tự do chuyển thành bão táp đang thổi bay những nhà độc tài Phi Châu. (…) Cách đây chỉ vài ngày thôi, kịch bản tồi tệ nhất dường như không thể tránh khỏi, với các hận thù chồng chất và bạo lực tràn lan. Tại Châu Phi, nhiều tiếng nói bất bình chỉ trích mạnh mẽ Phương Tây và liên quân quốc tế chỉ quyết định hành động để bảo vệ Benghazi, nhưng lại bỏ rơi Abidjan. (…) Cần phải có sự bình tĩnh, kiên nhẫn và khéo léo của ông Alassane Ouattara và những người ủng hộ ông mới có thể cô lập được cựu Tổng thống Laurent Gbagbo, dần dần từng bước một, cho đến giờ sụp đổ cuối cùng ». Theo Libération, « Chiến thắng tại Côte d'Ivoire vang dội khắp Châu Phi, trong bối cảnh khả năng chuyển hóa dân chủ qua con đường bầu cử tại Côte d'Ivoire bị đe dọa, Châu Phi bị chia rẽ, Liên Hiệp Quốc thì chậm trễ, còn Phương Tây dường như đôi lúc tỏ ra bất lực. Nhưng cuối cùng, chính sự cương quyết của Tổng thống Mỹ Obama, hoạt động trong hậu trường của Pháp và việc Nam Phi chấp nhận tham gia, đã làm nên chuyện. Trước mắt, Châu Phi và Phương Tây có cùng một nghĩa vụ : giúp Côte d'Ivoire đang rơi vào khủng hoảng, với 1 triệu người ly tán, 100 nghìn người phải tỵ nạn sang Liberia, để dập tắt hoàn toàn những mầm mống cho một cuộc nội chiến ». « Rùa thiêng Hà Nội » có nguy cơ bị chết, cả nước lo lắng Với tựa đề, « Rùa thiêng Hà Nội có nguy cơ bị chết, cả nước lo lắng », Libération chú đến một diễn biến từ một tháng nay tại Việt Nam, và hiện vẫn còn tiếp tục gây sự chú ý trong dư luận. Tờ báo mở đầu với câu hỏi : « Các huyền thoại phải chăng rồi cũng sẽ chết ? ». Huyền thoại về rùa Hồ Gươm, đang được lưu truyền, gắn một cá thể rùa mai mềm, nặng gần hai tạ tại hồ này, với truyền thuyết kể về Rùa thần thế kỷ XV đã trao gươm cho vua Lê Lợi trong cuộc chiến đánh đuổi quân xâm lược Trung Quốc. Về chuyện này, có rất nhiều quan điểm khác nhau. Libération dẫn ra hai trong số đó. Quan điểm thứ nhất của một thanh nữ 22 tuổi, cho rằng, dù không tin vào câu chuyện này, con vật trong hồ vẫn tượng trưng cho sự độc lập của Việt Nam trước Trung Quốc. Còn nhà giáo Phạm Toàn, một nhà trí thức sống tại Hà Nội, thì hết sức ngạc nhiên vì sự chú ý thái quá dành cho vụ việc này. Ông khẳng định: « Các lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam cố gắng bảo tồn huyền thoại về con rùa, để cho chính họ được có chân trong phả hệ các anh hùng lịch sử của Việt Nam, giống như Lê Lợi trước kia ». Theo Libération, người Việt Nam, vốn mê tín, họ coi việc « lá bùa hộ mệnh bốn chân » bị chết là một điềm rất xấu. Nhiều người lo ngại trước sự bành trướng của người láng giềng khổng lồ phương Bắc. Hà Nội đã phải huy động khẩn cấp cả một hội đồng gồm nhiều chuyên gia để bàn việc cứu rùa. Một « bệnh viện » đã được lập nên ngay tại chỗ, nhưng « cụ rùa », như nhiều người Hà Nội vẫn kính cẩn gọi như vậy, đã chạy thoát. Mỗi lần rùa nổi lên, hàng đoàn người kéo đến hồ xem, khiến giao thông tắc nghẽn. Theo một thanh niên, nhìn được rùa một lần là rất may mắn, anh tâm sự với nỗi niềm lo lắng : "Nếu rùa không còn, Hà Nội cũng không còn như xưa". Còn theo Libération sự đa dạng sinh học, vì thế, cũng bị mất đi. Bởi, chủng loại rùa Hồ Gươm trên thế giới chỉ có ba, mà trong đó, hai con kia … lại ở bên Trung Quốc. Pháp cân nhắc không tăng giá khí đốt trước bầu cử Tổng thống 2012 Les Echos chú ý đến việc chính phủ Pháp đang bàn về việc không tăng giá khí đốt, từ nay cho đến kỳ bầu cử Tổng thống 2012. Phủ Thủ tướng Pháp trưa nay, có cuộc họp liên bộ để bàn về vấn đề giá xăng dầu, khí đốt và điện. Les Echos nhận định, giá khí đốt tăng trung bình 5% kể từ hôm nay, có nghĩa là 20% trong vòng một năm qua. Việc tăng giá thêm một lần là điều rất có thể xảy ra trong cơn sốt giá cả năng lượng tăng vọt. Tuy nhiên điều này sẽ bất lợi về chính trị, khi các cuộc bầu cử quan trọng đang đến. Đó cũng là lý do của việc chính phủ đang xem xét việc giữ nguyên giá khí đốt. Thượng viện Pháp lại thảo luận về quyền nghiên cứu trên thai nhi Theo La Croix, tại Pháp, các nhà khoa học chủ trương nghiên cứu trên bào thai người đã giành được một thắng lợi nhất định, khi Thượng viện chấp nhận xem xét, trong tuần tới, kiến nghị của họ về việc bãi bỏ lệnh cấm nghiên cứu trên thai nhi, và dự trù cho phép nghiên cứu với các quy định chặt chẽ. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục gia tăng sức ép. Ngày hôm qua một nghiên cứu về bệnh Steinert, tức chứng loạn dưỡng cơ, vừa được công bố trên tạp chí Cell Stem Cell. Có khoảng 7.000 người Pháp bị mắc chứng bệnh này. Bắt đầu từ các tế bào gốc của bào thai bị mắc chứng bệnh này, một nhóm nghiên cứu Pháp đã khu biệt được các tế bào thần kinh bị bệnh, và nhờ thế hiểu rõ hơn một phần cơ chế của những rối loạn trong quan hệ giữa hệ thần kinh và các cơ bắp. Nghiên cứu này được đánh giá là, lần đầu tiên soi sáng được cơ chế của bệnh loạn dưỡng cơ, và mang lại nhiều hy vọng cho sự ra đời của các trị liệu mới đối với chứng bệnh nan y này. Ngược lại hoàn toàn với quan điểm ủng hộ việc thực nghiệm trên thai nhi, một số nhà hoạt động chính trị và hoạt động xã hội lại cho rằng, việc nghiên cứu trên thai nhi là không thể chấp nhận được, với lý do « Nhân danh chăm sóc sức khỏe con người, nghiên cứu này đã lạm dụng mạng sống con người ». Bộ trưởng Y tế Pháp, Xavier Bertrand, đứng về phía duy trì lệnh cấm, nhưng cũng để ngỏ cho một số trường hợp ngoại lệ, được đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt. Theo La Croix, trận chiến trong lĩnh vực y học bào thai tại Pháp chỉ mới bắt đầu. |