Home Tin Tức Thời Sự Điểm báo Pháp Quốc ngày 02/O4/2011

Điểm báo Pháp Quốc ngày 02/O4/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 03 Tháng 4 Năm 2011 15:13

Với Libya, Trung Quốc mới thấm thía những khó khăn của một cường quốc kinh tế

Nhóm người lao động Trung Quốc đầu tiên hồi hương từ Libya (AFP)

Trong khi các nước phương Tây sốt sắng trong giải pháp can thiệp quân sự tại Libya, Trung Quốc luôn phản đối chính sách can thiệp. Nước này đã không bỏ phiếu trong cuộc biểu quyết nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Le Monde đặt câu hỏi : thế cuộc kinh tế mới hiện nay phải chăng sẽ buộc nước này phải xem xét lại đường lối của mình, để có một vai trò tích cực hơn tại các nước Châu Phi, vốn đang bị cuốn vào các phong trào phản kháng dữ dội ?

Bài viết của Le Monde mang tựa đề « Trung Quốc đối mặt với các đầu tư tư bản đầy rủi ro » (La Chine face au capitalisme-risque) cho biết, « Bắc Kinh kiếm được các thị trường trị giá nhiều tỷ đô la ở Libya, đột ngột phát hiện ra những mặt trái của một cường quốc kinh tế ».

Trước khi xảy ra xung đột tại Libya, có gần 75 tập đoàn Trung Quốc, trong đó có hơn 10 tập đoàn nhà nước, hoạt động tại Libya. Giá trị các hợp đồng lên đến khoảng 20 tỷ đô la. Do có kinh nghiệm và giá cả cạnh tranh, những tập đoàn này đã được ông Kadhafi bố trí cho một chương trình qui mô về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và xây dựng nhà ở. Hàng trăm công ty của Nga, Bra-xin, Ấn Độ cũng lao vào chia phần chiếc bánh trị giá hơn 100 tỷ đô la của chương trình đầu tư cho tương lai Libya.

Một chuyên gia thuộc viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Libya thoát khỏi lệnh cấm vận vào đầu năm 2000, lúc đó nước này đang thiếu nhân công trầm trọng, vì thế các công ty Trung Quốc nắm lấy thời cơ tìm đến Libya trong khi quan hệ giữa hai nước lúc bấy giờ không mấy tốt đẹp.

Trung Quốc đã bỏ phiếu đồng ý thiết lập các biện pháp trừng phạt đối với Libya hồi cuối tháng giêng. Thế nhưng sau đó, nước này không tham gia biểu quyết nghị quyết 1973 về việc can thiệp quân sự vào Libya. Trưởng khoa Khoa học chính trị và Nghiên cứu quốc tế của Đại học Hồng Kông ông Jean-Pierre Cabestan nhận định, đây là cách ứng xử quen thuộc của Bắc Kinh, lần này Trung Quốc làm như vậy là để giữ mình ngoài cuộc chiến, nhằm theo dõi diễn biến của dư luận các nước Hồi Giáo.

Đối với Bắc Kinh, quyền lợi kinh tế quan trọng hơn hết. Tình hình tồi tệ tại Libya đã khiến cho Bắc Kinh vội vã thực hiện chiến dịch hồi hương lớn nhất từ trước đến nay, là đưa hơn 35 000 lao động Trung Quốc về nước. Một chuyên gia Pháp nhận định, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho người dân thấy rằng tính mạng người dân là trên hết, chính phủ sẵn sàng làm mọi điều cần thiết để bảo vệ người dân, để cho người dân thấy chính phủ Trung Quốc khác hẳn so với chính phủ các nước Hồi Giáo có các phong trào nổi dậy.

Ở những nước lân cận có nguy cơ tiếp diễn cách mạng Hoa Lài, ước tính có đến 150 000 người lao động Trung Quốc. Với việc mở rộng phạm vi lợi ích như vậy, Trung Quốc dĩ nhiên phải củng cố tiềm lực quốc phòng. Nước này đã cử một khu trục hạm có trang bị tên lửa đến vịnh Aden, để bảo vệ các tàu chở người Trung Quốc khỏi Libya nhằm đề phòng hải tặc trong khu vực. Theo Le Monde, hải quân Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành một chiến dịch như vậy.

Một chuyên gia chiến lược thuộc Asia Centre đánh giá, "Libya là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy mọi hoạt động về kinh tế hay mọi sự hiện diện của con người, với quy mô lớn, đều cần có các biện pháp an ninh tương ứng. Sẽ đến lúc, đi kèm với các đoàn lao động xuất cảnh, là các chiến hạm. (...) Thời kỳ các cường quốc chính trị « cũ » và Hoa Kỳ độc quyền để can thiệp quân sự bảo vệ an ninh sắp qua rồi."

Xung đột trong thế giới Hồi Giáo làm cho Bắc Kinh vô cùng lo lắng, do giá dầu leo thang và nguy cơ lạm phát ngày càng tăng ở Trung Quốc. Le Monde cũng cho biết, các công ty Trung Quốc hoạt động ở Bắc Phi và Trung Đông bị tổn thất to lớn. Lượng hợp đồng mới được ký giảm đến hơn 50% trong hai tháng đầu năm 2011. Tất cả các dự án của Trung Quốc ở Libya đều bị hoãn lại. Bộ thương mại Trung Quốc thừa nhận : các công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Về sự việc này, một chuyên gia quản lí rủi ro thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định, các công ty Trung Quốc chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với những bất ổn chính trị như thế này. Theo chuyên gia này, trong chiến lược đầu tư, các công ty cần xem xét kỹ tình hình chính trị ở nước được đầu tư.

Pháp giúp Nhật Bản trong hạt nhân : một sự giúp đỡ không hoàn toàn vô tư

Liên quan đến quan hệ Pháp-Nhật, với bài viết « Pháp giúp Nhật Bản : một sự giúp đỡ không hoàn toàn vô tư», Le Monde thông tin về chuyến thăm Nhật Bản của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Tờ báo cho biết, quốc đảo này vẫn là thị trường béo bở của tập đoàn năng lượng Avera của Pháp.

Ngày 28/3 Nhật Bản chính thức lên tiếng nhờ Pháp tiếp tay khắc phục sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima, thì ngày 31/3, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đến Tokyo với một phái đoàn hùng hậu: bộ trưởng bộ kinh tế, lãnh đạo tập đoàn Areva và nhiều quan chức và kỹ sư hạt nhân. Người đứng đầu tập đoàn Areva sẽ ở lại Tokyo đến hôm nay, để bàn bạc cụ thể những điều Nhật cần hỗ trợ.

Sáu chuyên gia năng lượng nguyên tử của Pháp đã có mặt ở Nhật, trong tuần tới con số này có thể lên đến 20. Ngoài nhân lực, Pháp còn đề nghị hỗ trợ người máy để can thiệp vào những vùng có nguy hiểm cao. Pháp cũng tham gia hỗ trợ giai đoạn hậu thảm họa để khắc phục hậu quả cho con người và môi trường.

Riêng đối với hãng Areva, mục đích lần này cũng là muốn đánh bóng lại hình ảnh của mình, sau việc các kỹ sư của hãng làm việc ở khu vực nhà máy Fukushima « bỏ của chạy lấy người » về Châu Âu khi xảy ra động đất. Người điều hành Areva khẳng định, sẽ giúp Nhật trong thảm họa này.

Theo Le Monde, Nhật Bản vẫn là thị trường quan trọng của Areva. Những năm vừa qua, hãng này đã ký kết hợp đồng đối tác với nhiều tập đoàn của Nhật trong nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có cả sản xuất thanh nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Tập đoàn này cũng nhận xử lý trên đất Pháp, rác thải công nghiệp đến từ Nhật Bản. Areva cũng đảm nhận việc chuyển giao công nghệ xây dựng một khu xử lý rác thải hạt nhân trên đảo Hokkaido. Areva cũng bán thanh nhiên liệu MOX cho nhiều công ty điện lực Nhật Bản.

Phương Tây nghi ngờ có Al-Qaida trong hàng ngũ quân nổi dậy ở Libya

Tiếp tục thông tin về chiến sự tại Libya, Le Figaro có bài « Tình báo phương Tây nghi ngờ có Al-Qaida trong hàng ngũ quân nổi dậy ».

Phát biểu trước thượng viện Hoa Kỳ, đô đốc hải quân James Stavridis, chỉ huy trưởng NATO ở Châu Âu, cho biết có khả năng lực lượng Al-Qaida len lỏi trong quân nổi dậy. Một cựu quan chức của CIA cũng cảnh báo, phải rất cẩn trọng trong quyết định hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy ở Libya, vì người Libya nằm trong số những người đầu tiên xây dựng căn cứ huấn luyện riêng ở Afghanistan trong những năm 1980, hiện tại họ giữ nhiều trọng trách quan trọng bên cạnh Ben Laden.

Hoa Kỳ biết rõ, Libya là một trong những nơi chính cung cấp chiến binh Hồi Giáo nước ngoài tham chiến tại Irak. Trong những năm 2006-2007, lính quốc tịch Libya tham chiến ở Irak lên đến 112 người, chỉ sau Ả Rập Xê Út, qua mặt Algeria, Syria và Yemen.

Một thông tin gây quan ngại khác, đó là thành phố Darnah, một trong những cứ địa của quân nổi dậy chống Kadhafi, là thành phố cung cấp nhiều chiến binh Hồi Giáo nhất, hơn cả thành phố Riyad của Ả Rập Xê Út. Trong 112 chiến binh Libya vừa kể trên, có đến 53 người đến từ Darnah, 21 người đến từ Benghazi, thủ phủ của phe nổi dậy chống lại chính quyền Tripoli.

Theo Le Figaro, chiến binh Hồi Giáo Libya được xem là những người sẵn sàng tấn công cảm tử. 85% trong số họ sẵn sàng tử vì đạo.

Từ lâu, Darnah và Benghazi là cứ địa của phong trào Hồi Giáo cực đoan. Giữa những năm 1990, hai thành phố này cũng đã nổi dậy, đến mức ông Kadhafi phải dùng đến trực thăng chiến đấu để đàn áp. Những năm gần đây, người Libya ngày càng lớn mạnh trong phong trào thánh chiến thế giới.

Nhiều chiến binh Libya đã chết ở Irak. Có người bị bắt giam khi một cơ sở Al-Qaida ở Bagdad bị phá vỡ. Giới tình báo phương Tây đang đang theo dõi sát sao những cựu binh Hồi Giáo trở về Libya từ Irak để ước lượng số người trong số họ tham gia vào lực lượng quân nổi dậy.

Một đài phát thanh thành phố Darnah còn phát lời kêu gọi « Hỡi các chiến hữu đã từng chiến đấu ở Irak và Afgahnistan, đã đến lúc trở về bảo vệ đất nước ». Một nhà ngoại giao Pháp cảnh báo nguy cơ lập lại sai lầm của Mỹ ở Afghanistan, nhắc lại rằng, trước kia Hoa Kỳ cũng đã cung cấp vũ khí cho các chiến binh Hồi Giáo, để rồi sau đó các chiến binh này lại dùng vũ khí được hỗ trợ chống lại lực lượng đồng minh.

Le Figaro kết luận, ở Libya, những người có cảm tình với Al-Qaida đang che dấu tình cảm thật sự của họ. Hiện tại, họ cần phương Tây giúp họ loại trừ Kadhafi để giành lấy quyền lực. Cũng giống như phe nổi dậy người Hồi Giáo Shia ở Irak, họ « giang rộng dòng tay » đón quân đội Mỹ vào năm 2003 để đạt được quyền lực, để rồi sau đó lại quay mũi súng về hướng Hoa Kỳ.

Phụ nữ Pháp vẫn còn chịu nhiều thua thiệt !

Đến với xã hội Pháp, Libération phản ánh về tình hình bất bình đẳng giới ở nước này với bài viết « Bản tuyên ngôn mới của những người đấu tranh cho nữ quyền ».

Ngày 5/4/1971, 343 phụ nữ Pháp đã ký tên vào bản tuyên ngôn đòi quyền được phá thai tự do. Khi đó, họ chọn báo Le Nouvel Oberservateur để đăng bài. 40 năm sau, những người đấu tranh cho nữ quyền ở Pháp chọn tờ Libération để thông cáo bản tuyên ngôn mới. Họ đến từ nhiều tầng lớp trong xã hội : diễn viên, ca sỹ, nhà văn, giảng viên, nhà nghiên cứu …

Đối với thế hệ đấu tranh mới này, vấn đề bình đẳng giới là một vấn đề chính trị trọng đại, chứ không phải chỉ là một trò trêu chọc cánh mày râu.

Bản tuyên ngôn lần này nói về quyền phá thai tự do, bạo hành giới, tiền hưu, lương chênh lệnh giữa nam và nữ, công việc nội trợ, hay điều kiện tiếp cận quyền lực của phụ nữ …

Trong đời sống chính trị cũng như thường nhật, phụ nữ Pháp hiện còn chịu nhiều thiệt thòi. Libération cũng thông tin thêm rằng Pháp được xếp thứ 46 trong bảng xếp hạng về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới.

Tình hình Côte d’Ivoire trên trang nhất các nhật báo Pháp

Le Monde, Libération và Le Figaro quan tâm đến tình hình xung đột tại Côte d’Ivoire/Bờ Biển Ngà giữa người ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Gbagbo và tân thổng thống dân cử Ouattara.

Trang nhất nhật báo Le Monde có bài « Trận đánh Abidjan, sự sụp đổ của Gbagbo », Libération có bài « Bờ Biển Ngà, Gbagbo bị đánh bại », còn trang nhất Le Figaro chạy tựa lớn « Bờ Biển Ngà, Gbagbo và dấu chấm hết ». Cả ba tờ báo điều cho biết, những người ủng hộ ông Gbagbo đã phải tháo chạy khi lực lượng ủng hộ ông Ouattara chiếm thành phố Abidjian vào sáng ngày 1 tháng 4.